Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Tư, 28 tháng 2, 2018

Giáo sư


Xã hội ta đang ồn ào thị phi, lời ra tiếng vào chuyện phong học hàm giáo sư, phó giáo sư.
Phong giáo sư, ai cũng hiểu đó là một việc cực kỳ nghiêm túc, chặt chẽ, đỉnh cao, không cho phép sơ sẩy điều gì, nhưng ở xứ ta lại chẳng khác chi chuyện hàng tôm hàng cá, giao dịch chợ búa, bán buôn nhố nhăng. 

Tham nhũng tiền bạc so với tham nhũng chức tước (mua quan bán tước) dù rất tệ hại nhưng vẫn còn thua, tuy nhiên cả hai thứ tham nhũng ấy nếu xét về sự vô liêm sỉ thì phải gọi tham nhũng danh vị bằng cụ. 

Thời phong kiến (cái thời mà cách mạng vô sản đã đánh đổ), việc thi cử chọn người hiền tài, người thực chất rất chặt chẽ. Trải qua các kỳ thi hương, thi hội, thi đình, để đạt được học vị tú tài, cử nhân, tiến sĩ, để lọt vào bảng vàng chức danh trạng nguyên, bảng nhãn, thám hoa là cả quy trình cực kỳ chặt chẽ, con kiến chui cũng không lọt. Hầu hết những người được phong "học hàm", nhận danh vị vua ban đều thành những người nổi tiếng của lịch sử phát triển, kể từ vị trạng nguyên khai khoa "đỉnh giáp khai khoa" đầu tiên của chế độ khoa cử, trạng nguyên Lê Văn Thịnh triều Lý.

Nay thì giáo sư nhiều như lợn con, hội đồng phong chức danh giáo sư như nái sề mắn đẻ, cứ tuôn ra sòn sòn, nhưng để chế được cái máy bóc vỏ lạc, máy đào củ mì, máy lọc nước phèn thì lại phải nhờ trí tuệ của những nông dân hai lúa, những học sinh còn mài quần trên ghế nhà trường. Nhiều ông giáo sư tiến sĩ, cứ mở mồm là đủ gây cười cho thiên hạ. Không ít chức danh giáo sư của ông này bà nọ trong vai lãnh đạo chỉ như thứ vật trang điểm cho đẹp cho sĩ chứ chả có tác dụng gì.

Trang sử về đội ngũ giáo sư nước nhà thời nay thật u ám, thê lương, buồn thảm. Xin chia buồn với một số giáo sư thực sự có tài khi cần phải nói ra như vậy.

Nguyễn Thông

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: