Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Tư, 21 tháng 2, 2018

Bài học về lòng dân của nhà Hồ



Dân là gốc của nước. Giữ nước trước hết là giữ dân, được lòng dân. Bài học xương máu ấy không bao giờ cũ trong bất cứ thời nào, chế độ nào.Hiểm họa từ phương Bắc Từ lâu, nhà Minh đã nuôi âm mưu xâm lược nước ta

Kết quả hình ảnh cho hình ảnh về thành nhà hồ

Trong lịch sử hàng nghìn năm hiếm có triều đại nào xây thành quách kiên cố vững chãi như thành Tây Đô của nhà Hồ.



Từ lâu, nhà Minh đã nuôi âm mưu xâm lược nước ta, tuy nhiên khi nhà Hồ thành lập thì tình hình nhà Minh cũng rối loạn nên âm mưu đó không thực hiện được. Mãi đến năm 1403, khi Minh Thái Tông diệt xong Huệ đế và lên ngôi thì âm mưu xâm lược nước ta mới được đẩy mạnh.
Vua Minh đã cử nhiều đoàn sứ thần sang Đại Ngu (quốc hiệu nước ta thời nhà Hồ) để thăm dò và liên lạc với một số quan lại cũ của nhà Trần có tư tưởng chống nhà Hồ để chuẩn bị làm nội ứng.
Thâm hiểm hơn, nhà Minh còn cho người vượt biển sang Chăm-pa, xúi giục Vua Chăm-pa đem quân đánh vào nam Đại Ngu để quấy rối, tạo thuận lợi cho việc nhà Minh đem quân từ phương Bắc đánh xuống.

Năm 1405, lấy cớ nước ta chiếm Lộc Châu là đất của chúng, vua Minh sai người sang đòi. Để yên chuyện và kéo dài thời gian chuẩn bị kháng chiến, Hồ Quý Ly phải cử Hoàng Hối Khanh làm cát địa sứ cắt 59 thôn ở Cổ Lâu để trả cho chúng.
Hè năm 1406, nhà Minh sai hai tướng Hàn Quan và Hoàng Trung đem hơn 5.000 quân kéo sang nước ta, lấy cớ là ủng hộ Trần Thiêm Bình về nước làm vua. Trần Thiêm Bình vốn là một gia nô nhà Trần, trốn sang Minh, đổi tên và tự xưng là con của vua Trần Nghệ Tông. Nhưng quân Minh vừa kéo đến Lạng Sơn thì bị quân nhà Hồ đánh tan, chúng phải xin nộp Thiêm Bình để được rút về.
Thấy rõ âm mưu xâm lược của nhà Minh, ngay từ khi lên ngôi, Hồ Quý Ly đã khẩn trương chuẩn bị phòng vệ. Nhiều cuộc hành quân và di dân khai hoang được tiến hành liên tục trong các năm 1403 - 1404 nhằm củng cố, bảo vệ biên giới phía Nam.
Năm 1405, nhà Hồ còn lập ra 4 kho quân khí (xưởng chế tạo vũ khí), tăng cường thăm dò, nghiên cứu các vùng biển hiểm yếu, củng cố lực lượng quân sự.
Cũng trong thời gian này xuất hiện những súng “thần cơ sang pháo”, những thuyền lớn đi biển có lầu với tên gọi là “Tải lương cổ lâu” (thực ra là các thuyền chiến). Người sáng chế và chỉ đạo chế tác theo các tài liệu sử sách ghi lại chính là Tả tướng quốc Hồ Nguyên Trừng, con trai cả của Hồ Quý Ly.
Kháng chiến trong đơn độc
Tháng 10 năm 1406, nhà Minh cử 2 đạo quân lớn gồm hàng chục vạn lính chiến và dân phu tấn công xâm lược nước ta theo hai hướng Lạng Sơn và Tây Bắc. Những tên tướng cầm đầu là Chu Năng, Trương Phụ, Mộc Thạnh còn phát hịch rêu rao là “tìm con cháu họ Trần để lạp làm vua” để đánh lừa nhân dân ta.
Cuối năm 1406, giặc Minh vượt qua Lạng Sơn đánh về Thăng Long. Đầu năm 1407, chúng vượt sông Hồng đánh vào phòng tuyến Đa Bang (Ba Vì, Hà Nội). Dù chiến đấu rất anh dũng nhưng do đơn độc, không được nhân dân ủng hộ nên phòng tuyến Đa Bang thất thủ. Tuyến phòng ngự bị phá vỡ, giặc Minh tràn về Thăng Long, mặc sức phá hoại, cướp bóc, tàn sát nhân dân ta.
Hồ Quý Ly cùng quân đội buộc phải rút về thành Tây Đô (Vĩnh Lộc, Thanh Hóa). Tháng 5-1407, giặc Minh do Trương Phụ, Mộc Thạnh chỉ huy kéo vào tấn công và vây hãm thành Tây Đô.
Tây Đô thất thủ, cha con Hồ Quý Ly cùng một số tướng lĩnh trung thành chạy vào Nghệ An. Nhiều tướng lĩnh của nhà Hồ bị giặc bắt. Cuối cùng, đến lượt cha con Hồ Quý Ly cũng bị giặc bắt ở vùng biển Kỳ La (Kỳ Anh, Hà Tĩnh).
Bài học về “được” và “mất” lòng dân
Cho đến nay, khi nghiên cứu về triều đại nhà Hồ, nhiều sử gia đều có chung nhận xét rằng nguyên nhân chính khiến cho cuộc kháng chiến chống giặc Minh của nhà Hồ thất bại chính là phải kháng chiến trong đơn độc, không nhận được sự ủng hộ của nhân dân.
Điều này cũng đã được nhà Hồ nhận ra. Tả tướng quốc Hồ Nguyên Trừng từng phát biểu trước triều đình rằng: “Tôi không sợ đánh (giặc), mà chỉ sợ lòng dân không theo” và chính Hồ Quý Ly đã thừa nhận điều này khi ban thưởng cho Hồ Nguyên Trừng chiếc hộp trầu bằng vàng.
Cuộc kháng chiến chống giặc Minh cũng đã chứng tỏ được rằng quân tướng nhà Hồ và một bộ phận nhân dân đã chiến đấu rất quyết liệt. Tuy nhiên cuối cùng cuộc kháng chiến vẫn thất bại vì nhà Hồ không nhận được sự ủng hộ của đa số nhân dân.
Đây là hậu quả của cuộc khủng hoảng cuối thời nhà Trần đã làm suy yếu lực lượng tự vệ của cả triều đình lẫn nhân dân cùng những cải cách sai lầm của Hồ Quý Ly đã làm tăng thêm mâu thuẫn giữa nhân dân với giai cấp thống trị.
Mong muốn sớm giải quyết cuộc khủng hoảng trước nguy cơ ngoại xâm đang đến gần, Hồ Quý Ly đã mạnh tay cải cách về mọi mặt, thậm chí giành lấy ngôi vua, lập triều đại mới để cải cách.
Trên thực tế thì nhà Hồ cũng đã làm được một số việc phù hợp với yêu cầu chung của xã hội lúc bầy giờ, nhưng lại không thể xoa dịu được những mâu thuẫn sâu sắc vốn có của nó.
Thêm vào đó, một số hành động đàn áp, tàn sát con cháu nhà Trần do Hồ Quý Ly tiến hành sau khi chuyển đổi triều đại đã tạo thêm những khó khăn cho việc giải quyết những mâu thuẫn nói trên.
Về vấn đề này, Tiến sĩ khảo cổ học Vũ Thế Long nhận xét: “Thành cao, hào sâu như thế nhưng rồi cuộc kháng chiến chống giặc Minh của nhà Hồ vẫn thất bại. Thất bại vì để mất lòng dân. Dân là gốc của nước. Giữ nước trước hết là giữ dân, phải an dân và được lòng dân. Bài học xương máu ấy không bao giờ cũ trong bất cứ thời nào, chế độ nào.”


Hoàng Sơn

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: