Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Chủ Nhật, 4 tháng 2, 2018

Suy kiệt: Lời cảnh báo từ mỏ dầu lớn nhất Việt Nam


 

Hầu hết các mỏ dầu ở Việt Nam đều đã khai thác trong thời gian dài và hiện đang trong giai đoạn cuối dẫn tới suy giảm sản lượng tự nhiên. Mỏ Bạch Hổ cung cấp sản lượng lớn nhất, chiếm hơn 60% sản lượng của PVN từ xưa đến nay, đã vào giai đoạn suy kiệt. Ông Từ Thành Nghĩa, Tổng giám đốc Vietsovpetro cho biết như trên và không khỏi âu lo trước việc sản lượng khai thác đang sụt giảm.


Trữ lượng dầu mỏ đang suy giảm.
“Móng mỏ Bạch Hổ còn quanh quẩn 10 triệu tấn, tối đa chỉ khai thác được 4-5 năm nữa thôi”, ông Từ Thành Nghĩa nói tại Hội nghị tổng kết năm 2017 của PVN mới đây. “Việc duy trì mỗi năm khai thác trên 4 triệu tấn là một thách thức”.

Vị lãnh đạo này khẳng định: Năm ngoái là năm gia tăng trữ lượng dầu khí thấp nhất từ trước đến nay. Năm 2018, PVN giao cho Vietsovpetro khoan tìm kiếm thăm dò 10 giếng, so với 2017 chỉ khoan 4 giếng, như vậy năm nay vượt 2,5 lần số giếng thăm dò. Nếu không tăng tìm kiếm thăm dò sẽ không có sản lượng cho những năm về sau. Tuy nhiên, vị trí dự kiến phát triển mỏ là mỏ nhỏ. Mỏ lớn như Bạch Hổ “không còn nữa rồi”.

“Chi phí hòa vốn của Vietsovpetro là 47 USD/thùng. Với giá dầu hiện nay, với lộ trình tiết giảm chi phí, Vietsovpetro có thể phát triển được các mỏ nhỏ này”, ông Nghĩa nói.

Lãnh đạo Tổng công ty Thăm dò và khai thác dầu khí (PVEP) cũng cho hay, 2017 là năm thứ 3 liên tiếp giá dầu duy trì ở mức thấp hơn kỳ vọng của PVEP. Vị này lo ngại trước việc các mỏ dầu khai thác bị giảm sản lượng tự nhiên, hoạt động tìm kiếm thăm dò bị hạn chế, thiếu cơ chế đối với DN thăm dò khai thác...

Ông Nguyễn Quỳnh Lâm, phó Tổng giám đốc PVN, cũng không giấu nỗi lo ngại trước việc khó gia tăng trữ lượng. Tuy nhiên, ông Lâm cũng nhắc đến điều mà ông cho là “rất mâu thuẫn” khi PVN nộp ngân sách hàng chục nghìn tỷ mà nguồn vốn cho tìm kiếm thăm dò năm 2017 lại không có.



Xuất khẩu dầu thô giảm mạnh.

“Tất cả phải bắt đầu từ tìm kiếm thăm dò. Thiếu thăm dò sẽ thiếu trữ lượng mỏ, không đủ dầu cung cấp cho các nhà máy lọc dầu, không cung cấp được khí, nguyên liệu cho các nhà máy phân đạm, đặc biệt không có công ăn việc làm”, ông Lâm cho rằng đã làm “tất cả những gì có thể“ và "không ngồi nhìn và trượt vì cơ chế”.

Tuy nhiên, những người phụ trách mảng thăm dò tìm kiếm như ông Lâm có thêm nỗi lo khác. Đó là nỗi lo xử lý chi phí các mỏ thăm dò không thành công.

“Thủ tướng vừa phê duyệt Điều lệ của tập đoàn. Quy chế tài chính cũng sẽ được phê duyệt nhanh. Trong quy chế tài chính, PVN đã trình lên cơ chế trích quỹ tìm kiếm thăm dò để có cơ chế hạch toán và xử lý tiền thăm dò không thành công", ông Lâm nói.

Ông Nguyễn Quỳnh Lâm chia sẻ thêm: “Những năm qua ta tiêu tương đối nhiều tiền, có nơi thành công nơi chưa thành công. Đó là quy luật của tìm kiếm thăm dò. Cái này phải được đánh giá và hạch toán theo đúng thông lệ quốc tế. Số tiền này ngày càng tích lại, nếu không xử lý được thì giống như đang để 1 cái gông trên cổ”, ông Lâm băn khoăn.

Ông Nguyễn Vũ Trường Sơn, Tổng giám đốc PVN, thừa nhận: Trước đây hàng năm, PVN khoan 30-40 giếng thăm dò, chi phí tốn từ 2-2,5 tỷ USD, gia tăng được 35-40 triệu tấn quy dầu. Thế nhưng, từ 2015 trở lại đây, đầu tư của ta và nước ngoài chỉ đâu đó 400-500 triệu USD cho tìm kiếm thăm dò, giảm 5 lần so với trước.

“Hậu quả là trữ lượng gia tăng hàng năm giảm mạnh, năm 2017 chỉ đạt 4 triệu tấn dầu, thấp nhất lịch sử”, ông Sơn lo ngại.

Theo báo cáo của PVN, gia tăng trữ lượng dầu khí năm 2017 đạt thấp hơn nhiều so với mục tiêu chiến lược đề ra. Mục tiêu đề ra trong nước là 20-30 triệu tấn/năm và ở nước ngoài là 8-12 triệu tấn/năm (tổng cộng là 28-42 triệu tấn/năm) thì năm 2016, 2017 PVN đều không hoàn thành và đạt thấp hơn nhiều (năm 2016 đạt 16,66 triệu tấn quy dầu và năm 2017 đạt 4,0 triệu tấn quy dầu). 
Hầu hết các mỏ đều đã khai thác trong thời gian dài và đang trong giai đoạn cuối dẫn tới suy giảm sản lượng tự nhiên hàng năm từ 15% tới trên 30%.

Lương Bằng
http://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/dau-tu/dau-mo-can-kiet-noi-lo-tu-mo-dau-lon-nhat-viet-nam-423286.html

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: