Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Sáu, 20 tháng 4, 2018

Đường đi của rừng, của cây


>> Trách ai, Đà Nẵng?
>> Phú Quốc- cần một cuộc đại phẫu!
>> Dân ghét cán bộ – Bi kịch từ đâu?
>> Thức ăn của cái ác


Thiên Tường
(TBKTSG) - Mươi ngày trở lại đây, dồn dập trên mặt  báo những chuyện phá rừng, mất cây. Vụ “hạ sát” rừng phòng hộ” ở Quảng Nam được miêu tả là “đại công xưởng giữa rừng già”, “Vụ tận thu rừng ở Phú Yên: chặt 10, báo 1”, vụ “Phá rừng chiếm đất ở vịnh Vân Phong”... Bên cạnh những dòng tin về việc khởi tố vụ án phá rừng ở Quảng Nam, Phú Yên là dòng tin “Mất rừng, cả ban thường vụ huyện ủy bị khiển trách” ở Dak Nông. Dù vậy, điều nhức nhối trong lòng người đọc vẫn là sự bất lực của chính quyền. Bất lực về khả năng phòng ngừa, xử lý với những lời giải thích vòng vo, đổ thừa, dung túng và không loại trừ sự tiếp tay mà không chịu nhìn nhận rằng để xảy ra tất cả những điều này trách nhiệm quản lý thuộc về mình.

Sự bất lực đó được báo chí khắc họa rõ nét khi mổ xẻ Công văn 1705 của UBND tỉnh Quảng Nam về “triển khai một số nhiệm vụ cấp bách trong công tác quản lý, bảo vệ rừng”. Ở điểm nóng về phá rừng này, yêu cầu cán bộ, viên chức, người lao động trong ngành kiểm lâm ký cam kết không dung túng, bao che, tiếp tay cho đối tượng phá rừng... phỏng có ý nghĩa gì? Có chăng là nó cho thấy, từ thực tế các vụ án thời gian qua, chính lực lượng chấp pháp này là thủ phạm, đồng phạm phá rừng! Mà đã như thế thì cứ theo luật mà xử, xử thật nghiêm, kể cả tội thiếu trách nhiệm và không thể bỏ qua trách nhiệm chính trị của người đứng đầu đơn vị, địa phương.

Nếu vẫn cứ loay hoay với việc hô khẩu hiệu, giải pháp hình thức trên giấy như thế này, tình trạng phá rừng chỉ có thể chấm dứt khi không còn rừng để phá nữa!

Cũng trong tuần, đường đi của ba gốc cây cổ thụ “khủng”  xuất phát từ Daklak qua nhiều tỉnh thành để ra Bắc, chỉ bị phát hiện và tạm giữ khi qua địa bàn Thừa Thiên - Huế, thu hút sự theo dõi của dư luận. Với loại hàng hóa quá khổ di chuyển chậm chạp trên tuyến đường dài như vậy mà con mắt của lực lượng tuần tra cảnh sát giao thông các nơi không quét tới thì quả là không thể không giải trình, kể cả với vụ một gốc cây cổ thụ khác bị nghi là của một cựu lãnh đạo của lực lượng này đã về trót lọt tới Hưng Yên. Tiền sử vi phạm có hệ thống của đơn vị vận tải này cũng đã bị phơi bày. Nhưng nguồn gốc của các cây, sau những hỏa mù thông tin, thì hóa ra hợp pháp cả, nó mọc trong vườn nhà dân và bị đào lên để bán. Rốt cuộc, công an phạt chủ xe và tài xế vi phạm, rồi người ta hạ khổ cây, giải phóng nó về với chính chủ.

Có lẽ với cơ quan quản lý nhà nước, chuyện những cái gốc cây đến đây là chấm hết. Nhưng người viết vẫn muốn dõi theo đường đi tiếp của những gốc cây này. Nó sẽ được đưa đến đâu, làm gì, như thế nào, vì sao cứ phải đến đó mới được? Mấy năm trước, khi đọc tin một khu đô thị mới ở phía Bắc được Hội Kiến trúc sư Việt Nam trao giải “công trình kiến trúc xanh”, trước đó rồi nghe chủ đầu tư quảng cáo sản phẩm của mình là “phố trong rừng” người viết đã lần tới nơi. Cũng xanh thiệt nhưng mà hỡi ôi, một màu xanh... ích kỷ! Ở đó có cả một “vườn ươm” cây cổ thụ được đặt tên, dựng bảng hiệu. Trên mấy chiếc  xe tải khổ lớn đậu cạnh vườn này, những gốc cây to không thua gì những gốc cây xuất hiện trên báo chí mấy ngày qua nhưng chiều dài thì hơn đứt còn chưa kịp được dỡ xuống. Không biết cư dân ở đây có thắc mắc nguồn gốc của “khu rừng” mà mình đang sống trong đó?

Lẽ thường phá rừng là để lấy gỗ, nhưng cũng có kiểu phá rừng để xí đất rao bán như mới xuất hiện ở Vân Phong hay phá rừng, chặt cây để đem về làm kiểng trong dự án, vườn nhà mình. Có hành vi vi phạm pháp luật  cụ thể hay không, trách nhiệm xử lý thuộc về cơ quan chức năng chuyên môn. Nhưng đường đi của rừng, của cây còn là đường đi của trách nhiệm quản lý chung và cả lối sống. Không gì phản cảm hơn hình ảnh nhà của cán bộ kiểm lâm dát toàn gỗ quý dù có chứng minh được rằng gỗ đó do... nhập khẩu. Cũng vậy, sinh thái, nhân văn gì một khu đô thị hay mảnh vườn nhà khi cưỡng bức sự sống của những gốc cây cổ thụ, chắc gì có thể “ươm” nó lại tươi tốt như cũ. Nơi này được thì nơi kia mất, có cầu thì có cung. Rừng, cây sẽ còn chảy máu...

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: