ĐỨC THÀNH
LĐO - Lao Động số 165 ngày 18.7 đã thông tin về những sai phạm trong công tác đấu thầu tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) theo thông báo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, trong đó dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 do PVN làm chủ đầu tư, giao Tổng Cty CP Xây lắp Dầu khí (PVC) làm tổng thầu xuất hiện những dấu hiệu khuất tất trong gói thầu “Vật liệu bảo ôn cách nhiệt”.
Loại nhà thầu đủ điều kiện, tự làm khó mình
Như thông tin đã nêu, Ban giám đốc PVC đồng thuận với ý kiến của Tổ công tác đấu thầu về phương án 3 nhà thầu vượt qua hồ sơ đề xuất kỹ thuật. Nhưng ngày 28.10.2016, HĐQT PVC ra văn bản số 868/XLDK- HĐQT nêu lên 2 lý do loại bỏ Liên danh PVEIC - TBDST - TEMEX, mà lý do cốt lõi dẫn tới việc loại bỏ nhà thầu trên là “vi phạm đảm bảo cạnh tranh trong đấu thầu theo Luật Đấu thầu”.
Trước đó, ngày 20.9.2016, PVC đã có văn bản gửi Cục Quản lý đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) xin ý kiến tư vấn về việc: “Công ty Cổ phần Công nghệ Năng lượng Dầu khí Việt Nam - PVEIC (có 41% vốn góp của PVN) tham gia đấu thầu gói thầu Vật liệu bảo ôn cách nhiệt với tư cách là đại diện liên danh nhà thầu PVEIC - TBDST - TEMEX. Theo mục CDNT4.4 bảo đảm cạnh tranh trong đấu thầu thuộc chương II. Bảng dữ liệu đấu thầu của hồ sơ mời thầu có quy định: Nhà thầu tham dự thầu không có cổ phần hoặc vốn góp trên 30% với chủ đầu tư PVN và bên mời thầu PVC, trừ trường hợp PVN, PVC, nhà thầu tham dự thầu thuộc cùng một tập đoàn kinh tế nhà nước và sản phẩm thuộc gói thầu là đầu vào của PVN, PVC, là đầu ra của nhà thầu tham dự thầu, đồng thời là ngành nghề sản xuất kinh doanh chính của tập đoàn.
Ngoài ra, trong quá trình đánh giá các hồ sơ đề xuất kỹ thuật, PVC tìm hiểu thêm được 02 văn bản hướng dẫn số 6103/VPCP-KTN ngày 11.8.2014 của Văn phòng Chính phủ và 174/TTg-KTN ngày 28.1.2016 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó nêu rõ: Các công ty con thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam được tham gia đấu thầu thực hiện các dự án thuộc ngành nghề kinh doanh chính của PVN và của các công ty con khác trong tập đoàn theo quy định của Luật Đấu thầu và Nghị định số 63/2014/NĐ-CP (văn bản 6103); Công nghiệp điện là một trong những lĩnh vực sản xuất và kinh doanh chính của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (văn bản 174). Vậy với các quy định trên, tại gói thầu cung cấp vật liệu bảo ôn cho Dự án Nhà máy Nhiệt Điện Thái Bình 2, Liên danh nhà thầu PVEIC - TBDST - TEMEX có đảm bảo tư cách hợp lệ khi tham gia đấu thầu không?”
Ngày 28.9.2016, Cục Quản lý đấu thầu trả lời: “Trong trường hợp hợp đồng ký kết giữa PVN và tổng thầu PVC không có điều khoản quy định viêc lựa chọn nhà thầu thực hiện các phần công việc thuộc gói thầu EPC phải tuân thủ Luật Đấu thầu thì PVC được quyền tự quyết định các nội dung lựa chọn nhà thầu mà không nhất thiết tuân thủ theo quy định của Luật Đấu thầu”.
Trả lời Lao Động, ông Chu Tiến Dũng - Trưởng ban Kinh tế Thương mại, Tổ phó Tổ công tác đấu thầu Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 khẳng định: “Trong việc lựa chọn nhà thầu cho gói thầu Vật liệu bảo ôn cách nhiệt không nhất thiết phải tuân thủ Luật Đấu thầu. Ngoài ra, đây là gói thầu mua bán nên cũng không đòi hỏi về đào tạo. Tổ công tác nhận thấy Liên danh PVEIC - TBDST - TEMEX đủ điều kiện để tham gia đấu thầu”.
Như vậy, việc HĐQT PVC cố tình áp đặt, hạn chế cơ hội của các nhà thầu khi đưa ra lý do cốt lõi “vi phạm đảm bảo cạnh tranh trong đấu thầu theo Luật Đấu thầu” khiến có nhiều băn khoăn cuộc đấu thầu thiếu minh bạch. HĐQT PVC đã cố tình vận dụng câu chữ “không nhất thiết tuân thủ Luật Đấu thầu” trong văn bản trả lời của Cục Quản lý đấu thầu để biến thành “nhất thiết tuân thủ Luật Đấu thầu” nhằm loại bỏ, thu hẹp đối tượng dự thầu. Mục đích của hành động này là gì? Tại sao lại tự làm khó mình khi chủ động giảm bớt cơ hội lựa chọn nhà thầu?
HĐQT PVC quyết định cảm tính!?
HĐQT PVC vốn không trực tiếp thẩm định hồ sơ, không trực tiếp kiểm tra năng lực nhà thầu, không có tổ tư vấn kỹ thuật riêng biệt nhưng lại không căn cứ các đề xuất chuyên môn của Tổ công tác đấu thầu; đồng thời 2 lần “bỏ ngoài tai”, bác bỏ đề xuất của Ban giám đốc PVC về vấn đề chuyên môn cho thấy HĐQT PVC khá cảm tính khi đưa ra quyết định “trái khoáy” như trên.
Theo ông Hồ Quyết Thắng - TGĐ TCty bảo dưỡng, sửa chữa công trình dầu khí (tên mới của PVEIC - nay đã đổi tên viết tắt thành PVMR) - đơn vị đứng đứng đầu Liên danh PVEIC - TBDST - TEMEX cho biết: “Kể từ khi bị loại khỏi cuộc đấu thầu đến nay (18.7.2017 - PV), phía Liên danh PVEIC - TBDST - TEMEX chỉ nhận được một công văn nói chung chung báo rằng nhà thầu nào vào vòng trong và nhà thầu nào bị loại, ngoài ra không hề có văn bản nào thông báo các lý do mà Liên danh PVEIC - TBDST - TEMEX không đủ điều kiện tham gia đấu thầu.
Sự việc này tạo một tiền lệ rất xấu đối với những đơn vị có điều kiện tốt để cung cấp dịch vụ. Trước sức ép về tiến độ, chưa đầy 2 tuần sau khi HĐQT PVC ra văn bản số 940, ngày 5.12.2016, PVC đã tiến hành mời một trong hai đơn vị có tên trong danh sách vượt qua kỹ thuật do HĐQT PVC phê duyệt đàm phán và thương thảo hợp đồng. Nhà thầu trúng thầu dự án Vật liệu bảo ôn cách nhiệt tại Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 là đơn vị nào? Năng lực, kinh nghiệm tới đâu? Hiện gói thầu đã được cung cấp ra sao và chất lượng như thế nào?
***
Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ kiểm tra Tập đoàn PVN
Ngày 19.7, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng dẫn đầu Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ kiểm tra Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN).
Tổ trưởng Tổ công tác Mai Tiến Dũng truyền đạt ý kiến Thủ tướng. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có đặt 4 vấn đề để Hội đồng Thành viên, Tổng Giám đốc PVN quán triệt sâu sắc, giải trình và có giải pháp quyết liệt trong thời gian tới như mục tiêu tăng trưởng, PVN nghiêm túc rút kinh nghiệm, sớm giải quyết dứt điểm các dự án thua lỗ; PVN cần đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng một số dự án nhiệt điện chậm tiến độ và xây dựng niềm tin, tăng cường kỷ cương, kỷ luật chấp hành các quy định của Đảng, Nhà nước, trong quản lý cán bộ, điều hành. T.S
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét