Đặng Vỹ
NQL - “Văn kỳ thanh bất kiến kỳ hình”, cả luật sư, bị cáo, những người liên quan, và cả cộng đồng hàng triệu người đang quan tâm… đều không nhìn thấy người “làm chứng”, chỉ nghe tiếng từ phía sau bức tường kín nói vọng ra qua micro, thì làm sao có thể tin được rằng đây đúng là “người thật”, là nhân chứng “thật”?
Sở dĩ đặt vấn đề như vậy, bởi không thấy bất cứ dòng tin nào trên báo chí tường thuật về thủ tục kiểm tra nhân thân trong buổi xét xử chiều 27/6, khi nhân vật xưng tên Nguyễn Mai Phương đến tòa và yêu cầu chỉ ngồi phòng kín. Không thấy HĐXX có làm thủ tục nhận dạng và công bố xác nhận tại tòa rằng, đây chính xác là bà Nguyễn Mai Phương hay không, đúng là nhân vật người mà mấy hôm nay được nhắc đến trong vụ án hay không, và tòa phải chịu trách nhiệm với công bố này.
Sở dĩ đặt vấn đề như vậy, bởi phiên tòa này đã có quá nhiều thông tin dối trá. Hầu như tất cả các nhân vật, từ bên nguyên đến bên bị, đều có những lời khai (kể cả hành động) cung cấp cho cơ quan điều tra trước sau mâu thuẫn, trái ngược. Kể cả với bà Mai Phương, những lời khai của những người khác về bà cùng một sự việc nhưng có lúc chi tiết khác nhau. Riêng việc bà đến các tòa soạn báo trao đổi lại về những thông tin dư luận nêu về mình, cũng rất khác với lời khai của những nhân vật chính và các nhân chứng khác nói về bà.
Ngay trong công tác điều tra xét hỏi cũng có điểm nghi vấn khi hai bản cung của bên nguyên và bên bị lại giống như “song sinh”, như photocopy (từng chỗ)…, khiến người ta nghi ngờ cả độ trung thực khách quan của cơ quan điều tra. Rồi những lời khai tại tòa như Nguyễn Đức Thùy Dung và Lữ Minh Nghĩa, cho rằng họ thông cung được với nhau qua cán bộ trại giam. Những điều này đã khiến người quan tâm bày tỏ sự thất vọng về công tác tư pháp trong phiên tòa này.
Vậy thì, một người chỉ là nhân chứng, mà trước đó đã được tòa án triệu tập nhưng không đến, đến mức tòa phải ra lệnh dẫn giải, rồi đến tòa cũng phải ẩn mình, giấu mặt, thì có thể hoàn toàn tin cậy về nhân thân, về những lời người này nói khi không hề thấy họ được không? Nếu không có sự bảo chứng nào từ HĐXX, thì ai dám tin rằng đây chính xác là nhân chứng mà tòa và mọi người đang cần tìm?
Nhân chứng được ngồi “cách ly”, không cho ai thấy mặt, là chi tiết chưa từng có trong lịch sử tố tụng Việt Nam (trên thế giới thì chưa rõ). Chính vì vậy, có thể trong hướng dẫn Luật của Việt Nam chưa chắc đã có quy định cụ thể về thủ tục mà HĐXX phải làm trong tình huống này. Tuy nhiên, thiển nghĩ, chính vì điều đó, trong trường hợp này, sau khi kiểm tra CMND cùng các giấy tờ khác để xác tín nhân thân, HĐXX nên công bố công khai trước tòa, bảo đảm rằng đây chính là “người thật”, và HĐXX chịu trách nhiệm với công bố này.
Và đồng thời với đó, HĐXX cũng cần phải công bố cho người theo dõi biết lý do mà nhân vật kia nêu ra để yêu cầu được “cách ly”. Lý do đó có chính đáng để được đáp ứng hay không, tại sao HĐXX chấp nhận lý do đó. Và HĐXX cũng phải chịu trách nhiệm với quyết định chấp thuận lý do này.
Bởi, nhân vật làm chứng có quyền đòi giấu mặt thì cộng đồng cũng có quyền yêu cầu trả lời lý do vì sao phải giấu. Nếu không có câu trả lời thỏa đáng thì cộng đồng có quyền nghi ngờ về nhân thân và lý do của nhân vật.
Một người đã tự chủ động tìm đến báo chí để “thanh minh” những điều cho là mình bị oan khuất, cho là bị can đã đổ vấy, cho là bị cán bộ điều tra ép uổng, tại sao không xuất hiện công khai ở tòa, mà lại ngồi trong phòng kín? Chỉ chừng đó thôi đã thấy khá nhiều thắc mắc nổi lên.
Nếu là một người muốn làm sáng tỏ vụ việc, để mình được giải tỏa tiếng xấu, quang minh chính đại, thì chả việc gì phải giấu mặt, mà càng phải xuất hiện công khai.
Nửa đêm, gần qua ngày mới, Nhà Quản Lý đã gọi cho luật sư Nguyễn Văn Quynh, người tham gia bào chữa trong phiên tòa. Khi được hỏi trong phần làm thủ tục buổi chiều 27/6, HĐXX có công bố rằng nhân vật ngồi trong phòng kín kia có chính xác chính là bà Nguyễn Mai Phương, có đúng là nhân chứng “thật” mà tòa triệu tập hay không, luật sư này cho biết: HĐXX thông báo trước tòa rằng đã kiểm tra thẻ căn cước (CMND) của người này, và những nội dung đối đáp trả lời của người này được ghi âm, ghi hình, có giám sát viên trực tiếp giám sát, sẽ đưa vào hồ sơ vụ án. Chúng tôi phải nhấn mạnh lại lần nữa, rằng HĐXX có chính thức công bố đây chính là bà Nguyễn Mai Phương, là nhân chứng mà tòa triệu tập hay không, và tòa có tuyên bố cam kết chịu trách nhiệm về sự chính xác này hay không, thì luật sư cho biết HĐXX có thông báo đây là bà Nguyễn Mai Phương, chứ không có cam kết như câu hỏi chúng tôi đặt ra.
“Riêng cá nhân tôi tin rằng tòa đã xác định đúng người, đó là bà Phương mà tòa triệu tập”, luật sư Quynh nói.
“Tuy nhiên bản thân tôi cũng không thỏa mãn với điều này”, luật sư Quynh tiếp tục. “Đã là ‘nhân chứng’ thì phải công khai minh bạch, xuất hiện đàng hoàng, có gì đâu phải tránh né, ẩn mặt”.
Trong công tác tòa án, ngoài “xử” ra, còn phải “xét”. Có “xét” mới “xử” được. Mà đã là “xét” thì phải căn cứ trên rất nhiều phương diện, yếu tố, chứ không chỉ riêng thông tin. Khi các bên đối chất trực tiếp với nhau, ngoài thông tin của từng bên đưa ra, HĐXX còn xem xét thái độ, cử chỉ của người nói, ứng xử trong các tình huống, để từ đó đánh giá sự trung thực hay chính xác của thông tin. Mặc dù khi kết luận thì HĐXX phải dựa trên chứng cứ và sự phù hợp của chứng cứ với lời khai, nhưng niềm tin nội tâm cũng là một yếu tố không kém phần quan trọng. Sự quan sát của HĐXX, của luật sư khi nhân vật trình bày không hề thừa, thậm chí có tình huống rất cần thiết.
Bản thân chữ “nhân chứng” đã thể hiện sự công khai, sự trung thực. Theo từ điển tiếng Việt, “nhân chứng” có nghĩa là “người làm chứng”, “người chứng kiến sự việc diễn ra và kể lại”. Ấy vậy mà người nghe lại không nhìn thấy được “người chứng kiến sự việc diễn ra và kể lại”, thì làm sao có thể tin được lời kể đó là hoàn toàn trung thực, chính xác?
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét