Tác giả: Brahma Chellaney
Biên dịch: Nguyễn Thanh Mai
Biên tập: Lê Hồng Hiệp
Bài liên quan: Huyền Thoại về Những Đòn Trừng Phạt của Trung Quốc trong Tranh Chấp Biển Đông: https://daisukybiendong.wordpress.com/2017/09/16/huyen-thoai-ve-nhung-don-trung-phat-cua-trung-quoc-trong-tranh-chap-bien-dong/
Trung Quốc phủ nhận sự pha trộn giữa thương mại và chính trị, tuy nhiên, lâu nay quốc gia này lại sử dụng thương mại để trừng phạt các nước từ chối phục tùng mình. Việc gần đây Trung Quốc nặng tay trừng phạt Hàn Quốc để phản ứng lại quyết định triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của quốc gia này chỉ là một ví dụ mới nhất về việc sử dụng thương mại như một vũ khí chính trị của chính quyền Trung Quốc.
Chính phủ Trung Quốc đã khuyến khích và rồi tận dụng sự phụ thuộc kinh tế của các quốc gia khác để ép buộc họ ủng hộ những mục tiêu trong chính sách đối ngoại của mình. Các hình phạt kinh tế của Trung Quốc đa dạng từ việc hạn chế nhập khẩu hoặc tẩy chay không chính thức hàng hóa đến từ một quốc gia bị nhắm tới, cho đến việc tạm dừng xuất khẩu các mặt hàng chiến lược (như các loại khoáng sản đất hiếm) và vận động trong nước chống lại các doanh nghiệp cụ thể của nước ngoài. Các công cụ khác bao gồm việc đình chỉ các chuyến du lịch và ngăn chặn đường vào ngư trường đánh bắt cá. Tất cả đều được sử dụng cẩn thận để tránh sự trục trặc có thể làm hại đến những lợi ích thương mại riêng của Trung Quốc.
Mông Cổ đã trở thành một trường hợp kinh điển cho tình trạng ép buộc địa-kinh tế như vậy, sau khi quốc gia này tiếp đón đức Đại Lai Lạt Ma vào tháng 11 vừa qua. Với việc hấp thụ 90% lượng xuất khẩu của Mông Cổ, chính quyền Trung Quốc đã quyết định dạy cho Mông Cổ một bài học. Sau khi áp đặt các loại phí trừng phạt lên các hàng hóa xuất khẩu từ Mông Cổ, ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tuyên bố “hy vọng rằng Mông Cổ đã để tâm sâu sắc đến bài học này” và sẽ “tuyệt đối tuân theo lời hứa” không mời đón thủ lĩnh tinh thần của Tây Tạng một lần nào nữa.
Một trường hợp nổi tiếng hơn là những đòn trả đũa thương mại của Trung Quốc đối với Na Uy sau khi giải Nobel Hòa Bình được trao cho nhà bất đồng chính kiến bị cầm tù người Trung Quốc Lưu Hiểu Ba. Hậu quả là sản lượng xuất khẩu cá hồi của Na Uy vào Trung Quốc đã sụt giảm.
Vào năm 2010, Trung Quốc đã tận dụng thế độc quyền trong ngành sản xuất toàn cầu các loại khoáng sản đất hiếm thiết yếu để giáng đòn trừng phạt thương mại lên Nhật Bản và phương Tây, thông qua một lệnh cấm xuất khẩu không báo trước. Vào năm 2012, sau khi những tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc và Nhật Bản đối với quần đảo Senkaku (mà Nhật Bản lần đầu kiểm soát vào năm 1895) dấy lên, Trung Quốc lại một lần nữa sử dụng thương mại như một vũ khí chiến lược, làm Nhật Bản thiệt hại hàng tỷ đô la.
Cũng tương tự, vào tháng 4 năm 2012, theo sau một vụ việc xảy ra gần bãi cạn tranh chấp Scarborough trên Biển Đông, Trung Quốc đã hăm dọa Philippines không chỉ bằng việc triển khai các tàu giám sát mà còn phát đi một thông điệp cảnh báo công dân Trung Quốc không nên đi du lịch đến Philippines và áp đặt các hạn chế đột ngột đối với việc nhập khẩu chuối (làm nhiều nhà nông Philippine bị phá sản). Với sự chú ý quốc tế đổ dồn vào các hành động thương mại của mình, sau đó Trung Quốc đã chiếm được bãi cạn một cách êm thấm.
Những đòn trả đũa thương mại gần đây của Trung Quốc nhằm vào Hàn Quốc vì triển khai hệ thống THAAD nên được nhìn nhận dưới góc độ này. Những đòn trả đũa này không được tiến hành để chống lại Mỹ, quốc gia đã triển khai hệ thống phòng thủ trước mối đe dọa tên lửa dấy lên từ Triều Tiên và vốn có đủ sức mạnh để mạnh tay đáp trả. Và đây cũng không phải là lần đầu tiên: vào năm 2000, khi Hàn Quốc tăng các mức thuế quan đối với mặt hàng tỏi để bảo hộ nông dân nước này trước một cơn lũ nhập khẩu, Trung Quốc đã phản ứng lại bằng lệnh cấm nhập khẩu điện thoại di động và polyethylene của Hàn Quốc. Sự trả đũa có tác động mạnh vào các sản phẩm không liên quan được nhằm không chỉ để xúc tiến các ngành công nghiệp trong nước mà còn để đảm bảo rằng Hàn Quốc sẽ thiệt hại nhiều hơn nhiều so với Trung Quốc.
Trung Quốc sẽ không sử dụng cây dùi cui thương mại khi quốc gia này có thể bị thiệt hại nhiều hơn nước bị trừng phạt, như được minh họa bởi sự kiện căng thẳng quân sự Trung-Ấn diễn ra gần đây ở điểm giao nhau của biên giới Tây Tạng, Bhutan và bang Sikkim của Ấn Độ. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc coi trọng mối quan hệ thương mại không cân xứng với Ấn Độ (với lượng xuất khẩu vào Ấn Độ cao gấp hơn năm lần lượng nhập khẩu) như là một vũ khí chiến lược để làm suy yếu ngành sản xuất của Ấn Độ và đồng thời thu về những khoản lãi lớn. Vì vậy, thay vì tạm dừng thương mại ở vùng biên giới – việc có thể kích hoạt các đòn trả đũa kinh tế từ Ấn Độ, Trung Quốc đã cắt đứt sự tiếp cận lâu nay của những người hành hương Ấn Độ đối với các khu thánh địa ở Tây Tạng.
Ở những nơi có ảnh hưởng thương mại, Trung Quốc không hề ngần ngại sử dụng nó. Một nghiên cứu vào năm 2010 đã chỉ ra rằng các quốc gia có nhà lãnh đạo gặp đức Đạt Lai Lạt Ma đã phải chịu một sự sụt giảm nhanh chóng 8,1-16,9% tổng lượng xuất khẩu sang Trung Quốc. Vì hậu quả này, hiện nay, hầu hết tất cả các quốc gia, đáng chú ý là ngoại trừ Ấn Độ và Mỹ, đều tránh mối liên hệ trực tiếp với vị thủ lĩnh Tây Tạng này.
Có một thực tế khắc nghiệt là Trung Quốc đang biến thành một tên bạo chúa thương mại, chà đạp lên những luật lệ quốc tế. Những vi phạm của quốc gia này bao gồm việc duy trì những hàng rào phi thuế quan để ngăn cản sự cạnh tranh với nước ngoài; trợ cấp xuất khẩu; làm thị trường nội địa nghiêng về phía có lợi cho các công ty Trung Quốc; xâm phạm sở hữu trí tuệ; sử dụng những điều luật chống độc quyền để moi lấy các nhượng bộ; và cấp vốn mua lại các công ty nước ngoài để lấy về nước các công nghệ của họ.
Trung Quốc thậm chí còn coi các hiệp ước song phương không hơn gì những công cụ để quốc gia này đạt được các mục tiêu của mình. Theo quan điểm của Trung Quốc, không một hiệp ước nào còn sức mạnh ràng buộc một khi nó đã phục vụ xong những mục tiêu trước mắt, như các quan chức đã thể hiện gần đây khi vứt bỏ Tuyên bố chung Anh-Trung Quốc năm 1984 – một tuyên bố mở đường cho sự chuyển giao Hồng Kông về tay Trung Quốc vào năm 1997.
Trớ trêu thay, Trung Quốc đã phát triển cơ bắp thương mại của mình với sự giúp đỡ từ Mỹ, quốc gia đóng vai trò then chốt trong sự đi lên về kinh tế của Trung Quốc, qua việc tránh các biện pháp trừng phạt và hội nhập quốc gia này vào các thể chế toàn cầu. Việc bầu Donald Trump làm tổng thống đã được cho là sẽ kết thúc sự tự tung tự tác trong thương mại của Trung Quốc. Tuy nhiên, thay vì thực hiện các hành động ngăn chặn một quốc gia từng bị ông chỉ trích là kẻ gian lận thương mại thì Donald Trump lại đang giúp đưa Trung Quốc hùng mạnh trở lại, bao gồm bằng việc rút lui khỏi Hiệp định TPP và giảm bớt ảnh hưởng của Mỹ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Hiệp định TPP mà thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đang nỗ lực hồi sinh dù không có sự tham gia của Mỹ có thể giúp kiềm chế những hành vi theo hướng chủ nghĩa trọng thương không ngừng của Trung Quốc, thông qua việc tạo ra một cộng đồng kinh tế thân thiện với thị trường và dựa trên các luật lệ. Tuy nhiên, để TPP thực sự có hiệu quả trong việc cân bằng lại thanh kiếm thương mại đang được sử dụng bởi một chế độ độc tài tập trung cao và đầy uy quyền, thì nó cần phải được mở rộng để bao gồm cả Ấn Độ và Hàn Quốc.
Việc Trung Quốc vũ khí hóa thương mại cho đến nay vẫn tiếp diễn mà không bị ngăn chặn. Chỉ có một chiến lược quốc tế có phối hợp, với hiệp định TPP được làm sống lại như một yếu tố then chốt, mới có thể tạo ra cơ may để buộc các nhà lãnh đạo Trung Quốc phải tuân theo luật lệ.
Brahma Chellaney, Giáo sư Nghiên cứu Chiến lược tại Trung tâm Nghiên cứu Chính sách (đặt tại New Delhi) và Nghiên cứu viên tại Học viện Robert Bosch tại Berlin, là tác giả của 9 cuốn sách, trong đó có Asian Juggernaut, Water: Asia’s New Battleground, and Water, Peace, và War: Confronting the Global Water Crisis.
Bản dịch tiếng Việt được thực hiện và đăng lần đầu bởi Dự án Nghiên cứu quốc tế tại https://nghiencuuquocte.org/2017/09/22/trung-quoc-bien-thuong-mai-thanh-vu-khi/
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét