Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Chủ Nhật, 22 tháng 4, 2018

LÊN KHUỔI ĐÀO


Truyện ngắn trong tập "Bánh xe hạnh phúc" XB HNV 2013
        Hồng Giang


Kết quả hình ảnh cho Ảnh chim công?
K
   Lên
Khuổi
   Đào


Không nhớ ngày nào, tháng nào năm trước, có một lần tôi gặp chim công? Khi ấy là hoàng hôn, nền trời màu đỏ, con công xanh đậu trên hòn đá trắng. Không phải màu trắng tinh khiết, tảng đá có màu trắng bàng bạc, không gợi một điều gì cả. Tôi biết nó là con chim cô đơn. Cái cổ cao cao của nó ngơ ngác. Hình như nó nghe thấy tiếng bìm bịp kêu cuối ngày. Tiếng của giống chim thô lậu, vừa ể oải vừa buồn phiền. nó biết không phải tiếng đồng loại nên chẳng có vẻ gì là hưởng ứng. Công là giống chim kiệm lời, nó chẳng bao giờ kêu dễ dãi như thế. Nó nhón chân đi rất nhẹ trên tảng đá cao chừng nửa vòng, rồi vút bay đi. So với đồng loại, nó nhỏ hơn một chút, nhưng tinh khôn và có bộ lông đẹp mê hồn. Con mái không có gì đặc biệt. Nó to gần bằng con gà tây, bộ lông xám như lông ngỗng.

Có lúc tôi băn khăn về giống chim này. Sao con mái lại không mang vẻ đẹp thường thì dành cho phái yếu? Con đực có cái mào rất lạ, màu đỏ cờ trông xa

như một cục than đỏ, nhấp nhánh như khi bén lửa. Sải lông đuôi của nó rực rỡ, mỗi chiếc lông như có con mắt nhìn rộng ra xung quanh. Cái dải đuôi dịu dàng ấy nhún nhảy, rung động như chiếc quạt hoa trong tay người
đẹp. Ngày trước mẹ tôi bảo: "Nem công,  chả phượng là món tiến  vua.".Nghe thì biết vậy thôi. Thịt công như thế nào tôi chỉ hình dung trong đầu. Tạng người như tôi làm sao có được? Tôi không ngờ lại có ngày được ăn thịt chim công, ăn theo kiểu đơn sơ của người H’Mông.
        Mấy hôm trước ông Giàng Chu nhắn tôi lên gấp, tôi  dặn ông nếu thấy công đực báo cho tôi một tiếng. Anh bạn tôi nuôi một con công cái mấy năm  nay mà chưa tìm ra con đực. Thành thử con mái của anh vẫn đơn chiếc. Dù vậy nó vẫn phải làm bổn phận mà trời phân công cho con mái,đẻ ra cái ổ làm bằng rơm nếp những quả trứng tròn. Ban đầu cũng được ấp thử, mãi mà không thấy công con tách vỏ ra đời. Thì ra giống công cao sang là vậy, vẫn phải tuân theo luật của muôn loài. Không thể không theo âm dương chuyển dịch, một cách tự nhiên. Thôi đành phải ăn! Anh bạn tôi bảo: "Trứng công ăn rất thơm. Vị thơm của nó đặc biệt, nửa như mùi hồi, nửa như mùi quế". "Nhưng ăn trứng công thì tiếc lắm!" Tôi bảo thế anh gượng cười: “Biết làm sao được? Không có sống, trứng công chỉ có giá trị hơn trứng gà một chút!” Tôi nói: “sao anh không nhờ người ta sinh sản vô tính?" Anh bảo: " Tốn kém lắm, ngành khoa học này tỉnh ta chưa có. Nơi có, chưa chắc người ta đã nhận lời. Giá của nhân bản vô tính đâu phải chuyện đùa!". Nhìn những quả trứng công hồng hồng, cái cằm của anh hơi xệ xuống. Mãi về sau anh mới biết thêm đặc tính riêng biệt của loài chim này. Nó thường đẻ trứng vào tổ của các loài chim khác, nhờ ấp hộ. Như kiểu nhà giàu thuê vú em. Bao giờ chim con biết bay chuyền, bố mẹ chim mới bay đến đưa về. Đó

là lý do vì sao giống chim này mỗi ngày một hiếm. Gần đây mới có người nghiên cứu về tính cách này của nó và nhờ có máy ấp trứng công nghiệp, việc nhân giống
mới thành khả quan. Nhưng dù sao vẫn phải có trống có mái, trứng mới nở ra công con được.

Nếu trời không mưa tôi đã đi ngay hôm đó. Đường lên Khuổi Đào đi, về gói gém trong một ngày. Kể cả việc uống rượu, nghe khèn ở nhà ông Giàng Chu.
Sau những ngày nắng hạn kéo dài, mưa rừng như đổ nước. Mưa cứ như thác ở trên trời tràn lên mặt đất. Thôi thì đá lở, đất vùi đi bộ còn khó, nói gì xe. Chiếc Min Khơ địa hình của tôi cũng đành che manh chiếu. Đất đỏ bám chặt hai bánh, chẳng nhìn thấy nan hoa đâu cả. Nó trở thành cục sắt trơn nhuồi nhuội. Cái bô bỏng giãy muốn đỏ lên, lỡ chạm chân vào khác nào cục sắt nung. Bỏng hàng tháng mới khỏi. Ý mghĩ muốn nhân giống chim công cứ nung nấu, khiến tôi quên cả mệt. Biết đâu có con đực giống chim này sẽ sinh sôi nảy nở! Mở đầu cho một nghề làm ăn độc đáo, nhiều thú vị? Nghe nói ở miền trung người ta đã nuôi thành công giống đà điểu, đã nhân giống bán rộng ra thành một sự kinh doanh đầy triển vọng. Giống chim công cũng có quyền được phát triển, nó thanh tao, còn lịch lãm nữa cơ mà? Nếu con công của bạn tôi có trống, sau đấy ấp nở giống chim này, nhiều điều không tính trước được. Việc cho nó ăn, uống cũng bình thường, không quá cầu kì. Tôi chủ quan nghĩ rằng đó là điều thực tế có thể làm được, không viển vông.
   Vào Khuổi Đào phải đi qua con đường hàng tỉnh, người ta còn chưa hoàn thiện. Có chỗ mới đổ đá, có chỗ đã láng nhựa. Cuối năm nay nó sẽ được hoàn thành. Những người làm quy hoạch đã hình dung ra

những biến động có tính hai mặt của nó về môi sinh, môi trường. Nhưng thôi, nó là công việc cuả những người quản lý. Còn chúng tôi sống ở  rừng, nhiều năm
nay thấy rừng sa sút. Các loài thú hiếm thưa thớt dần. Gấu, hổ không còn . Tắc kè im tiếng rúc trên vách đá. Những trận mưa như hôm vừa rồi, không thấy cua núi bò ra.

  Tin ông Giàng Chu bắt được công làm tôi rất mừng. Tôi gửi xe ở nhà trưởng thôn người Tày ngoài chợ Kiến Thiết. Ông cho tôi mượn con ngựa để vào Khuổi Đào nhưng vẫn hỏi: "Biết cưỡi không đấy?" Tôi nói "Chơi tốt". Lại hỏi: "Mà mày mệnh gì?" Tôi bảo:" mệnh kim". Ông cười hề hề, hai bên đuôi mắt co tít lại:" Thế thì được. Con xám này mệnh thuỷ. Thuỷ sinh kim, không sao". 
Thấy tôi tần ngần chưa hiểu, ông bảo: "Dùng ngựa là phải biết khớp mệnh của nó với mình. Nếu không tai vạ đấy. Bữa trước có tay kiểm lâm vào đây hỏi, tao cho mượn. Tay này mệnh hoả, nên nó bị văng vào bụi nứa, đứt mất một bên tai đấy."    Tôi vừa sợ lại vừa buồn cười. Lại nghĩ mấy anh kiểm lâm chỉ quen đi xe máy, sao không tập cưỡi ngựa nhỉ? Ở rừng có phải chỗ nào cũng đi xe máy được đâu?

     Đường vào Khuổi Đào không khó, ô tô có thể chạy được. Nhưng đó là những ngày nắng ráo còn mưa thì rất phiền. Xe chỉ được vài chuyến là đường xẻ thành hào. Nước ngập đầy những khe rãnh chẳng biết đâu là nông sâu. Nhưng đi ngựa chẳng việc gì phải ngại. Vừa nãy ông Phương sẹo cứ nghĩ tôi lên hỏi về việc cây khèn. Có lần tôi nhờ ông kiếm hộ, ông bảo: “Việc mày nhờ tao hôm nọ hơi khó đấy, tao có hỏi, nhưng chưa ai nhận lời. Mày cũng nên biết văn hoá

không phải thứ mua được bằng tiền, phải dùng tình cảm thôi. Bây giờ mày vào Khuổi Đào là được gặp
thằng Thào Mìn đấy. Nó biết làm, nhưng nó bảo nó không bán. Có ai lại đi bán nỗi buồn vui của mình?”
Tôi nói: “ Tôi lên Khuổi Đào vì một chuyện khác. Còn việc cây khèn để dịp sau".   Ông phương cũng không hỏi thêm việc gì. Người Tày ở đây có thói quen không tọc mạch vào chuyện người khác. Ai kể gì thì nghe, nhập tâm nhưng không bắt bẻ, vặn vẹo. Ông thắng yên ngựa cho tôi. đấy là bộ yên cương còn tốt, làm bằng da thật. Những móc khoá bằng đồng vẫn còn vàng choé, kêu roong reng. Tôi túm lấy sợi dây cương, con ngựa lùi lại mấy bước. Hai chân nó hất hất ra đằng sau, đầu ngỏng lên, mũi xì xì có ý doạ dẫm. Tôi quát nó: Trò hề, mày diễn thế nào được?" Ông Phương mắng tôi: " Mày phải nói tiếng thổ, tiếng kinh nó không biết nghe đâu!".  Tôi cố nhớ vốn tiêng Tày ít ỏi của mình: “ Hừm, pây liều...pố pây hát công, noọng à!”  Chẳng hiểu có phải tôi nói và phát âm có chuẩn không, con ngựa cứ hì hà hăng hơn trước. Tôi bực mình tóm sát dây cương tận mặt nó, cầm đoạn dây còn lại quất mấy cái vào mặt. Con ngựa có ý sợ, đầu cúi xuống, thôi không vẫy đuôi loạn xạ nữa. Ông Phương phuổi tay bảo: “Mày chơi được. Giống ngựa cần phải thế. Nhút nhát nó bắt nạt.”   Tôi thả nước kiệu, con xám biết thân phận ngoan ngoãn đi. Tôi kẹp hai đầu gối vào sườn nó, chân đặt vào bàn đạp, người hơi cúi về phía trước. Ở  tư thế này, con ngựa có dở chứng cũng không làm gì được.

     Đúng ngày phiên chợ, các cô gái người HMông, Người Dao ăn mặc sặc sỡ đi ngược chiều với tôi, nom xa như một vạt hoa rừng. Những anh con trai quần áo chàm đen, bên sườn đeo cái bi đông lủng

lẳng. Họ đi rất nhanh nhưng không hấp tấp, cái lưng thẳng, hai tay vung dài. Tuyệt nhiên không thấy anh
nào có dáng đi lao đầu về trước. Tôi thầm yêu cái dáng vẻ tự tin ấy của họ, có người bảo: " Đỉnh núi cao nào cũng nằm dưới chân người HMông". Điều ấy không sai.
    Tôi quen ông Giàng Chu ở hội diễn văn nghệ quần chúng của huyện. Trước hết vì tiếng khèn của ông. Vì cái khèn đen bóng, có sáu ống hơi vàng rộm, buộc dây lúc nào cũng đeo trước ngực. Ông còn là một thầy mo. Không một đám tang nào của người H’mông ông vắng mặt. Ông vừa thổi khèn, vừa hát những bài thơ cổ. Những bài hát giảng giải cho cái ma trước lúc về trời. Về nơi mà cuối cùng, làm người đều phải có mặt, có tên. Cũng chính ông bắn phát súng cuối cùng tiễn biệt linh hồn. Để hồn nhớ đường ngay lối thẳng mà đi, cho tới nơi cực lạc. Chớ có quay về nhũng nhiễu người thân, làng bản. Bấy nhiêu công việc quan trọng mà đồ đoàn của ông cũng thật là đơn giản. Một cái trống con to bằng cái vung nồi ba, một cây khèn, cái vòng lập lắc và mấy mảnh xin âm dương làm bằng sừng trâu đực thay tư.
      Hôm đó ở hội diễn về, ông uống rượu hơi nhiều. Thấy tôi cứ mân mê cái khèn, ông lắc lư cười hỏi: " Biết thổi không?"  Tôi lắc đầu. Ông định cất đi. Tôi bảo:" Cho xem", rồi tôi khen: " Đẹp quá".   Chẳng biết ông đùa với tôi, hay chọc mấy cô gái cùng đoàn văn nghệ của ông: “ Đẹp cái gì? Mày có thấy nó tròn tròn mũm mũm giống cái gì không?” Mấy cô gái đỏ mặt, mím miệng lại mà cười. Con gái người H’Mông hay nén tình cảm của mình, ít nói, nhưng cái duyên lại lên rất lạ, chẳng giống con gái của bất kì dân tộc nào. Ông Giàng chu lảng sang chuyện khác, về những huyền thoại của dân tộc mình. Tôi hỏi ông: “Cây khèn có điển tích gì

không?" Ông bảo: "dài lắm". Rồi như sắp xếp ý nghĩ trong đầu, lát sau ông bảo: “Mày có biết bài hát làm
dâu"  của con gái mèo không? Nó là câu chuyện của cái khèn này đấy. Con gái mèo lấy chồng là hết cả một đời, sống làm dâu, chết làm ma nhà người. Nếu không may chồng chết phải ở với em trai của chồng. Lại chết nữa thì ở với người tiếp theo...." Tay ông Giàng Chu nâng cây khèn lên ngang mặt, ngắm nghía như nó là vật lạ không phải của mình. Ông bảo: " Khèn có sáu ống dài ngắn khác nhau là ý nghĩa đó".   Tôi hỏi:" bác có biết làm khèn không? " Ông đáp:" Tao chỉ thổi được thôi, trên bản có thằng Thào Mìn nó biết làm. Không phải ai cũng làm được đâu nhé. Thần linh ứng vào bàn tay nào, người đó mới làm được đấy". Tôi nhìn thấy cũng đơn giản. Bầu khèn bằng gỗ, các ống bằng tre. Toàn là vật liệu dễ kiếm trong rừng. Tôi nói với ông: " nếu có mẫu như thế này, thợ mộc khéo tay có thể làm được chứ? Ông tròn mắt nhìn tôi bảo: " Không được đâu, mày có biết làm bằng gỗ gì không?”.   Tôi thấy vân gỗ mịn như gỗ dâu, như là gỗ dổi, nhưng không dám chắc là gỗ gì. Tôi đành lắc đầu cái nữa. Để tôi ngớ ra một lúc, ông mới bảo: “Gỗ này bây giờ hiếm lắm. nó chỉ có ở rừng đại ngàn. Cây nó mọc trên mỏm đá cao, chỗ có nhiều gió".  Tôi hỏi tên. Ông nói một câu tiếng H’Mông. Tôi không hiểu. Anh con trai đi cùng đoàn bảo: " Tiếng phổ thông gọi là kim giao".   Tôi giật mình!. Tôi đã được nghe về loại gỗ này. Ngày xưa vua chúa thường dùng làm đũa ăn cơm, để phòng bị đánh độc. Nếu trong thức ăn có độc thì đầu đũa sẽ đen tím lại. Không ngờ cây khèn được chế ra từ loai gỗ này. Ông Giàng Chu xoay xoay rồi rút ra một đoạn ống. Ở đoạn ống nằm trong bầu khèn có mảnh đồng bạch, màu sáng trắng. Ông chu bảo: “Thứ đồng bình thường nó chẳng  “nổ" được đâu. Thứ này bây giờ khó tìm. Hơi

người đi qua, cuốn cái lưỡi này nó mới “nổ" được”!. Ông còn bảo khèn thổi càng lâu nó càng hay, mà còn
vang xa vì cái lưỡi bạch kim kia lúc ấy ấm dần lên. Tôi nghĩ bụng : “gọi là gỗ kim giao có nghĩa là thế chăng?” Nhưng lại sợ không trúng nên lại hỏi: “còn ống này bằng tre gì mà đốt nó dài vậy?". Ông xua xua bàn tay to bè, xần xùi (Tôi lấy làm lạ, sao hai bàn tay này lại khiến được chiếc kèn taì tình vậy?) "Tre này ở đây cũng không có đâu. Mãi trên Mèo Vạc mới có. Nó gọi là tre ngoong, tiếng kinh gọi là cây giang mà”  .Cây giang thì tôi biết, trên Nà Hang, Chiêm hoá thiếu gì? Nhưng không muốn ông phật ý. Men rượu làm ông đang hứng. Cứ để ông nói, dễ gì được nghe những câu chuyện này. Nhưng tự dưng ông không nói gì nữa. Có thể là ông chợt nhớ đến bài ca buồn của dân tộc mình, những bái ca làm  day dứt suốt cuộc đời du cư trên những miền núi cao. Nó là bạn đồng hành với người H’Mông cả ngàn năm rồi. Không biết nó bắt nguồn từ đâu? Đến đâu thì kết thúc?

  Ngày trước ông Giàng Chu ở trên Mèo Vạc. Ông về đây do biến cố biên giới phía bắc. Ông vẫn giữ nếp sinh hoạt cũ. Xã có làm cho ông ngôi nhà gọi là nhà Đoàn kết ở khu trung tâm. Ông không thích nên vào mãi Khuổi Đào làm ngôi nhà tường chình bằng đất. Thứ đất tổ mối mịn, không nứt nẻ. Mái nhà lợp phên nứa. Những thanh nan phần cuối cong lên trên như lông nhím. Kiểu nhà này tiện cho hai mùa nóng, lạnh. Mát và ấm. Ai bảo người H’Mông ăn ở sơ sài?.

    Sau buổi làm quen ấy, tôi và ông Giàng Chu là chỗ thân tình. Người H’Mông hay rượu. Ông Giàng Chu rượu càng hay. Rượu không uống chén mà chơi bằng bát. Năm bát rượu với ông chẳng là gì. Tôi có cái

bi đông tàu to ngoại cỡ. Thứ này mang từ biên giới phía Tây Nam về để nhớ ngày trọi nhau với Pôn Pốt.
Nó to dềnh dàng nhưng lên chơi với ông Giàng Chu lại được việc. Ông Chu bảo: “Ở Khuổi Đào chim trĩ, gà lôi thì có nhưng công thì ít gặp”  Tôi nói: “Ít gặp nghĩa là vẫn còn"  Ông ngần ngại: "Chẳng biết có còn không, để xem đã".  Người H’Mông tính vốn thế, Chắc chắn lắm. Không tiện miệng hứa suông bao giờ. Chuyến đi này tôi lên Khuổi Đào một công đôi việc. Có khi được chim quý mà cả khèn cũng nên. Anh bạn có phòng tranh ở Hà Nội cứ hẹn mãi, nhờ tôi tìm cho một chiếc. Tôi chưa kiếm được vẫn lấy làm áy náy. Mấy lần nhờ ông Phương sẹo mà vẫn chưa thành.
   Gần trưa tôi mới tới được nhà ông Giàng Chu. Tôi buộc con ngựa dưới gốc cây bứa trước nhà, vứt vội cho nó vài đọt lau non. Con ngựa dáng chừng đói, nhai ngấu nghiến. Từ trong nhà ông Chu nhìn thấy, vội chạy ra nói lớn:"Thế này không được đâu. Mày không biết thương con ngựa rồi. Nó cõng mày cũng mỏi chân lắm chứ. Để tao cho nó cái này..”   Ông chạy trở vào trong nhà xách ra một ít ngô hạt đựng trong cái xô cũ, con ngựa mừng rỡ hí vang. Trong nhà có mấy anh con trai đang làm gì tíu tít, vội lắm. Mùi thịt nướng thơm lựng. Tôi đoán họ đang nướng gà ăn. Chắc là thịt gà rừng, mùi rất thơm. Tôi hỏi ông:"Nhà có việc à?"  Ông Giàng Chu chẹp miệng: " Việc gì đâu, uống rượi vui thôi mà"  Lại hỏi: "Sao bây giờ mới lên?".  Tôi nói: "Mưa quá cháu không đi được. Bắt được con công to không bác?"  Ông bảo: "Hơn ba cân" Tôi mừng quá:"Vậy thì tốt rồi, bác cho xem luôn rồi uống rượi sau".  Ông ngẩn người "Tốt cái gì? Mày lên chậm rồi. Nó gãy một chân, xưng to, đen tím lại. Tao sợ mày không lên nó chết mất. Vừa cho bọn nó thịt xong".   Tôi choáng cả người. Lặn lội lên đây thế là công toi rồi! Thấy tôi thần người

ra ông Chu bảo: "Thôi để hôm nào tao tìm cho con khác".  Tôi biết ông nói vậy , nhưng tìm không dễ. Công chứ đâu phải gà rừng. Gà rừng bây giờ cũng đâu dễ tìm. Rừng kiệt rồi. Ông Giàng Chu bảo: "Vẫn còn một đôi. Mấy ngày nay tao thấy nó múa ở bãi trống gần Bát Xứ. Chỗ ấy ba bề bốn bên có rừng, yên tĩnh lắm. Giống này a, hơi động một tí là nó đi ngay. Bây giờ lỡ rồi, ở đây uống rượu với tao. Thịt công ngon lắm, mày ăn chưa?"  Phải như lúc khác thì hay, dễ gì được nếm chút thịt công? Món mà chỉ vua chúa mới được ngự thiện? Nhưng lúc này tôi không thấy thú vị gì, vì tôi đang cầu một con công đực. Nhưng lỡ rồi, không thể để ông Giàng Chu mất vui. Lại hi vọng ở lần sau vậy. Con người ta nhiều hi vọng lắm, chỉ khi nhắm mắt mới thôi!
      
  Con công được nướng trên than củi để nguyên cả con. Tôi không được nhìn ngắm nó lúc còn sống. Chẳng biết nó xinh đẹp thế nào. Bây giờ nó đen xạm lại, đôi cánh và đôi chân co quắp. Cái cổ nó nghẹo sang một bên, hai con mắt nó lồi ra đen xì. Dáng hình nó xấu xí hơn cả con gà quay. Mới biết mỗi loài đẹp mỗi cách. Con gà luộc mỏ ngậm bông hoa làm lễ tơ hồng đẹp hơn con gà thả ngoài vườn. Con công đẹp theo kiểu khác, khi nó lượn trên vạt cỏ. Nó đâu phải con thịt ? Tôi chắc bọn người ca tụng: “Nem công chả phượng " là một lũ tục nhân, sống lấy cái ăn làm đầu. Bao nhiêu khí huyết của rừng mới tạo ra được nó. Bao nhiêu hương sắc của trời mới làm nên bộ lông óng ả nhường kia. Bây giờ bộ lông óng ả ấy tơi tả bên bếp lửa. Mấy con chó con đang nghịch vày, lấy cái mõm đen hôi hám vảy tứ tung.

      

Tôi nhặt mấy cái lông còn sót lại như một niềm an ủi, thơ thẩn cả người, quay lại bàn uống nước. Ông Giàng Chu trải chiếu ngồi xuống đất, thu cái bi

đông rượu vào lòng. Mấy đứa con ông lạch cạch bát đĩa.
Mọi khi tôi lên hay bắt chuyện với Hoa, con gái lớn của ông. Cô có đôi mắt sáng, môi hồng chúm chím , hỏi cái gì cũng "chi pâu, chi pâu "( không biết ) . Hôm nay Hoa không vui. Cô thương con chim xấu số hay vì lẽ gì tôi không biết mà đôi mắt đỏ hoe, lặng lẽ kéo váy ngồi mép chiếu, rót rượu ra mấy cái bát.
Từ cô tỏa ra mùi thoang thoảng, hương  rượu ngô, hương con gái .
Con công được chặt thành nhiều miếng vuông quân cờ, xếp lên một chót lá chuối. Ông Giàng Chu bảo: " Thịt nướng không nên bày đĩa , nó mất mùi . Để trên lá ăn nó mới thơm" 
Đến lúc này tôi mới hỏi ông : “Sao bác không lấy thuốc chữa cho nó? Bác biết cây thuốc mà?”  Ông Giàng Chu tay đã nhón miếng thịt, lại đặt xuống, vỗ tay vào đùi : “Ừ nhỉ! Sao ta không nghĩ ra? lú lẫn quá! Bây giờ mày nói tao mới sực nhớ, chứ trong rừng thuốc thiếu gì  .. Mọi khi con ngựa nếu không may bị què tao vẫn lấy thuốc đắp cho nó mà! Chỉ vài ngày là khỏi thôi. Nhưng từ xưa tới giờ có thấy ai lấy thuốc cho chim đâu?
    Tôi ngớ ra, việc này chưa từng có, không trách ông được. Ở đời người ta hay nghĩ
và làm theo thói quen, chẳng cứ người H’Mông, ngay các dân tộc khác cũng vậy, làm khác đi đâu có dễ ?
Nhớ lần tôi vào rừng với ông, vấp phải gốc cây, ngón chân cái bị sứt ra lòi xương trắng hếu, máu chảy

ướt đỏ năm đầu ngón chân, ông chu kiếm quanh, bứt mấy cái lá bỏ vào mồm nhai rồi đắp cho tôi. Chỗ đứt cầm máu ngay, không thấy buốt nữa. Ông cõng tôi về nhà, dăm hôm sau là khỏi.

Tôi hỏi ông đó là thứ thuốc gì, ông bảo :" Rừng nhiều lá thuốc lắm. Lá tao đắp cho mày gọi là lá tơ nhện”  Thứ lá tôi vẫn thường gặp ven suối , cây nó thân mềm , lá ròn giống cây thanh táo. Người học võ thường hay dùng nó làm thuốc đòn, chữa giập xương. Nếu ông Giàng Chu không sơ ý, con công đã được chữa khỏi. Ông tiếc cái cơ hội vừa rồi, không phải lúc nào cũng gặp và bắt được nó. Giống này là tinh hoa của rừng, ít khi để lộ ra. Người ta bảo rằng : " Năm nào  đi rừng mà gặp công là năm đó gặp nhiều điều hay. Vùng đất nào có công ở là vùng đất đang thịnh”   Thần rừng nuôi  nó để làm vui riêng cho mình, và khi cần thì báo hiệu cho con người  bằng sự xuất hiện của nó.

Ông Giàng Chu gắp cho tôi một miếng thịt. Đây là miếng lườn dưới bụng con chim,
chỉ có tí xương rất mỏng, cứng. Thịt công nạc hơn thịt gà rừng, không có mỡ. Không biết có phải vì thế mà nó múa lượn nhanh nhẹn, uyển chuyển, thịt lại ngon hơn các loại chim khác? Tôi không muốn đem cái hương vị của nó ra kể. Ngại rằng ai đó nảy ra ý nghĩ muốn ăn thử xem sao, khi đã chán sơn hào hải vị. Lúc đó công sẽ là đối tượng bị săn lùng ráo riết. Chẳng khác năm nào người ta đi tìm đá đỏ, đào tan hoang cả một cánh rừng! 
Vừa uống rượu tôi vừa kể cho ông Giàng Chu nghe về anh bạn tôi và con chim mái.
Ông nheo nheo mắt hỏi : “Bạn mày giàu lắm à ?"    Tôi bảo : " Nó cũng nghèo như những người nghèo

trong tỉnh mình thôi”   Ông lại hỏi :” Nghèo lấy đâu ra tiền mua công? Đắt lắm đấy! Còn phải nuôi nó nữa chứ, nó không ăn như gà đâu!"
           Tôi nói: "Anh ấy phải đổi một chiếc xe máy tàu bác ạ! Còn cho ăn cũng dễ, nhà gần quán phở, thịt vụn dễ mua. Chỉ tiếc cái xe còn mới, chạy chưa được ngàn cây số" Ông Chu tròn mắt: “Sao nó làm liều thế. Không đắt đến thế đâu"    Tôi bảo không đắt, bác còn giữ được con công vừa rồi tôi cũng xin biếu bác một chiếc". Ông cười rung cả ngực, cả vai.  “Xe máy tao cũng thích nhưng không biết đi. Lên nương cần gì đến xe máy, nếu lần sau tao bắt được, tao xin cái tivi màu".   Ông lại cười:" Ố, có khi tao còn thấy người nhà ở  trong  tivi. Người Mèo núi cao nào chẳng có. Ở trong Tây Nguyên  còn có mà".   Người H’Mông có óc thiết thực, hay nghĩ bằng trực giác, bằng những cái cụ thể.
Chuyện về con công ao ước ấy làm cho bữa rượu  sinh động hẳn lên. Ông Giàng Chu kể cho tôi nghe về cách bắt công. Giống chim này tinh khôn, không bắn bằng súng được. Nó thấy mùi thuốc súng từ rất xa. Thoáng cái là bay mất. Phải đánh bằng bẫy thật khéo léo. Lưới phải nhuộm màu đất, màu lá cây để nó không  nhận ra được. Nó không phải giống phàm ăn, nên không bẫy bằng mồi. Phải tìm bãi đất bằng phẳng, cỏ non giăng lưới sẵn. Những bãi này hay gặp ven bờ suối. Nó khôn là vậy, nhưng lại có nhược điểm chết người. Nó hay nhảy múa và chết vì cái sở thích của mình. Ấy là khi nó quyến rũ con cái. càng múa lượn nó càng say sưa, quên cả hiểm nguy  rình rập. Hệt như anh con trai người H’Mông lúc múa, khèn lấp loáng như công xòe đuôi. Bước chân người rất nhẹ, như không phải đặt trên mặt đất mà là đặt lên đám sương khói bồng bềnh. Tiếng khèn thấm vào gan ruột, toàn thân run rẩy như người nhập đồng, dáng dấp không

định hình được nữa, cứ lơ mơ, nhập nhòa như mơ, như thực. Lúc ấy chẳng chú ý gì đến xung quanh. Con công cũng vậy, nó sa bẫy chính vào lúc này. Y như con
người, say mê cái gì là khổ vì cái ấy! Bỏ mạng lúc nào không hay!
             Đang bữa, Thào Mìn cùng mấy anh con trai người H’Mông đến. Tôi thấy lo, thế nào mình cũng bị gay go vì rượu! Tửu lượng của họ rất cao mà  lại mời không cho từ chối. nếu chối từ sẽ không có lần gặp gỡ thứ hai. Người H’Mông không ưa ai thì khó mà lấy lại được cảm tình. Tôi nhớ mình có con ngựa, nên vững tâm, có bị mềm như dưa cũng chẳng sao, cố mà bò lên lưng ngựa. Con ngựa quen đường sẽ đưa tôi về, khi nào đến nhà ông Phương sẹo mình sẽ làm một giấc,  tỉnh lại cưỡi xe Min về. Giàng Thào Mìn còn trẻ. Anh chàng đang định cướp A Hoa về làm vợ. Gọi là cướp cho đúng với phong tục, thực ra con trai con gái người H’Mông bây giờ khác rồi, có yêu nhau mới cướp được người mình yêu về làm vợ. Phải thổi nóng cây khèn, nhảy cho ran mặt đất, cho nhau bằng lòng và cũng để cái ma cảm thông đừng ngăn trở. Suối đừng quá sâu, núi đừng quá cao, mây giăng đừng che khuất lối đi về...
Tôi định đi tìm, thật may  Thào Mìn lại đến. Ông Giàng Chu gắp cho mỗi người mới đến một miếng thịt, miệng giục" Uống rượu đi, chốc nữa nói"    Mấy anh trai  bản nâng chén rượu, cánh tay đưa rất thẳng mời chúng tôi, nhưng vẫn có vẻ khép nép.Vì đến nhà người yêu của bạn, hay thấy tôi là người lạ nên không được tự nhiên? Chỉ riêng Thào Mìn có vẻ sắc sảo.
Những cuộc vui như thế này, người xóm Khuổi Đào đều có mặt. Hễ kiếm được con gì, đều cùng nhau vui. Có khi chỉ một con sóc cũng hết bay cả can ba lít. Tự nhiên tôi thèm cái quấn quýt hồn nhiên của họ. Như thể trời đất mới sinh ra họ vậy, chưa vướng bụi trần .

Bà Giàng Chu bưng lên cái chõ đồ xôi bằng gỗ bên trong xếp  đầy ngô nếp hãy còn non, cả bẹ . Hơi
nóng bốc lên nghi ngút ngào ngạt. Ngô sôi kiểu này ăn rất ngọt, không dính tay. Bà đưa mỗi người một quả. Đó là cách mời tận tình, đưa tận tay. Tôi yên lặng vừa ăn ngô vừa nghe chuyện. những câu chuyện nửa tiếng kinh, nửa tiếng H’Mông. Có câu tôi hiểu, có câu không. Nhưng khi thấy họ cười rộ lên, tôi cũng cười.
Ông Giàng Chu khoe: "Tao cho chúng mày xem cái này".Rồi ông đứng lên, mở cái hòm xưa đựng đạn pháo lấy ra tờ giấy. Ông bảo Thào Mìn đọc. Đó là giấy chứng nhận ông là tuyên truyền viên văn hóa giỏi. Ông bảo tôi:"Hôm nào lên mua tao cái khung kính. Không phải tao ham cái oai, mà vì để bọn nó hiểu tao tốt với người H’Mông như thế nào. Tình cảm của tao mà".    Tôi biết là ông thực lòng. Tuy chẳng chức sắc gì, ông luôn là trung tâm, là cái hạt nhân của xóm người H’Mông này. Như cái trống bọc da trâu treo sát mái kia, báo mọi chuyện vui buồn.
Tôi bưng bát rượu lại gần Thào Mìn. Anh lánh ra một chút cho tôi ngồi,  vừa cười vừa nói:"Mới lên à?" Tôi gật đầu hỏi anh:" Ông Chu đã bảo gì với anh chưa"   Thào Mìn hiểu ý ngay bảo:"Nó nói rồi, uống rượu đã".    Tôi hỏi thêm cho chắc:"Có không?" Thào Mìn gật đầu: "Mấy cái kia". Tôi mừng thầm, mong cho cuộc rượi mau kết thúc, vì nó thường kéo dài rất lâu, có khi qua đêm suốt sáng. Rượu say lăn ra ngủ, rồi lại uống tiếp!
   Thào Mìn không có thói quen ấy. Anh uống chừng ba bát rồi lại gần bếp nói gì đó với A Hoa. Cô không nói gì, chỉ gật đầu, tay gạt gạt thanh củi. Quay ra, Thào Mìn bảo tôi: "Tôi mượn con ngựa đi lấy khèn về cho".  Tôi dặn anh:"  Nó hơi bướng, anh cẩn thận".    Ông Giàng Chu vỗ vai tôi: "Không lo, nó cưỡi được mà,


có phải hổ đâu".  Thào Mìn nhảy phóc lên lưng ngựa, anh khuất sau rừng cây rất mau, sành điệu hơn cả tôi.
Anh đi chừng nửa tiếng thì quay lại. Lúc này cuộc rượu đã lưng lửng. Ông Giàng Chu lấy cây khèn ra cho đám thanh niên. Anh nọ dùn anh kia, chưa ai nhận. Thào Mìn về, tất cả đều quay lại. Anh cầm trên tay những hai cây khèn mà mặt ỉu sìu sìu. Anh đưa tôi một cây giọng rất buồn, chẳng như lúc ban đầu:"Anh không may rồi. Trận lốc vừa rồi ác quá. Nó làm rơi cây xà vào giập hết khèn rồi. Tôi để trên gác mà. May mà chưa đổ nhà"   Tôi hỏi :"Còn dùng được không?"   Anh bảo không được đâu, thứ này hỏng một ống thổi không được đâu."   Ông Chu bực bội:"Trời bây giờ ác quá. Hôm rồi còn bẻ gẫy cả rừng đào, quả hãy non lắm. Mất cây, rừng nó đâm ốm mà".  Nhìn cây khèn  giập, tôi như người hụt hẫng, chẳng muốn nói gì nữa.
Thào Mìn an ủi tôi: "May mà bầu nó còn nguyên, như rừng mất cây nhưng còn đất mà. Tôi sẽ làm lại cho".
           Ông Giàng Chu cũng nói: “Mày lên phải ngày xấu rồi. Không được việc gì cả. Thôi, tao sẽ tìm cách giúp cho. Hôm nào lên mà lấy. Hay mày không định lên chơi nữa hả?" Tôi vội nói: “Không, cháu còn lên nữa chứ". Mà tôi còn lên thật. Duyên nợ với rừng tôi nào đã xong?
 Nhưng giờ phải về, con ngựa tôi mượn phải trả để ông Phương mai sang Yên Nguyên thăm người nhà. Con ngựa như có phần uể oải, cho thêm ít ngô nó cũng chẳng buồn ăn. Tôi mới lên suối Hoa Đào một ngày mà bao nhiêu là chuyện ..
Rừng ơi là rừng!

          
                                                                

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: