FB HOÀNG HẢI VÂN
Phát biểu tại Diễn đàn thượng đỉnh kinh doanh GMS6 trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh Hợp tác tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS) cuối tháng 3 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tuyên bố : “Chúng tôi đang cố gắng cải thiện môi trường kinh doanh nhằm làm cho Việt Nam trở thành một trong những môi trường cạnh tranh và thuận lợi nhất trong các nước ASEAN. Trong đó Chính phủ Việt Nam có ý định cắt giảm thuế thu nhập doanh nghiệp xuống còn từ 20-22% xuống còn 15 - 17%”. Thông điệp đó của người đứng đầu Chính phủ rất hợp lòng dân, nó còn thể hiện những người lãnh đạo đất nước đang quyết tâm thúc đẩy công cuộc Đổi Mới đi đúng hướng.
Giảm thuế vừa khuyến khích sản xuất kinh doanh và khởi nghiệp, mở rộng nguồn thu, cho nên dù thuế suất giảm nhưng số thu tuyệt đối nhất định sẽ tăng. Nó đồng thời gây sức ép để thu hẹp sự cồng kềnh của bộ máy, giảm thất thoát trong mua sắm công và thúc đẩy đầu tư hiệu quả của tư nhân để thay dần cho các khoản đầu tư kém hiệu quả của Nhà nước.
Thế nhưng Bộ Tài chính lại có nhiều động thái đi ngược chủ trương của Chính phủ. Việc đề nghị tăng thuế môi trường qua xăng dầu lên kịch trần không những đi ngược chủ trương mà còn là sự lừa dối (thuế môi trường chỉ phục vụ cho cải thiện môi trường, nhưng lại để “thò” ra ý bổ sung cho sự thiếu hụt của thuế nhập khẩu theo lộ trình thực hiện các hiệp định tự do thương mại). Việc mới nhất đang gây xôn xao là sẽ áp dụng thuế tài sản.
Bộ Tài chính là cơ quan thiếu nhạy cảm chính trị nhất trong số các cơ quan nhà nước. Cứ mỗi lần tăng giá các mặt hàng độc quyền hay tăng thuế, Bộ này lại mang các nước “tư bản giãy chết” như Mỹ, Canada, Anh, Pháp, Đức, Nhật, Hàn Quốc, Thái Lan… ra làm căn cứ. Ô hay, nước Mỹ tam quyền phân lập, Bộ Tài chính thử đề xuất tam quyền phân lập coi Bộ trưởng có mất chức không. Nước Nhật, nước Anh, nước Thái có ông vua bà hoàng, Bộ Tài chính thử đề nghị tìm hậu duệ hoàng tộc nhà Nguyễn về làm vua coi !
Học kinh tế thị trường là học những nguyên lý phổ quát của nó, học những gì làm cho nó thông suốt và tránh những gì làm cản trở nó.
Kinh tế thị trường dạy rằng, đánh thuế thu nhập cá nhân lũy tiến là sự tước đoạt thành quả trí tuệ của những người sáng tạo (do vậy mà có thu nhập cao) để phân phối lại cho tầng lớp trung gian, là cản trở sự vận hành của thị trường. Nước Mỹ vẫn còn thuế thu nhập lũy tiến, nên chuyện này nước Mỹ vẫn “phi thị trường”, lẽ ra không nên học, nhưng Bộ Tài chính vẫn học.
Kinh tế thị trường dạy rằng, đánh thuế tài sản là đánh vào khoản tích lũy của người dân sau khi chịu mọi thứ thuế, khoản tích lũy này được thể hiện bằng tài sản. Phần lớn khoản tích lũy này phục vụ cho đầu tư phát triển, đó là đầu tư tư nhân. Đánh thuế tài sản thực chất là chuyển một phần đầu tư tư nhân thành đầu tư nhà nước. Kinh tế thị trường còn dạy rằng, đầu tư tư nhân bao giờ cũng có hiệu quả hơn đầu tư nhà nước. Do vậy, khoản thuế thu được nếu được dùng cho đầu tư phát triển (chưa kể đến việc dùng vào mục đích khác hoặc chi tiêu lãng phí) thì tác dụng phục vụ cho phát triển sẽ thấp hơn nhiều so với việc không đánh thuế.
Vì những lý do rất khác nhau, nhiểu nước vẫn đánh thuế tài sản. Các lý do khác nhau đó xuất phát từ các mục tiêu xã hội và khuynh hướng của các đảng nắm quyền chi phối nghị viện, từ sự thỏa hiệp của các nhóm lợi ích, nhưng nhìn chung thuế tài sản đều cản trở sự vận hành của thị trường. Do các nước phương Tây có truyền thống thị trường lâu đời, là “chủ đạo” trong đời sống kinh tế, nên những cản trở này ít ai nhìn thấy.
Đó cũng là lý do, khi chuyển nền kinh tế sang cơ chế thị trường, các bậc “tiền hiền” của công cuộc đổi mới không nghĩ đến việc đánh thuế tài sản. Các vị chỉ học những gì làm cho thị trường thông suốt, không học những gì cản trở thị trường. Các vị có tầm nhìn trí tuệ xa hơn nhiều so với các hậu bối ở Bộ Tài chính.
Đánh thuế tài sản là cản trở sự vận hành của kinh tế thị trường. Ở đất nước mà kinh tế thị trường mới còn manh nha như nước ta, sự cản trở này sẽ trở thành trầm trọng.
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét