Nguyễn Thanh Tuân (Luật sư và Trọng tài viên đang hành nghề ở Tp. Hồ Chí Minh)
.Trong cả hai lần kiện Chính phủ Việt Nam (2005 và 2017), Nguyên đơn Trịnh Vĩnh Bình đều không có yêu cầu đòi Chính phủ Việt Nam trả lại tài sản, mà chỉ yêu cầu bồi thường bằng tiền (100 triệu USD và 1,25 tỷ USD). Điều này vừa thể hiện sự khôn ngoan của Bên ông Bình, vừa cũng thể hiện điểm yếu của Nguyên đơn, khi họ muốn tránh bằng mọi giá việc xác định Tính Hợp Pháp của việc “đầu tư”, cũng như của “các tài sản bị tịch thu”.
Dẫn nhập
Từ ngày 21/08 đến ngày 27/08/2017 vừa qua, Tòa án Trọng tài Quốc tế (ICA – International Court of Arbitration), một cơ quan giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế, bên cạnh Phòng Thương mại Quốc tế (ICC), có trụ sở tại Paris, đã mở phiên xét xử vụ tranh chấp: Công dân Vương quốc Hà Lan (gốc Việt), ông Trịnh Vĩnh Bình, kiện Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Vụ kiện liên quan đến việc Việt Nam vi phạm Thỏa thuận giữa hai bên tại Singapore năm 2006 về việc Việt Nam bồi thường bằng tiền và trả lại tài sản mà ông Trịnh Vĩnh Bình đã đầu tư theo quy định của Hiệp định Đầu tư Hà Lan – Việt Nam (10/3/1994) nhưng đã bị Chính phủ Việt Nam tịch thu trước đây.
Cho đến thời điểm có bài viết này, Hội đồng Trọng tài được thành lập tại ICA chưa công bố phán quyết, và cũng do quy định Trọng tài xử kín, nên không bên nào, và không có ai, được phép công bố thông tin liên quan đến diễn biến phiên tòa và phán quyết của Trọng tài. Thông tin chính thức và đáng tin cậy về nội dung, diễn biến của vụ kiện cũng không nhiều. Vì vậy, bài viết này dựa trên những thông tin từ nhiều nguồn khác nhau (một số tin chưa được kiểm chứng), qua những sàng lọc, tổng hợp và phân tích sơ bộ, để bình luận về các khả năng trên cơ sở suy luận logic cho Diễn biến và Dự báo về Kết quả (những nét chính của Phán quyết của Trọng Tài) của vụ án).
Tóm tắt diễn biến
Ông Trịnh Vĩnh Bình – một Việt kiều có quốc tịch Hà Lan, cuối những năm 1980 đã đem theo tiền và vàng về Việt Nam đầu tư nhưng không đăng ký chính thức để thành lập doanh nghiệp theo Luật đầu tư nước ngoài (29/12/1987) của Việt Nam. Do ở thời điểm đó pháp luật chưa cho phép người nước ngoài (bao gồm cả Việt kiều có quốc tịch nước ngoài) đứng tên mua nhà và đứng tên nhận sang nhượng Quyền sử dụng đất, ông Bình đã nhờ người thân đứng tên giùm đất đai, nhà cửa và hai doanh nghiệp trong nước.
Cũng có nguồn tin (chưa được kiểm chứng) nói ông Bình được một số cán bộ lãnh đạo cao cấp động viên đem tiền, vàng về nước đầu tư và chính phủ Việt Nam cũng giúp đỡ riêng cho ông (không theo trình tự thủ tục luật định) trong việc làm thủ tục; và thậm chí cũng có tin nói ông Bình đã làm Giấy ủy quyền cho thân nhân ở Việt Nam đứng tên giùm đất đai nhà cửa ở Việt nam, và giấy này đã được “công chứng” (được chứng thực) bởi Đại sứ quán Việt Nam tại Paris (Nếu có thật thì việc chứng thực này cũng trái với quy định của pháp luật đất đai, đầu tư) … Công việc làm ăn của ông Bình sau đó đã gặt hái được nhiều thành công, phát triển nhanh chóng.
Thực tế, do chính quyền địa phương chỉ làm thủ tục giao đất cho người có hộ khẩu thường trú tại địa phương, và quy định từ thời đó là mỗi người chỉ được có một hộ khẩu thường trú, nhưng ông Bình đã nhờ bà con họ hàng cư trú (có hộ khẩu chính thức) ở một tỉnh phía Nam đến Bà Rịa – Vũng Tàu và Đồng Nai làm thêm hộ khẩu thường trú tại các địa phương đó, từ đó xin giao đất, đứng tên nhận chuyển nhượng đất … giùm ông Bình tại các địa phương nói trên. Sự việc này trái pháp luật ở hai điểm (i) Vi phạm quy định về (một) hộ khẩu; và (ii) Vi phạm quy định theo Luật đất đai do đã nhờ người đứng tên nhận giùm Quyền sử dụng (sở hữu) đất đai.
Ngày 19/03/1994, Hà Lan và Việt Nam ký Hiệp định song phương về Khuyến khích và Bảo hộ Đầu tư lẫn nhau (sau đây gọi tắt là Hiệt định Việt Nam – Hà Lan). Hiệp định bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01/02/1995, nhưng cũng có quy định rõ Hiệp định cũng có hiệu lực hồi tố (retroactive) đối với cả các khoản đầu tư của công dân hai nước, nếu có, đã được thực hiện từ sau ngày 30/04/1975, tức là ngay cả trước khi Hiệp định có hiệu lực (Điều 10). Cụ thể, theo Hiệp định:
Điều 1: Với mục đích của Hiệp định này:
(a) Thuật ngữ “Đầu tư” bao gồm mọi loại tài sản, đặc biệt nhưng không chỉ là:
(i) sở hữu động sản và bất động sản cũng như các quyền sở hữu khác đối với mọi loại tài sản;
(ii) các quyền phát sinh từ cổ phần, trái phiếu và các lợi ích khác của công ty và liên doanh;
(iii) chứng quyền về tiền, về tài sản khác hoặc về bất kỳ hoạt động nào có giá trị kinh tế;
(iv) các quyền trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, qui trình kỹ thuật, đặc quyền kế nghiệp và bí quyết công nghệ;
(v) những quyền được pháp luật đảm bảo gồm các quyền thăm dò, khai thác, chiết xuất, sử dụng các tài nguyên thiên nhiên.
(b) Thuật ngữ “công dân” tùy theo mỗi Bên ký kết:
(i) Các thể nhân có quốc tịch của Bên ký kết đó;
(ii) các pháp nhân được thành lập theo luật của Bên ký kết;
(iii) các pháp nhân không được thành lập theo luật pháp của Bên ký kết, nhưng chịu sự kiểm soát trực tiếp hoặc gián tiếp bởi thể nhân quy định tại mục (i), hoặc bởi pháp nhân quy định tại mục (ii)
Điều 6: Không một Bên ký kết nào được thực hiện bất kỳ biện pháp nào để tước đoạt trực tiếp hoặc gián tiếp những đầu tư của các công dân của Bên ký kết kia, trừ khi được thực hiện với những điều kiện sau:
(a) Các biện pháp được thực hiện vì lợi ích công cộng và theo thủ tục của Luật pháp;
(b) Các biện pháp không có sự phân biệt đối xử hoặc trái với bất cứ cam kết nào mà Bên ký kết cam kết như những biện pháp có thể thực hiện;
(c) Các biện pháp áp dụng phải được bồi thường công bằng. Việc bồi thường đó sẽ theo đúng giá trị thực tế của những đầu tư, bao gồm lãi với lãi suất thương mại thông thường cho đến ngày chi trả. Để có hiệu qủa cho người đòi bồi thường, khoản bồi thường sẽ được trả và chuyển không chậm trễ sang nước mà người đó xác định, và bằng đồng tiền của nước mà người đó là công dân hoặc bất kỳ đồng tiền tự do chuyển đổi nào mà người đó chấp thuận.
Điều 9:
1. Tranh chấp giữa một Bên ký kết với công dân của Bên ký kết kia liên quan tới đầu tư của công dân của Bên ký kết kia trên lãnh thổ của Bên ký kết đó, thì nếu có thể sẽ được giải quyết bằng hòa giải.
2. Nếu vụ tranh chấp đó không được giải quyết theo quy định tại khoản 1 Điều này, trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày một Bên tranh chấp đề nghị giải quyết bằng hòa giải thì theo yêu cầu của công dân liên quan, vụ tranh chấp sẽ được đưa ra Tòa án trọng tài Ad-hoc được thành lập theo thỏa thuận đặc biệt hoặc theo Qui tắc Trọng tài của Uỷ ban Liên Hợp Quốc về Luật thương mại quốc tế.
3. Trong trường hợp các bên ký kết tham gia Công ước giải quyết các tranh chấp về đầu tư giữa Nhà nước với công dân của Nhà nước kia ký ngày 18/03/1965 tại Washington, thì những tranh chấp nêu tại khoản 1 Điều này, theo yêu cầu của công dân có liên quan sẽ được đưa ra Trung tâm quốc tế giải quyết các tranh chấp về đầu tư để giải quyết bằng hòa giải hay trọng tài theo Công ước đó.
4. Mỗi Bên ký kết theo đây chấp thuận vô điều kiện về việc đưa các tranh chấp ra xét xử ở Trọng tài quốc tế theo các quy định tại Điều này.
Năm 1996, chính quyền tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã bắt giữ ông Trịnh Vĩnh Bình với nhiều cáo buộc hình sự, trong đó có các tội danh “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai”, “Trốn thuế” và tội “Đưa hối lộ” theo quy định của Bộ Luật Hình sự Việt Nam 1985 (sửa đổi bổ sung năm 1989). Theo báo Công an Nhân dân ngày 06/06/2005, cho tới khi bị cơ quan an ninh điều tra Bà Rịa – Vũng Tàu bắt giữ, ông Bình đã nắm trong tay 11 căn nhà, 114 nền nhà và 2.847.745 m2 đất. Với những tội danh nói trên, ông Bình đã bị kết án 11 năm tù (bản án hình sự đã có hiệu lực pháp luật), bị tịch thu tài sản là nhà, đất do người khác đứng tên giùm, và một số tài sản là động sản, tiền mặt, đồ cổ…
Xung quanh việc bắt giam, truy tố và xét xử ông Trịnh Vĩnh Bĩnh, nội bộ Việt Nam khi đó cũng không thống nhất. Thanh Niên là tờ báo công khai không đồng tình với việc bắt giam, truy tố, xét xử và kết án ông Bình. Giáo sư Nguyễn Vi Khải – thành viên Ban nghiên cứu, cố vấn Thủ tướng Phan Văn Khải khi đó, hiện là Viện phó Viện Nghiên cứu các vấn đề phát triển (VIDS) cho biết, Ban nghiên cứu của ông đã có ý kiến, kiến nghị tới Thủ tướng Phan Văn Khải về sự việc của ông Trịnh Vĩnh Bình, nhằm tránh ảnh hưởng xấu đến hình ảnh, môi trường đầu tư tại Việt Nam, đánh mất cơ hội hội nhập quốc tế. “Thủ tướng có văn bản gửi xuống cho các ngành an ninh, Bộ trưởng công an lúc đó là ông Lê Minh Hương, để xem xét sự việc và tìm nguyên nhân giải quyết theo luật pháp. Khoảng hai lần Thủ tướng yêu cầu Bộ Công An giải trình.”
Tuy có ý kiến của Thủ tướng và sự lên tiếng của nhiều quan chức cấp cao trong bộ máy khi đó, như Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình đưa vụ việc ra Quốc hội, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm, nhưng phía Cơ quan Điều tra – công an tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và các Cơ quan Tư pháp (Điều tra, Truy tố, Xét xử) vẫn đã xử lý vụ việc theo hướng hình sự, tuyên ông Trịnh Vĩnh Bình phạm tội, phải chịu mức án 11 năm tù và tịch thu toàn bộ tài sản sau 2 lần xét xử (xét sơ thẩm tại Tòa án Nhân dân tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu và xét xử phúc thẩm bởi Tòa án Nhân dân Tối cao).
Sau khi ông Bình bị bắt giam và bị kết án, một số cán bộ thi hành án ở địa phương đã bị truy tố, chịu án tù, do đã có vi phạm pháp luật trong khâu bán đấu giá tài sản bị tịch thu không đúng quy định của pháp luật, làm thiệt hại cho ông Bình và cho ngân sách Nhà nước.
Năm 2000, ông Trịnh Vĩnh Bình rời khỏi Việt Nam (có tin nói ông bỏ trốn qua đường Campuchia), trở về Hà Lan và năm 2003 tiến hành khởi kiện Chính phủ Việt Nam theo quy định tại (khoản 4) Điều 9 của Hiệp định Việt Nam- Hà Lan, tại Trung tâm Quốc tế Giải quyết các Tranh chấp về Đầu tư (ICSID) – Stockholm (Thụy Điển), với sự giúp đỡ của hãng luật Covington Burling của Mỹ. Theo đơn kiện khi đó, ông Bình yêu cầu phía Việt Nam phải bồi thường số tiền hơn 100 triệu USD.
Sau đó, vào năm 2006, ông Bình và Chính phủ Việt Nam đạt được thoả thuận bên ngoài Toà Trọng tài ICSID, ký tại Singapore (sau đây gọi tắt là “Thỏa thuận 2006”). Theo một số nguồn tin, nội dung của Thỏa thuận 2006 có quy định: Chính phủ Việt Nam chấp thuận miễn chấp hành hình phạt tù cho ông Bình, bồi thường 15 triệu USD, “trả lại tài sản” cho ông Bình, và cho phép ông trở lại Việt Nam để tiếp tục đầu tư. Đổi lại, ông Bình rút đơn kiện khỏi Tòa Trọng tài ICSID và không tiết lộ nội dung Thỏa thuận 2006.
Về nội dung cụ thể của việc “Trả lại tài sản” trong Thỏa thuận 2006, hiện có nhiều nguồn tin (chưa được kiểm chứng) khác nhau về vấn đề này: (1) “Trả lại TOÀN BỘ TÀI SẢN”; (ii) “Trả lại TÀI SẢN MỘT CÁCH HỢP LÝ” (Theo Tiến sỹ Đinh Hoàng Thắng nguyên Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan); và (iii) “Trả lại (các) TÀI SẢN HỢP PHÁP” (Theo Giáo sư Nguyễn Đình Cống).
Theo tin từ báo Thanh Niên, phía Việt Nam đã miễn chấp hành hình phạt tù có hời hạn (11 năm) cho ông Trịnh Vĩnh Bình (Bản án Hình sự vẫn có hiệu lực, không bị hủy, không có ai không tuyên vô tội hay xóa tội, chỉ là miễn chấp hành – không phải ngồi tù). Về số tiền 15 triệu USD bồi thường cho ông Bình theo Thỏa thuận 2006, có tin nói là phía Việt Nam đã trả xong, dù chậm trễ vì mãi đến năm 2014 mới trả hết và ông Bình cũng không đòi tiền lãi từ năm 2006 đến 2014.Tuy nhiên, cho tới nay (9/2017) ông Bình vẫn chưa được nhận lại tài sản theo Thỏa thuận 2006.
Tháng 01/2015, ông Trịnh Vĩnh Bình tái khởi kiện Chính phủ Việt Nam tại Tóa án Trọng tài quốc tế (ICA) Paris, với lý do chính phủ Việt Nam “Không thực hiện đúng Cam kết trong Thỏa thuận 2006” và đòi chính phủ Việt Nam bồi thường ít nhất 1,25 tỷ USD (không thấy nói đến việc đòi Việt Nam phải trả lại tài sản đã tịch thu của ông).
Ngày 21/08/2017, phiên xử đầu tiên của vụ kiện diễn ra tại Paris. Giáo sư Nguyễn Vi Khải, nguyên thành viên Ban nghiên cứu, cố vấn Thủ tướng Phan Văn Khải, hiện là Viện phó Viện Nghiên cứu các vấn đề phát triển (VIDS) dự đoán, tuy kết quả thắng cuộc của ông Trịnh Vĩnh Bình là “mong manh”, nhưng vẫn có “hệ lụy nguy hiểm” đối với Việt Nam.
Như vậy, nhiều khả năng là Trọng tài sẽ sẽ tập trung xem xét đơn kiện và lập luận của hai đội luật sư của hai Bên, để quyết định hai vấn đề: (1) Chính phủ Việt nam có phải bồi thường tiền cho ông Bình hay không?”; và (2) Nếu câu trả lời là “Có”, thì sẽ là bồi thường bao nhiêu, và xác định trên cơ sở nào?
Những vấn đề pháp lý trong vụ kiện 2017
1. Tòa sẽ xử tranh chấp nào?
Tranh chấp được xét xử sẽ (được coi) là một Tranh chấp Thương mại, và do Việt Nam đã tự nguyện từ bỏ Quyền Miễn trừ quốc gia khi tham gia Hiệp định Bảo hộ đầu tư với Hà Lan và khi ký Thỏa thuận 2006, nên vụ việc có thể đã được giải quyết theo các nguyên tắc của Tư pháp quốc tế.
Trên cơ sở so sánh, đối chiều và kết quả sàng lọc các nguồn thông tin của chúng tôi: Cũng giống như yêu cầu trong vụ kiện lần đầu, khi ông Bình kiện Chính phủ Việt Nam ra Trung tâm Quốc tế Giải quyết các Tranh chấp về Đầu tư (ICSID) năm 2005 để đòi bồi thường 100 triệu USD, lần này ông Trịnh Vĩnh Bình cũng đã kiện Chính phủ Việt nam, để đòi phía Việt Nam phải bồi thường thiệt hại 1,25 tỷ USD, vì đã “Vi phạm Thỏa thuận 2006”, qua việc không thực hiện đầy đủ nội dung Thỏa thuận, chứ ông KHÔNG ĐÒI TÀI SẢN BỊ TỊCH THU theo quy định của Hiệp định Việt Nam- Hà Lan.
Đây có thể là chiến lược khá khôn ngoan của nhóm luật sư của ông Bình, nhằm mục đích tránh tối đa việc đụng chạm đến vấn đề Tính hợp pháp của việc “đầu tư” và của “Tài sản thu được từ đầu tư”, tránh sa đà vào việc viện dẫn, áp dụng quy định của Pháp luật của Việt Nam về Ủy quyền/Ủy thác đầu tư và Đầu tư nước ngoài (tránh bị cáo buộc đã “đầu tư chui”). Khi chọn chiến lược tranh tụng như vậy, có thể họ đã nhằm đến việc vận dụng quy định về bồi thường do vi phạm hợp đồng theo Luật điều chỉnh mà chúng tôi sẽ bàn dưới đây.
Như vậy, theo nguyên tắc “Kiện gì, xử nấy”, Trọng tài Quốc tế ICA (Paris) chắc là đã chỉ xem xét, và sẽ ra phán quyết cho, tranh chấp “Vi phạm Thỏa thuận 2006, và yêu cầu yêu cầu bồi thường 1,25 tỷ USD” của Nguyên đơn.
2. Thẩm quyền của Hội đồng Trọng tài đang xét xử vụ kiện tại Trung tâm Trọng tài Quốc tế Paris:
Theo nguyên tắc chung về xét xử tranh chấp bằng con đường Trọng tài, Trọng tài chỉ có thẩm quyền xử tranh chấp khi, và chỉ khi, các bên tranh chấp trước đó đã cùng thỏa thuận chọn một trung tâm Trọng tài cụ thể để giải quyết tranh chấp giữa họ. Trong vụ kiện Trịnh Vĩnh Bình chống lại Chính phủ Việt Nam, một Hội đồng Trọng tài đã được thành lập theo Quy tắc Trọng tài của Trung tâm Trọng tài Quốc tế Paris để xét xử tranh chấp. Điều đó đã chứng tỏ các Bên tham gia Thỏa thuận 2006 đã cùng nhất trí đưa tranh chấp ra giải quyết tại Trung tâm Trọng tài quốc tế Paris, và điều đó cũng có nghĩa là Hội đồng Trọng tài đang xét xử vụ kiện hoàn toàn có thẩm quyền giải quyết tranh chấp.
3. Luật áp dụng để điều chỉnh Thỏa thuận 2006 và cũng dùng để xét xử vụ kiện:
(a) Khả năng áp dụng LUẬT Ở NƠI KÝ KẾT HỢP ĐỒNG, hoặc LUẬT Ở NƠI CÓ TÀI SẢN:
Nếu các Bên đã không có thỏa thuận gì về Luật được áp dụng để giải thích và thực hiện Thỏa thuận 2006, thì Luật áp dụng để giải thích và thực hiện Thỏa thuận 2006 sẽ được xác định qua một trong các nguyên tắc thông dụng trong Tư pháp quốc tế: (i) Luật ở nơi ký kết Hợp đồng (thỏa thuận) – “Lex Loci Contractus”, hoặc (ii) Luật của nơi có tài sản – “Lex Loci Proprietas”. Tuy nhiên, dù Trọng tài có quyết định áp dụng nguyên tắc chọn Luật, đặc biệt là Luật về Hợp đồng, của Singapore – nơi ký kết hợp đồng để giải quyết tranh chấp, thì cũng rất khó tránh việc phải dẫn chiếu đến, và áp dụng, Luật của nơi có tài sản, tức là Luật của Việt Nam.
(b) Khả năng áp dụng quy định của Hiệp định Khuyến khích và Bảo hộ Đầu tư Việt Nam – Hà Lan 1994:
Bất kể việc ông Bình đã rút đơn khởi kiện Chính phủ Việt Nam tại Trung Tâm Trọng tài ICSIS ở Stockholm (Thụy Điển) sau khi hai Bên ký Thỏa thuận 2006, có rất nhiều khả năng là Hội đồng Trọng tài vẫn sẽ phải dẫn chiếu đến Hiệp định giữa Hà Lan và Việt Nam (1994) như một nguồn để xác định tài sản tranh chấp theo Thỏa thuận 2006.
Như vậy, theo Hiệp định, ông Bình được cho là đã đầu tư vào Việt Nam với tư cách thể nhân (công dân) Hà Lan, chứ không nhân danh chủ một Công ty (pháp nhân) Hà Lan đầu tư vào Việt Nam. Đồng thời, do sự không rõ ràng của điểm (iii) mục (b) của Điều 1, hai pháp nhân (công ty) được thành lập theo luật Việt Nam và đứng tên bởi người nhà của ông Bình, chịu sự kiểm soát của ông Bình, tại Việt Nam hiện không rõ là có được coi là “công dân” Hà Lan theo Hiệp định, từ đó đất đai, tài sản do hai công ty này sở hữu có được bảo hộ theo Hiệp định, hay không?
Ngoài ra, Điểu 1 và toàn bộ nội dung của Hiệp định cũng KHÔNG ghi rõ là sự đầu tư của công dân của một Bên vào Bên kia có phải tuân thủ pháp luật tương ứng của Bên nhận đầu tư, chẳng hạn quy định về đầu tư, hay không. Chẳng hạn, nếu công dân Việt Nam đầu tư ở Hà Lan bằng cách mua đất đai, lập trang trại, mua máy móc, thiết bị và thuê nhân công để đầu tư … trồng cây cần sa, một chất gây nghiện, thì nhà đầu tư có bị xử lý hình sự, và tài sản và kết quả đầu tư đó có bị tịch thu hay không? Thực tế cho thấy kiểu “đầu tư” vi phạm pháp luật nước chủ nhà, thì thường không được pháp luật bảo hộ và sẽ bị xử lý.
Nếu việc đầu tư của công dân của một Bên vào Bên kia luôn phải tuân thủ pháp luật tương ứng của Bên nhận đầu tư, như một chuyện đương nhiên, thì việc công dân của một Bên “lách” luật, nhờ người khác đứng tên giùm để sở hữu tài sản, trái với quy định của Bên nhận đầu tư, thì việc “đầu tư lách luật” cũng như “tài sản” phát sinh tương ứng đương nhiên không thể được bảo hộ theo quy định của Hiệp định song phương.
(c) Khả năng áp dụng Luật Việt Nam:
Khi cần xác định Việt Nam có phải trả lại tài sản, hay bồi thường cho ông Trịnh Vĩnh Bình hay không, và nếu có, là tải sản nào, thì theo nguyên tắc dùng Luật của quốc gia, nơi có tài sản (bất động sản) đang tranh chấp trong Tư pháp quốc tế, khả năng rất cao là Trọng tài sẽ buộc phải dẫn chiếu đến Luật Đất đai, Luật đầu tư nước ngoài và Luật dân sự Việt Nam để phân xử và quyết định: (i) hành vi của ông Bình có phải là hoạt động đầu tư hợp pháp hay không? (ii) việc nhờ người khác đứng tên giùm có phải là việc ủy quyền, hay ủy thác đầu tư hợp pháp hay không? và (iii) những tài sản nào của ông Bình thuộc diện sẽ được trả lại như kết quả hợp pháp của việc đầu tư?
(d) Luật Hình thức (Luật tố tụng): Quy tắc Trọng tài của Trung tâm Trọng tài Quốc tế Paris sẽ được Hội đồng Trọng tài áp dụng cho quá trình xét xử vụ kiện, nếu các Bên đã không có thỏa thuận khác.
4. Phía Việt Nam liệu có phải trả lại tài sản, hoặc bồi thường cho ông Bình hay không?
Theo Điều 6, Hiệp định Khuyến khích và Bảo hộ Thương mại Đầu tư giữa Việt Nam-Hà Lan: “Không một Bên ký kết nào được thực hiện bất kỳ biện pháp nào để tước đoạt trực tiếp hoặc gián tiếp những đầu tư của các công dân bên kia”. Cũng có nhiều người cho rằng đây là cơ sở để cho rằng ông Trịnh Vĩnh Bình có nhiều khả năng sẽ thắng trong vụ kiện này.
Tuy nhiên, có rất nhiều khả năng là phía Việt Nam sẽ không còn cách nào tốt hơn là sẽ buộc phải bảo vệ quan điểm, rằng ông Trịnh Vĩnh Bình đã vi phạm pháp luật của Việt Nam về đầu tư nước ngoài (đầu tư chui), về quản lý đất đai (Luật đất đai), quy định về quản lý hộ khẩu, tiền tệ, ngân hàng (vận chuyển tiền tệ qua biên giới trái phép)… để Trọng tài xem xét.
Khả năng rất cao là Trọng tài sẽ không ra ra phán quyết để buộc Việt Nam phải trả lại tài sản (nào đó) cho Nguyên đơn Trịnh Vĩnh Bình, vì Nguyên đơn không yêu cầu trả lại tài sản như thế.
Vậy thì cũng có khả năng rất cao, là Trọng tài sẽ phán quyết buộc Việt Nam phải bồi thường, tuy nhiên cũng hầu như chắc chắn sẽ không phải là bồi thường đúng 1,25 tỷ USD như ông Bình đang đòi, mà sẽ là một con số khác, thấp hơn (rất?) nhiều, chỉ là giá trị của những tài sản được coi là hợp pháp, nếu Trọng tài chấp thuận dẫn chiếu đến nguyên tắc áp dụng Luật ở nơi có tài sản để phán quyết rằng Nguyên đơn Trịnh Vĩnh Bình cũng có lỗi vi phạm pháp luật Việt Nam, từ đó giảm thiểu mức bồi thường dành cho ông.
5. Một số vấn đề cần lưu ý:
Thứ nhất, khi nộp đơn kiện, phía Nguyên đơn Trịnh Vĩnh Bình, nếu xét từ khía cạnh Hiệp định khuyến khích và Bảo hộ đầu tư Việt Nam – Hà Lan, sẽ có lợi thế khi viện dẫn Điều 6: “Không một Bên ký kết nào được thực hiện bất kỳ biện pháp nào để tước đoạt trực tiếp hoặc gián tiếp những đầu tư của các công dân bên kia”.
Tuy nhiên, trong cả hai lần kiện Chính phủ Việt Nam (2005 và 2017), Nguyên đơn Trịnh Vĩnh Bình đều không có yêu cầu đòi Chính phủ Việt Nam trả lại tài sản, mà chỉ yêu cầu bồi thường bằng tiền (100 triệu USD và 1,25 tỷ USD). Điều này vừa thể hiện sự khôn ngoan của Bên ông Bình, vừa cũng thể hiện điểm yếu của Nguyên đơn, khi họ muốn tránh bằng mọi giá việc xác định Tính Hợp Pháp của việc “đầu tư”, cũng như của “các tài sản bị tịch thu”.
Thứ hai, có thể sẽ có sự khác biệt trong quan điểm của hai Bên tranh chấp về vần đề “Ủy quyền/Đứng tên giùm”, buộc Trọng tài phải dẫn chiếu Luật Điều chỉnh để phân xử.
Theo luật pháp và tập quán ở các quốc gia có nền Kinh tế Thị trường đã phát triển (EU, Mỹ, Canada, Úc, Nhật…), việc một tổ chức, cá nhân giao một khoản tiền vốn cho một cá nhân hay tổ chức khác thay mình thực hiện việc đầu tư thông qua một Hợp đồng ủy quyền hay Hợp đồng Ủy thác đầu tư là chuyện rất bình thường. Thông qua các Hợp đồng như vậy, Nhà đầu tư không cần tiết lộ danh tính, nhưng vẫn được coi là chủ sỡ hữu hợp pháp của số tiền vốn và kết quả đầu tư.
Tại Việt Nam, ở thời điểm cuối những năm 1980, việc nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đầu tư theo Luật đầu tư nước ngoài 1987 vẫn còn rất khó khăn. Luật quy định phải có dự án đầu tư được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, phải thành lập công ty có vốn đầu tư nước ngoài, liên doanh…, và tiền vốn hay tài sản khác dùng để góp vốn đầu tư được đưa vào một cách hợp pháp, thông qua ngân hàng, hoặc thủ tục nhập khẩu, thẩm định giá trị rất nghiêm ngặt… Nếu ông Bình đưa tiền và vàng vào Việt Nam theo các con đường khác, thì việc dùng tiền đó để đầu tư có thể bị coi là không hợp pháp.
Ngoài ra, việc giao đất, công nhận việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất cũng có quy định riêng, không chấp nhận nhờ người khác “đứng tên giùm” trong Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất, trong hồ sơ xin giao đất… Việc ông Bình nhờ bà con đứng tên giùm trong giấy tờ hồ sơ xin giao đất, nhận chuyển nhượng (mua) đất do ông Trịnh Vĩnh Bình và những người đứng tên giùm đã có nhiều hành vi vi phạm pháp luật, những hành vi đó sẽ phải được coi là “đầu tư chui”, đầu cơ thâu tóm đất đai…bất hợp pháp.
Thứ ba, cho tới nay, bản án Hình sự của Tòa án có thẩm quyền của Việt Nam đối với ông Trịnh Vĩnh Bình vẫn còn nguyên hiệu lực, ở cả hai phần án phạt tù và xử lý (tịch thu) tài sản vi phạm pháp luật. Ông Bình mới chỉ được “Miễn chấp hành hình phạt tù”, chứ chưa được xóa án. Việc vẫn còn bản án Hình sự có hiệu lực đối với ông Bình sẽ là một cơ sở quan trọng để xem xét tính hợp pháp của việc “đầu tư” và của “các tài sản thu được từ đầu tư” của ông Bình, giống như khi cần xem xét tính hợp pháp của việc “đầu tư bằng cách… trồng cây cần sa” đã nói ở trên.
Cũng có dư luận cho rằng việc xét xử hình sự đối với ông Bình là “Hình sự hóa quan hệ kinh tế”, là “Vi phạm nhân quyền”… Nhưng chắc chắn là Trọng tài Quốc tế Paris khi xét xử vụ kiện này (Vi phạm Thỏa thuận 2006) như một vụ tranh chấp thương mại sẽ không thể (hay không có thẩm quyền) xem xét vụ kiện từ góc độ oan sai trong án hình sự, hay nhân quyền…
Thứ tư, về vấn đề bồi thường, điều này tùy thuộc vào việc dùng Luật nào để điều chỉnh Thỏa thuận 2006 và xét xử tranh chấp.
Thông thường thì Trọng tài quốc tế sẽ căn cứ thực tế diễn biến (nội dung) của vụ kiện, Luật điều chỉnh Hợp đồng, các lỗi vi phạm hợp đồng và thiệt hại phát sinh thực tế để quyết định: Ai phải bồi thường cho ai? Bồi thường bao nhiêu và dựa trên cơ sở nào?
Nếu là bồi thường theo Luật điều chỉnh mà sẽ được xác định theo nguyên tắc chọn Luật ở nơi ký kết Hợp đồng (Lex Loci Contractus), thì phải xem xét quy định về bồi thường theo Luật pháp của Singapore, nơi ký Thỏa thuận 2006. Nhìn chung, Luật Singapore, đặc biệt là Luật về Hợp đồng, chịu nhiều ảnh hưởng từ Luật của Anh và trường phái Thông Luật (Common Law). Xét về nguyên tắc, các thiệt hại của Bên bị vi phạm hợp đồng sẽ được Bên vi phạm bồi thường đầy đủ.
Tuy nhiên, Luật của Singapore cũng có quy định về các khoản (loại) bồi thường bổ sung khác, làm cho tổng giá trị bồi thường, trong những trường hợp cụ thể, cao hơn nhiều so với thiệt hại thực tế. Tài sản bị tịch thu của ông Bình ở thời điểm năm 2005, khi ông nộp đơn kiện Việt Nam ở Trọng tài Stockholm được xác định chỉ khoảng 30 triệu USD, và Việt Nam đã chấp nhận bồi thường cho ông 15 triệu USD cùng với “Trả lại tài sản”. Tuy nhiên, trong lần kiện này, nếu áp dụng Luật Singapore để xác định tổng giá trị bồi thường, nếu có, thì chúng tôi tin rằng con số đó có thể sẽ cao hơn, nhưng chắc là vẫn sẽ thấp con con số 1,25 tỷ USD.
Trong khi đó, nếu là bồi thường theo Luật mà sẽ được xác định theo nguyên tắc chọn Luật ở nơi có tài sản (Lex Loci Propietas), thì phải xem xét quy định về bồi thường theo Luật thương mại hiện hành của Việt Nam, tức sẽ căn cứ theo các yếu tố: (i) Có sự sự vi phạm Thỏa thuận, (ii) có thiệt hại là hậu quả trực tiếp từ sự vi phạm Thỏa thuận của một Bên, và (iii) Thiệt hại phải cụ thể, có thể tính toán được (bằng tiền).
Ngoài ra, nếu phía Việt Nam chưa thực hiện Thỏa thuận 2006 với lý do hai Bên chưa hợp tác được với nhau (hoặc do ông Bình từ chối hợp tác), để xác định được tính hợp pháp của tài sản sẽ được trả lại, thuộc một trong ba khả năng cho vấn đề nội hàm của thuật ngữ “tài sản” trong Thỏa thuận 2006 mà chúng tôi đã đề cập ở trên, thì để tránh bế tắc cho vụ kiện, rất có thể hai Bên vừa qua đã nhất trí bổ sung yêu cầu Hội đồng Trọng tài phân xử để xác định liên quan đến “các tài sản sẽ được trả lại”, Việt Nam, do không vi phạm Thỏa thuận 2006, sẽ không phải bồi thường cho ông Bình.
Nếu phía Việt Nam trước đây rõ ràng đã từ chối hợp tác với Ông Bình để xác định tài sản sẽ được trả lại, thì Việt Nam đã vi phạm Thỏa thuận 2006, và vì vậy sẽ phải bồi thường cho ông Bình theo Luật điều chỉnh Thỏa thuận đã được đề cập ở trên.
Lời kết
Hiện nay đã có những dấu hiệu cho thấy Chính phủ Việt Nam dường như đã sẵn sàng chấp nhận bồi thường một cách hợp lý, để tạo môi trường kinh doanh bình đẳng cho các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, nhưng cũng sẵn sàng “chơi tới cùng” nếu bị ép quá.
Theo tin từ Vietnamnet (30/8/2017), trong cuộc họp báo của Chính phủ, phần trả lời về vụ Trịnh Vĩnh Bình kiện chính phủ Việt Nam, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng chính phủ Mai Tiến Dũng đã thông báo chính thức: “…quan điểm của Chính phủ, Thủ tướng là tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch cả với doanh nghiệp trong và ngoài nước. Hiện vụ việc này Toà án quốc tế đang xem xét. Theo các nguyên tắc về bảo hộ, khi có vấn đề tranh chấp vi phạm thoả thuận của một địa phương nào đó với nhà đầu tư nước ngoài thì họ không kiện địa phương mà kiện Chính phủ. Trong vụ này, Toà quốc tế đang xem xét, chúng ta cũng phải đợi thôi. Nhưng quan điểm của Thủ tướng là chúng ta tạo môi trường minh bạch, tạo niềm tin đối với nhà đầu tư nước ngoài”.
Theo một nguồn tin khác: ngày 28/8/2017, bà Nguyễn Phương Trà, Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam đã trả lời gần 10 câu hỏi liên quan đến vụ kiện của ông Trịnh Vĩnh Bình: “Việt Nam luôn hoan nghênh và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư tại Việt Nam. Mọi hoạt động đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam phải tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam. Những hành vi vi phạm pháp luật bị xử lý theo đúng các quy định pháp luật”.
Theo thông lệ của hình thức giải quyết tranh chấp bằng con đường trọng tai, nhiều khả năng Hội đồng Trọng tài sẽ cần một thời gian để đưa ra một phán quyết bằng văn bản gửi trực tiếp cho các Bên, và cũng chưa có gì chắc chắn là nội dung phán quyết sẽ được công bố ra công chúng, do đặc điểm “giữ bí mật” của hình thức giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài. Vì vậy, rất có thể những thông tin chính thức về nội dung, diễn biến và kết quả (chi tiết) của vụ kiện này sẽ không bao giờ được công bố rộng rãi.
————–
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét