Sau vụ Arcos bị bố ráp tại London, người Nga nhận ra rằng họ cần có cách liên lạc có độ an toàn cao hơn với các điệp viên hoạt động ở nước ngoài
Cộng đồng Hợp tác Toàn Nga (Arcos) là một tổ chức thương mại quan trọng, chịu trách nhiệm quản lý giao dịch giữa Anh Quốc và Liên bang Xô Viết thời đầu. Hay ít nhất, đó là điều họ nói họ đã làm.
Vào tháng 5/1927, vài năm sau khi một điệp viên của Anh tóm được một nhân viên lẻn vào văn phòng tin tức cộng sản ở London, cảnh sát ập vào tòa nhà của Arcos. Tầng hầm gắn đầy các thiết bị chống xâm nhập và họ khám phá ra một căn phòng bí mật không có tay nắm cửa, bên trong các công nhân đang vội vã đốt nhiều tài liệu.
Nghe thì kịch tính, nhưng thật ra người Anh không khám phá ra được điều gì mới. Thay vào đó, cuộc vây ráp là một lời thức tỉnh cho Liên Xô, bởi nhờ nó mà họ phát hiện ra MI5 đã nghe lén họ trong nhiều năm.
"Đó là sự nhầm lẫn của mệnh lệnh đầu tiên trong việc thực hiện cuộc bố ráp," Anthony Glees, người đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu An ninh và Tình báo tại Đại học Buckingham cho biết.
Để biện minh cho lý do tiến hành cuộc bố ráp đó, thủ tướng Anh thậm chí đã phải đọc to nội dung một số điện tín đã được giải mã trước Hạ Viện.
Kết quả là người Nga đã phải sáng chế lại toàn bộ cách mã hóa tin nhắn. Gần như chỉ qua đêm, họ chuyển thành "mật mã dùng một lần". Theo hệ thống này, một mã khóa mặc định được người gửi tin nhắn tạo ra và chỉ chia sẻ cho người nhận tin. Chừng nào mà mã khóa này thực sự là ngẫu nhiên đến mức hoàn hảo, thì mật mã không thể bị phá. Giờ chẳng còn lo lắng ai có thể nghe tin nhắn của họ nữa.
Vậy là đến thời của các "trạm số"- là các kênh phát thanh chỉ phát đi các tin nhắn đã được mã hóa cho các điệp viên hoạt động ở khắp nơi trên thế giới. Người Anh cũng nhanh chóng dùng cách này: Nếu bạn không thể đánh bại họ, hãy gia nhập cùng họ, như cách người Anh nói.
Để tạo ra một mã số hoàn toàn ngẫu nhiên là việc tương đối khó khăn. Lý do là bởi một hệ thống chịu trách nhiệm là việc đó về bản chất lại hoàn toàn có thể đoán được - đó chính xác là điều người ta muốn tránh. Thế là các nhân viên ở London nghĩ ra một giải pháp rất thông minh.
Họ treo một micro bên ngoài một cửa sổ trên đường Oxford Street và ghi âm các âm thanh giao thông.
"Có thể có một chiếc xe bus bấm còi cùng lúc khi một cảnh sát la lớn. m thanh này là độc đáo duy nhất, nó sẽ không xảy ra lại lần nữa," Stupples nói. Sau đó họ chuyển âm thanh này thành một mã ngẫu nhiên.
Tất nhiên, điều này không thể ngăn cản người ta cố tìm cách phá khóa. Trong Thế Chiến thứ Hai, người Anh nhận ra trong thực tế họ có thể giải mã được các tin nhắn này, nhưng họ cần phải chạm tay được vào cái mật mã dùng một lần dùng để mã hóa chúng.
"Chúng tôi nhận ra rằng người Nga sử dụng các tờ giấy hết hạn của các mật mã một lần làm giấy vệ sinh ở trong các bệnh viện quân y của Nga ở Đông Đức," Glees nói. Khỏi phải nói, các sĩ quan tình báo Anh sớm lập tức lùng sục tìm kiếm các nội dung trong nhà vệ sinh của phe Xô Viết.
Chuẩn bị phát động chiến tranh?
Cách truyền thông tin mới quá hiệu quả. Chẳng bao lâu, số lượng các đài phát sóng số xuất hiện khắp nơi trên thế giới. Có những cái tên hoa mỹ được đặt cho các kênh, như "Nancy Adam Susan", "Russian Counting Man" (Người Nga đếm người) và "Cherry Ripe" (Anh đào chín) - đài phát thanh chị em của đài Lincolnshire Poacher, cũng phát các đoạn nhạc dân ca Anh.
Ít nhất về mặt tên gọi, Đài Buzzer hợp ngay với nhóm này.
Trong bài Bí ẩn đài phát thanh ma hoạt động từ thời Liên Xô, chúng ta đã biết đài Buzzer phát sóng đều đặn mỗi ngày từ một nơi nào đó gần St Petersburg của Nga từ suốt 35 năm qua với nội dung hầu như chỉ là một làn sóng đơn điệu, buồn tẻ.
Cách truyền thông tin mới cũng phù hợp với hàng loạt vụ bắt giữ tại Hoa Kỳ vào năm 2010. Cục điều tra Liên bang FBI nói họ đã phá tan một mạng lưới gián điệp Nga "ẩn mình kín và lâu dài", được cho là đã nhận chỉ thị qua các tin nhắn mã hóa bằng sóng ngắn radio, đặc biệt là trên tần số 7887 kHz.
Các thông điệp sử dụng mật mã dùng một lần đạt độ an toàn cao, không thể bị bẻ khóa
Giờ đây Bắc Triều Tiên cũng đã tham gia hoạt động này. Vào ngày 14/4/2017, đài phát thanh Bình Nhưỡng bắt đầu phát đi: "Tôi đang đưa ra các tổng kết công việc về các bài học công nghệ thông tin tại đại học sư phạm vùng sâu vùng xa dành cho điệp viên viễn chinh Số 27." Thông điệp quân sự không được che giấu kín đáo này theo sau đó là hàng loạt các con số trang giấy - Số 69 trang 823, trang 957 - nghe rất giống như một mật mã.
Thật đáng ngạc nhiên rằng các đài phát sóng số vẫn còn được sử dụng - nhưng chúng có một ưu thế đáng kể. Tuy người ta có thể đoán được ai là người đang phát sóng nhưng bất cứ ai cũng có thể nghe được thông điệp, vì vậy bạn không thể biết thông điệp đang được gửi cho ai. Điện thoại di động và internet có thể nhanh hơn, nhưng nếu mở một tin nhắn hay email gửi đi từ một tổ chức tình báo đã được tên là bạn đã có thể bị lộ tẩy ngay.
Có một giả thuyết nghe thuyết phục: Đài phát thanh Buzzer được giấu ở một nơi thanh thiên bạch nhật, chỉ huy một mạng lưới gián điệp Nga bất hợp pháp khắp nơi trên thế giới. Chỉ có một vấn đề. Đài Buzzer không bao giờ phát đi một thông điệp số nào.
Điều này không hẳn đã là vấn đề, vì mật mã dùng một lần có thể dùng để diễn dịch bất cứ gì - từ các từ ngữ mã hóa cho đến các đoạn diễn văn bị cắt xén. "Nếu cuộc gọi điện thoại này được mã hóa, bạn sẽ nghe thấy "…enejekdhejenw…", nhưng thông điệp này sẽ xuất hiện ở đầu dây bên kia với nội dung hoàn toàn bình thường," Stupples nói. Nhưng điều này có thể để lại những manh mối trong tín hiệu.
Để gửi thông tin qua làn sóng phát thanh, cần thiết nhất là bạn phải điều chỉnh tần số và khoảng cách của các đợt sóng truyền tin. Ví dụ, hai làn sóng thấp trong một lần có nghĩa là x, hoặc ba làn sóng gần nhau có nghĩa là y. Khi một tín hiệu mang thông tin, thay vì gọn gàng, thậm chí ngay cả các con sóng bị ngắt quãng đều đều như những gợn sóng trên đại dương, thì bạn sẽ nhận được sóng như một cái bóng mờ nhòe của một dải điện tâm đồ.
Đài Buzzer thì không phải vậy. Thay vào đó, rất nhiều người tin rằng đài phát sóng là một hỗn hợp của hai thứ. Những tiếng vo vo liên tiếp chỉ là cách để khẳng định rằng "làn sóng này là của tôi, làn sóng này là của tôi…" qua đó không cho người khác sử dụng làn sóng đó.
Người ta cho rằng nó chỉ trở thành trạm phát sóng số vào thời điểm khủng hoảng, ví dụ như khi Nga bị xâm lược. Sau đó nó có thể có tác dụng hướng dẫn mạng lưới điệp viên toàn thế giới và quân lực của họ đang chờ đợi ở các vùng xa xôi. Xét cho cùng thì đó là một quốc gia có kích cỡ lớn gấp 70 lần Anh Quốc.
Có vẻ như họ đã tập luyện. "Vào năm 2013, họ phát đi một thông điệp đặc biệt. 'LỆNH 135 ĐƯỢC BAN HÀNH' - đó được cho là một tin nhắn thử nghiệm yêu cầu sẵn sàng chiến đấu," Māris Goldmanis, một người đam mê đài phát thanh đã nghe đài này từ nhà của ông tại một quốc gia vùng Baltic, nói.
Bí ẩn của đài phát thanh Nga có thể đã được giải mã. Nhưng nếu những người hâm mộ của đài này lý giải đúng, thì hãy cùng hy vọng là những tiếng vo vo sẽ không bao giờ ngừng lại.
Zaria Gorvett
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét