Minh Thái (Tổng hợp)
Đất Việt - Năm 2017-2018 được dự báo sẽ là đỉnh của nợ công Việt Nam với mức nợ có thể tiến sát ngưỡng 65% GDP.
Đây là con số vừa được ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng phòng Kế hoạch và Quản lý rủi ro, Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại, Bộ Tài chính nói tới trong buổi họp báo chiều 31/5.
Theo ông, mức nợ công tới thời điểm cuối năm 2016 của Việt Nam ở mức 63,7% GDP trong đó nợ Chính phủ là 52,6%. Tuy nhiên, đây chưa phải là mức cao nhất trong giai đoạn năm 2016-2020.
Đại diện Bộ Tài chính cho rằng, đỉnh nợ công sẽ rơi vào năm 2017-2018 và có thể giảm dần trong những năm sau đó. Cụ thể, với giả định mức tăng trưởng kinh tế là 6,7%-7% thì nợ công vào năm 2017 sẽ lên tới 64,8% GDP. Tới năm 2018, mức nợ công vẫn ở ngưỡng cao là 64,7% GDP. Sau đó, tới năm 2020, nợ công có thể lùi về mức 63,7% GDP.
Tuy nhiên, đại diện Bộ Tài chính nhấn mạnh, đây là kết quả dựa trên giả định còn mức cụ thể sẽ tùy tình hình kinh tế của từng năm mà có thể thay đổi.
Trả lời cho lo lắng về việc nợ công liệu có vượt trần, ông Nghĩa khẳng định, Bộ Tài chính và Chính phủ sẽ có các biện pháp để tái cơ cấu ngân sách, nợ công để đảm bảo nợ công tất cả các năm không vượt quá 65% GDP.
Trong một diễn biến khác, theo quy định của luật hiện hành và dự án Luật Nợ công (sửa đổi), nợ công bao gồm nợ Chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh, nợ chính quyền địa phương.
Như vậy, nợ của DNNN sẽ theo cơ chế tự vay tự trả, doanh nghiệp là bên vay có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ trả nợ theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, nhiều ĐBQH bày tỏ băn khăn về việc không tính nợ DNNN vào nợ công.
ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cho rằng, việc gạt toàn bộ số nợ DNNN ra khỏi nợ công là không ổn.
Theo ông Nghĩa, nếu tính luôn số nợ của DNNN vào nợ công thì nợ công sẽ lên đến 431 tỷ USD, bằng 210% GDP chứ không phải 63,9% GDP như cách tính hiện nay.
ĐB Trương Trọng Nghĩa dẫn ra số nợ của DNNN năm 2016 là 324 tỷ USD, bằng 158% GDP. Con số này còn cao hơn cả số nợ mà các tập đoàn, tổng công ty nhà nước khác đang nợ.
“Tuy chúng ta cắt nợ của DNNN ra khỏi nợ công, cho rằng đó là trách nhiệm hữu hạn thì đó là do luật quy định thôi. Ở nhiều nước, nợ DNNN thì nhà nước vẫn phải chịu”.
Từ lập luận này, ĐB Trương Trọng Nghĩa tính toán, nếu cộng cả nợ Chính phủ và nợ DNNN (sau khi trừ phần nợ Chính phủ bảo lãnh trùng lắp) thì tổng số nợ năm 2016 là 431 tỷ USD, bằng 210% GDP.
ĐB Nguyễn Đức Kiên (Sóc Trăng) cũng cho rằng, cần cân nhắc tính toán lại về bỏ nợ doanh nghiệp Nhà nước (DNNN), đơn vị công lập, Ngân hàng Chính sách Xã hội ra khỏi phạm vi nợ công.
Ông Kiên cho biết, khoản vay hơn 600 triệu USD của Vinashin từ năm 2007-2008 dù theo cơ chế "tự vay, tự trả" nhưng sau đó Nhà nước lại phải trả. Hay một trường hợp khác là Xi măng Cẩm Phả cũng không trả được nợ phải chuyển cho Viettel trả.
"Vấn đề nói là vậy nhưng trong thực tế chưa có khoản nợ nào của DNNN mà Nhà nước không phải trả", vị Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội lưu ý.
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét