Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Năm, 28 tháng 9, 2017

NGƯỜI CHỊU TRÁCH NHIỆM XUẤT BẢN "MỐI CHÚA" NÓI GÌ?


Trần Quang Quý




Nhân Cục xuất bản ra công văn đình chỉ phát hành MỐI CHÚA để thẩm định (chưa phải thu hồi - và luận cứ đưa ra vẫn khen là chính: Nội dung cuốn sách phản ánh những vấn đề nổi cộm trong xã hội hiện nay. Qua đó, tác giả vạch trần những tiêu cực và bất công trong xã hội..."):

Sáng nay tôi bảo tay Khấu Đãng (Tạ Duy Anh), ông "làm khổ" tôi quá, suốt ngày người ta điện, nhắn tin nhờ tôi "kiếm" cho một cuốn MỐI CHÚA (vì thấy tôi ký giấy phép). Đãng cười khà khà, "em với bác duyên số thế nào mà văn chương cứ dính với nhau. Thế mà nhiều đứa vẫn bảo em bịa việc in truyện ngắn NGƯỜI KHÁC trên báo Gia đình & Xã hội số tết 2002.
Năm đó, báo Tết Gia đình & Xã hội (tôi là người sinh ra và là Tổng biên tập) vừa phát hành, 11h đêm, có một ông nhà thơ làm ở Văn nghệ trẻ điện bảo: "Bác cho thu hồi ngay số Tết của bác, nguy hiểm quá!". Vì sao? "Bác không đọc, không biết à? Người ta bảo truyện ngắn Người khác của Tạ Duy Anh viết về Lãnh đạo... to lắm". Tôi bảo, các ông cũng giỏi suy diễn nhỉ. Tâm tôi không thấy điều đó, và tôi làm sao quyết định cho thu 7 vạn tờ báo đã phát hành (tia-ra khá lớn với 1 tờ báo vừa ra đời được 3 năm - 1999) khi chỉ nghe hóng hớt của mấy ông "bình phẩm vỉa hè". "Người khác" kể về một học sinh miền núi vào học Trung cấp lâm nghiệp, khi tựu trường, trò này bỗng nghe thấy những sinh viên cùng ký túc xá xì xào khi cậu nhập trường rằng, cậu kia con một ông to lắm... Trò mới bỗng thấy "oai" và im lặng sắm vai "Người khác", nghĩa là dựa bóng một người khác. Truyện đưa ra một thông điệp tư tưởng tích cực: Hãy là chính mình, đừng dựa bóng người khác (dựa ô dù). Như là chuyện Nguyễn Xuân Anh (Bí thư Đà Nẵng) đang nóng sốt và nhiều trường hợp tương tự khác ở mọi góc độ "con ông cháu cha" hiện nay, nó làm triệt tiêu cơ hội nhiều người có năng lực, trình độ, tài năng nhưng là con nhà bình dân đóng góp cho xã hội ở cương vị ấy. Xuân Anh không có bố làm to thì làm sao nhảy... nhanh như vậy. Anh nhận xe, nhận nhà của doanh nghiệp là tội nhận hối lộ, tội hình sự. Hay như ông Giám đốc sở TNMT Yên Bái - Phạm Sĩ Quý, đã phạm tội đánh bạc (hình sự) mà không dựa bóng bà chị và cánh hẩu thì làm sao lên Giám đốc sở, làm sao đi làm chổi chít để ra "biệt phủ" nguy nga như vậy...

Giao ban tổng kết báo Tết năm 2002, ông Vụ trưởng Vụ báo chí VDT (Ban TTVH) bảo: "Dư luận cho rằng truyện ngắn NGƯỜI KHÁC của Tạ Duy Anh viết về... một đồng chí lãnh đạo cao cấp, cần phải xem xét khâu đọc duyệt". Lời rất giống ông nhà thơ ở Văn nghệ Trẻ nhắc tôi. Sau họp, tôi gặp ông Vụ trưởng ở hành lang bảo: tôi không muốn làm to chuyện này trong hội nghị, nhưng anh là dân văn chương, sau đổi mới rồi mà vẫn suy diễn, chụp mũ thế này là giết văn, giết sáng tạo nghệ thuật. Đây không phải là bài báo, nhưng nếu anh có văn bản cụ thể là viết về đồng chí lãnh đạo nào đi, tôi xin từ chức ngay lập tức. Câu chuyện dừng ở đó nhưng "thiệt hại" trước đó với tôi là khá "cay": Tôi là trưởng đoàn của 13 nhà văn, nhà báo VN được Bộ ngoại giao Hoa Kỳ mời trong chương trình "International Visitors" (Khách mời Quốc tế ) - Phía Mỹ tài trợ 100%, trong hơn 20 ngày (Trần Quang Quý, Tạ Duy Anh, Trần Anh Thái, Nguyễn Quyến, Y Ban, Võ Thị Xuân Hà, Nguyễn Thị Thu Huệ, Trương Nam Hương, Đỗ Quang Hạnh...), nhưng trước Tết Bộ trưởng Trần Thị Trung Chiến bảo "Em không đi Mỹ nữa, ở nhà trực. Em đi có khi bị lật đổ". Tôi hỏi vì sao, Thủ trưởng của tôi nhất định không nói. Tôi linh cảm có một áp lực nào đấy lên Bộ trưởng chăng? Chuyến bay ngày 5 Tết và tôi ở lại, sau đó họ tìm gấp gáp một thành viên khác cho đủ cơ số bạn đã mời, đã lên chương trình, đã bố trí ngân sách. Tôi bảo Tạ Duy Anh, tớ vừa phải trả nhuận bút cao cho cậu, vừa mất một chuyến đi, một trải nghiệm về Hoa Kỳ rất thú vị (trước đó tôi cũng có chuyến đi 12 ngày).

16 năm sau, lại "dính" với Đãng Khấu ở MỐI CHÚA. Nhưng theo tôi đây là cuốn sách tích cực vẫn nổi trội, thể hiện trách nhiệm, niềm đau đáu của nhà văn trước những tiêu cực, nhũng nhiễu của "một bộ phận không nhỏ" cá nhân, hoặc bộ máy quyền lực ở cấp nào đó với đời sống xã hội, với dân. Tôi chỉ tiếc một số khía cạnh, nhà văn phải sống cao hơn, bày tỏ cao thâm hơn là một số ngôn ngữ quá "hoạch toẹt" hoặc những sự kiện Tạ Duy Anh mới chỉ là người "quan sát" từ bên ngoài, từ báo chí, và các nguồn thông tin... mà chưa thực sự "sống" bên trong nó.
Mối chúa là tiểu thuyết. Hư cấu, cường điệu, phóng đại... đến mức huyền thoại là những đặc tính, thủ pháp của văn học, nghệ thuật, để làm nổi bật, làm dấu nhấn cho những sự kiện, cho những vấn đề mà nhà văn muốn phản ánh. Ở đây, là làm tập trung nổi rõ hiện thực, có thể là hiện thực trong tương lai nếu không cảnh báo sớm. Nhưng thực tế, hiện thực nhũng nhiễu, tham nhũng, lợi ích nhóm, chiếm đoạt, xâu xé... ở những nhóm lợi ích khác nhau thật sự là nguy cơ cho đất nước. Đảng đã phải rung chuông tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, thoái hóa biến chất đang đe dọa sự tồn vong của chế độ, của đất nước cơ mà. Đảng, Nhà nước đã gọi tham nhũng, nhũng nhiễu là "Giặc nội xâm cơ mà". Cái nguy cơ và cũng là cái gian nan, vô cùng khó khăn là ta phải "đánh ta", phải chiến đấu với chính "đồng chí" của ta (mà thực chất những nhóm lợi ích ấy đâu còn là "đồng chí"). Vụ ông Vươn ở Đồ Sơn thì chính đồng chí Ca báo cáo là "trận đánh đẹp" cơ mà. Vụ đất đai và ông Vươn là mâu thuẫn lợi ích, là mâu thuẫn trong nội bộ dân và chính quyền (những người muốn thu đất của ông cho lợi ích khác). Ông Vươn là thế cùng và hành xử sai để cưỡng lại quyết định thu đất do ông cải tạo và đang làm ăn chính đáng ấy. Nhưng ông Vươn không là địch. Trận đánh đẹp chỉ cách nói về đánh địch, đánh kẻ thù. Nếu không dám nhìn vào sự thật, không gọi ra được những căn bệnh di căn... thì làm sao có thuốc chữa. Tổng Bí thư đã phải dũng cảm, kiên nghị để "Đốt lò" rồi. Nhân dân rất đồng tình ủng hộ, và mong muốn cuộc "Đốt lò" thiêu rụi tệ nạn tham nhũng đất đai công thổ, đục ruỗng ngân khố quốc gia... kiên quyết hơn, không có vùng cấm nào và bền bỉ, tập hợp được nhân tâm, sức mạnh của sự tiến bộ, của nhiệt năng vì dân vì nước. Chúng ta đều thừa biết sự suy thoái đạo đức, nhân cách, liêm sỉ... chủ yếu từ nghèo hèn, từ lòng tham. Nhũng nhiễu ấy đã xâm nhập, tràn vào mọi mối quan hệ, làm ăn, mọi tổ chức xã hội, cơ quan, trường học, từ việc chạy chọt làm ăn đến chạy chức chạy quyền (vì có quyền là có tiền) đã thành cái người ta gọi là "văn hóa phong bì" (bôi trơn), là "Bỏ quên chìa khóa" (tất nhiên là chìa khóa biệt thự, xe sang) ở nhà "Thủ trưởng" rồi. Mối chúa là một tiếng nói "hưởng ứng" công cuộc đấu tranh chống tiêu cực của Đảng và Nhà nước.

Văn học mà cứ vo cho tròn thì không còn là văn học nữa. Ngày trước, khi thế hệ chúng tôi chưa tiếp cận được các tác phẩm "Nhân văn giai phẩm" , cứ nghĩ nó phải có chuyện ghê gớm, nó đen tối, nó chống đối chế độ thế nào? Khi đổi mới, các tác phẩm ấy được xuất bản công khai thì lại thấy "tưởng thế nào", có khi còn thất vọng về giá trị nghệ thuật. Đọc văn học là đọc những cá tính sáng tạo khác nhau của nhà văn, tất nhiên tác phẩm văn học không thể hoàn hảo theo cái nghĩa "sạch sẽ" nào đó. Ngọc còn có những tì vết nữa là. Cuối cùng là phải nhìn cái chung nhất, tính tư tưởng tích cực nhất, tính cảnh báo xã hội... của tác phẩm, đấy là thiên chức của nhà văn. Nếu không cường điệu, không mạo hiểm trong khám phá những miền đất khác nhau (có thể thất bại) của nghệ thuật thì làm sao có tác phẩm "Hiện thực huyền ảo Nam Mỹ" trong Trăm năm cô đơn của Mác-két, làm sao có những thần thoai Hy Lạp, làm sao có cạu bé 3 tuổi Thánh Gióng vươn vai lớn dây đánh giặc Ân... Đừng hiểu văn học nghệ thuật như tính trung thực của một bài báo phản ánh. Tính trung thực của văn học là diễn trình đi đến tư tưởng nghệ thuật của tác phẩm, và trách nhiệm công dân của nhà văn, trên loại hình nghệ thuật mà họ sáng tạo.
Nguồn FB tranquangquy

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: