Đoàn Hồng Lê
Theo Tiền Phong
Theo Tiền Phong
TP – Quá ngạc nhiên khi cuộc tranh cãi về “thấu cảm” vẫn còn tiếp tục.
Có một triển lãm ở Anh mang tên “Một dặm trong đôi giày của tôi”. Khách đến chọn một đôi giày của một người lạ: một người tị nạn, một cảnh sát, một gái mại dâm, một tù nhân, một ông lão đang yêu ở tuổi 80…và vừa đi dạo vừa lắng nghe câu chuyện đời họ qua tai nghe. Mục đích của triển lãm là giúp người xem thấu hiểu người khác để xây dựng lòng khoan dung và phá vỡ định kiến.
Bảo tàng tổ chức triển lãm nói trên có tên là “Empathy Museum” (Bảo tàng Thấu cảm), do triết gia Roman Krznaric lập ra. Ông là người đã mất lòng tin vào việc có thể thay đổi xã hội bằng các đảng phái, chính sách và luật lệ. Ông nói: “Sự thấu cảm có một quyền lực đáng ngạc nhiên để cải cách xã hội. Chúng ta cần mang sự thấu cảm ra khỏi tâm lý học để áp dụng vào không chỉ những quan hệ thông thường trong đời sống mà còn vào cả văn hóa”.
Vào đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, chính quyền Paris dự định xây một tuyến tàu điện ngầm mới xuyên qua một khu phố lâu năm, nghĩa là phải di dời một số hộ dân đi nơi khác. Một hiệp hội điện ảnh được mời đến, tuyển chọn một số người tình nguyện trong số bị di dời và dạy họ làm phim tài liệu để lưu giữ ký ức về những gì sắp mất đi. Có người đã chọn làm phim về ông thợ may già ở góc phố chuyên may trang phục vintage từ những năm 1960, có người làm phim về những kỷ niệm của cha mẹ mình – những người đã gặp gỡ, yêu nhau và chung sống trong khu phố đó gần hết cả cuộc đời. Đó là cách để lưu giữ lại một phần lịch sử của Paris từ những mảnh ghép cuộc đời bé nhỏ, cũng là cách để đền bù cho những người ra đi về mặt tinh thần. Những chính sách đồng cảm sâu sắc với người dân theo cách ấy được gọi hẳn thành một khái niệm trong chính trị: “Empathy Politics”- chính trị thấu cảm.
Cũng hai chục năm trước, các nhà kinh tế học Mỹ đã phát hiện ra rằng chỉ số sáng tạo của một quốc gia dựa trên ba yếu tố: tài năng, công nghệ, và sự khoan dung. Trong đó, khoan dung là chấp nhận sự khác biệt, chỉ có khi ta thấu cảm người khác. Khoan dung kích thích sáng tạo của các cá nhân, đóng góp vào sự phát triển của nền kinh tế. Những quốc gia có chỉ số khoan dung cao nhất là Thuỵ Điển, Phần Lan, Mỹ, Hà Lan, đều là những nước có nền kinh tế phát triển dựa trên các ngành công nghiệp sáng tạo.
Trong khi sự thấu cảm đã được thực hành bằng văn hoá và trở thành một triết thuyết nhằm thay đổi xã hội ở Anh, một khái niệm chính trị ở Pháp; trong khi các nước giàu nhất thế giới đã đưa thấu cảm – khoan dung vào lý thuyết phát triển nền kinh tế sáng tạo từ vài chục năm trước, thì các nhà thơ và giáo sư của chúng ta vẫn còn loay hoay tranh cãi vì một từ “lạ tai” trong đề thi trung học phổ thông, với những từ quen tai như là “dốt nát, nhảm nhí, cuồng chữ, ngộ chữ””…, và cả tấn công cá nhân người viết, thay vì bàn về sự vô cảm của xã hội.
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét