Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Hai, 26 tháng 6, 2017

HAI TẠP VĂN CỦA VƯƠNG TIỂU BA


Vương Tiểu Ba







































I- CÂY DỪA VÀ SỰ BÌNH ĐẲNG
Hơn hai mươi năm trước, tôi đi lao động ở Vân Nam. Khí hậu ở đây nóng nực, các loài cây trái vùng nhiệt đới không thiếu thứ gì; chỉ dừa là không thấy có. Theo ghi chép của dã sử, chuyện này có căn nguyên của nó. Nghe nói trước Tam quốc, Vân Nam trồng đầy dừa, dân tộc ít người sống yên vui dưới tán lá rừng dừa. Ai cũng biết, mọi bộ phận của cây dừa đều dùng được, cùi dừa ăn thay cơm, nước dừa để uống, dầu dừa làm thức ăn, thân dừa cho gỗ, tơ lá dừa làm sợi dệt quần áo thô. Cây dừa thỏa mãn hầu hết nhu cầu hàng ngày, dân ở đây cũng không cần làm nông, sống rất an nhàn.
Đùng một cái Gia cát Lượng kéo quân đến. Ông ta muốn giáo hóa dân chúng ở đây. Ông ta bắt họ phải sống theo cách sống của chúng ta: Làm những việc ta làm, mặc quần áo như ta mặc, phục tùng chế độ của ta. Việc này lúc đầu không thành công lắm. dân chúng chẳng thấy cách sống của ta hay ho ở chỗ nào. Trước tiên, xuân trồng thu hái, mệt chết người, ít nhất là vất vả hơn hái dừa nhiều lắm; thứ nữa là quần áo người Hán không hợp vùng đất này. Lấy ngay ông Gia Cát làm thí dụ, quần là áo lụa tốt thật đấy, nhưng mặc vào chỉ để ủ mồ hôi và ủ chấy rận; cái mũ quan chẳng che được nắng cũng chẳng che được mưa, chỉ khiến ong khoái chui vào làm tổ. Ở vùng này nóng nực, kiếm vài cái lá dừa che cái chỗ cần che là xong. Còn về chế độ của người Hán thì quá ư rắc rối. Ông Gia Cát múa môi uốn lưỡi trẹo cả quai hàm, tất nhiên lôi cả Khổng Mạnh ra để viện dẫn nhưng chẳng ma nào nghe. Ông không nghĩ rằng lí lẽ mình sai mà đổ hết tội vạ cho cây dừa: Thế là ông ra lệnh trong một đêm chặt bằng sạch dừa Vân Nam, để cho cái lũ dân man di này nghe thủng được đạo lí của thánh hiền. Không còn dừa nữa, lời ông ta nói có người nghe.
Cách giải thích của tôi là thế này, ông Gia Cát không phải một mình đi nam chinh, ông còn đem theo đầy đàn lính tráng, cây dao chặt dừa cũng có thể chặt người được, chuyện chặt dừa cho thấy rằng ông ta có đủ người để sai bảo, cũng đủ dao rìu để chặt chém. Dân chúng hiểu cái lẽ đó thế là họ sợ ông Gia Cát. Tôi nói vậy, bạn cứ việc không tán thành – Tôi biết bạn sẽ nói, Gia Cát Lượng là người hiền, ông ta không trắng trợn dùng vũ lực để đe dọa người ta; cho nên tôi cũng chẳng cố chấp làm gì.
Về việc này, dã sử giải thích thế này: Bọn man di có những vật lạ, cho nên vênh váo dám cả gan coi thường cả Thiên triều; khi không còn vật lạ nữa là chúng nó trở nên dễ bảo ngay. Có nghĩa là, dân Vân Nam thời đó phạm cái tội ngạo ngược, thiếu đạo đức. Ông Gia Cát chặt cây dừa là để sửa cho họ cái tính ấy, là làm điều tốt cho họ. Tôi thì cho rằng cách nghĩ như vậy thật là kinh tởm. Người ta có mấy thứ hay, sống đang dễ chịu, tinh thần cũng thoải mái, thế gọi là ngạo ngược; cứ phải phá bỏ cái hay của người ta đi khiến người ta phải đau đớn, thế thì không phải là ngạo ngược? – Tôi nghĩ đây là ý kiến của người viết dã sử, ông Gia Cát không phải là người như vậy.
Đọc dã sử đừng nên coi là thật, nhưng thực tế, Vân Nam nay chẳng còn dừa, trước kia thì có. Cho nên có thể là ông Gia Cát Lượng đã chặt. Nếu làm thế không phải là dã man thì cần phải có cách giải thích có đạo lí hơn. Tôi nghĩ khi chặt dừa, ông ta có thể nghĩ thế này: Người ta sinh ra đã bình đẳng, nhưng nay thì không bình đẳng nữa. Tứ Xuyên dừa không mọc được, dân phải trồng lúa vất vả; Vân Nam có dừa, dân sống rất dễ chịu. Hãy để cho dừa mọc đầy Tứ xuyên, đó là một cách đạt đến công bằng, nhưng do điều kiện tự nhiên, khó mà làm được. Vì thế phải chặt sạch dừa Vân Nam, thế mới công bằng. Nếu không công bằng, có hai cách có thể san cho bằng: Nâng cao lên là tốt nhất, nhưng khó thực hiện. Ví như có những người có đủ chân tay, nhưng có người sinh ra đã bị khuyết tật, một đạo lí làm cho công bằng là cho người khuyết tật thành người bình thường. Chẳng dễ chút nào. Có một cách làm công bằng là kéo xuống, biến những người bình thường thành người khuyết tật thì dễ hơn nhiều, chỉ cần cho một gậy, một tiếng kêu thảm thiết, thế là xong. Ông Gia Cát làm theo cách kéo xuống, khổ cho tôi không được ăn dừa. Hồi ở Vân Nam khi thấy nhạt miệng, tôi gặm quả đu đủ, nhạt nhẽo vô vị, nhưng tôi không trách cây đu đủ. Cây này cũng không mọc ở các tỉnh phía trong, nếu quả nó quá ngon thì ông Gia Cát cũng chặt sạch rồi.
Đề tài bài viết này của tôi là cây dừa, nhưng thực ra là nói vấn đề bình đẳng, treo đầu dê bán thịt chó là thế. Đó là dụng ý của tôi. Theo lẽ phải ai sinh ra cũng bình đẳng, điểm này ai cũng đồng ý. Nhưng thực ra là không bình đẳng, mà cái bất bình đẳng lớn nhất là có người có cây dừa, có người không có. Triết gia người Anh, Bertrand Russell đã nói, cái bất bình đẳng lớn nhất là sự chênh lệch về tri thức – có người thông minh; có người dốt. Vấn đề là ở chỗ đó. Ở đây nói tri thức là hiểu theo nghĩa rộng, không chỉ là tri thức khoa học mà còn bao gồm cả tố chất văn hóa, sự thưởng thức nghệ thuật vân vân. Loại cây dừa đó mọc trong não người, nó không chỉ đem lại cho người ta lợi ích vật chất mà còn cả hạnh phúc về tinh thần. Cái chênh lệch của vế sau này tôi gọi là sự chênh lệch về năng lực hạnh phúc. Có những tác phẩm người này thưởng thức được nhưng người kia không hiểu, có nghĩa là có người có năng lực hạnh phúc nổi trội hơn. Cái năng lực nổi trội này là thứ dễ gây tâm lí đố kị nhất. Cách loại trừ sự nổi trội này là nhè vào đầu người thông minh gõ một gậy, cho ngu đi một chút. Nhưng gõ nhẹ không ăn thua, gõ mạnh thì phòi óc ra, mà đó không phải là chủ ý của chúng ta. Một cách khác là: Mỗi khi có sự tranh chấp giữa người thông minh và người ngu, chúng ta cứ bênh người ngu, bảo người ngu có lý. Lâu dần, người thông minh cũng thành ngu. Cách này hiện đang được sử dụng.

II- VỀ SỰ CAO CẢ
Những năm 70 xảy ra chuyện thế này: Nước sông dâng cao cuốn đi một cái cột điện của nhà nước. Một thanh niên trí thức lao xuống đuổi theo, cột không vớt được, người chết đuối. Anh ta được tuyên dương, thành liệt sĩ cách mạng. Chuyện này gây ra một thắc mắc nho nhỏ trong đám thanh niên trí thức: Cái mạng mình đây, rốt cục có bằng cái cột gỗ không? Kết quả là người thắc mắc bị “ném đá” cho tơi bời. Không dấu gì bạn, tôi là một trong số người thắc mắc như thế, vì vậy tôi nhớ như in. Tôi nghĩ, chúng ta ăn cơm bao năm mới lớn được thế này, giá trị nhất định phải hơn cây gỗ, không thể đem ra mà đổi lấy cây gỗ được. Nhưng người ta bảo với tôi rằng: Tài sản nhà nước có ý nghĩa lớn lao, thấy nó bị nước cuốn trôi, không cần nghĩ ngợi gì hết cứ phải lao xuống nước vớt lên; một cây gỗ chứ một cọng rơm cũng phải nhảy xuống. Họ còn bảo, cái luận điệu đáng với không đáng của tôi là một quan niệm lạc hậu – may quá họ chưa bảo là phản động.
Thực ra khi còn trẻ, tôi là một thằng liều đúng chuẩn, bơi cũng giỏi. Thấy nước lũ cuốn cây gỗ đi, người nhảy xuống trước tiên phải là tôi, nếu lũ to quá tôi cũng có thể bị chết đuối và trở thành liệt sĩ, vì tôi cũng chưa đến nỗi là một con vịt. Có nghĩa là, tôi không thiếu một tâm hồn cao cả, tôi chỉ không biết véo von mà thôi. Hai mươi năm đã qua rồi, tôi có đọc vài cuốn sách, qua kiến thức sách vở và qua trải nghiệm bản thân, tôi rút ra kết luận: Từ Khổng Mạnh cho đến nay, xã hội chúng ta có hai loại người. Loại người thứ nhất biên kịch cuộc đời, loại người thứ hai diễn cái vở kịch đó.
Thời cổ xưa, loại thứ nhất là thánh hiền, loại thứ hai là dân chúng; những năm 70, loại thứ nhất là cán bộ chính trị, loại thứ hai là thanh niên trí thức. Cái người ta bảo là trên sáng dưới ngu, người làm việc trí óc trị người; người lao động chân tay bị người trị, có nghĩa là như vậy chăng. Về khí chất, tôi chỉ làm được diễn viên, không hợp với biên kịch, nhưng khi thấy kịch bản viết tồi quá, ngứa mồm phang vài câu thế là bị coi là phần tử lạc hậu. Từng ấy năm như thế, tôi quen rồi. Bây giờ trong một xã hội văn minh, cá nhân đều cần có một sự hy sinh nào đó – hy sinh chính mình, đạt đến cái “siêu tôi” – sự hy sinh đó là hành vi cao cả.
Tôi chưa bao giờ từ chối diễn vở kịch đó, nhưng tôi đòi kịch bản phải viết hợp lí chút – tôi nghĩ yêu cầu như thế không có gì quá đáng. Thí dụ, nước lũ về cuốn đi tài sản nhà nước, thanh niên chúng tôi phải có trách nhiệm bảo vệ. Điều đó không phải bàn cãi, nhưng phải hỏi vớt cái gì, vớt cây gỗ còn hợp lí nhưng vớt cọng rơm thì thật quá đáng. Tôi nói vậy là lạc điệu với sự cao cả. Người thời nay chắc sẽ đồng ý, tội không phải ở tôi mà là ở kịch bản, viết non tay quá. Từ đây rút ra hai kết luận: Cao cả không phải lúc nào cũng đúng và phía dưới đôi khi có lí. Trên thực tế ngay cả những người hát bè cao trông thấy cọng rơm bị cuốn đi cũng chẳng nhảy xuống vớt đâu nhưng cứ thuận mồm hát thế. Nói cho cùng, có vài sự cao cả mà ai cũng biết là giả dối, cái thứ này còn tồi tệ hơn cả sa đọa.
Con người có quyền từ chối sự cao cả giả dối, y như họ có quyền từ chối lao vào nước lũ để vớt cọng rơm vậy. Nếu nói vậy là đúng thì có một yêu cầu cao hơn đối với những người viết ra hoặc đề xướng ra một luân lí xã hội: Đừng ra sức lãng mạn và cố gắng xúi bẩy mà để lại chút dư; nói cách khác, không thể cứ nói cao cả mà bất chấp lý lẽ. Thí dụ Mạnh Tử phát minh ra một thứ luân lý, nói kính già là lương tri lương năng, hiếu kính phụ mẫu, trung quân ái quốc là đại nghĩa ở đời. Cho nên thần dân phải dâng hiến tất cả cho quân phụ. Đó chính là sự cao cả. Câu chữ của Mạnh Tử viết rất gợi cảm khiến ta thấy hổ thẹn. Ông mà chịu làm thơ thì sẽ là Byron của Trung quốc. Tiếc rằng chẳng có lí gì cả. Thần dân dâng hiến hết cả rồi thì ăn gì? Lại thí dụ, những năm 70, người ta bảo chí công vô tư cũng là cao cả, chết vì cái chung còn hơn sống vì cái riêng. Thế thì vô lý quá: Chúng ta chết hết cả thì ai làm việc? Khi cái thứ luân lí xúi giục lan truyền đi thì ai cũng thấy rằng sự giả dối cũng đẻ ra đầy dẫy khắp nơi; bởi vì nếu cứ sống theo kiếu cao giọng như thế thì không chết mệt cũng chết đói. Cao giọng phải thêm sự giả dối mới là một phương thức khả thi.
Qua lịch sử, ta biết rằng đạo học thời Tống Minh là giọng cao. Đạo học càng hưng thịnh thì con người càng giả dối. Từ trải nghiệm của chính mình, chúng ta biết rằng, thời những năm 70, giọng ca đã lên đến “tông” cao nhất.
Thanh niên tri thức vì muốn lên đại học, muốn quay về thành phố, họ làm tất cả không từ cái gì. Có những cái giả dối không đáng bị chê trách, bởi vì họ phải làm thế mới có thể sống được.
Bây giờ lại có người lại xướng lên cao cả, tôi không rõ đó là họ đề xướng ra một luân lí hay chỉ lại là xúi giục. Nếu là xúi giục thì đó là phạm phải sai lầm cũ.
VTB
Vương Tiểu Ba sinh ngày 13/5/1952, trong một gia đình trí thức. Năm 1968, trong Đại cách mạng văn hóa vô sản, ông phải về lao động ở vùng nông thôn tỉnh Vân Nam. Năm 1971 ông được chuyển đến tỉnh Sơn Đông và trở thành giáo viên. Năm 1972 về Bắc Kinh, Vương Tiểu Ba làm việc ở một nhà máy nhỏ. Những giai đoạn này về sau đều được phản ánh trong các tác phẩm của ông.
Sau Cách mạng văn hóa, từ năm 1978, Vương Tiểu Ba giảng dạy tại ĐH Nhân dân Trung Hoa. Năm 1988, ông nhận bằng Thạc sĩ tại ĐH Pittsburgh, Mỹ và quay về giảng dạy tại ĐH Bắc Kinh, ĐH Nhân dân Trung Hoa. Năm 1992, ông nghỉ việc để có thể tự do theo đuổi việc viết văn. Năm 1997, ở tuổi 45, ông qua đời đột ngột sau một cơn đau tim tại nhà riêng, bên bàn viết của mình.
Sau khi ông mất, tác phẩm của ông càng trở nên nổi tiếng hơn, thực sự tạo nên một cơn sốt khắp Trung Quốc, ảnh hưởng rất nhiều đến những người viết văn trẻ. Ông đã tạo ra một văn phong Vương Tiểu Ba.
Một số tạp văn và tiểu thuyết của ông đã được dịch sang tiếng Việt và được đón nhận nồng nhiệt. Cuộc tọa đàm về tác phẩm “Thời Hoàng Kim” (Lê Thanh Dũng dịch) đã được Cty Phương Nam tổ chức tại TP HCM với sự tham gia của hơn bốn mươi nhà văn.
Xin giới thiệu hai tạp văn của ông


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: