Cuộc hội ngộ hiếm có giữa các cựu lính phi công Cộng Sản Bắc Việt và Hoa Kỳ sau hơn 40 kể từ khi Chiến tranh Việt Nam kết thúc
Không biết là vô tình hay hữu ý nhưng gần như cùng thời điểm khi bộ phim tư liệu 'The Vietnam War' (Chiến tranh Việt Nam) ra mắt, những người lính phi công Bắc Việt và Hoa Kỳ cũng đã có một buổi giao lưu gặp gỡ hiếm hoi.
Trong khán phòng khoảng một trăm người, tại bảo tàng tàu sân bay USS Midway, những người tham gia hầu hết đều ở độ tuổi thất thập cổ lai hy. Một số còn nhận ra nhau, reo lên "Anh này bắn hạ tôi năm xưa!" như thể gặp lại một bạn lâu năm.
Quả thực, buổi gặp gỡ "From Dogfights to Dente" (Từ Không chiến đến Hòa giải) tối 21/9/2017 tại bảo tàng tàu sân bay USS Midway, ở San Diego, California, không phải là buổi gặp mặt đầu tiên giữa các cựu lính phi công Bắc Việt - Hoa Kỳ.
Tháng 4/2016, 11 cựu lính phí công Hoa Kỳ đã sang Hà nội gặp gỡ địch thủ Cộng Sản năm xưa. Và có vẻ buổi gặp gỡ cá nhân đầu tiên, vốn là đứa con tinh thần giữa Trung tướng Nguyễn Đức Soát và Đại tá Charlie "Shark" Tutt, đã mở đường cho cuộc gặp gỡ thứ hai vào tối 21/9 vừa qua.
Hay như cách Đại tá Lê Thanh Đạo nói tại buổi giao lưu: "Chỉ mới một năm không gặp thôi mà đã thấy nhớ rồi."
Đoàn cựu phi công chiến đấu của Không quân nhân dân Việt Nam (Bắc Việt), gồm 11 người, dẫn đầu đoàn là Trung tướng Nguyễn Đức Soát, người đã có một bài phát biểu mở đầu buổi giao lưu.
Trung tướng Nguyễn Đức Soát dẫn đầu đoàn lính phi công Việt Nam tại buổi giao lưu tường thuật của Tổ chức Bảo tàng USS Midway
"Cách đây hơn 40 năm, chúng ta, các phi công trẻ đều thực hiện nhiệm vụ mà đất nước giao cho mình. Ngày nay khi quan hệ hai nước tốt lên... chúng ta nhìn lại trận đánh ngày xưa để hiểu thêm về nhau, chia sẻ nỗi đau mất mát mà cuộc chiến nào cũng để lại cho mỗi phía."
"Mục đích của buổi gặp gỡ là hiểu thêm về các trận không chiến. Nhưng mục đích cao cả hơn là góp phần xây dựng mối quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ đúng như quyết tâm của hai nước, gác lại quá khứ, hướng đến tương lai."
Một cựu phi công Mỹ khác phát biểu tại buổi gặp mặt thì nói: "40 năm trước, năm 1965, Bắc Việt có 40 phi công. Và 40 phi công này đã chiến đấu lại Hải quân Mỹ, Không quân Mỹ, Thủy quân lục chiến Mỹ và cả các lực lượng chiến đấu từ các nước đồng minh của Mỹ. Chúng ta, khác họ, chúng ta có thể trở về nhà sau 10 tháng chiến đấu. Còn họ, họ đã ở quê nhà rồi. Nhưng họ vẫn luôn phải trở lại chiến trường."
"Cuộc gặp năm ngoái giữa chúng tôi, họ đã khiến tôi thực sự cảm phục. Tôi hi vọng họ cũng sẽ dành được sự cảm phục từ quý vị," vị cựu sĩ quan Mỹ cũng từng tham gia buổi gặp gỡ năm ngoái tại Hà Nội nói thêm.
Ông có căm thù Mỹ không?
Buổi giao lưu đầu tiên diễn ra với sự tham gia của Trung tướng Đức Soát, Đại tá Nguyễn Thanh Quý và Đại úy John Cerak của Không quân Hoa Kỳ.
"Chúng tôi đang bay qua không phận Lào, sau đó quay trở lại về phía Đông, liên tục dùng radar rà soát, thì đột nhiên, ông Nguyễn Đức Soát đây đã phá hỏng một ngày đẹp trời," Đại úy John Cerak nói chỉ tay về ông Soát trong khi khán phòng rộ lên tiếng cười.
"Ông Nguyễn Đức Soát, ông đã bắn hạ sáu máy bay Mỹ, đây là có phải là vì lòng hận thù không?" Người điều phối buổi giao lưu Scott McGaugh hỏi.
Vị Trung tướng 72 tuổi trả lời:
"Riêng đặc thù của không quân, chúng tôi chỉ thấy máy bay thôi. Khi vào không chiến, máy bay này theo máy bay kia. Các phi công là những người lính mà cảm giác về chết chóc ít xảy ra vì người ta không nhìn thấy. Không ai mong bắn chết người khác, chỉ mong bắn hạ máy bay của đối phương thôi.
"Cách đây bảy năm tôi gặp Đại tá Charlie Tutt, Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ. Tôi bàn với ông ấy tổ chức cho các cựu phi công từng tham chiến ở Việt Nam gặp nhau. Cho nên tình cảm của tôi đối với nhân dân Mỹ như thế, các bạn hiểu cả..."
Đại tá Nguyễn Thanh Quý (trái) tại buổi giao lưu tường thuật của Tổ chức Bảo tàng USS Midway
Có phi công Nga và Trung Cộng tham chiến?
Một người trong khán đài hỏi "Có phi công Nga và Trung Cộng tham chiến hay không?"
Đại tá Nguyễn Thanh Quý phân trần: "Trong cuộc chiến, phi công giai đoạn đó được Liên Xô cũ và Trung Cộng đào tạo. Trong chiến tranh không có phi công Nga, Trung Cộng nào tham gia. Chúng tôi có bí mật quân sự riêng. Ở Nga chúng tôi chỉ học kỹ thuật. Còn chiến thuật là chúng tôi tự tìm tòi. Các sĩ quan Nga không được vào sở chỉ huy, điều hành, không được dự buổi rút kinh nghiệm.
"Có nhóm ba phi công chuyên gia, một mặt là giúp bay hồi phục khi các giáo viên bận đi đánh nhau. Có một lần là tháng 9/1972, một phi công học bay được một thiếu tá người Nga bay kèm giúp bay hồi phục kỹ thuật thì bị bốn chiếc F4 tấn công. Máy bay tập thì không đeo tên lửa. Bốn chiếc F4 quần cho đến khi gần hết dầu thì các phi công nhảy dù, nên mới có chuyện một phi công người Nga nhảy dù. Nhưng là trong trường hợp bay hồi phục, chứ không phải chiến đấu."
Ông Nguyễn Hưng, tự giới thiệu là lính Biệt Động của Việt Nam Cộng Hòa tham gia đặt câu hỏi tại buổi giao lưu
Sự xuất hiện của một sĩ quan Việt Nam Cộng Hòa tại buổi giao lưu cũng gây chút bất ngờ. Ông Nguyễn Hưng, tự giới thiệu là lính biệt động quân của lực lượng Việt Nam Cộng Hòa và chỉ tay về phía cựu phi công Bắc Việt, cười lớn nói "They shot me down! (Họ bắn hạ tôi đấy!)"
"Tôi muốn hỏi các cựu phi công Hoa Kỳ ở đây, ai là người đã ném quả bom xuống bệnh viện Bạch Mai, xuống Khâm Thiên," ông Hưng hỏi.
Câu hỏi khó gây ra một sự lúng túng cho cả khán phòng, nhưng người điều phối Scott Gaugh khéo léo tránh né bằng cách thay thế với câu hỏi "Các ông nghĩ sao về độ chính xác của bom Mỹ?"
Nhưng sĩ quan Hải quân Hoa Kỳ, Clint Johnson lại không tránh né, trả lời "Họ đã làm hết sức có thể để tránh thương vong cho thường dân. Chúng tôi đã rất cẩn thận để không đánh bom sai nơi... nhưng tai nạn xảy ra. Một số người đã không cẩn thận nhưng chúng tôi có quy định rất nghiêm ngặt. Nếu anh không tuân theo, anh có thể mất sự nghiệp phi công vĩnh viễn hoặc đi tù."
Về phía Cộng Sản Bắc Việt, Đại tá Lê Thanh Đạo trả lời:
"Tôi không biện minh cho những quả bom của máy bay Mỹ ném vào khu nhà dân nhiều dân thường. Nhiều trẻ em đã bị chết, tuy nhiên tôi cũng hiểu kỷ luật quân đội Mỹ là rất rõ ràng. Nhưng bệnh viện Bạch Mai thì rất sát khu chỉ huy không quân của chúng tôi. Quả bom không trúng hầm chỉ huy mà 'lạc' sang bệnh viện.
"Điều đó tôi thấy người ném bom không có lỗi, nhưng để gây ra chiến tranh mới có lỗi"
Buổi giao lưu chuyển hướng sang cuộc sống cá nhân giữa thời chiến. Đại tá Lê Thanh Đạo thì tự hào giới thiệu người vợ cùng theo ông đến buổi giao lưu.
"Đây là bà vợ tôi, trong chiến tranh là tuần cũng lên thăm chồng xem còn sống hay không, đến nỗi có tay chỉ huy nói là cô cứ lên như thế này là làm mất sức chiến đấu của chúng tôi."
Đại úy Clint Johnson (trái) và đại tá Lê Thanh Đạo (phải) cùng người thông dịch viên tại buổi giao lưu tối 21/9 tại bảo tàng USS Midway.
"Ngược lại chúng tôi có vợ con nên càng hăng hái hơn, may quá lúc đó tôi đã bắn được bốn chiếc máy bay rồi cho nên tôi vẫn được động viên khen thưởng. Công bắn hạ tên lửa là do vợ tôi cả.
Chiến tranh là thứ ngu xuẩn nhất loài người từng làm
Trả lời phóng viên tờ San Diego Union-Tribune, Đại úy Hải quân Jack "Fingers" Ensch nói:
"Nhà tù nhỏ nhất thế giới là giữa hai tai anh. Nếu anh cứ tiếp tục căm thù, thì họ cũng vẫn cách xa nửa thế giới. Họ không biết anh đang nghĩ về họ, hận thù họ hay những thứ như thế. Họ tiếp tục với cuộc sống của mình. Nếu anh vẫn hận thù, thì anh vẫn bị giam cầm."
Trước khi kết thúc buổi tọa đàm, khi được mời chia sẻ những lời cuối, Đại úy Clint Johnson nói:
"Tôi không bao giờ ghét kẻ thù. Cả hai đều làm những điều mà chúng tôi nghĩ là tốt nhất. Người Mỹ muốn ngăn cản sự lan rộng của chủ nghĩa cộng sản, còn người Việt Nam chỉ muốn thống nhất đất nước, không thể tranh cãi gì được với một một sứ mệnh như thế.
"Rất tiếc là quốc gia chúng ta phải giao chiến như thế. Tôi không nghĩ bên nào thực sự căm ghét bên nào. Họ có thể thù ghét một số hành động, nhưng tôi không tin họ căm ghét đối thủ của mình trên chiến trường," ông Johnson nói.
Còn Đại tá Lê Thanh Đạo thì nhắc lại thông điệp mà Trung tướng Đức Soát đã nói trong phát biểu mở đầu:
"Chúng ta đã ngồi đây như những người bạn. Chúng ta hãy khép lại quá khứ, hướng tới tương lai, tình hữu nghị Việt-Mỹ của chúng ta."
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét