ANH ĐÀO
LĐO - Trên thế giới không đâu có thứ xử phạt rồi cho tồn tại. Sự oái oăm trong quy định của pháp luật đã nảy sinh trong thực tế những bất công: Cái chuồng gà thì bị tháo dỡ, ngôi biệt phủ thì được... tồn tại, hay những câu hỏi vì sao một chuồng heo thì cưỡng chế trong khi những căn cao ốc chọc trời lại vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt!
Thủ tướng, trong văn bản trả lời chất vấn gửi tới các ĐBQH, đã xác nhận: "Phạt cho tồn tại" là một thực tế đã và vẫn còn xảy ra trong xử lý vi phạm hành chính trên một số lĩnh vực của quản lý nhà nước.
Chính Thủ tướng cũng biết tình trạng này chủ yếu do nguyên nhân chủ quan, không loại trừ liên quan đến hành vi tham nhũng, tiêu cực của cán bộ, công chức. Và ông cam kết sẽ từng bước loại bỏ tình trạng không xử lý nghiêm các vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật mà "phạt cho tồn tại" là một biểu hiện.
Nhớ khi vụ “biệt phủ Yên Bái” được đưa ra xử lý với hình thức “phạt cho tồn tại”, dư luận đã bày tỏ sự bất bình. Hàng loạt các công trình xây dựng kiên cố, hàng trăm mét vuông được xây dựng trái phép, và không thể không kể tới mức độ ảnh hưởng xã hội của một trong những vụ việc gây điều tiếng nhất trong nhiều năm qua, để cuối cùng, “biệt phủ tang chứng” vẫn được cho tồn tại.
Nó buồn cười và cũng nghịch lý ở chỗ trong các quy định của pháp luật: Phạt cho tồn tại là một hình thức xử lý (Thông tư 02 của Bộ Xây dựng hướng dẫn nghị định 121). Chính vì sự tréo ngoe trong quy phạm đã làm nảy sinh trong thực tế một cái chuồng gà có thể bị buộc tháo dỡ trong khi biệt phủ thì lại được phạt cho tồn tại.
Chính quy phạm này đã giao quyền định đoạt rất lớn cho những người thực thi khi không có bất cứ cái chuẩn “tồn tại hay không tồn tại” để việc quyết định giống như cảm tính, nói như Thủ tướng, không loại trừ có tiêu cực, tham nhũng. Và chính cơ chế này đã đặt ra những câu hỏi không thể trả lời: Tại sao một cái chuồng heo ở Quảng Nam thì bị cưỡng chế trong khi những cao ốc chọc trời vẫn trơ gan dù sai phạm thì cũng như nhau!?
Không ở đâu trên thế giới có hình thức xử lý “phạt cho tồn tại” như ở ta - ĐBQH Hà Minh Huệ từng phát biểu trước QH.
“Phạt cho tồn tại tưởng như rất nhỏ nhặt, nhưng nó tích tụ và có sức tàn phá rất lớn đối với pháp luật, làm nhờn pháp luật và nguy hại hơn, nó chính là nguồn gốc cùng với cơ chế xin - cho, nó làm băng hoại chính đội ngũ cán bộ của chúng ta”- ĐBQH Dương Trung Quốc cũng từng gan ruột.
Ghi nhận cam kết hôm nay của Thủ tướng, bởi chính việc loại bỏ những bất hợp lý trong xử lý cũng chính là kiến tạo, hành động, cũng chính là một hình thức hữu hiệu làm trong sạch bộ máy.
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét