Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Sáu, 29 tháng 9, 2017

Từ chuyện trợ lý Tổng bí thư nghĩ đến tri thức cán bộ...


Đọc bài này tôi nhớ đến bố tôi. Ông mất đã được 2 năm rồi, thọ 87 tuổi. Tham gia hoạt động cách mạng từ năm 14 tuổi, vào Đảng CSVN năm 18 tuổi. Sau chiến dịch Điện Biên Phủ, ông chuyển ngành từ Bộ Tổng tham mưu quân đội sang làm giáo viên đại học. Thời ông không có tham nhũng và hối lộ, nhưng ông là kẻ thù không đội trời chung với tầng lớp vô tri thức. Ông đòi hỏi những người lãnh đạo phải có tri thức khoa học, phải lấy khoa học làm thước đo chân lý, làm kim chỉ nam cho hành động..., chứ không dùng các Nghị quyết của Đảng hay Ý kiến của Thủ tướng Chính phủ. Ông đòi hỏi phải tuyển sinh đại học theo tiêu chí kiến thức chứ không theo lý lịch, thành phần giai cấp hay vùng miền. Bất mãn với thời cuộc, ông bỏ cuộc chơi, từ chối mọi bổng lộc do chế độ ban phát, về hưu sớm, ra khỏi Đảng, ở nhà đọc sách qua ngày. Tôi thương ông lắm vì ông quá liêm khiết, quá coi thường vật chất... Nhưng tôi cũng không đồng tình với ông vì ông không cần vật chất và không có nhu cầu, nên ông cũng không làm gì để kiếm vật chất cho gia đình. Do đó, tuổi thơ của tôi đã có nhiều giai đoạn trôi trong nghèo đói. Nếu những người như ông lãnh đạo đất nước thì đất nước sẽ không thể phát triển (giống như ông Trung trong bài nay). Ông để cho tôi 2 di sản vô cùng quý báu: Một là coi trọng tri thức; nguồn gốc của mọi vấn đề là tri thức; do đó con người cần học, học nữa, học mãi; học không bao giờ là thừa và phải tôn trọng tất cả các nhà tri thức. Hai là, căm thù nghèo đói; hãy làm gì đó để đất nước phát triển, để người dân Việt phải giầu lên, có cuộc sống văn minh, ấm no, hạnh phúc. Tuy nhiên, làm giàu phải đi đôi với tri thức, với văn hóa, với văn minh. Không thể vì tiền mà chà đạp lên văn hóa. Không thể sống giầu có bằng đồng tiền có được từ khai thác tài nguyên tới kiệt quệ, từ vay nợ nước ngoài, từ xin kiều bào gửi tiền về giúp, từ bóc lột dã man những người công nhân, nông dân văn hóa thấp... như thực trạng đất nước hiện nay. Đến giờ tôi vẫn luôn luôn cảm thấy hạnh phúc vì được nhiều quan chức cấp rất cao, nhiều nhà văn hóa, nhà khoa học khi nói chuyện với tôi đều nhận xét tôi là người vừa có chuyên môn, dám nói thẳng nói thật, vừa tránh không tham gia vào guồng máy kiếm tiền, vừa tích cực dùng đồng tiền kiếm được bằng chuyên môn để ủng hộ những nơi cần...

Thương ông Nguyễn Chí Trung, trợ lý cho TBT Lê Khả Phiêu
Hoàng Hải Vân - Tôi quen thân với nhà văn Nguyễn Chí Trung nay đã quá cố. Ông cả đời chinh chiến trong ba cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ Quốc, từ Campuchia về ông là một vị tướng, làm trợ lý cho Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu. Ông hay gặp tôi chỉ bảo chuyện này chuyện kia, rằng “chớ có làm đại lý cho Hollywood”, rằng hãy cảnh giác với tư nhân hóa. Nghe ông nói mà phát mệt. 
Ảnh của Trần Đăng : Nguyễn Chí Trung gặp lại 
"nhân vật" của mình, lấy lại trên trannhuong.net
Tôi không tin ông gây cản trở gì cho công cuộc đổi mới, nhưng chắc là ông không có đóng góp bao nhiêu vào những cải cách kinh tế mà ông Lê Khả Phiêu hồi ấy đang thúc đẩy. Ông không hiểu được bản chất của kinh tế thị trường, nói đúng hơn là không chấp nhận những rủi ro mà kinh tế tự do mang lại, ông nghĩ hệ thống chính trị mà ông dành cả đời để phụng sự không đủ sức chống chọi với những rủi ro đó, ông mường tượng một thứ âm binh mà một nhà văn kiêm người lính như ông không biết làm sao mà chế ngự. Và tôi tin chắc điều này :ông là kẻ thù không đội trời chung của tham nhũng và tệ hối lộ.

Thời làm trợ lý Tổng bí thư, Nguyễn Chí Trung không vợ con không nhà cửa, nơi ông ở là một căn phòng của tạp chí Văn nghệ quân đội, cơ quan cũ của ông. Nhà văn Nguyễn Bảo, Tổng biên tập tạp chí này hồi đó kể tôi nghe, có lần tạp chí in một tác phẩm của ông bị sai có mấy chỗ, ông đề nghị hủy bỏ in lại và rút tiền tiết kiệm của mình giao cho tạp chí để bù tiền giấy và công in, tạp chí nói không cần phải như vậy, nhưng ông nhất định phải trà tiền. Nguyễn Chí Trung trong sạch đến mức như thế đó.

Có lần nhà thơ Thanh Thảo đùa với ông, cứ tết là tôi đến nhà ông có ai biếu rượu ngoại hay của ngon vật lạ gì ông không nhận thì tôi sẽ lấy mang về hết, ông ngây thơ bảo, chết chết làm thế không được đâu. Khi ông Lê Khả Phiêu gặp khó khăn trong tái cử, ông bảo tôi đi chỗ này chỗ kia nghe ngóng giúp ông và không quên nhắc tôi khi đến đâu nhớ mang theo một chùm nho để biếu. Ông nhắc chuyện đó với giọng đầy lúng túng, vì đối với ông, biếu một chùm nho là đỉnh cao của hối lộ mà tư cách con người được phép. Tất nhiên tôi không hối lộ cho ai một chùm nho nào và chẳng đi nghe ngóng điều gì.

Giờ càng nghĩ càng thương ông Nguyễn Chí Trung. Ông không hiểu rằng nếu không triệt để chuyển sang kinh tế thị trường thì đất nước không thể phát triển, rằng không phải đưa “người tốt” vào và loại những “kẻ xấu” ra khỏi bộ máy thì có thể chế ngự được đám âm binh kia để đưa đất nước vào cảnh thanh bình thịnh vượng, rằng nếu không thiết lập được một nền dân chủ pháp trị thì đất nước sẽ đi vào một thứ chủ nghĩa tư bản man rợ và vô pháp với nền chính trị cha truyền con nối. 

Nhưng sự mường tượng lo lắng của ông là không sai : Âm binh, tức các nhóm lợi ích câu kết với quan chức tham nhũng đang trỗi dậy làm mưa làm gió. Đà Nẵng quê hương của ông là một điển hình.

Hoàng Hải Vân
(FB Hoàng Hải Vân)

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: