Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Chủ Nhật, 2 tháng 7, 2017

Tô Hoài nhìn từ một khoảng cách gần ( bản có bổ sung - kỳ I)

VTN

Bài viết này lần đầu được đưa trên blog của tôi ngày 26-11-2009. Nay, nhân ba năm ngày mất của  nhà văn (6-7-2014) xin bổ sung và chia làm nhiều kỳ,sẽ đưa dần trong tháng bảy 2017.
                                Mấy đoạn ghi trước 1986
 Văn cũng là người
       Một xuất phát tốt là thiên hồi ức Cỏ dại. Hình như thời thơ ấu không may mắn đã giúp cho người trai ấy có sự tỉnh táo, biết vị thế của mình trong đời. Cái gốc của Tô Hoài là một linh hồn bơ vơ. Một người thợ thủ công “cỏ dại” chính cống. Sau mới có một con người cán bộ -- cán bộ viết văn – trùm ra ngoài. 
      Cái giọng riêng của Tô Hoài bắt đầu từ đâu? 
      Câu văn  như bước chân người kéo lê  đi, lại như tiếng thủ thỉ để chứng tỏ là con người đó vẫn sống, không bao giờ chấp nhận sự cùng đường. Văn Tô Hoài không  gợi cảm giác sang trọng mà thường  ăn ở cái vẻ miên man không cùng; sinh động tự tin, nhưng lại vẫn có chút hậm hụi, hèn hèn tội tội như thế nào đó.
 Một câu trong Xóm giếng ngày xưa “Tôi vẫn quen với những nhem nhọ “.


Về  kỹ thuật viết 
      Như  nhiều người đã nói (trong đó có Hoàng Tiến), Tô Hoài mạnh nhất khi tả phong cảnh, tả những ấn tượng của người viết. Từ đoạn này sang đoạn khác, nhiều khi chuyển rất đột ngột, không đếm xỉa gì đến người đọc. Nhưng vì cái duyên, người ta bị hút ngay vào những  đoạn rẽ ngang rẽ dọc  đó.
      Tôi nghĩ rằng Tô Hoài không biết rõ nhân vật và ông không để ý đến nhân vật bằng phong cảnh. Nhân vật của ông như người qua đường không hiện lên như những tính cách mãnh liệt muốn thể hiện ý mình, mà chỉ để làm cớ cho tác giả kể chuyện. 


 Nhận xét của Nguyễn Minh Châu
- Đọc văn ông Tô Hoài, có những trang như tả cái vòi nước phun ra khỏi cống, rồi cá nó lượn nó đuổi nhau, thì mình cảm thấy như là cả đời mình không bao giờ tả nổi.
Những thứ văn như của tôi, của ông Khải , nếu nó không ăn ở cái vấn đề, không ăn ở cái nội dung, thì chẳng còn cái mẹ gì cả. Mình không phải thứ văn để người ta có thể thưởng thức từng câu một, như văn Đỗ Chu, văn Tô Hoài hoặc văn ông Nguyên Ngọc đâu.
Sau một lần nghe Tô Hoài chuyện trò ở 4 Lý Nam Đế:

-- Sự khôn ngoan lẩn lút của lão ấy thì bố ai mà theo được. Nhưng tôi thích nhất là cái ý này. Nghề văn là nghề đòi hỏi phải biết huy động tốt nhất những vốn liếng sẵn có.

Các loại nhân vật 
      Chỉ  có một lần, Tô Hoài tả nhân vật có  chí khí và có tầm nhìn xa – Dế  mèn.
      Chỉ  có một lần, Tô Hoài tả loại người quật khởi - đó là A Phủ. 
      Còn ngoài ra các nhân vật của ông đều là là sát mặt đất; pha tạp, không thuần nhất; mặt mày nhòe nhoẹt; tồn tại theo kiểu khật khà khật khưỡng. Người ta hơi khó nghĩ khi xếp họ vào những loại người cụ thể. Nhiều người là loại tầm thường.

Sự  tồn tại giữa đời 
      Mỗi lần nghĩ đến Tô Hoài, tôi vẫn lạ vì sao có một người khinh người rẻ của như vậy,  lạnh lùng như vậy, mà vẫn sống giữa người đời rất nhẹ nhàng, và đi đâu cũng lọt. Hay là sự chân thành của Tô Hoài và người đời cũng rất thật mà tôi chưa nhận ra (Phạm Thế Ngũ trong Việt nam văn học sử giản ước tân biên in ở Sài Gòn trước 1975 coi Tô Hoài thuộc loại ngòi bút nhân hậu bậc nhất hồi tiền chiến).


      Sau những buổi họp thường vụ BCH Hội nhà văn Nguyễn Khải kể :
     -- Bây giờ ông Mai, ông Nguyễn Công Hoan thì chả làm gì nữa rồi. May ra chỉ còn Thi, Tô Hoài. Nói riêng với tôi, bao giờ Thi cũng bảo Tô Hoài đuối lắm. Không nói được cái chung. Và văn viết sai mẹo cả. Còn Tô Hoài chê văn Nguyễn Đình Thi là văn học trò. “Nói chung văn của mình bây giờ, cổ quá”, câu ấy của Tô Hoài là ám chỉ Thi đấy. 
       Nhưng mà chả cứ ông Thi,  -- Khải nói tiếp -- cái ông Tô Hoài ấy, văn chương cứ như người chạm trổ, suốt đời thi thút, thì thụt, thì không hiểu thế nào mà ra văn chương được. Hầu như ông ta làm việc theo giờ giấc, theo cái lối thủ công. Hầu như ông ta rất ít cố gắng đi vào cái hướng hiện đại, mặc dù ông ta hiểu biết nhiều. Bởi vì -- Khải không nói ra nhưng người nghe  phải hiểu -  như văn Khải mới là hiện đại. 

Nửa người nửa ma 
Tự  truyện cho thấy cái đời thường duyên dáng của một người làm nghề.
      Nét nổi bật của Một quãng đường đoạn tả nhà văn lang thang đi ăn xin. Chất “bạc nhạc”. Những đoạn không đâu vào đâu như thế, cung cấp tốt tài liệu cho những người viết tiểu sử ông.  Cho người ta hiểu thế nào là một con người, nhất là loại ta hay gọi là “nhân dân lao động”.
      + hóm hỉnh, gần nhân tình, nhạy bén.
      +ngấm ngầm ham hố, cũng đi lừa mọi người sau khi đã bị người lừa.
      + không thể lớn được, nhưng không chết, lầm lụi dai dẳng, để rồi lại mãi mãi sinh sôi. 
      Bề  ngoài có tính chất dân gian, song thực ra đó cũng là một quan niệm hiện đại về thế giới này, ở đó con người vừa có mặt, vừa vắng bóng; mọi hoạt động vừa là làm, vừa là chơi; tác phẩm vừa là tinh tuý, vừa là độn; con người vừa là cán bộ, vừa là dân thường. Dễ từ bỏ nhau, dửng dưng với nhau, như đã dễ gần gũi với nhau. 
      Những con người trong đó biểu hiện rõ cuộc Cách mạng này – Nảy sinh từ xã hội cũ, họ lại là động lưc chính phủ nhận nó và lang thang đi tìm một cái gì khác dù không biết rõ cái đích mình đến. 
       Trong bài viết về Nguyễn Bính, Tô Hoài  bảo trong đời sống  văn học trước 1945, người lẫn với ma, đó là cái thời nửa người nửa ma.
       Theo nghĩa này có thể bảo  chính ông như  một con ma, trong ông có một con người nghĩ ngược với những điều đang viết.  Lúc nào ông cũng có nhu cầu tố giác mọi người, lật tẩy mọi người - kể cả lật tẩy chính mình. Lúc nào ông cũng đắm đuối trong một vài ý nghĩ tinh quái nào đó.
      Người sùng bái sự không thiêng liêng của cuộc đời —Tô Hoài đáng được định nghĩa như vậy.Trong Tô Hoài luôn luôn có cái  xu thế muốn xúi giục chúng ta viết văn thực sự, làm người thực sự, tuy ông  vẫn nghĩ:
      - Như thế thì mệt lắm, mà cũng chả đi đến đâu.

Trong con mắt những đồng nghiệp 
      Ý Nhi kể: ông Tô Hoài thấy cái ảnh của mình ở 45 truyện ngắn cho một câu “ Mình mà cũng đẹp nhỉ. Mình như Tây thế này còn gì.”
      Kim Lân: Tô Hoài là người rất từng trải, chịu chơi với anh em lắm, đâu cũng đi (mà vẫn giữ được mình). Nguyễn Đình Thi khi làm Tổng Thư ký, không dám ra quán rượu thịt chó với anh em nữa. Tô Hoài thì làm tất. Dễ dàng lắm. Rồi lại vào kiểm điểm nhau như chơi.
      Thợ  Rèn có ý tương tự:  Ông ta sẵn sàng uống rượu, nói bậy với anh em, rồi lại đứng lên thay mặt chi uỷ, phê phán anh em.
      Lê  Minh Khuê nhớ lại một lần bầu Quốc hội: Gớm, ông Tô Hoài ông ấy ra tranh cử, ông ấy nói cũng chẳng khác gì xã luận hết, điếc cả tai.
      Vũ  Hùng: Tôi đọc Chuyện đường xa, thấy lạ. Tô Hoài viết quá nhiều chuyện mà anh không biết, ví dụ chuyện vệ tinh, chuyện bay trên máy bay, đi ngược ngày thế nào. Cái gì anh ấy không biết, anh ấy phải hỏi người khác chứ ?
      Trong một số truyện ngắn, Tô Hoài luôn luôn thù ghét với những người không ở cái căng ( tiếng Pháp camp—chỉ phe nhóm, trận tuyến) của mình. Luôn luôn thấy căng của mình mới hay ho tốt đẹp, mọi nơi khác, không ra gì!
      Tôi (Vũ Hùng) thấy anh - Tô Hoài -- không bằng anh Võ  Quảng. Anh Võ Quảng hôm nọ bảo tôi: Nhà văn không nên để mình quá bị ràng buộc vào một quan niệm nào đó. Chỉ có một quan niệm mà, theo Võ Quảng, chúng ta phải trung thành - đó là quan niệm nhân bản.
           Tô Hoài cũng có cái nhân bản của mình, chỉ  có điều cái nhân bản đó, không có được cái tầm như ở những ngòi bút kiệt xuất.
Sức làm việc

       1970,  Nam Định làm lễ kỷ niệm 100 năm sinh Tú Xương. Văn Nghệ quân đội cũng một ô-tô riêng về thành Nam. Trở về Vũ Cao chỉ nói với tôi:
      -- Sừ Tô Hoài ghê thật!
      -- Sao hả anh?
      -- Có coi ai ra gì đâu.  Ngồi trên chủ tịch đoàn mà tôi để ý toàn thấy tay ấy viết cả.  Hình như đang viết một tiểu thuyết về Cao Bá Quát. Ra ngoài tay ấy còn bảo là sẽ gửi cho bên mình vài chương. Tôi đồng ý ngay.

Mối quan hệ  với đồng nghiệp 
      Sau 1975, vào Sài Gòn, Tô Hoài rủ Nguyễn Tuân thăm Vũ Bằng. Nguyễn Tuân không đi, coi như không trở  lại chuyện cũ. Tô Hoài đã đi thăm thật. Cũng như Tô Hoài đã lặn lội về thăm Nguyễn Bính, sau khi Nguyễn Bính mất. Hình như việc gì người khác không dám làm, thì Tô Hoài dám làm, luôn luôn Tô Hoài muốn chứng tỏ rằng mình không sợ gì cả. Trong bụng dám cho rằng mình  đi với ai cũng được.
      Bùi Hoà nhớ một vài lần đến gặp nhà chính khách Nguyễn Văn Bổng, lại gặp Tô Hoài ở đấy. Hai ông trao đổi cho nhau mấy quyển tiếng Pháp. Sao Tô Hoài cứ lẩn lẩn, thằng Hân cũng có cái tính hay lẩn kiểu ấy, Bùi Hoà kết luận. 
      Không chừng cái cách sống ấy có ở nhiều người. Chẳng hạn như Nguyễn Kiên. Né tránh mọi người, giữ miếng, không thích bàn kỹ về điều gì cả, vì ngại bộc lộ đến cùng con người mình trước người khác. 
        
Con người làm bằng chất dẻo 
      Chuyện  ở Hội Văn nghệ Hà Nội, báo Người Hà Nội. Bằng Việt kể: Ông Triệu Bôn có vẻ vùng vằng, nghĩ rằng mình đi vắng 2 tuần, ở nhà báo sẽ chẳng ra sao. Ai ngờ, cũng xong. Tô Hoài mủm mỉm cười, làm tuốt.
      Bùi Bình Thi kể về thái độ chịu chơi của Tô  Hoài. 
      Tô Hoài đang  có chuyện gì đó làm mọi người bực ra mặt. Văn Linh cáu. Muốn xin lỗi, thừa lúc Văn Linh quay ra phía khác, Tô Hoài thò  tay bắt tay Văn Linh từ phía sau, nắm thật chặt. Văn Linh có cáu mấy cũng đành giữ nguyên tay mình trong tay Tô Hoài.
      Nguyễn Minh Châu: Tô Hoài bao giờ cũng có xu thế  muốn làm vừa lòng người nói chuyện với mình. Hễ  mình nói cái gì động chạm là lão chuồn ngày, lảng sang chuyện khác ngay.
      Tô  Hoài hỏi Xuân Quỳnh:
      - Có phải cô bảo tôi là vừa đá bóng vừa thổi còi phải không?
      - Vâng, em bảo anh thế đấy!(có liên quan đến một giải thưởng, ở đó Tô Hoài vừa dự thi vừa làm giám khảo).
      Tô  Hoài không nói gì, sau vẫn gửi sách tặng Xuân Quỳnh ( cuốn Nhà Chử)
      Nói chung, theo Ý Nhi, Tô Hoài tỉnh bơ như không, khi nghe người khác chỉnh mình, cười mình, vạch cái xấu của mình.Tôi nghĩ, ông  như có cái khoá tốt, khoá tạch lại một cái, thế là mọi ý kiến về ông ở ngoài.
      Theo nghĩa rộng, Tô Hoài rất khớp với xã hội Việt nam hôm nay. Đọc lại Tự truyện, thấy tưng tức. Người tài quá, mà lại cũng khinh người rẻ của, ma giáo quá. 
      Dương Thu Hương: Lão Tô Hoài là loại Hà Nội móc cống, xích lô, chứ đâu có chất quý tộc như dân Hà Nội thực thụ.
Một kiểu  làm ăn tùy tiện
       Thỉnh thoảng liếc qua báo Người Hà Nội, tự nhiên thấy nhếch nhác quá. Mà do Tô Hoài làm đấy.Từ người phụ trách báo đã khinh thường tờ báo của mình biết bao.
      Một lúc nào đó tôi buột miệng nói: nếu tất cả  chúng ta đều là cặn  bã, thì loại như  Tô Hoài vừa là cặn bã của xã hội cũ, vừa là cặn bã của xã hội mới.
      Đọc lại bài viết Núi Cứu quốc (Nguyễn Đình Thi), thấy có câu  “Tô Hoài thú Việt Bắc nhưng không yêu Việt Bắc.”
      Có  lẽ với cả cuộc đời này cũng vậy, Tô  Hoài đâu có yêu. Một mặt, đó là người chả có nguyên tắc sống gì (dân ngoại ô không có nghề chuyên, chỉ đi làm thuê, việc gì cũng có thể làm; người ta chỉ thuê một lần, sau này cũng chả nhớ mặt nhau nữa). Mặt khác, đó lại là một cán bộ biết vươn lên trong xã hội, cũng thích công danh lắm.
      Phan Thị Thanh Nhàn bảo: Bây giờ Tô Hoài vẫn bảo là không phải làm báo cho bạn đọc, mà là làm báo cho tuyên huấn họ đọc. 
      Nhàn: Tôi ngờ rằng lúc vào nghề, ông Tô Hoài đã bị những người trong nghề coi thường lắm nên bây giờ ông ta mới lang thang đủ nơi mà chẳng dính vào nơi nào hết. Kim Lân: Không, căn bản là vì Tô Hoài rất chịu chơi, lúc nào cũng sẵn sàng đi chơi với mọi người, tuy chẳng để làm gì, chẳng để yêu bạn bè hơn, nhưng cứ thích đi.
Nói về  người khác 
        Thường chỉ cần một hai câu, Tô Hoài cũng đủ giết người ta rồi.
      -- Con người ta thật là buồn cười. Như cô Tú bây giờ, lúc nào cũng nói “in được một bài thơ, đối với tôi bây giờ, còn sướng hơn in một tập truyện ngắn “.
      -- Không ngờ đời sống làm cho ông Thông ông ấy  đổ đốn như vậy chứ hồi ở Việt Bắc, ai cũng yêu nhớ. Trẻ này, chịu học này, đọc được cả chữ Hán lẫn chữ Pháp, nên cần gì là nghiên cứu được cái ấy, mà lại đặc biệt tín nhiệm về chính trị nữa. Mình vẫn ngờ cái loại nhà văn về Hà Nội bằng con đường Thái Nguyên. Ít nhiều vẫn có chất tỉnh lẻ của nó !
      Tô  Hoài kể về một kiểu người nhạt nhẽo.
      - Chả là tôi cũng là loại tác giả được phân công có người chuyên môn theo dõi. Người ấy chính là cô X. Một hôm cô ấy bảo tôi “Em nghe người ta bảo anh với chị bằng mặt nhưng chả bằng lòng, mà anh lại lòng thòng với chị N. phải không ?” “Mồm thiên hạ vẫn thế. Hay là để tôi gọi nhà tôi lên cho cô tin nhé !” “ Nghĩa là không có gì ?” “Toàn chuyện vớ vẩn đồn thổi!”. 
      Thế  là cô ta sung sướng như chính cô ta được minh oan. “Có thế chứ, có thế chứ  !”
      Về  sau, Nguyên Kiên bình luận: Ông Tô Hoài vẫn có cái lối đóng kịch kiểu ấy. Cứ làm như mình sòng phẳng lắm ấy!


Sau những chuyến đi  nước ngoài 
Cuối 71, Nguyễn Khải có chuyến đi Liên Xô và Ấn Độ cùng Tô Hoài.
-- Cái ông thợ cửi  này lại rất biết quan hệ với các nhà văn nước ngoài mới chết chứ. Ấy cứ như ông ta cái vét tông sờn mép thất tha thất thểu, người ta lại quý. Chứ thời nay ai người ta trọng đám nhà văn quan dạng với lại chải chuốt ra vẻ trí thức thuộc địa.
Với cánh Hội nhà văn Liên xô thì ông ấy càng thân mật. Chỉ cần nhấm nháy nhau một lúc họ hiểu đủ mọi tình thế của nhau.  Nhớ có lần tay Marian nó  đi các tỉnh ở mình, đi đến đâu cũng được các tỉnh tặng sách. Chán lắm cũng phải cầm về vì chỉ sợ các cán bộ đối ngoại của VN giận. Riêng Tô Hoài hiểu. Hôm ra sân bay, ngay lúc ngồi ô tô, ông đã bảo:
--  Đồng chí Marian ơi, tôi có một nguyện vọng mong đồng chí giúp đỡ thực hiện cho được.
-- Nguyện vọng gì vậy?
-- Với tư cách phó Tổng thư ký Hội tôi rất cần nghiên cứu về văn nghệ các địa phương. Sách gửi lên không đủ. Hay là đồng chí cho tôi mượn đống sách kia, khi nào xong tôi sẽ gửi qua Hội nhà văn Liên xô cho đồng chí.
--Thôi tôi đành hy sinh vậy. Nhưng nhớ là phải giữ lời hứa đấy nhé.
Thế Tô Hoài có giỏi không chứ.
 Hôm ở Ấn độ, Marian mới bảo tôi
- Trông mặt ông Tô Hoài có lúc như một nhà triết lý
- Đúng, một nhà triết lý không suy nghĩ.
- Tôi cũng định nói với ông như thế.

Một lần khác:
- Lại nói chuyện đi nước ngoài. Hôm báo cáo ở thường vụ, tôi với ông Tô Hoài rất vui vẻ. Thì đi đường, cái gì mình cũng nhường ông ấy cả. Đến đâu, phải phát biểu trước đài, hoặc là viết báo, tôi đều đùn cho ông ấy cả. Một bà biên tập viên người Nga  bà ấy bảo tôi viết, tôi nói bà thông cảm cho, tôi còn tuổi thanh niên. Tôi chỉ có thể viết khi ông trưởng đoàn của tôi không viết. Hay là bà bằng lòng ông Tô Hoài không viết, không, không được. Thế thôi. Đi đến đâu, tôi cũng đề cao đồng chí trưởng đoàn của tôi. Ông Tô Hoài cũng thú vị về chuyện ấy. Thế là được rồi. Có khi ông ấy làm xong, ông ấy đưa cho tôi xem, tôi mới cười. Chắc anh viết, thì đúng quá rồi còn gì.
Ông Tô Hoài là một ông đi nhiều, cũng không chú ý tiền nong lắm, nhưng mình định xoay ông ấy là ông ấy biết ngay. Tôi thì chả mắc chứng ấy rồi, cho nên vui vẻ lắm.

Hôm báo cáo ở hội nghị thường vụ sau chuyến cùng nhau đi Ấn Độ và Liên Xô. Ông Tô Hoài cười, bây giờ chúng tôi vẫn còn nhớ nhau. Tay Chế Lan Viên nhìn về phía tôi, như nảy ra một câu khôi hài, đúng là một thằng mất dạy.

  Nói về chữ nghĩa:
      - Tôi thấy luôn luôn người ta có thể viết cho gọn hơn. Từ 5 dòng, tôi có thể co lại, còn  độ 3 dòng, hay 2 dòng. Trong ba chữ một cái đèn, thể nào cũng có thể xoá bớt, chỉ còn hoặc là một đèn, hoặc là cái đèn.
      Tôi (VTN) nghĩ: đi mà xoá văn Nguyễn Tuân!
      Nhưng một phát hiện khác của Tô Hoài thì có thể  chấp nhận được:
      --Cái bài Chữ và câu văn của tôi còn có đoạn nói đến biền ngẫu ở Nguyễn Khải. Thế mới biết biền ngẫu nó vào mình tự nhiên thật ( đoạn chê này, đến lúc in, thì trường Nguyễn Du, nơi in tập sách có bài Chữ và nghĩa nói trên, họ xoá hết!)
Tầm vóc văn chương
        Đọc những nhà văn lớn ở nước ngoài, thấy rõ người  ta định lớn - người ta muốn cạnh tranh cả với Chúa! Các nhà văn VN ở trình độ khác. Từ Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Tuân tới Xuân Diệu Tô Hoài, luôn luôn ở người ta chỉ có cái ao ước là tìm ra một chỗ đứng trong đời sống, len lỏi để có thể bám trụ được, và từ đó  nhìn ra với nụ cười hể hả: ta không chết.
       Và nỗi lo lớn nhất  là cạnh tranh với các đồng nghiệp ghi điểm trước đồng nghiệp.
      Đọc lại truyện ngắn viết trước 1945, thấy nhà văn này có lý để tự kiêu, truyện rất hay, tự nhiên. Có một chút gì đó thanh thoát hơn các truyện của Nam Cao nữa. Nhưng thấy Tô Hoài ảnh hưởng đủ thứ kể cả Nguyễn Công Hoan (truyện Ma đè).
Ý nghĩa xã hội
      Đọc Tô Hoài, thêm hiểu tại sao lại có Cách mạng tháng Tám. Tình cảnh dân ta trước 1945 khá rõ.
      - Một xã hội đẹp nhưng quái gở. Đàn bà  quyết định tất cả (truyện Một người đi xa). Thế nào người ta cũng có lý, cũng nói được.
      - Một xã hội quá tù túng. Những yếu tố  lạ, nhưng yếu tố ánh sáng, có le lói đến (những đoạn tả người ở quê ra tỉnh, người ở tỉnh về) những chưa giải quyết được bế tắc. Tỉnh thành phố xá nào có ra gì, cũng buồn bã, yếu đuối, không đủ sức phá vỡ sự tẻ nhạt của nông thôn công xã.
      Những trang Tô Hoài tả việc lên phố của mình (trong Cỏ dại), câu chuyện lên Hàng Mã ở, sao vẫn chỉ như là dấu hiệu cho thấy một sự bất lực. Ngưng đọng, trì trệ là đặc điểm chính của những  xóm  ngoại ô này. Có cố thì cũng đến thế thôi.
      Có  cả những bệnh không chữa mà khỏi, lẫn những bệnh không bao giờ chữa khỏi. Có cả những ao ước mơ hồ, lẫn lời hứa phiệu ngay từ đầu đã  không ai tin.
      Tô  Hoài hay có lối tả con người dù đã qua nhiều bước phiêu lưu, vẫn trơ lại trước mọi tác  động, con người mặc dù có vẻ rất nhạy cảm nhưng cuối cùng đâu vẫn  đóng đấy, nhân vật đi qua cuộc đời mà rút cục mình  vẫn là mình.

      Niềm tự tin
      Lại Nguyên Ân kể về một ông bán sách cũ: bán ra thì rất đắt, coi như sách của mình đi khắp cả nước tìm không ra; mà mua vào thì nhìn dửng dưng, nhạt nhẽo, y như không cần, nhìn sách bằng nửa con mắt.
        Tôi muốn mượn mấy câu này để nói về “thần thái” của Tô Hoài. Trong Tô Hoài có chất của dân buôn bán Bắc bộ, nghèo nàn, chắc lép; lại có chất của dân công chức thuộc địa, cốt làm xong việc lấy lương ,còn đâu kệ thằng Tây; có triết lý của người người hư vô, thây kệ đời bởi hiểu mọi cố gắng chỉ vô ích, vậy thì cứ sống cho thoải mái, đến đâu hay đến đấy. Tô Hoài là một hãng hàng thật hàng giả đều làm được, cũng biết người biết của, mà nhìn chung  đối với  sự đời chả coi cái gì ra gì hết.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: