Tiếng Dân
03.07.2017
Tin trong nước
Tình hình Biển Đông
Tác giả Nguyễn Quang Dy có bài phân tích trên trang Viet-studies, nêu quan điểm của một số học giả cho rằng “đường lối cứng rắn đối với Trung Quốc là ‘diều hâu’, sẽ dẫn đến chiến tranh, vì vậy phải nhân nhượng Trung Quốc“. Theo tác giả, “đó là quan điểm nhầm lẫn“.
Đã từng xảy ra cuộc chiến vòi rồng giữa tàu hải giám TQ
với tàu kiểm ngư VN năm 2014. Ảnh: internet
Ông Dy dẫn chứng một số chính sách nhân nhượng của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc như thương mại hay tuần tra trên biển Đông cho thấy, càng nhân nhượng, Trung Quốc càng lấn tới và chính những sự nhân nhượng này, chính quyền Trump sẽ làm cho Trung Quốc “Vĩ đại trở lại“.
Phần kết luận, tác giả nhận định, việc tăng cường liên minh với Hoa Kỳ và Nhật Bản sẽ làm cho Hà Nội tự tin hơn.
Cũng tin Biển Đông, đài CNN của Mỹ có bài: Tàu khu trục của Hoa Kỳ áp sát hòn đảo tranh chấp ở Biển Đông. Một viên chức quân đội Mỹ cho CNN biết, tàu khu trục USS Stethem của Mỹ có trang bị tên lửa hành trình, đã đi vào bên trong khu vực 12 hải lý của đảo Tri Tôn.
Hòn đảo này thuộc quần đảo Hoàng Sa, mà Trung Quốc đã cưỡng chiếm và tuyên bố chủ quyền. Hải quân Mỹ nói rằng, họ tiến hành ‘hoạt động vì tự do hàng hải’ trên hòn đảo này. Một tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, nói Mỹ đã “xâm phạm” và Trung Quốc đã gửi tàu quân sự và máy bay chiến đấu để đáp trả và kêu gọi tàu Mỹ rút khỏi khu vực.
VOA có bài: Khu trục hạm Mỹ áp sát đảo tranh chấp ở Biển Đông. Một “tàu khu trục mang tên lửa điều hướng USS Stethem đã đi vào bên trong vùng 12 hải lý của Tri Tôn, nơi mà Trung Quốc tuyên bố là lãnh hải của họ“. Cũng tin trên được báo Tuổi Trẻ đưa tin, “Sự việc xảy ra ngay trong ngày hôm nay (2-7) và dường như đã kết thúc. Đài Fox News dẫn lời hai quan chức quốc phòng Mỹ giấu tên cho biết tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Stethem đã tiến vào vùng nước 12 hải lý xung quanh đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam“.
***
Một thông tin vui được Thông tấn xã Việt Nam loan tải, “Chiều 29/6, tại thủ đô Berlin của Đức,cộng đồng người Việt tại châu Âu đã tổ chức lễ ký kiến nghị thư gửi Thủ tướng Đức Angela Merkel, đề nghị đưa nội dung về tình hình Biển Đông vào chương trình nghị sự của Hội nghị thượng đỉnh… (G20) tại Hamburg (Đức) vào ngày 7-8/7 tới“.
Bản tin TTXVN cho biết, “tham gia lễ ký kiến nghị thư có đại diện các hội, đoàn, doanh nghiệp người Việt tại các nước Đức, Áo, Ba Lan, Cộng hòa Séc cùng các cơ quan truyền thông, báo chí của cộng đồng người Việt tại Đức“. Theo tường thuật của TTXVN thì tình hình Biển Đông đang diễn biến phức tạp, đe dọa ổn định và an ninh khu vực và “lên án những các hành động quân sự hóa, vi phạm luật pháp quốc tế, vi phạm chủ quyền biển đảo“. Tuy nhiên, bài báo không nói rõ nước nào đang gây bất ổn trong khu vực.
Chưa biết G20, mà Đức hiện đang là Chủ tịch luân phiên, có chấp thuận kiến nghị thư đó hay không, nhưng trang mạng Thời Báo cho biết, “Thủ tướng Đức không tiếp ông Nguyễn Xuân Phúc” nhân hội nghị này, thay vào đó, “Việc gặp ông Phúc được đẩy sang Tổng thống Frank-Walter Steimeier chỉ để tiếp xã giao“. Lý do được báo này đưa ra có thể vì những vi phạm nhân quyền trầm trọng và liên tiếp của Chính phủ Việt Nam.
Biên giới phía Bắc
Theo Thông tấn xã Việt Nam, ngày 1/7, tại Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Vị Xuyên – Hà Giang “đại lễ cầu siêu tưởng niệm anh linh các anh hùng, liệt sỹ hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh bảo vệ Tổ quốc trên mặt trận phía Bắc” được tổ chức. Không biết những người lính QĐND Việt Nam chiến đấu với kẻ thù nào mà “hiện có 1.756 ngôi mộ anh hùng, liệt sỹ thuộc 32 tỉnh, thành phố” đã hy sinh?
Hậu phiên xử Mẹ Nấm – Nguyễn Ngọc Như Quỳnh
Việc đối xử vô nhân đạo đối với Mẹ Nấm của công an tỉnh Khánh Hòa trong thời gian giam giữ, đã được LS Võ An Đôn kể lại trên Facebook của mình đêm qua. Theo đó, Mẹ Nấm được họ “cho ăn cơm với 2 món cá Nục và rau Mồng Tơi suốt thời gian dài, không cho mặc quần áo lót và dùng băng vệ sinh trong những ngày đèn đỏ, nhốt Mẹ Nấm chung phòng với một can phạm ma túy”.
Ha ha, nếu mọi người phản đối chuyện này thì hãy “gửi băng vệ sinh phụ nữ (bvs) tới Giám đốc Công an Khánh Hoà để nhờ chuyển cho Nguyễn Ngọc Như Quỳnh”. Đó là ý tưởng đã được Facebook Hoàng Dũng nêu ra.
Chính phủ Đức cũng đã lên tiếng về bản án này. Bà Bärbel Kofler, đại diện về nhân quyền của chính phủ Đức lên tiếng trong một thông cáo báo chí: “Mức án nặng còn cho thấy sự bất hợp lý và thiếu cân nhắc đối với quyền căn bản về tự do biểu đạt và tự do báo chí được Hiến pháp Việt Nam đảm bảo”. Về vụ xử này, có vẻ như Thủ tướng Đức, bà Markel từ chối gặp Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi ông đến Đức tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20, mà để cho Tổng thống ổng thống Frank-Walter Steimeier tiếp xã giao ông Phúc.
Tổng thống Đức (phải) trao giải thưởng về nhân quyền cho đại diện của luật sư
Nguyễn Văn Đài hồi tháng Tư năm nay. Ảnh: VP TT Đức.
Hôm qua, Hội cựu Tù nhân Lương tâm đã ra Tuyên bố phản đối bản án dành cho bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh. Bản tuyên bố cho rằng bà Quỳnh chỉ là người phát biểu “ôn hòa” và việc chính quyền kết án bà là “trái luật và vô giá trị” đồng thời “yêu cầu thả ngay lập tức và vô diều kiện bà Quỳnh“.
Môi trường: Biển miền Trung và Tây Nguyên
Báo VOV cho biết, Tổng cục thủy sản yêu cầu “Tiếp tục dừng khai thác hải sản vùng đáy, trong phạm vi 20 hải lý gần bờ ở 4 tỉnh miền Trung“.
Trong khi đó, báo Sài Gòn giải phóng cho biết, người dân “Bất an với gần 1 triệu m³ chất thải “chôn” xuống biển”.
Còn tại Tây Nguyên, dẫn lời quan chức tỉnh Đắk Nông, báo Tuổi trẻ cho biết, “người dân xã Nhân Cơ rất lo lắng trước hiện tượng chất bột màu trắng từ Nhà máy chế biến alumin Nhân Cơ phát tán và bám đầy trên cây trồng“.
Sự việc xảy ra hôm 27-6 tại khu bauxite Nhân Cơ và hiện được chính quyền địa phương yêu cầu đơn vị để xảy ra sự cố có biện pháp khắc phục, không để tái diễn tình trạng trên.
Còn Nhà máy lọc dầu Dung Quất thì vẫn tiếp tục trong quá trình bảo dưỡng.
Trong khi các quan chức đang phải “đau đầu” với tài sản của mình, thì “mưa lũ trong những ngày qua trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã gây thiệt hại ước tỉnh khoảng 2,6 tỷ đồng“.
Quân đội – Kinh tế
Theo báo Người Lao Động, cựu chiến binh Lê Văn Sang, 75 tuổi, suốt 7 năm trời ròng rã với “hơn 3.200 lá đơn, phiếu gửi” và đã “tìm mọi cách gặp các cán bộ lãnh đạo để trình bày nguyện vọng ‘bứng’ sân golf đi nơi khác“. Nhưng ông “sợ chết rồi mà sân golf chưa bị… bứng“. Theo báo Người Lao Động thuật lời ông, thì “đau lòng nhất ngoài chuyện sân golf lấy đất sân bay… nhiều công trình của quân đội cũng lấn luôn hành lang an toàn sân bay“.
Ông sợ là đúng thôi, vì chắc các lãnh đạo quân đội còn đang “hồi hộp” theo dõi xem trong tháng này, xem lương của mình tăng bao nhiêu. “Thông tư 145/2017/TT-BQP có hiệu lực từ ngày 31.7.2017” cho thấy, lương cao nhất là cấp bậc Đại tướng, khoảng 13,5 triệu đồng.
Quan chức – Tài sản
Báo Tuổi trẻ hôm 2/7 đặt câu hỏi, rằng “quan chức có nên sở hữu nhà to?“. Đương nhiên là có chứ, miễn là chứng minh được tài sản của các quan có được từ chuyện kiếm tiền hợp pháp.Báo Tuổi Trẻ nêu câu hỏi: “Làm giàu không khó, chỉ cần lao động chăm chỉ! Mà sao hàng triệu người lao động chăm chỉ vẫn không giàu?”
Trong khi các quan chức Yên Bái còn đang “đau đầu vì tiền”, thì theo báo VOV “mưa lũ trong những ngày qua trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã gây thiệt hại ước tỉnh khoảng 2,6 tỷ đồng“.
Hà Nội: Giao thông và ứng xử của quan chức
Về dự án xe buýt nghìn tỉ không khả thi, đang có nguy cơ đổ vỡ vì lỗi kỹ thuật, báo Dân Trí nêu ra một vấn đề khác, không chỉ về lỗi kỹ thuật, mà là thái độ khinh dân của một ông quan Hà Nội, gọi phóng viên bằng “mày”. Báo này đặt câu hỏi, “quan chức mà hành xử vừa ‘ấu trĩ’, vừa thô lỗ, vừa khinh dân, gọi dân là ‘mày’, liệu có xứng đáng đứng trong đội ngũ?” Xin thưa, họ không xứng đáng đứng trong đội ngũ lãnh đạo lâu rồi, nhưng người dân có quyền gì để đưa họ ra khỏi đội ngũ này?
Minh họa: Ngọc Diệp/ DT
Còn chuyện khuất tất trong công tác “đền bù, giả tỏa” đã là căn bệnh kinh niên trên khắp đất nước này rồi, đâu phải riêng đường Phạm Văn Đồng – TP Hà Nội. Người dân không bức xúc sao được?
Cán bộ – Công chức
Báo Một Thế Giới đưa tin, ở Quảng Bình, “Hàng loạt người thân của Chủ tịch huyện ‘hỏa tốc’ vào viên chức“. Theo đơn tố cáo của bà Đinh Thị Lòng, ông Đinh Hữu Niên, Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa, Quảng Bình, đã lợi dụng chức vụ quyền hạn, đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với con bà, để nhận cháu vợ của ông vào làm việc tại một trường học ở huyện.
Bà Lòng còn cho biết, trong vòng một năm, ông Đinh Hữu Niên đã nhận 7 người trong gia đình vào làm việc trong các cơ quan nhà nước huyện, như: “Cao Đức Lâm (cháu ông Niên) làm việc tại Trường phổ thông dân tộc nội trú huyện Minh Hóa; Cao Thị Hằng (cháu) công tác tại Trường THCS thị trấn Quy Đạt 3; Đinh Minh Dũng (con rể) làm tại Văn phòng một cửa UBND huyện Minh Hóa; Đinh Thị Ngân (con gái) làm Trạm Y tế xã Trung Hóa; Đinh Ngọc Sỹ (con trai) làm tại Trung tâm dạy nghề huyện Minh Hóa; Đặng Thị Kim Hoa (con của em gái ruột ông Niên) công tác tại Trường THCS Tân Hóa; Đinh Thị Liệu (cháu) làm ở Trạm Y tế xã Trọng Hóa“.
Công chức nhậu trong giờ làm việc
Cũng chuyện công chức, theo báo Đất Việt đưa tin, trong giờ làm việc, thay vì chăm sóc, điều trị bệnh nhân, các bác sĩ và nhân viên tại bệnh viện đa khoa thành phố Hòa Bình đã bày bia, mực nướng ra nhậu. Người nhà bệnh nhân đã phải chạy khắp các phòng để tìm họ. Mặc dù đang trong giờ làm việc, nhưng ông Phạm Kỳ Sơn, Giám đốc bệnh viện này, bảo rằng “anh em có vui tí thôi mà“.
Hình ảnh được người nhà bệnh nhân ghi lại vào chiều 27/6. Nguồn: báo Soha
Hiến kế cho mấy ông thích nhậu trong giờ làm việc: ai đời nhậu lén mà lại đi nhậu mực nướng, nên bị người nhà bệnh nhân phát giác ngay, “Chúng tôi ngửi thấy mùi mực nướng từ trong phòng hành chính bay ra thơm nức cả hành lang”. Lần sau có nhậu tại cơ quan, chỉ nên nhậu với cốc, xoài, ổi… sẽ không có mùi gì bay ra ngoài.
Tin Quốc tế
Biểu tình ở Hồng Kông đòi dân chủ
Bất chấp ngăn cản của cảnh sát và những cảnh báo của Bắc Kinh, hàng chục ngàn người Hong Kong đã xuống đường biểu tình đòi dân chủ ngày 1-7. Theo tường thuật của báo Tuổi Trẻ, “Hong Kong đang trải qua những ngày căng thẳng và cảm xúc lẫn lộn trong dịp kỷ niệm 20 năm đặc khu này được Anh trao trả cho Trung Quốc“.
Người dân Hồng Kông xuống đường tuần hành nhân kỷ niệm 20 năm
khu tự trị này bị trao trả cho TQ. Ảnh: SCMP
Báo Một Thế Giới có bài: Dân Hồng Kông thách thức nền ‘cai trị’ của Trung Quốc bằng cuộc tuần hành dài 2 dặm. Bài báo viết, “20 năm sau, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có những tuyên bố khiến người ủng hộ dân chủ ở Hồng Kông giận dữ. Họ xuống đường phản đối sau khi ông Tập cảnh cáo Hồng Kông chớ nên trở thành địa bàn thách thức quyền lực của Bắc Kinh“.Đài địch RFI cũng có bài tường thuật, “Phong trào dân chủ Hồng-Kông tuyên bố ‘tiếp tục tranh đấu’.”
Tổng thống Trump vs Truyền thông Mỹ và người dân
Cuộc chiến giữa Tổng thống Mỹ và giới truyền thông ngày càng gia tăng. Sáng nay, ông Trump đăng trên Twitter của mình một clip ngắn, có “cảnh chế”, ông vật và đấm vào một người đàn ông có hình ảnh logo của đài CNN. Sau khi Trump hạ gục hình CNN, một hình khác hiện ra là FNN, viết tắt của chữ Fraud News Network, tức Hệ thống Tin tức Lừa đảo. Mời độc giả xem clip này:
Phản ứng lại sự việc này, CNN cho biết trong một bài báo: “Đó là một ngày buồn khi Tổng thống Mỹ khuyến khích bạo lực chống lại các phóng viên“. Ông Carl Bernstein, một phân tích gia về tình hình chính trị của CNN, nói: “Video clip đó không chỉ chống lại CNN mà nó chống lại tự do báo chí, nó rất là phiền nhiễu, clip đó chẳng có gì là vui cả“.
Ngày càng có nhiều người dân Mỹ, các dân biểu, nghị sĩ và các quan chức Mỹ không thể chịu đựng được cách hành xử và thái độ của Tổng thống Mỹ Donald Trump, liên quan tới các vấn đề quốc gia và con người. Nhiều cuộc biểu tình trên khắp nước Mỹ diễn ra hôm nay, kêu gọi truất phế ông Trump.
Theo tin từ đài RFI, “dự kiến sẽ có khoảng 40 cuộc tuần hành tại nhiều thành phố lớn trên khắp nước Mỹ, với sự tham gia của hàng chục nghìn người“. Theo những người tổ chức, “Tổng thống đã vi phạm hai điều khoản chống tham nhũng trong Hiến pháp. Còn bây giờ rõ ràng là ông Donald Trump đã ngăn cản tư pháp trong cuộc điều tra có thể vạch ra các sai phạm của chính ông ấy và các cộng sự trong chiến dịch tranh cử tổng thống 2016″.
Mời xem video clip ghi lại một cuộc biểu tình hôm nay tại khách sạn Trump International Hotel ở TP New York:
Trung Quốc – Đài Loan
Đài VOA cho biết, Bộ quốc phòng Đài loan đã “điều các chiến đấu cơ và tàu chiến để theo dõi hành trình của Liêu Ninh khi nó tiến vào gần Đài Loan“. Cũng theo thông tin trên, thì “Tàu sân bay Liêu Ninh, mà Trung Quốc mua của Ukraine rồi sau đó tân trang lại, tiến vào vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của Đài Loan hôm 1/7 và sẽ đi qua Eo biển Đài Loan hôm 2/7“.
Nổ đường ống khí đốt Trung Quốc
Theo tin từ đài VOA, “Ít nhất 8 người thiệt mạng và 35 người bị thương trong một vụ nổ đường ống dẫn khí đốt tự nhiên hôm 2/7 ở tỉnh Quý Châu, miền tây nam Trung Quốc“.
Được biết đường ống này là đoạn nối thêm đường dẫn khí gas từ Miến Điện. Hiện ngọn lửa đã được dập tắt, nhưng có bốn người bị thương đang trong tình trạng nguy kịch.
Pháp: ăn trộm bệ phóng tên lửa
Báo Strait Times đưa tin, một thanh niên 23 tuổi, sống ở miền Nam nước Pháp, đã bị bắt và bị buộc tội đánh cắp 4 bệ phóng tên lửa, cùng 4 hộp vỏ đạn bắn xe tăng của quân đội nước này.
Số vũ khí này đã bị đánh cắp khi nó đang được vận chuyển trên xe lửa, từ một căn cứ Miramas, gần Marseille, sang một căn cứ khác. Cảnh sát đã tìm thấy số vũ khí này tại nhà riêng của cậu thanh niên nói trên. Không rõ cậu thanh niên sẽ làm gì với số vũ khí này nếu không bị phát giác, bởi bệ phóng tên lửa không thể dễ dàng tiêu thụ như những món hàng khác.
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét