Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Tư, 28 tháng 6, 2017

Số của Sáng thật chả ...sáng tẹo nào.


Phải chăng ngài giám đốc sở KH và ĐT đã bị thí ?
Vụ bắt nhà báo Duy Phong ở Yên Bái gần như rõ nếu thông tin của Bộ Công an là xác thực.
Rõ bẩn nếu Duy Phong chơi cái trò mà làng báo VN xưa nay hay chơi đó là "đánh để....đàm". Gã nói vậy vì chả gì gã từng là nhà báo của hệ thống này từ năm 1974 trải qua nhiều báo đài lớn và nhỏ, gã chả lạ gì cái trò của không ít đồng nghiệp "đánh để đàm" như thế. Gã rành cả đường dây đơn tuyến và đa tuyến của quy trình này. Đơn tuyến là chỉ nhà báo một mình một ngựa "đánh "rồi "không đánh". "Đánh" để ăn "quả... không đánh". "Đánh" để ăn "không đánh tiếp". Đa tuyến là cả người duyệt nội dung, người cho phép in bài cùng..."chơi".
Gã cũng rành chuyện nhiều nhà báo tử tế dấn thân chống cái ác, cái xấu, chống lợi ích nhóm bẩn thỉu hăng hái điều tra viết bài nhưng đau đớn là bài không được duyệt đăng vì kẻ xấu, kẻ ác, kẻ bẩn thỉu đã "đàm" với lãnh đạo báo. Thậm chí gã biết có lãnh đạo báo khi biết phóng viên của mình đã phanh phui sự thật của quan chức hay doanh nghiệp đã đê hèn bắn thông tin cho quan chức và doanh nghiệp kia để....moi.
Trở lại chuyện nhà báo Duy Phong, nếu thực sự Phong ở tuổi 32 của mình đã chủ động "chơi trò đánh để đàm" thì việc phải ra trước vành móng ngựa là tất yếu.
Nhân danh một người viết báo gã phẫn nộ về hành động nhơ nhớp ấy.
Tuy vậy, công bằng mà nói Phong dù động cơ gì vẫn có công phanh phui sự thật về giới cầm quyền ở Yên Bái để cảnh tỉnh cho giới cầm quyền của 63 tỉnh thành rằng, thời đại này không gì qua mắt được nhân dân. Gã phải nói đến nhân dân, vì chính người dân thông qua kênh bạn đọc mà Phong là trưởng ban đã cung cấp thông tin cho Phong để Phong điều tra.Công đầu chuyện chống tiêu cực này là của người dân.
Phong với hành động "chơi trò đánh để đàm" đã phản bội tấm lòng tử tế của chính những người dân đã cung cấp thông tin cho Phong.
Gã xin nhắc lại: các suy luận trên dựa trên thông tin của Bộ Công an, nếu thông tin này là chính xác.
Gã thực lòng muốn thông tin của Bộ Công an là không đúng sự thật.
Gã ao ước rằng Phong thực sự là nhà báo tử tế vì công lí và bị oan ức.
Chao ôi, cuộc đời quá thiếu vắng rồi cái tử tế, cái thánh thiện để mà tin, gã chỉ ước gì có cái tử tế, cái thánh thiện để mà tin.
Nhưng...
Khó mà tin việc Phong bị bắt khi nhậu với Thực, một doanh nhân không phải là một cái bẫy.
Chỉ khi các chứng cứ quá rõ của cái bẫy này thì theo gã buộc lòng công an Yên Bái phải tung chứng cứ Phong nhận 200 triệu đồng của giám đốc sở KHĐT Vũ Xuân Sáng trước đó 1 tuần.
Có nghĩa là, chứng cứ Phong nhận tiền của Sáng để ém không đưa tin tiêu cực của Sáng- người chủ một biệt thự khủng ở Yên Bái đã có từ trước. Nhưng vì sao các nhà điều tra ở Yên Bái đã không đưa ra để tóm Phong cho hả...giận ? Chả qua, theo gã là vì họ không muốn làm ảnh hưởng tới Sáng một quan chức hàng đầu của tỉnh mà với vai trò vua của lĩnh vực kế hoạch đầu tư có liên quan mật thiết với nhiều dự án kinh tế của tỉnh.
Số của Sáng thật chả ...sáng tẹo nào.
Sáng buộc bị thí để khẳng định việc bắt Phong là chính xác để dư luận quên đi vụ "gài bẫy" mà nhân chứng là phóng viên tập sự đi cùng Phong đã vạch trần.
Vậy là Sáng sẽ phải đứng trước việc bị truy tố tội đưa hối lộ nếu Phong kẻ nhận hối lộ bị truy tố.
Tuy vậy, Sáng có thể được cho lơ qua vì được "bảo kê" rằng Sáng đưa 200 triệu cho Phong là vạch mặt Phong. Nhưng Sáng khó thoát khỏi công luận và bị là đối tượng điều tra về các tiêu cực ở Sở KHĐT mà Sáng là giám đốc.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: