Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Hai, 25 tháng 9, 2017

NHÀ VĂN HỒ TĨNH TÂM: Cái mới đã bị chìm đi trong tư duy chưa chịu thay tủ lạnh đời mới (*)


HIỀN NGUYỄN
NVTPHCM- Nhân dịpHội thảo “Văn xuôi đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ đổi mới”, nhà văn Hồ Tĩnh Tâm đã có cuộc trả lời phỏng vấn, trong đó theo ông: “Không phải tới bây giờ các nhà văn Nam Bộ mới chuyển mình tìm đến với cái mới. Rải rác ở tác phẩm này tác phẩm khác, dấu ấn của cái mới đã có trong kho tàng văn học Nam Bộ, có điều nó đã bị chìm đi trong tư duy chưa chịu thay tủ lạnh đời mới.”
* Theo nhà văn thì văn xuôi đồng bằng sông Cửu Long có những nét đặc trưng gì?
- Trước khi “Cánh đồng bất tận” của Nguyễn Ngọc Tư ra đời, hầu như văn xuôi Nam Bộ rất hồn hậu, khác hẳn với sự dữ dội quyết liệt của báo chí Nam Bộ lúc bấy giờ. Các tác giả nói chung đều có sự dấn thân, nhưng chủ yếu là đi sâu phản ánh tâm hồn, tính cách người dân trên nền địa văn hóa Phương Nam, hào phóng, cởi mở, chân chất, chân tình, dám nghĩ, dám làm, dám chịu, gắn chặt với miệt đồng, miệt vườn, miệt cái, miệt thứ, chằng chịt sông ngòi, kinh rạch. Đề tài về cuộc chiến tranh giải phóng được đề cập khá nhiều, và có những gặt hái giải thưởng, như “Dốc chiều hôm” của Trúc Phương, “Tiếng vạc sành” của Phạm Trung Khâu, nhưng vẫn còn xa mới đạt được tầm vóc lịch sử hào hùng của cuộc chiến tranh vệ quốc thần thánh. Nhiều người nói với tôi, văn xuôi Nam Bộ thiên về lối kể, lấy cốt chuyện làm điểm tựa, ít khi sa vào miêu tả dông dài; các tác giả viết bằng vốn sống là chính, nên lối hành văn thường mộc mạc, giản dị, không cầu kì, rắc rối, phức tạp, không có sự khoe mẽ về kiến thức. Nói chung, đó là đặc trưng chung của dòng văn học hiện thực thế kỉ 20, mang bản sắc văn hóa Nam Bộ, chưa thấy sự bứt phá chuyển sang trào lưu của dòng văn học hậu hiện đại - điều mà thơ Nam Bộ đã đi trước một bước khá xa.
* Nét đặc trưng đó trong bối cảnh hiện nay có gì khác so với trước kia không?
- Có lần nhà văn Ngô Khắc Tài nói với tôi, đồng bằng châu thổ sông Cửu Long bằng phẳng, nên văn xuôi phương Nam có phần phẳng lặng, hiền hậu, không mấy khi gây sóng gió ồn ào trên văn đàn cả nước; cái hay có được là cái hay của sự sâu lắng hồn hậu, thấm đẫm tình đất tình người. Tuy nhiên tôi nghĩ, điều đó không hẳn là như vậy, bởi vấn đề thuộc về bút pháp, thuộc về cá tính sáng tạo của nhà văn. Người Phương Nam có cá tính mạnh, nhưng lại sống sâu lắng về tình người, bởi vậy, dòng chảy của văn xuôi Nam Bộ sau 1975 là dòng chảy sâu lắng của tình người ấy. Tất nhiên, văn xuôi Nam Bộ vẫn đang trong cuộc hành trình vận động đi về phía trước, nên không thể không bị ảnh hưởng, bị chi phối, bởi trào lưu văn học đương đại trong nước và trên thế giới, bởi bối cảnh xoay chuyển chóng mặt của công cuộc công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước. Tôi đọc không hết các tác phẩm của các tác giả Nam Bộ, nên tôi không thể nói được nhiều hơn về điều này, nhưng đọc nhiều truyện ngắn của nhiều tác giả Nam Bộ đăng trên các báo và tạp chí, tôi thấy văn xuôi Nam Bộ đã và đang có một thế hệ mới có sự bứt phá, dù chưa thành công, nhưng đã tạo ra được những con sóng cho dòng chảy văn xuôi Nam Bộ. Ngay cả bản thân các tác giả đã định hình tên tuổi, như Anh Động, Ngô Khắc Tài, Nguyễn Thanh, Phạm Trung Khâu, Lê Đình Trường, Anh Đào, Vũ Hồng, Trần Thôi, Nguyễn Ngọc Tư, Diệp Mai… đều là những tác giả đang có sự chuyển hướng, bắt nhịp nhanh với công cuộc đổi mới của đất nước, góp phần làm nên diện mạo rất riêng của văn xuôi Nam Bộ trong giai đoạn hiện nay.
* Từ truyện ngắn “Cánh đồng bất tận” của Nguyễn Ngọc Tư cho đến một vài cuộc thi văn học đồng bằng sông Cửu Long thời gian qua (sự kiện bài thơ “Trăng nghẹn” của Hoài Tường Phong) khiến nhiều người giật mình vì hiện thực cuộc sống vùng đồng bằng sông Cửu Long được phơi bày. Vậy phải chăng những góc khuất của cuộc sống hiện thực đó được thể hiện trong văn học còn quá ít hay vì lý do gì?
- “Cánh đồng bất tận” của Nguyễn Ngọc Tư, rõ ràng đã làm bùng lên một cơn bão trên văn đàn cả nước, mà theo cá nhân tôi, nó còn mạnh hơn cơn bão “Cù lao Tràm” của Nguyễn Mạnh Tuấn. Bởi vì nó có sức lay chuyển và đánh thức rất lớn. Sự mạnh mẽ quyết liệt đến lạnh lùng của giọng văn có tiết tấu nhanh mạnh, như một ngọn roi quất vào lối tư duy xuôi chiều, như cái xáng cạp, cạp tung lên một tầng địa chất có vẻ như đang bị lãng quên trong sự phản ánh rụt rè của nền văn xuôi minh họa, về sự trụi trần đến đau nhức của nông thôn Nam Bộ. Nhiều tác giả đã đón nhận “Cánh đồng bất tận” như là một tuyên ngôn về văn học cảnh tỉnh, và noi theo đó như là kim chỉ nam cho sáng tác. Tất nhiên sự thật là sự thật, không thể che dấu vì không thể che dấu được. Giá trị của nhà văn không phải là ở sự phản ánh sự thật, mà là ở cách mà nhà văn tái hiện sự thật thành văn chương để đời. Đó là cá tính sáng tạo. Đó là bản lĩnh. Đó là văn học đích thực của phản ánh, để phân tích, để mổ xẻ, để cảnh báo, để hành động tích cực cho dựng xây cái mới. Đó là Nguyễn Ngọc Tư. Các tác giả khác tất nhiên sẽ có và phải có cách phản ánh khác. Văn học là sáng tạo, là cá tính và bản lĩnh sáng tạo. Văn học không chấp nhận sự lặp lại. Hiện thực Nam Bộ là hiện thực bề bộn, ngổn ngang, đan cài giữa muôn vàn cái mới và cái cũ, cái tốt và cái xấu, cái được và cái mất, tất cả đều đòi hỏi văn học phải đề cập đúng với thiên chức phản ảnh của văn học. Và… sự giàu có về hiện thực phong phú sinh động ấy, mặc sức cho các tác giả tha hồ khám phá phản ánh thành tác phẩm. Đó là cánh đồng bất tận để gieo trồng đủ thứ hạt giống văn chương và gặt hái, vấn đề cuối cùng còn lại và quyết định, đó chính là tài năng của nhà văn.
* Bằng sự quan sát của riêng cá nhân nhà văn, thì văn học đồng bằng sông Cửu Long đã phản ánh được đời sống hiện nay của con người vùng đất này chưa?
- Không có một nhà văn nào lại không viết về quê hương đất nước mình, đồng bào mình, ruột thịt từ thời chung bọc trứng Âu Cơ của mình. Mỗi một cá tính nhà văn là mỗi một cá tính sáng tạo, không ai giống ai, và không ai có thể giống ai. Cái dở của văn học hậu hiện đại bây giờ, chính là sự dần mất đi cá tính ấy, nhà văn viết như máy, giống hệt như các phiên bản lập trình rối rắm của máy. Tôi khóc cùng với tiếng gọi “Cải ơi” nghèn nghẹn của Nguyễn Ngọc Tư. Tôi miên man cùng với “Nhớ khói” của Ngô Khắc Tài. Tôi “Hơ tay trên ngọn khói” với Lê Đình Trường. Tôi trở trăn cùng “Ngổn ngang đất này” của Nguyễn Thanh. Tôi yêu đến tận cùng sướng vui đau khổ miền đất cực Nam tổ quốc, qua từng trang viết của bạn bè. Mỗi người một kiểu, các nhà văn Nam Bộ đương đại, đang ra sức khắc họa chân dung đất nước và con người Nam Bộ. Thế nhưng cuộc sống là cánh đồng bất tận của vui buồn, khổ đau và hạnh phúc, mỗi nhà văn đều sức vóc có hạn, làm sao có thể ôm hết cuộc sống rộng lớn vào tác phẩm của mình. Tất cả còn ở phía trước, còn chờ vào sự đầu tư thiết thực và xứng đáng cho cá tính sáng tạo của mỗi một nhà văn.
* Trở lại với cuộc Hội thảo diễn ra tại Bến Tre, với tên gọi: “Văn xuôi đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ đổi mới”, theo nhà văn thời kỳ đổi mới văn xuôi đồng bằng sông Cửu Long có những gì?
- Công cuộc đổi mới là một cuộc cách mạng thật sự. Là sự tuyên chiến quyết liệt với cái cũ lỗi thời và lạc hậu, từ hành động đến tư duy, là một cuộc quật mình sinh nở đầy đau đớn và thách thức. Cái mới ra đời non nớt, cần phải được bảo vệ và chăm sóc. Không phải tới bây giờ các nhà văn Nam Bộ mới chuyển mình tìm đến với cái mới. Rải rác ở tác phẩm này tác phẩm khác, dấu ấn của cái mới đã có trong kho tàng văn học Nam Bộ, có điều nó đã bị chìm đi trong tư duy chưa chịu thay tủ lạnh đời mới. Điều này xin để cho độc giả phán xét, bởi chính độc giả trung thành với văn học đích thực, mới là lực lượng đông đảo thức tỉnh, bảo vệ được “Cánh đồng bất tận” của họ trước búa rìu dư luận.
* Hội thảo “Văn xuôi đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ đổi mới” có ý nghĩa như thế nào trong đời sống văn học của khu vực này?
- Mỗi một cuộc Hội thảo, dù thế nào chăng nữa, cũng có ý nghĩa tích cực của nó. Lấy ví dụ, chúng ta đã có nghị quyết về “nông nghiệp, nông thôn, nông dân”, cho dù là quá trễ đối với một đất nước nông nghiệp, với nền văn minh cây lúa nước hàng ngàn năm, nhưng điều đó cũng có ý nghĩa của nó. Tôi nghĩ rằng, không phải cứ tập trung đầu tư nâng cấp mặt bằng cơ sở hạ tầng cho nông thôn, là chúng ta đã làm tốt nghị quyết ấy. Vấn đề là phải tập trung tôn vinh, khẳng định vai trò, địa vị của người nông dân, trong một đất nước vốn ngàn đời tồn vong và hưng thịnh, nhờ vào nền sản xuất nông nghiệp, điều mà giờ đây chúng ta phải tìm cách đánh thức tiềm năng và tiềm lực của nó, biến nó thành nền cơ khí nông nghiệp hiện đại, đưa địa vị người nông dân từ lão nông tri điền lên lão nông tri thức. Chính vì vậy, Hội thảo “Văn xuôi đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ đổi mới” đặt ra cho các nhà văn trên quê hương chín nhánh sông rồng, trên miền đất hạt vàng, vựa lúa lớn nhất của cả nước, trách nhiệm lớn lao đối với việc khẳng định địa vị và vai trò lịch sử của người dân Nam Bộ, của nông thôn Nam Bộ thành đồng, luôn đi trước về sau trong hai cuộc chiến tranh vệ quốc đẫm máu, của nền nông nghiệp lúa nước đã góp phần nuôi sống cả nước. Không làm được điều đó, các nhà văn Nam Bộ sẽ suốt đời mắc nợ quê hương của mình.
* Nhà văn có tự nhận thấy mình cần phải thay đổi hình thức, hay nội dung ở sáng tác trong thời kỳ đổi mới không?
- “Tôi tư duy nghĩa là tôi tồn tại”. Bản thân tôi rất sợ sức ì trong tư duy, lối mòn bảo thủ cố hữu trong tư duy. Khát khao tìm kiếm cái mới là vô cùng, là không có điểm dừng; thế nhưng tôi biết sức tôi có thể đi tới đâu, có thể tìm kiếm được gì trong cuộc hành trình sáng tạo của mình. Tôi vẫn sẽ bám chặt vào đất đai của Tổ quốc, để sống, để thao thức trăn trở với từng trang viết. Điều đó thuộc về thế hệ chúng tôi. Các thế hệ sau sẽ làm tiếp việc cách tân theo thời đại, để có được những tác phẩm mạnh mẽ hơn, dữ dội hơn, quyết liệt hơn, đẹp hơn. Thế nhưng, nếu thế hệ chúng tôi cứ bám víu vào lối tư duy sáng tạo xưa cũ, không cách tân cả về hình thức lẫn nội dung, theo nhịp bước hải hà của thời đại, nhất định chúng tôi sẽ bị loại khỏi đời sống văn học đương đại, hoặc giỏi lắm là được cất vào bảo tàng văn học cổ của thế kỉ hai mươi đã trở thành qúa khứ lịch sử.
Cuối cùng tôi muốn nói rằng:
“Tôi đi bằng đôi chân trần trên mặt đất
Tôi chạy đầu trần dưới trưa hè nắng đỏ
Đất nước chạm da thịt thấm linh hồn”
(Thơ Hồ Tĩnh Tâm)

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: