Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Bảy, 30 tháng 9, 2017

THẰNG MÕ


Annamite town crier. Upper-Tonkin, in 1902 - Thằng Mõ Annam tại miền thượng du Bắc Kỳ.

THẰNG MÕ

Nguyễn Văn Sự & Nguyễn Xuân Diện
Tạp chí Xưa và Nay số 2 – 1995, trang 23.

Trong cộng đồng làng xã Việt Nam thời trước có một nhân vật đáng để ý song bấy lâu nay chưa được nghiên cứu nhiều – đó là nhân vật mõ làng. Bài viết này thử tìm hiểu về nhân vật mõ làng dưới một số khía cạnh, nhằm góp vào công cuộc nghiên cứu nông thôn Việt Nam trong lịch sử.


Về thời điểm xuất hiện: Hiện chưa tìm được tư liệu thành văn nào, có tính chất hành chính quốc gia, là lệnh chỉ của vua chúa cho các làng xã có mõ, qui định về chức phận và phạm vi hoạt động của mõ làng. Nhưng có hai tư liệu rất quan trọng giúp “xác định niên đại” của nhân vật này là: “Hồng Đức quốc âm thi tập” và vở chèo cổ Quan Âm Thị Kính. Trong Hồng Đức quốc âm thi tập (ở phần Phụ lục) có bài Thằng Mõ. Bài thơ này đã được các cụ Phan Trọng Điềm và Bùi Văn Nguyên khẳng định không phải là của Lê Thánh Tông, mà của người đời sau. Nhưng theo chúng tôi nếu không phải là của Lê Thánh Tông thì cũng là sáng tác của người thế kỷ XV chứ không thể sớm hoặc muộn hơn. Mẹ Đốp trong chèo cổ Quan Âm Thị Kính là một vợ mõ, và vở chèo này ra đời vào thế kỷ XV là điều đã được các nhà nghiên cứu khẳng định.
Hai tư liệu này cho phép khẳng định nhân vật mõ ra đời trước khi nó được đưa vào văn học rất lâu. Vì rằng, nhân vật mõ ở đây không còn là kết quả của phản ánh bình thường, mà nó đã trở thành một ấn tượng đã quá quen thuộc và đáng ca ngợi (đó cũng là cảm hứng chủ đạo của tác giả khi viết bài thơ, trong Hồng Đức Quốc âm thi tập). Và hơn thế, hình tượng thằng mõ còn được quần chúng lựa chọn để bộc lộ gửi gắm khát vọng tự do của mình (chèo cổ Quan Âm Thị Kính). Có thể nói nhân vật mõ gắn liền với cái đình làng.

Những đặc trưng của nghề mõ:

Trước hết mõ làng là người truyền tin (mang thông tin) trong xã hội phong kiến; khi mà phương tiện thông tin đại chúng còn chưa phát triển. Khác với gia nô, tá điền – những người làm cho cá nhân một ông chủ hoặc vài ông chủ nhất định, mõ không phải là của riêng ai, mà là của cả làng, gánh trách nhiệm mà cả làng giao phó, ta tạm gọi họ là công xã nô. Mõ không phải là người canh tác thuê cho một gia đình như điền nô, không lĩnh ruộng cấy rồi nộp tô như tá điền cũng không phục vụ dịch vụ cho một gia đình như gia nô. Mõ là người lao động, nhưng lao động của mõ là lao động dịch vụ chứ không phải là lao động sản xuất. Và do vậy mõ không liên quan nhiều và trức tiếp tới vấn đề ruộng đất và công cụ lao động.

Phục vụ của mõ không phải chỉ là lý trưởng cùng các chức dịch trong làng xã, mà là cả cộng đồng làng xã. Khi làng vào đám, cả gia đình mõ được huy động ra “việc làng”. Khi chia phần, dân làng chia cho mõ một cỗ riêng, nếu ăn không hết thì màng về…

Mõ đứng ngoài các cuộc tranh chấp giữa các phe, giáp trong làng xã. Lý trưởng họ này đổ, lý trưởng họ khác sẽ thay thế, nhưng vẫn cần đến mõ và không hề vì thế mà thay cả mõ. Do “gần gũi” các chức dịch, mõ biết nội tình các cuộc tranh giành giữa các ca nhân hay dòng họ, nhưng mõ không ủng hộ một cá nhân hay phe cánh nào. Mõ không tham gia các hành động bạo lực của chức dịch đối với các phần tử gây rối hay những người chậm thuế ( việc ấy đã có lính lệ làm).

Tóm lại mõ không có hành vi tiêu cực trong đời sống cộng đồng. Trường hợp mõ bị lợi dụng là có, nhưng không phải là nhiều.
Người làm mõ bị dân làng khinh rẻ, xa lánh, nhưng không ai căm ghét như là đối với bọn trộm cắp, lưu manh, và cũng không ai muốn dây vào họ. Con cái mõ không được phép đi học, cũng không ai giao du, kết thân với mõ. Con trai, con gái của những người làm mõ phải lấy chồng thiên hạ và cũng chỉ lấy con nhà mõ, cho dù các chàng trai cô gái ấy đẹp trai, xinh xắn, do không phải lam lũ vất vả, lại khéo ăn khéo nối. Vô hình chung, nghề mõ trở thành nghề cha truyền con nối. Có họ làm mõ, cũng có cả làng làm mõ.

Thời điểm nghề mõ ra đời, cùng đặc trưng của nó cho phép khẳng định, tổ chức làng xã ở Việt Nam, chủ yếu là miền đồng bằng và trung du Bắc Bộ lúc đó đã đạt được một sự ổn định nhất định về cơ cấu. Những làng quá nghèo, hoặc làng nào mới lập thì cũng không có mõ. Và, mõ cũng chỉ có ở cấp làng (xã) chứ không có mõ xóm, mõ tổng hay huyện, phủ , tỉnh (trấn, xứ).

Trong xã hội cũ, mõ bị thành kiến rất nặng nề. Họ là dân ngụ cư, thường ở rìa làng (cho dù họ có tiền thì cũng không thể được mua mảnh đất cao ráo ở sâu trong làng).

Cách mạng tháng Tám năm 1945 đã lật nhào cả ngàn năm của chế độ phong kiến, nghề mõ đã trở thành quá khứ. Nhiều mõ đổi nghề, sống bình thường bên cạnh những người dân khác trong làng, thành kiến của dân làng có giảm, nhưng không phải là tan biến. Con cháu họ có tham gia công tác, đi học, nhưng bạn bè cũng ít gần: bản thân họ lại mặc cảm, tự ti, nên học không giỏi, ảnh hưởng uy tín rất hạn hẹp nên thành đạt ít. Thời tạm chiếm, ở những vùng địch lập tề, cũng có khôi phục nghề mõ.

Đến khi cải cách ruộng đất, nhiều mõ được giao công tác, chia ruộng đất, nhà cửa , trâu bò, nông cụ, nhưng số biết làm ăn thì rất it. Họ thường bỏ làng ra thành phố; lên miền ngược làm đủ mọi nghề và khá vất vả vì không quen lao động chân tay và mặc cảm khá nặng. Họ thường giấu kín tung tích và ngại tiếp xúc cùng nhưng ai biết gốc gác của mình.

Nghề mõ, và người làm mõ có lẽ là sản phẩm đặc thù của chế độ công xã nông thôn Việt Nam mà chủ yếu là ở đồng bằng và trung du Bắc bộ. Xung quanh nhân vật mõ và nghề mõ chắc còn nhiều vấn đề, chúng tôi thiết tưởng rằng cũng rất đáng được các nhà sử học, dân tộc học, xã hội học quan tâm nghiên cứu, trong sự nghiên cứu về nông thôn Việt Nam trong lịch sử nói chung.

*Xin cảm ơn bạn Hà Thiên Hương đã gõ lại giúp bài này.



Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: