Trên tuyến xe lửa đi về Paris, có một thanh niên trẻ ngồi cạnh một cụ già. Chỉ ít phút sau khi đoàn tàu chuyển bánh, cụ rút trong túi áo ra một chuỗi mân côi và chìm đắm trong cầu nguyện. Người sinh viên quan sát cử chỉ của cụ già với vẻ bực bội.
Sau một hồi lâu, xem chừng không thể chịu nổi, anh ta mạnh dạn lên tiếng:
“Thưa Ông, Ông vẫn còn tin vào những chuyện nhảm nhí thế à?”
Cụ già thản nhiên trả lời: “Đúng vậy, tôi vẫn tin. Còn cậu, cậu không tin sao?”
Người thanh niên xấc xược trả lời:
“Lúc nhỏ tôi có tin, nhưng bây giờ làm sao tôi có thể tin vào những chuyện nhảm nhí ấy được, bởi vì khoa học đã mở mắt cho tôi. Ông cứ tin tôi đi và hãy học hỏi những khám phá mới của khoa học, rồi ông sẽ thấy rằng những gì ông tin từ trước đến nay đều là những chuyện nhảm nhí hết.”
Cụ già nhỏ nhẹ hỏi người sinh viên:
“Cậu vừa nói về những khám phá mới của khoa học, liệu cậu có thể giúp tôi hiểu được chúng không?”
Người sinh viên nhanh nhảu trả lời:
“Ông cứ cho tôi địa chỉ, tôi sẽ gởi sách vở đến cho ông, rồi ông sẽ say mê đi vào thế giới phong phú của khoa học cho mà xem.”
Cụ già từ từ rút ra trong túi ra một tấm danh thiếp và trao cho người sinh viên. Đọc qua tấm danh thiếp, người sinh viên bỗng xấu hổ đến tái mặt và lặng lẽ rời sang toa khác. Bởi vì trên tấm danh thiếp ấy có ghi:
Louis Pasteur, viện nghiên cứu khoa học Paris.
Đọc xong câu chuyện trên, bạn cảm thấy thú vị hay băn khoăn nhiều hơn? Khoa học liệu có mâu thuẫn với tín ngưỡng vào Thần? Louis Pasteur là một trong những nhà khoa học vĩ đại nhất trong lịch sử, với những khám phá về vi trùng, tẩy trùng, về tiêm chủng, miễn dịch… Người đặt nền tảng cho ngành vi sinh vật học này từng phát biểu: “Một ít khoa học làm ta xa rời Chúa; nhiều khoa học làm ta quay về với Chúa”
Lấy cảm hứng từ câu nói của Pasteur, bài viết này sẽ cố gắng tìm lại mối liên kết giữa khoa học và tín ngưỡng qua những dẫn chứng giản dị và dễ hiểu nhất.
Khoa học là gì?
Khoa học hiện đại đã thẩm thấu vào hầu như mọi lĩnh vực có liên quan tới cuộc sống con người, đến nỗi rất nhiều người đã coi khoa học hiện đại cũng giống như chân lý một cách không tự biết, còn “phi khoa học” lại trở thành một danh từ đồng nghĩa với sai lầm.
Trên thực tế từ khoa học (Science) bắt nguồn từ trong chữ La tinh, nghĩa nguyên gốc là “học vấn”, căn bản là chuyện khác với chân lý.
Nói rộng ra, khoa học chính là không ngừng tìm kiếm những phương pháp để tiếp cận với quy luật của vũ trụ và thể hệ kiến thức được hình thành từ đó. Khoa học hiện đại là một bộ những hệ thống và thể hệ tri thức, dùng hình thức logic và phương pháp chứng thực làm cơ sở để nhận thức và tìm kiếm quy luật của thế giới vật chất, ở đây chúng ta gọi nó là khoa học thực chứng.
Từ nghĩa này, khoa học chứng thực hoàn toàn không đồng nghĩa với chân lý cuối cùng, và khoa học cần luôn sẵn sàng kiểm nghiệm lại sự vật và cập nhật theo sự phát triển nhận thức của con người. Đồng thời chúng ta cũng không thể đảm bảo rằng phương pháp tìm kiếm của khoa học thực chứng hiện đại là duy nhất để tìm kiếm chân lý của vũ trụ.
Tính hạn chế của khoa học
Cùng với sự phát triển chóng mặt, khoa học hiện đại cũng đã dần dần mang tới cho nhân loại nhiều vấn đề đau đầu. Một lớp những nhà khoa học có tầm nhìn xa đã bắt đầu nhận thức được giới hạn của khoa học hiện đại.
Cơ sở triết học của khoa học chứng thực đến từ phương Tây, đã phân chia thế giới hoàn chỉnh thành hai phạm trù độc lập: vật chất và tinh thần, do đó quan niệm về tự nhiên được thiết lập đã phân tách con người và tự nhiên, con người và thế giới, tâm và vật. Hậu quả của nó chính là không thể chứng minh được bản chất của hoạt động tinh thần, mối quan hệ giữa tinh thần và vật chất, tác dụng của tinh thần với vật chất, mà sinh mệnh của con người lại là một thể hợp nhất giữa tinh thần và vật chất.
Như vậy, hoạt động tinh thần nằm ngoài tầm mắt của khoa học thực chứng hiện đại, đạo đức lại chỉ là thuyết giáo thuần túy không có cơ sở vật chất, con người và tự nhiên cũng không còn là một thể hoàn chỉnh. Một trong những hậu quả của nó chính là sự đối lập giữa con người và tự nhiên. Sự phát triển của khoa học do con người đóng vai trò chủ đạo lại có những thiếu sót rất lớn:
- James Watt phát minh ra động cơ hơi nước, từ đó đã mang lại cho Cách mạng Công nghiệp một thời đại mới sử dụng nguồn năng lượng nhiên liệu hóa dầu với quy mô lớn. Ai cũng không thể nghĩ được rằng nhân loại 200 năm sau sẽ vì vậy mà rơi vào khó khăn do hiệu ứng nhà kính.
- Người ta cho rằng phát minh về chất làm lạnh mang tới cho nhân loại vô số tiện ích, không ai nghĩ tới vài chục năm sau, nó đã phá hoại tầng ô-zôn, gần như đã trở thành sát thủ hủy diệt nhân loại.
- Cô-ca-in là loại thuốc công hiệu dùng gây mê trong ngành y, nhờ nó mà có nhiều sinh mạng đã được cứu. Nhưng ngày nay những người hút cô-ca-in đã dùng trăm phương nghìn kế để kiếm được nó. Không quá thổi phồng khi nói: Cô-ca-in hủy diệt mạng sống còn nhiều hơn số người nó cứu được.
- Khi Einstein phát hiện ra phương trình chuyển hóa giữa năng lượng và khối lượng (E=MC^2), ông không thể ngờ vài chục năm sau, vũ khí hạt nhân lại trở thành thanh gươm treo lơ lửng trên đầu nhân loại.
Einstein từng nói: “Khoa học là một công cụ có sức mạnh. Dùng nó như thế nào, rốt cuộc là nó mang lại hạnh phúc hay mang lại tai nạn cho con người, hoàn toàn quyết định ở bản thân mình, chứ không quyết định bởi công cụ.”
Theo Einstein, khoa học đối với nhân loại là phúc hay là họa, không thể giải quyết từ bản thân khoa học, chỉ con người tự mình mới có thể giải quyết. Về điểm này thì ông cho rằng, ngoài tôn giáo truyền thống (để phân biệt với tôn giáo bị pha tạp và biến chất) thì không giải pháp nào có thể so sánh được. Ông nói: “Nếu chúng ta cắt bỏ hết thảy tất cả những thứ sau này phụ thêm vào, đặc biệt là những thứ mà các giáo sĩ truyền giáo đã thêm thắt vào trong Đạo Ki-tô của Chúa Giê-su và đạo Do Thái của những nhà tiên tri kiến lập, vậy thì sẽ lưu lại những giáo nghĩa có thể chữa trị mọi bệnh tật của xã hội nhân loại.” Tại đây Einstein đã nhận thức được cục diện tương lai của khoa học hiện đại do tinh thần và vật chất bị tách rời nhau.
Rất nhiều những nhà khoa học tỉnh táo đã nhận thức được vấn đề này. Năm 1992, Liên Hợp Quốc đã tổ chức Hội nghị Môi trường và Phát triển thế giới tại Rio de Janeiro thuộc Brazil, với sự tham dự của các nguyên thủ quốc gia. Một bức thư có chữ ký của hơn 120 người đoạt giải Nobel đã được đưa tới hội nghị, khiến mọi người bừng tỉnh. Trong bức thư viết: “Nhân loại và tự nhiên đã ở vào thế xung đột mãnh liệt. Những hoạt động của nhân loại đã phá hoại nghiêm trọng môi trường và những tài nguyên trọng yếu, mà kiểu phá hoại này thường là không thể khôi phục lại. Nếu không kiểm điểm lại thì rất nhiều hoạt động của chúng ta sẽ đặt xã hội nhân loại và các loài động thực vật vào tình thế cực kỳ nguy hiểm. Hơn nữa có thể còn khiến cả thế giới đầy sự sống này trở thành một thế giới không thể duy trì bất kỳ phương thức sự sống nào mà chúng ta biết. Nhằm tránh những xung đột sắp tới, việc cải biến về bản chất (những hoạt động của con người) đã vô cùng cấp bách.”
Khoa học chân chính không phủ nhận thuyết hữu thần
Theo từ điển Oxford, trong một số tín ngưỡng như Cơ Đốc, Thần là từ dùng để chỉ đấng sáng tạo và cai quản vũ trụ, và nguồn gốc của tất cả quy phạm đạo đức, một sinh mệnh cao cấp. Trong một số tín ngưỡng khác, Thần còn là sinh mệnh siêu phàm hay một trí tuệ siêu thường, được con người thờ phụng. Như vậy, khái niệm “Thần” bao gồm cả Phật, Đạo, Thần bởi vì họ đều có trí huệ phi thường và năng lực vượt xa con người.
Nếu chỉ nói về bản thân sự phát triển khoa học, nó hoàn toàn không chứng minh Thuyết vô Thần.
Theo quan điểm tôn giáo chính thống, con người là do Thần tạo ra, con người phủ định sự tồn tại của Thần cũng giống như vi khuẩn được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm mưu đồ phủ nhận sự tồn tại của con người, là điều vô ích. Bởi vì từ phương pháp thực nghiệm của khoa học hiện đại, đối với việc chứng thực Thuyết vô Thần, cần phải yêu cầu phủ định sự tồn tại của Thần tại tất cả phạm vi thời gian và không gian trong toàn vũ trụ, điều này đương nhiên cũng bao gồm cả phạm vi không gian và thời gian mà con người vĩnh viễn còn chưa nhận thức được.
Vũ trụ cự đại, đa dạng, phức tạp như vậy, ai có thể bảo đảm được từ vĩ quan bao la tới vi quan vô hạn chỉ có con người là sinh mệnh cao cấp? Thậm chí ai có thể đảm bảo rằng hình thức tồn tại của sinh mệnh chỉ có thể dựa vào hình thức axit amin mà chúng ta biết?
Nói sâu thêm một bước nữa, vũ trụ học hiện đại cho rằng vật chất tối (dark matter) chiếm 2/3 vũ trụ mà con người không thể quan sát, đo lường; tức là cho dù dùng hết kỹ thuật đo lường của nhân loại thì vẫn còn 2/3 vũ trụ chúng ta không hề biết. Vật lý lý luận hiện đại đưa ra lý luận thế giới phẳng, cho rằng vũ trụ của chúng ta không chỉ là không gian ba chiều như những gì chúng ta có thể cảm nhận được. Vậy thì ai có thể đảm bảo rằng không gian khác không có sinh mệnh cao cấp?
Nếu không gian khác tồn tại sinh mệnh cao cấp, nếu họ có sự từ bi vượt rất xa so với con người, có đại trí huệ, ngộ được những chân lý của vũ trụ và có năng lực siêu phàm, vậy thì với con người mà nói, họ chẳng phải là Phật, Đạo, Thần sao? Do đó, dù về logic, kỹ thuật, hay từ góc độ khoa học, thì đều chứng minh rằng Thuyết vô Thần không thể thao túng được.
Điều cần chỉ ra là chúng ta không phản đối bất kỳ một người nào tin thờ “Thuyết vô Thần”. Là một con người mà nói, tin Thần và không tin Thần lẽ ra nên là sự lựa chọn tự do không cần bàn cãi.
Trong xã hội thông thường sẽ có người tín ngưỡng hữu Thần và vô Thần hoàn toàn có thể cùng chung sống hòa bình. Nhưng khi chính phủ dùng thủ đoạn cưỡng chế nhồi nhét Vô Thần luận trong toàn xã hội, đàn áp tín ngưỡng vào Thần khiến mất đi tín ngưỡng của cả một xã hội, tất nhiên sẽ khiến hệ thống giá trị xã hội truyền thống vốn có mất đi chỗ dựa, từ đó dẫn tới toàn xã hội trượt xuống vũng bùn của chủ nghĩa vật chất, chủ nghĩa túng dục.
Giáo dục nhồi nhét làm méo mó khoa học, kìm kẹp tư tưởng
Lấy Trung Quốc làm ví dụ, khi Giang Trạch Dân viếng thăm nước Mỹ đã hỏi tổng thống Bill Clinton: Vì sao khoa học nước Mỹ lại phát triển như vậy mà vẫn có nhiều người tín ngưỡng tôn giáo? Đây chính là một trong những ví dụ điển hình cho kiểu tư duy “một ít khoa học.”
Kỳ thực, chính quyền Trung Quốc dốc toàn lực để nhồi nhét khoa học hiện đại, tuyên truyền cái gọi là “Thuyết vô Thần khoa học” mấy chục năm nay, vì sao đường đường một nước lớn với 1,3 tỷ dân lại chẳng có lấy một người đạt giải Nobel? (trừ Tu You You, mãi đến năm 2015). Còn những người hoa tại hải ngoại đạt giải Nobel ngược lại đều chưa từng bị nền giáo dục nhồi nhét?
Kỳ thực chính quyền nhồi nhét khoa học hiện đại, hoàn toàn không phải là vì phát triển khoa học kỹ thuật, mà thực chất là để đàn áp tín ngưỡng, kìm kẹp tự do tư tưởng. Nhưng điều cần cho sáng tạo khoa học chính là một môi trường tư tưởng tự do. Giáo dục nhồi nhét là cực lực đối lập với khoa học và tín ngưỡng, hình thành một xu hướng tư duy cứng nhắc trong đầu óc nhân dân, cho rằng tín ngưỡng vào Thần nhất định sẽ dẫn đến sự ngu dốt, dẫn đến “phản khoa học”, miêu tả những tín đồ tôn giáo là một nhóm người bị lừa gạt văn hóa thấp và tìm kiếm sự an ủi tâm linh.
Việc nhà khoa học tin vào Thần không hề ngăn cản thành tựu khoa học
Trên thực tế, lần giở lịch sử chúng ta sẽ thấy, những nhà khoa học vĩ đại trong thời kỳ khoa học phát triển đỉnh cao, gồm Copernicus, Descartes, Galileo và Newton đều tự xưng mình tuyệt đối tin vào Sáng thế chủ, cho rằng thế giới này, kiệt tác của Thần là có quy luật, đang đợi các nhà khoa học đi phát hiện chứng thực.
Nghiên cứu khoa học và tín ngưỡng vào Thần của cá nhân không phải là mối quan hệ như nước với lửa. Có một sự thực không thể phủ nhận, một lượng lớn những nhà khoa học lưu danh sử sách đều có tín ngưỡng tôn giáo, như:
- Kepler – người đặt nền móng cho thiên văn học hiện đại,
- Boyle- nhà tiên phong của hóa học hiện đại,
- Faraday – người phát hiện ra nguyên lý điện giải,
- Morse – nhà phát minh ra điện báo,
- Maxwell – người phát hiện ra sự tương đương giữa cơ và nhiệt,
- Master – nhà phát minh ra lý luận điện từ,
- Dalton – người được vinh danh là cha đẻ của lý luận nguyên tử,
- Mendel – người đặt nền móng cho di truyền học hiện đại,
- Fleming – người phát minh ra thuốc kháng sinh Penicillin,
- Pasteur – người sáng lập ra vi sinh vật học, đều là những tín đồ tôn giáo thành kính.
Một điều đáng nhắc tới là Newton – nhà vật lý học lỗi lạc, là một tín đồ Cơ Đốc thành kính. Trong nền giáo dục nhồi nhét, một số sách giáo khoa cố ý nói rằng những năm cuối đời Newton đã dấn thân vào tôn giáo và do vậy không có thêm sáng tạo gì, khiến con người hiểu lầm rằng rất nhiều phát hiện khoa học những năm đầu được dẫn dắt bởi thế giới quan của “Thuyết vô Thần”, còn những năm cuối đời, tín ngưỡng tôn giáo đã gây trở ngại cho việc sáng tạo khoa học. Nhưng sự thực là Newton đã sớm là một tín đồ Cơ Đốc trước khi theo đuổi nghiên cứu khoa học, mà cả đời ông tín ngưỡng vào Thần không hề thay đổi.
Khi Newton còn học tại trường Cambridge, ông đã sớm là một tín đồ Cơ Đốc thành kính. Ông thường hay viết những lời cầu nguyện của mình vào những chỗ trống trong sổ tay hay sách vở, thậm chí đến nay vẫn còn lưu giữ rất nhiều trong viện bảo tàng Anh. Ông cũng thường cùng với người bạn cùng phòng tên là Andrew Wiggins ra ngoài phân phát Thánh kinh cho người nghèo, gửi phúc âm tới cho họ.
Thậm chí những suy xét về khoa học của Newton cũng có mối quan hệ không thể tách rời với những lời cầu nguyện trong cuộc sống của ông. Ông thường nghĩ tới khoa học trong dòng suy nghĩ về tín ngưỡng, trong dòng suy nghĩ về khoa học ông cũng nhớ tới tín ngưỡng. Đến nỗi sau này giáo sư Manuel khoa lịch sử trường đại học New York trong cuốn “Newton truyện” của mình đã nói: “Khoa học cận đại khởi nguồn từ những mặc niệm của Newton về Thượng đế.”
Theo tiến sĩ Harriet Chad Zuckerman của trường Đại học Columbia nước Mỹ, năm 1977 trong tài liệu thống kê nổi tiếng “Anh tài khoa học – những người đoạt giải Nobel nước Mỹ”, từ năm 1901 khi thiết lập giải Nobel đến nay, trong 286 nhà khoa học đã đạt giải khoa học của nước Mỹ, 73% là tín đồ Cơ Đốc, 19% là tín đồ Do Thái.
Richard Feynman – nhà vật lý học nổi tiếng từng đoạt giải Nobel đã nói: “Rất nhiều nhà khoa học quả thực vừa tin tưởng khoa học vừa tin vào Thượng đế,” mà hai điều này lại có thể thống nhất một cách hoàn mỹ.
Von Braun – nhà khoa học hàng không hiện đại đã từng viết một đoạn như sau, có thể coi là lời giải thích cho Feynman: “Sự thần kỳ vô biên của vũ trụ chỉ có thể chứng thực đức tin của chúng ra rằng, chắn chắn có Đấng sáng thế. Tôi phát hiện ra rằng, việc lý giải một nhà khoa học không thừa nhận tính siêu thường của vũ trụ và một nhà thần học phủ nhận sự tiến bộ của khoa học đều khó như nhau.”
Phong Trần (T/H)
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét