Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Bảy, 14 tháng 4, 2018

Sao lại không được sử dụng Internet làm nguồn tham khảo?




Chu Mộng Long
14.4.2018

Internet đang giành thế ưu thắng về mọi mặt. Tôi không phủ nhận văn hóa sách, nhưng dù muốn hay không, Internet đã làm thay đổi toàn diện văn hóa nhân loại bằng sức mạnh của nó. Sức mạnh đó chính là sự nhanh nhạy, tiện dụng, dồi dào, đặc biệt là kết nối thông tin đa chiều.

Nhiều trang web đang là kho lưu trữ khổng lồ mà không thư viện nào chứa nổi.

Hàng ngày những ông bà nhà báo, những ông bà nhà khoa học vẫn dùng Internet. Họ dùng bằng nhiều cách: đọc, tra cứu, cập nhật thông tin,… Thậm chí khi thấy xuất bản sách, báo bị ế, tức không người đọc, tức không thể nổi danh, họ viết và truyền bá sản phẩm của mình trên Internet.

Tôi nói thật rằng, hàng ngày tôi phải dùng Internet để đọc, để tra cứu, cập nhật thông tin. Nhiều nguồn Từ điển, nhiều sách khoa học tiếng Việt lẫn tiếng Anh tôi phải lấy từ các thư viện điện tử, vì tôi không có điều kiện và tiền để mua sách. Tôi không thuộc loại háo danh, vì càng có danh càng thêm phiền toái. Nhưng tôi thích viết Internet hơn vì không bị biên tập, cắt xén, không phải chờ báo đăng hay phải đi đóng tiền cho mấy nhà xuất bản để nuôi kẻ kinh doanh sách. Đặc biệt viết Internet là để mang thông tin đến cho bạn đọc đông đảo và kịp thời, kể cả chấp nhận sự phê phán kịp thời để học hỏi.

Đó là lý do tôi có đến 4 tập bản thảo dày, nhưng chưa in sách.

Tôi thật ngạc nhiên khi nhiều lần nghe rằng, mỗi khi gặp ai đó, nhất là học trò làm luận văn, luận án đưa Internet vào nguồn tham khảo, lập tức những ông bà trên kia trịnh trọng khuyến cáo: “Internet là nguồn không đáng tin cậy”. Lại còn nhấn thêm: “Nguồn Internet không thể kiểm chứng”.

Vậy sách, báo là nguồn đáng tin cậy, dễ kiểm chứng? Trong khi đến Kinh Thánh, Kinh Phật, và các loại Kinh từ xưa đến nay từng có vô số cách chú giải và bị mang ra mổ xẻ, cãi nhau triền miên, huống hồ là sách báo của thời thổ tả này. Đã sai sót thì đến sách giáo khoa gọi là “chuẩn pháp lý” cũng sai sót, thậm chí sai sót nghiêm trọng, dù đã có hội đồng thẩm định. Một định kiến chủ quan thôi đã có thể sai vạn dặm, dù người đó có trình độ cao siêu cỡ nào. Chẳng hạn khi đưa Nam quốc sơn hà vào SGK lớp 7 đổi mới, người biên soạn cố công giải thích theo định hướng, rằng “định phận” thì “định” phải là “quyết định”, phận là rút gọn của “giới phận”, “địa phận”, là phần đất đã được giới hạn…”. Trong khi lại giải thích “thiên: trời, thư: sách”, “Thiên thư” là sách trời. (Ngữ văn7, tr.2). Một mặt, người soạn sách không muốn xem “định phận” thuộc nội hàm của Thiên mệnh trong tư tưởng Nho gia, đánh tráo vấn đề lãnh thổ là đường biên giới cố định, nhưng mặt khác, lại thừa nhận có “sách trời” một cách duy tâm cuồng tín và đầy mâu thuẫn. Vì cố định hướng theo cách hiểu của mình nên dẫn đến thoát ly khỏi văn bản và làm cho cả hai mặt đều sai. Đất nước chưa bao giờ cố định mà di chuyển tùy từng lúc quốc gia mạnh yếu khác nhau, còn biên giới lãnh thổ là do con người tạo ra chứ chẳng có sách trời nào cả.

Trong văn bản, câu “Tiệt nhiên định phận tại thiên thư”, “định phận” hay “thiên thư” thuộc vấn đề Thiên mệnh chứ chẳng là gì khác mà cứ phải định hướng cho hại não học sinh. Đã gọi là “bài thơ thần”, mượn thần linh đe dọa quân giặc, hiển nhiên tác giả phải sử dụng thuyết Thiên mệnh chứ cố tình bẻ lái làm gì?

Tôi không giỏi về Hán học, nhưng biết cách đọc và biết hoài nghi bằng cách tra cứu, truy nguyên tận cùng. Một vài giáo sư cũng rất giỏi Hán học, nhưng cứ nhất quyết “hy sinh” là mang nghĩa “cái chết trang nghiêm”, từ “giao hoan” không có nghĩa là “quan hệ xác thịt” rồi cãi, trong khi từ ngữ đâu chỉ biết mặt chữ hay tra vài quyển từ điển là… biết tuốt?

Khi nào rảnh, tôi lôi cả đống các quyển Đường thi do các nhà Hán học biên soạn để chỉ ra cách dịch rất tùy tiện, chủ quan vì họ tưởng người đọc đến thời chữ Quốc ngữ chỉ còn lại toàn bọn mù chữ nên phán gì cũng được!

Căn bệnh xem sách ta là chuẩn, ta có danh thì là ta nói đúng, cho nên mới có cái họa Từ điển Nguyễn Lân.

Khái niệm “tham khảo” không có nghĩa là phải dựa vào chuẩn nào, trừ những kẻ mắc bệnh cuồng tín, không dám trình bày chính kiến đến mức cứ phải mở mồm ra là theo mẫu “Tử viết…”, “Mác viết…” một cách nô dịch. Tham khảo của khoa học hiện đại là dựa vào một nguồn hay nhiều nguồn và chấp nhận trò chơi tương tác: tương tác giữa ta và người đi trước, giữa các ý kiến khác biệt nhau, khác với lối tầm chương trích cú xưa.

Trong sự tương tác ấy, theo tôi, chỉ có Internet mới là môi trường dễ kiểm chứng nhất. Thời chưa có Internet, những quyển sách được gọi là “kinh điển” mới thống trị niềm tin nhân loại cả ngàn năm, Từ điển Nguyễn Lân và những sách tương tự như Nguyễn Lân mới có khả năng nhồi sọ niềm tin con người cả thế kỷ. Hiện nay, trò lưu manh học thuật vẫn tồn tại vì nó lẩn trốn vào trong các quyển sách ít người đọc, sách cho, biếu, tặng để làm sang. Còn khi đã phô ra trên Internet thì… loại sách ấy hết đường sống, đến mức một chữ bịp bợm lẩn trốn trong rừng chữ của sách trước sau cũng bị vạch mặt!

Internet có cả thật lẫn giả, có tinh hoa lẫn rác trong mối quan hệ tương tác đa chiều của nó. Với tôi, kẻ làm khoa học không biết sử dụng thông tin trên Internet làm nguồn tham khảo rồi tri hô Internet “không đáng tin cậy” hay “không thể kiểm chứng” là loại cáo chê nho xanh hay kẻ… mù chữ. Kẻ mù chữ thường từ chối văn minh, nếu không thì là bảo thủ, học phiệt. 


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: