Phạm Việt Hưng
Abstract: In 1897, Paul Gauguin, a grand French painter, put a query to humankind: “Que sommes-nous?” (What are we?)[1]. Are we simply descendants of monkeys as Darwinism said? No! Rabindranath Tagore warned: “Man is worse than animals when he is an animal”[2]. So, what are we, really? In searching the answer, I suddenly remembered an instruction in the Bible: “Knock, and it will be opened to you”[3]. I knocked at the door of human mysteries, and joyfully found a profound answer: that’s “Life of Pi”, a miraculous story by Yann Martel (Năm 1897, danh họa Pháp Paul Gauguin nêu lên một câu hỏi chất vấn nhân loại: “Chúng ta là gì?”. Phải chăng chúng ta đơn giản là hậu duệ của loài khỉ như Học thuyết Darwin đã nói? Không! Rabindranath Tagore cảnh báo: “Con người tồi tệ hơn con vật khi nó là con vật”. Vậy thực ra chúng ta là gì? Trong khi tìm kiếm câu trả lời, tôi chợt nhớ tới một chỉ dẫn trong Kinh Thánh: “Hãy gõ, cửa sẽ mở!”. Tôi gõ vào cánh cửa của những bí mật về con người, và vui mừng tìm thấy một câu trả lời sâu sắc: đó là “Cuộc đời của Pi”[4], một câu chuyện kỳ ảo của Yann Martel).
Tôi gọi đó là một câu chuyện kỳ ảo vì nó đưa ta vào một thế giới nửa thực nửa hư, có lúc thì rùng rợn, có lúc thì lấp lánh như chuyện thần tiên, với các sự kiện và lời nói xen lẫn những triết lý lúc thì dí dỏm, lúc thì uyên thâm, sâu sắc, lúc thì sắc bén logic như khoa học, lúc thì bay bổng văn chương,… Tất cả được cài đặt, lồng ghép, đan xen một cách khéo léo, tinh tế, thông qua những câu chữ đầy kích thích, gợi mở, buộc ta phải dừng lại đôi chút để suy ngẫm, và khi vỡ nhẽ ra thì không ngăn nổi một tiếng reo như một đứa trẻ, “Ah, hiểu rồi, hiểu rồi, hay quá, sâu sắc quá, tuyệt vời quá!”. Thật vậy, tôi đã bị thuyết phục hoàn toàn bởi những ngụ ý của tác giả. Hàng loạt ngụ ý làm cho tác phẩm có dáng dấp như một truyện “ngụ ngôn hậu hiện đại”, như dịch giả Trịnh Lữ đã nhận xét. Tôi mến phục dịch giả Trịnh Lữ không chỉ vì bản dịch của ông quá hay, mà còn vì ông có chung một nhịp đập trái tim với tác giả, khi nhấn mạnh ngay từ đầu rằng “câu chuyện này sẽ khiến ta tin vào Thượng đế”. Tôi tán thưởng dịch giả khi ông viết “Giờ đây, khi cả thế giới đang dần biến thành một cái siêu thị và đạo đức ngày càng lệ thuộc vào quy luật tài chính và thương mại, thông điệp ấy của tác giả càng nên được truyền bá rộng rãi”. Chỉ vài chữ ấy cũng đã đủ để tôi mua ngay cuốn sách. Lật lưng sách để xem giá: chỉ có 75000 đồng (khoảng 3.5 USD). Chao ôi, sao chữ nghĩa rẻ thế! Một cuốn sách lớn như thế mà chỉ có chừng ấy tiền thôi ư? Về đến nhà tôi mở ngay ra đọc. Tuổi tôi không còn trẻ để đọc ngốn ngấu nữa. Vậy mà tôi đọc một mạch, để rồi gấp sách lại, không ngừng nghĩ về nó, về Pi Patel, về Richard Parker,… về quá nhiều bài học thâm thúy trong đó…
BÀI HỌC THỨ NHẤT: KHI BẢN NĂNG ÁC ĐƯỢC SỔ LỒNG
Khi viết loạt bài “Luận về bản tính Thiện/Ác”[5], tôi tưởng những nhận định của Freud và Hàn Phi được trích dẫn để tố cáo bản tính ác trong con người đã là quá đủ. Nhưng đọc “Cuộc đời của Pi”, tôi giật mình nhận ra rằng việc lên án cái Ác không bao giờ là đủ. Nếu Freud làm ta xót xa khi phán xét “Homo homini lupus” (Người với người là lang sói) thì Yann Martel làm ta rùng minh khi được biết những sự thật trong vườn thú ở Pondicherry:
“… con vật nguy hiểm nhất trong một vườn thú là người… tính cách ăn thịt lẫn nhau quá đáng của giống loài chúng ta đã biến toàn thể hành tinh này thành một con mồi của loài người”[6], Martel viết.
Rồi ông kể cho ta nghe, có những khách thăm vườn thú tìm cách thỏa mãn thú vui độc ác của họ bằng cách cho rái cá ăn lưỡi câu, cho gấu ăn dao cạo, cho voi ăn táo có đinh nhọn ở trong,… một con hải cẩu đực chảy máu nội tạng sau khi có kẻ cho nó ăn một chai bia vỡ; một con cò mỏ hình giãy chết vì choáng khi mỏ của nó bị búa đập giập nát; một con tuần lộc bị một kẻ dùng dao lột bộ râu kéo theo một mảng da thịt rồi sau đó nó bị chết vì đầu độc; một con khỉ bị bẻ gẫy tay chỉ vì thò tay ra khỏi chuồng nhận một hột lạc dử cho ăn; một con hươu bị cưa mất sừng; một con ngựa vằn bị đâm bằng kiếm; bọn cuồng dâm với súc vật thì cưỡng hiếp khỉ, ngựa non, chim; một kẻ cuồng tín chặt đầu một con rắn; một kẻ bệnh hoạn tìm mọi cách đái vào miệng một con hươu Bắc Cực…
Không giấu được sự ghê tởm những kẻ độc ác ấy, nhưng tác giả vẫn bình tĩnh, nhẹ nhàng kể lại một chi tiết đầy chất bi hài:
“Ngay sau quầy bán vé, cha tôi[7] cho kẻ một dòng chữ sơn đỏ lên tường: “Đố quý vị biết con vật nào trong vườn thú là nguy hiểm nhất?”. Một mũi tên chỉ về phía một tấm rèm nhỏ. Đã biết bao nhiêu bàn tay tò mò háo hức kéo tấm rèm đó, đến nỗi chúng tôi phải thường xuyên thay cái mới. Đằng sau nó là một tấm gương”[8].
Vâng, vén tấm rèm đó lên, nhìn vào gương ta sẽ thấy chính mình: con vật nguy hiểm nhất trong vườn thú! Chao ôi, không biết khi viết những dòng trên, Yann Martel có nghĩ tới câu hỏi chất vấn của Paul Gauguin hay không, nhưng dẫu thế nào thì ông cũng đã trả lời Gauguin một phần rồi! Và câu trả lời của ông có khác gì lắm so với nhận định của Tagore về con người khi nó là con vật đâu?
Các nhà văn là những người biết rõ hơn ai hết về nghệ thuật viết lách: không có gì thuyết phục hơn là để tự câu chuyện nói lên những gì cần phải nói. Đó là nghệ thuật đảm bảo tính khách quan của ngôn từ, không cần sự can thiệp cố ý của tác giả. Nhưng dường như thói xấu độc ác của con người làm cho Martel không thê che giấu được sự căm phẫn đến mức khinh bỉ. Ông đã mượn lời nhân vật chính của câu chuyện, Pi Patel, lớn tiếng tố cáo “có một con vật nữa nguy hiểm hơn chúng ta… đó là loài Animalus anthropomorphicus (Con vật mang hình người)”. Ông không nêu đích danh “con vật mang hình người” này là ai, nhưng dường như ông muốn ám chỉ một bộ phận không nhỏ trong cộng đồng loài người mà tinh thần của chúng bệnh hoạn đến mức tột cùng, không còn chút xíu nhân tính nào nữa, những kẻ mà ông mô tả là “các con vật đồi trụy, xấu xa, khát máu… Tâm lý bệnh hoạn luôn muốn đặt mình vào trung tâm của mọi vật…”. Những kẻ ấy không chỉ giết chóc động vật không thương tiếc, hủy hoại môi sinh, mà còn hạ bệ mọi giá trị tâm linh, tôn giáo, khinh rẻ các giá trị đạo lý, vô cảm trước cái đẹp, tóm lại là một lũ vô học, vô đạo, vô văn hóa.
Nói đến đây không thể không đề cập đến vai trò của giáo dục.
Trước khi được giáo dục, mọi người sinh ra đều bình đẳng về tư cách và phẩm chất. Không ai có quyền vỗ ngực nói rằng cái mầm ác trong “bộ gene” của mình ít hơn của người khác. Các nhà tội phạm học ở Mỹ, với sự trợ giúp của các nhà sinh học di truyền, đang cố gắng khám phá ra gene tội phạm[9]. Nhưng đó là một con dao hai lưỡi hứa hẹn nhiều nguy cơ hơn là ích lợi. Sẽ vô cùng nguy hiểm nếu quả thật tồn tại một thứ gene được quy cho nguyên nhân của tội phạm. Nhưng cũng không thể phủ nhận một sự thật rằng tính Ác nằm trong phần bản năng vô thức của con người mà Freud đã gọi tên đích danh: Eros và Thanatos[10]. Kẻ độc ác đơn giản là kẻ không được giáo dục đủ cần thiết để biết kiềm chế những bản năng đó.
Giáo dục còn quan trọng hơn pháp luật để kiềm chế tính Ác.
Nền giáo dục hiện đại, sau khi giải phóng con người khỏi những ràng buộc tôn giáo và những định chế nghiêm khắc khác, đã phạm một sai lầm lớn là đề cao quyền tự do cá nhân quá đáng tới mức làm cho con người không còn biết tiết chế gì nữa, không còn lễ nghĩa gì nữa – con người được sổ lồng với bản năng vô thức của nó, và như Freud đã cảnh báo trong tác phẩm “The Civilisation and its discontents”, đó là đầu mối dẫn tới sự diệt vong của nền văn minh[11].
Lão tử nói: “Cố thất đạo nhi hậu đức, thất đức nhi hậu nhân, thất nhân nhi hậu nghĩa, thất nghĩa nhi hậu lễ” (Cho nên, mất đạo rồi sau mới có đức, mất đức rồi sau mới có nhân, mất nhân rồi sau mới có nghĩa, mất nghĩa rồi sau mới có lễ). Rồi Ngài kết luận: “Phù lễ giả, trung tín chi bạc dã, nhi loạn chi thủ dã” (Cho nên lễ là biểu lộ cái đức mỏng manh và là đầu mối của hỗn loạn)[12].
Lão tử coi Đạo là cái gốc sinh tồn của nhân loại. Nhưng vào thời Xuân Thu Chiến Quốc thì Đạo đã mất rồi, chẳng lẽ cứ khoanh tay mà đứng nhìn thiên hạ diệt vong hay sao. Dẫu sao thì Lễ cũng là chiếc phảo cuối cùng để cứu cho con thuyền nhân loại khỏi đắm chìm. Đó là lý do để Khổng tử không chỉ ngồi một chỗ mà triết lý – Ngài ra sức dạy bảo người đời, từ vua chúa cho tới thứ dân, làm sao tổ chức lại xã hội cho có trật tự, lễ nghĩa.
Nhưng ngày nay, với cung cách đối xử của con người như Martel đã mô tả, rằng chỉ muốn “biến toàn thể hành tinh này thành một con mồi” của chính mình thì chiếc phao cuối cùng ấy của Khổng tử cũng đang tuột khỏi tay nhân loại, chứ còn nói gì đến cái gốc sinh tồn là Đạo của Lão tử nữa!
Đó là lý do để Yann Martel, như bao nhiêu bậc tiền bối khác, phải lên tiếng trước khi quá muộn. Mặc dù ngôn ngữ ông sử dụng là ngôn ngữ Tây phương trăm phần trăm, nhưng tác phẩm của ông gợi cho chúng ta một suy nghĩ rất gần với Đạo: làm người phải có Đạo!
Đạo ở đây trước hết là tư tưởng về tính liên thuộc (interdependence) – sự phụ thuộc lẫn nhau giữa mọi tạo vật trên thế gian. Đó là tính vũ trụ nhất thể (universe as one / universe as a whole) như tôi đã trình bầy trong bài viết về con lắc Foucault mới công bố gần đây[13].
Tư tưởng về tính liên thuộc hay vũ trụ nhất thể không chỉ có ý nghĩa như một bản chất của Tạo Hóa, một định luật của Tự Nhiên, mà còn là một cơ sở của đạo đức: Nếu biết rằng sự tồn tại của bản thân ta liên thuộc chặt chẽ với toàn bộ phần còn lại của vũ trụ thì sẽ hiểu ra rằng mọi hành động tàn sát lẫn nhau và tàn sát các giống loài khác là tàn sát chính mình – tính ác trong ta sẽ hủy diệt chính bản thân ta. Đó là bản thông điệp thứ nhất của Yann Martel.
Bản thông điệp thứ hai là Đức tin, tiếng Anh là The Belief, hay cụ thể hơn và rõ ràng hơn, đó là Theological virtues, một niềm tin hướng tới cái cao đẹp, thiêng liêng, mà cái thiêng liêng ấy có sẵn nơi con người, đó là lòng trắc ẩn, nhân hậu, làm cơ sở cho đạo đức.
Tư tưởng về Đức tin lộ ra ở rất nhiều trang sách của “Cuộc đời của Pi”. Nếu ai không thích khái niệm Thượng Đế hoặc Chúa thì tôi xin thay thế những khái niệm đó bằng thuật ngữ “Giá trị thiêng liêng”. Nếu ai đó lại nói chẳng có gì thiêng liêng cả thì quả thật tôi không còn chuyện gì để nói. Có lẽ khi đó Yann Martel cũng không còn gì để viết, dịch giả Trịnh Lữ cũng sẽ không còn gì để dịch. Thú thật là tôi rất thích những câu mở đầu trong Lời Người Dịch. Rõ ràng là uy tín các giải thưởng om sòm không đủ sức thuyết phục dịch giả, nhưng Cái Đẹp, Cái Thiện, con người biết sống yêu thương – những giá trị người người nhất – đã làm dịch giả xúc động. Nếu nhân loại chỉ bao gồm những người như Yann Martel hay Trịnh Lữ,… thì chắc chắn cuộc sống sẽ có bình an, hạnh phúc. Tôi yêu những người như thế. Tôi ghét những kẻ cho rằng thế gian chỉ là tập hợp của các phân tử và nguyên tử, hạt cơ bản, năng lượng… còn những giá trị thiêng liêng chỉ là sản phẩm thuần túy của tưởng tượng, ảo, “imaginary”, bịa đặt. Xét cho cùng, những người này thật đáng thương, vì họ nghèo quá, bất kể trong túi họ có có bao nhiêu triệu hoặc tỷ dollars.
Cách đây nhiều năm, khi tôi còn làm việc tại một công ty của Úc, trong một bữa ăn trưa, tôi tán chuyện làm quà với mọi người: “In Vietnam, people say: “Chinese food, Western house, Japanese wife”, that is happiness”. Một cô bạn người Afganistan lập tức lên tiếng: “In my own country, people say the same, but add one thing more: US dollars!”. Mọi người phá lên cười.
Thế đấy. Đồng tiền ngự trị trong lòng dạ con người bây giờ như thế đấy. Phần lớn các triệu phú, tỷ phú dollars, nhất là những triệu phú, tỷ phú kiếm được tiền bằng con đường bất lương, chỉ tin vào những “tờ xanh” họ sờ thấy, mặc dù ngay trên đó, nhà nước Mỹ dõng dạc tuyên bố: IN GOD WE TRUST!
Đáng sợ thay khi cuộc sống không có hoặc bị mất niềm tin vào những giá trị thiêng liêng!
Có lẽ vì thế mà Yann Martel phải mượn lời của Pi Patel để gắt lên với hai điều tra viên Nhật Bản: “Nếu các ông ngập ngừng ấp úng trước điều đáng tin, thì các ông sống vì cái gì?”[14]. Hai vị Nhật Bản này chỉ tin vào những gì mà lý trí của các vị ấy có thể giải thích được. Chuyện này sẽ còn được phân tích thêm sau.
Tuy vậy, Yann Martel không áp đặt độc giả phải nghĩ như ông muốn. Ông chỉ gợi ý để chúng ta tự lựa chọn điều chúng ta muốn. Thật vậy, toàn bộ câu chuyện của ông có thể tóm tắt trong ba câu nói:
“Đời là một câu chuyện… Bạn có thể lựa chọn câu chuyện của bạn… Câu chuyện có Chúa là câu chuyện tốt đẹp hơn”[15].
Pi Patel kể cho các điều tra viên Nhật Bản nghe hai câu chuyện về cuộc khổ nạn của anh trên biển, giải thích vì sao anh sống sót trở về đất liền.
Chuyện thứ nhất rất KHÓ TIN nên anh buộc phải kể câu chuyện thứ hai.
Chuyện thứ hai quá rùng rợn – rùng rợn đến nỗi tôi không dám kể lại ở đây. Tôi chỉ xác nhận rằng những gì Pi kể cũng giống như những sự thật mà tôi từng biết qua lịch sử thật. Tóm lại là câu chuyện thứ hai của Pi phù hợp với KHẢ NĂNG SUY LUẬN BẰNG LÝ TRÍ của con người.
Nhưng khi Pi hỏi các điều tra viên xem họ thích chuyện nào hơn, thì may mắn thay, họ đều nói họ thích chuyện thứ nhất hơn[16], mặc dù họ thấy rất khó tin.
Vâng, chuyện thứ hai dễ tin hơn, nhưng quá GHÊ TỞM, tàn bạo, độc ác, làm ta sợ hãi, không muốn nó tiếp tục diễn ra trên đời!
Chuyện thứ nhất rất khó tin, nhưng ĐẸP, có hậu, làm ta tin vào Thượng Đế, bởi trong đó cái Ác bị trừng phạt:
Thật vậy, vào lúc khốn khổ nhất trên chiếc xuống cứu nạn lênh đênh trôi dạt trên Thái Bình Dương, Pi bị mù mắt, không bắt được cá nên càng yếu mệt, kiệt sức, và rơi vào mê sảng. Bỗng anh nghe thấy tiếng vọng trên biển cả. Trong cơn mê, anh tưởng đó là tiếng nói của Richard Parker, con hổ sống sót duy nhất cùng với anh trên chiếc xuồng đó. Nhưng hóa ra không phải, đó là tiếng người, một kẻ khốn khổ khác trên một chiếc xuồng khác cũng đang trôi dạt trên biển như Pi, cũng bị mù lòa như Pi. Hai kẻ khốn khổ chia sẻ mơ ước được ăn uống những thứ mình thèm khát. Kẻ kia đang thèm ăn thịt, khốn khổ vì không được ăn thịt. Pi tin người bạn khốn khổ của mình, nhưng người bạn ấy, trong cơn trỗi dạy mạnh mẽ của bản năng, hắn nẩy sinh dã tâm giết Pi để ăn thịt Pi. Hắn bước sang xuồng của Pi… Pi hốt hoảng lo cho bạn, nhưng không kịp nữa, Richard Parker đã xuất hiện từ dưới tấm bạt, vồ lấy kẻ khốn nạn đó, xé xác…
Khi làm bộ phim cùng tên, đạo diễn Lý An (Ang Lee) đều không nỡ đưa những chi tiết ghê rợn ăn thịt người lên màn ảnh. Nhưng đọc những đoạn ghê rợn đó trong tiểu thuyết của Yann Martel, tôi nặng chĩu lòng nghĩ đến câu chuyện về “Chiếc bè của Chiến thuyền Méduse”[17], hoặc những đau thương của Vietnamese boat-people trong thập kỷ 1980 mà tờ Saigon Times ở Úc đã nhiều lần tường thuật. Tôi cũng nghĩ đến họa sĩ Gericault, người đã vẽ bức tranh khổng lồ để tố cáo tội ác của những kẻ ích kỷ bất nhân trong câu chuyện bi thảm trên “Chiếc bè của chiến thuyền Méduse”. Bức tranh ấy hiện vẫn là một trong những bức tranh nổi tiếng nhất trong Bảo tàng Louvre. Chúng ta cần bao nhiêu người như Géricault, Gauguin, Freud, Tagore,… để cảnh báo loài người hãy cảnh giác với cái Ác nằm trong bản năng của chính giống loài mình?
Yann Martel chẳng làm điều gì mới hơn so với Gericault và Tagore. Nhưng ông không dừng lại ở bức tranh bi thảm. Ông muốn chỉ cho chúng ta thấy phía chân trời đầy ánh sáng: Đức tin vào cái Thiện, vào cái cao cả, vào những giá trị thiêng liêng mà tiếng Anh gọi là God, dịch giả Trịnh Lữ dịch là Thượng đế. Đó là lý do để Gordon Houser, một nhà xuất bản ở Mỹ, nói rằng Yann Martel gửi tới chúng ta hai thông điệp chủ yếu, “rằng tất cả mọi sinh linh đều liên-đới-phụ-thuộc (interdependent) vào nhau, và rằng chúng ta sống và thở thông qua Đức tin”[18].
(Phần tiếp theo đã được viết thành một bài riêng, nhan đề: CỨU TINH CỦA NỀN VĂN MINH (SAVIOR OF THE CIVILISATION) và đã đăng trên PhamVietHung’s Home ngày 24/10/2013)
[1] Trong một bức họa mô tả cảnh sinh hoạt tại Tahiti (một thuộc địa cũ của Pháp ở nam Thái Bình Dương) nhằm thể hiện thân phận con người qua một kiếp sống, Gauguin đã ghi ở góc trên bên trái dòng chữ sau: “D’où venons-nous? Que sommes-nous? Où allons-nous?” (Chúng ta từ đâu tới? Chúng ta là gì? Chúng ta đi đâu?).
[4] Bản tiếng Việt do NXB Nhã Nam xuất bản năm 2004, tái bản năm 2012, dịch giả Trịnh Lữ.
[5] Tất cả gồm 4 bài. Xem trên PhamVietHung’s Home / Khoa học & Tổ quốc Tháng 10+11+12/2011 và 1+2/2012 / và
[6] Chương 8, trang 60, sách đã dẫn ở ghi chú 4
[7] Ông chủ vườn thú, cha của Pi Patel
[8] Chương 8, trang 62, sách đã dẫn ở ghi chú 4
[9] Xem “Luận về bản tính Thiện/Ác” phần (3): “Gene tội phạm, một câu hỏi lớn” trên PhamVietHưng’s Home; Khoa học & Tổ quốc Tháng 12/2011; và trên Vietsciences: http://vietsciences.free.fr/timhieu/trietly-giaoduc/luanvethienac03.htm
[10] Xem “Luận về bản tính Thiện/Ác” phần (1): “Học thuyết của Sigmund Freud” trên PhamVietHưng’s Home; Khoa học & Tổ quốc Tháng 10/2011; và trên Vietsciences: http://vietsciences.free.fr/timhieu/trietly-giaoduc/luanvethienac.htm
[11] Xem tài liệu đã dẫn trong ghi chú 9
[12] Lão tử Đạo Đức Kinh, GS Vũ Thế Ngọc dịch và chú giải, Nguyễn Minh Tiến hiệu đính
[13] Xem “Con lắc Foucault và Vũ trụ Nhất thể” trên PhamVietHung’s Home và trên Vietsciences:
[14] Nguyên văn: If you stumble about believability, what are you living for? (dịch giả Trịnh Lữ dịch hơi khác với cách dịch nói trên của tôi, nhưng ý cũng tương tự như nhau).
[15] Xem Wikipedia, Life of Pi. http://en.wikipedia.org/wiki/Life_of_Pi
[16] Trong cuốn phim cùng tên của Lý An (Ang Lee) với 4 Giải Oscar, đạo diễn để cho Pi Patel hỏi câu hỏi đó với chính Yann Martel, và để cho Martel trả lời thích chuyện thứ nhất hơn.
[17] Xem Khoa học & Tổ quốc Tháng 07/2010; trên PhamVietHung’s Home; và trên Vietsciences:
[18] Wikipedia, như ghi chú 13.
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét