- Sính lễ trong đám cưới của ông Tòng, bà Tám nhiều vô kể. Riêng lễ ăn hỏi hơn 20 mươi tráp. Chưa kể lễ "đen" (tiền mặt đưa cho nhà gái) và vàng bạc phải hàng dài người bê đỡ...
Bạch Thái Bưởi không phải là con nuôi người Trung Quốc
Bà Bạch Quế Hương - chắt nội của doanh nhân Bạch Thái Bưởi, cho biết: "Bạch Thái Bưởi nguyên gốc người họ Đỗ ở Yên Phúc, huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Đông (cũ), nay là Văn Quán, Hà Đông, Hà Nội.
Theo đó, cha của Bạch Thái Bưởi là cụ Đỗ Văn Cóp, gia đình có truyền thống bút nghiên, làm thầy đồ dạy học. Do cha mất sớm nên Bạch Thái Bưởi và 2 người em Bạch Thái Sơ, Bạch Thị Chinh ở với mẹ là cụ Nguyễn Thị Bạng.
Nhờ chí lớn, Bạch Thái Bưởi xin đi giúp việc cho các hãng buôn của Pháp ở Tràng Tiền, rồi học kinh doanh, rồi ông đi học thêm tiếng Pháp và học chữ quốc ngữ để mở mang.
Tuy nhiên, bà Quế Hương cho biết, có nhiều thông tin hiện nay nói Bạch Thái Bưởi được người Trung Quốc giàu có nhận làm con nuôi và cho ăn học, sau ông mới đổi sang họ Bạch là không đúng.
Bà Hương chia sẻ: "Các cụ trong gia đình tôi kể rằng, do tuổi nhỏ vất vả, nghèo khổ. Lúc lập nghiệp cụ vẫn dùng tên Đỗ Thái Bửu cho đến khi làm lên sự nghiệp, thành danh trên thương trường.
Để đánh một dấu mốc quan trọng trong cuộc đời và khắc ghi những tháng ngày gian khó cụ đã đổi họ thành "Bạch" - mang ý nghĩa là từ hai bàn tay trắng cụ làm lên sự nghiệp lớn".
Sau này, người em trai Đỗ Thái Sơ (làm việc cho công ty của Bạch Thái Bưởi) và người em gái Đỗ Thị Chinh (đi lấy chồng ít được nhắc đến trong gia đình Bạch Thái Bưởi) cũng đổi sang họ Bạch theo anh trai là Bạch Thái Sơ và Bạch Thị Chinh.
Hằng năm vào ngày lễ giỗ tổ họ Đỗ con cháu Bạch Thái Bưởi vẫn về tham dự cùng con cháu họ Đỗ ở Yên Phúc, Phúc La, Hà Đông.
Đám cưới đình đám khắp Đông Dương
Bạch Thái Bưởi có rất nhiều vợ và nhiều con cái nhưng hai người con Bạch Thái Toán và Bạch Thái Tòng được cụ quan tâm nhiều nhất.
Khi Bạch Thái Toán sang pháp học rồi lấy vợ Tây, kề cận bên Bạch Thái Bưởi trong cuộc sống lẫn công việc chỉ còn người con trai Bạch Thái Tòng.
Bạch Thái Tòng là người được doanh nhân họ Bạch tin tưởng, đặc biệt giao trọng trách điều hành, quản lý việc kinh doanh trong gia đình.
Chẳng thế mà khi lấy vợ cho con trai Bạch Thái Tòng, Bạch Thái Bưởi đã tổ chức một đám cưới đặc biệt, nổi tiếng khắp Đông Dương thời bấy giờ và được nhiều hãng thống tấn của Pháp đưa tin.
Người vợ Bạch Thái Bưởi lựa chọn cho con trai là bà Nguyễn Thị Tám - con gái quan huyện Nghi hay còn gọi là cụ Cửu Nghi ở Phủ Thường Tín, tỉnh Hà Đông (cũ) nay là Văn Điển, Thanh trì, Hà Nội.
Bà Nguyễn Thị Tám là người con gái có vẻ đẹp đài các, được ví là "chim sa cá lặn" với làn da trắng sứ, dáng người mảnh dẻ, cao sang, mái tóc suôn mềm đen nhánh. Tính tình lại vô cùng đoan trang, hiền thục.
Bà giỏi thêu thùa, đan lát và nấu ăn. Ở bà hội tụ đầy đủ các yếu tố "công, dung, ngôn, hạnh" của người phụ nữ đương thời.
Từ nhỏ bà Tám được quan huyện Nghi rất yêu chiều, mời cả thầy đồ về dạy chữ quốc ngữ và tiếng Pháp. Bà Tám vốn nổi tiếng là thông minh, nên học hành rất giỏi giang.
Nhiều đám công tử nhà giàu đến đặt vấn đề hôn sự nhưng quan huyện Nghi đều khéo léo chối từ. Chỉ đến khi Bạch Thái Bưởi cho người đánh tiếng muốn quan huyện Nghi gả bà cho con trai Bạch Thái Tòng, quan huyện Nghi mới gật đầu đồng ý.
Hôn sự giữa hai nhà thông gia môn đăng hộ đối nhanh chóng được diễn ra. Theo đó, ngày 11 tháng Giêng năm 1922, con gái quan huyện Nghi là bà Nguyễn Thị Tám kết hôn với ông Bạch Thái Tòng, con trai thứ hai của cụ Bạch Thái Bưởi.
Đám cưới tổ chức trong 3 ngày, khách đến dự đám cưới đông nghịt. Ngày rước dâu, cụ Bạch Thái Bưởi cho máy bay đón dâu từ Hà Nội về Hải Phòng.
Trên đường đi, máy bay bay chậm và rải các tấm thiệp mời, người dân ai bắt được tấm thiệp này thì được đến dự đám cưới và ăn cỗ miễn phí, thậm chí còn được cụ Bưởi cho tiền mang về.
Máy bay đón dâu về đến Hải Phòng, xe ô tô diễu quanh phố phường, trống rong cờ mở rất hoành tráng. Được biết, Bạch Thái Bưởi là người đầu tiên có xe hơi ở miền Bắc.
Ngày cưới, bà Tám mặc bộ áo dài bằng gấm đỏ, đầu đội mấn, chân mang hài. Cả bộ trang phục được dùng sợi chỉ bằng vàng thêu hình rồng phượng rất tinh xảo.
Sính lễ trong đám cưới của ông Tòng bà Tám nhiều vô kể. Riêng lễ ăn hỏi hơn 20 mươi tráp. Chưa kể lễ "đen" (tiền mặt đưa cho nhà gái) và vàng bạc phải hàng dài người bê đỡ.
Một số người cao tuổi ở Hải Phòng vẫn thường đùa rằng, có lẽ xuất phát từ giai thoại này mà hiện nay một lễ ăn hỏi của người Hải Phòng thường rất lớn. Trung bình từ 9 tráp cho đến 21 tráp tùy theo mức độ kinh tế của mỗi gia đình.
|
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét