Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Năm, 1 tháng 6, 2017

Người giữ nước ở Iraq


Trần Nguyên

TTTG - Ở Iraq cũng có một Ngu Công thời nay, Nabil Musa không biết chuyện Ngu Công, nhưng anh đang làm chuyện cứu sông Tigris giống chuyện đào núi của ông ấy.

“Iraq không chỉ là tên một cuộc chiến, đó còn là nơi có những di sản văn hoá thế giới, và là nơi có con sông chứa đầy ắp tuổi thơ của tôi. Tiếc là những con sông đang bị ô nhiễm, mà mọi người lại quá bận những việc khác nên tôi xin làm người đi giữ lại những ký ức đẹp về con sông cho con cháu mình…”, Nabil Musa, người được truyền thông quốc tế gọi là Water Keeper, nghĩa đen nghĩa là Người Giữ Nước, đã tâm sự như vậy trong phim truyền hình về mình.

Nabil Musa là một nhà hoạt động vì môi trường ở Iraq và anh làm việc suốt sáu năm qua tại đất nước này với một sứ mệnh duy nhất: làm cho con sông Tigris nơi anh lớn lên có thể trở lại với ba chức năng: bơi lội được, đánh bắt cá được và uống được. Anh mong muốn điều này sẽ giúp cho những thế hệ con cháu của mình vẫn có được một con sông trong lành và có một tuổi thơ tắm mát như mình đã từng có.

Ở vùng đất của tranh chấp, chiến tranh và đủ mọi vấn đề xã hội khác nhau, chẳng mấy ai quan tâm đến những con sông đang dần chết đi. Nabil đi thuyết phục những nhà máy đang xả thải ra sông, đi nói chuyện với những cư dân hai bên bờ vẫn đang ngày đêm xả rác xuống nước. Mọi người cười ngạo anh chàng làm những điều viển vông, bởi con sông đã quá ô nhiễm, còn cứu được gì nữa.

Anh không nản chí, mà vẫn tiếp tục hành trình của mình. Giống như câu chuyện trong sách Cổ học tinh hoa của nhà giáo Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc và Từ An Trần Lê Nhân thuật chuyện Mặc Tử thời Xuân Thu chiến quốc bị bạn cũ chê sao cứ làm việc nghĩa khi mà ai cũng chạy theo lợi danh. Mặc Tử nói: “Bây giờ thiên hạ chẳng ai chịu làm việc nghĩa, thì ông phải biết khuyên tôi càng làm mới phải, có đâu lại ngăn tôi như thế”. Nabil không biết chuyện Mặc Tử, nhưng anh biết cuộc đời mình sinh ra để dành cho công việc này, nên cứ vững tâm mà đến trường học để rủ rê giáo viên, học sinh cùng mình đi giữ con sông, vững tâm đi cùng những nhà môi trường học từ khắp nơi trên thế giới làm những nghiên cứu, những phương thức khác nhau để dần hồi sinh con sông của mình.

Hiệu ứng dần được lan rộng ra, khi mà những tổ chức quốc tế đầu tiên ủng hộ anh tổ chức cuộc marathon vừa bơi vừa chèo ván dọc con sông. Những người đăng ký tham gia đông dần lên theo từng năm, và ai cũng muốn chung tay cho một câu chuyện tuy nhỏ nhưng góp phần làm dịu đi những căng thẳng của một vùng đất dữ. Con sông được mô tả “là nơi khởi nguồn của văn minh cả vùng đất” đã thực sự trở thành “bơi lội được” và đang dần tiến đến “đánh cá được” để chạm đến mốc “uống được”.

Chuyện của chàng thủ lĩnh cộng đồng dân cư địa phương Nabil này, bất ngờ được cư dân mạng truyền tai nhau trong những ngày đầu tháng 6, khi mà ông chủ của Facebook thực hiện bài nói chuyện lịch sử của mình tại trường đại học Harvard. Mark nói: “Điều quan trọng nhất mà thế hệ chúng ta cần làm, là có một sống với mục đích sống rõ ràng. Không chỉ có mục đích sống cho bản thân mình, mà còn phải tạo ra mục đích sống cho những người xung quanh mình nữa”. Mark kể chuyện khi Tổng thống Mỹ Kennedy tới NASA, thấy một chuyên viên đang vác một cây chổi điện, bèn hỏi ông ấy đang làm gì. Người đó trả lời: “Tôi đang giúp đưa con người lên mặt trăng”.

Nabil không đưa ai lên mặt trăng cả, nhưng anh đang trả lại con sông cho con cháu mình. Và anh là đại diện của một thế hệ mới mà chàng trai Facebook nhấn mạnh: “Những người tạo ra thế giới tốt đẹp hơn”.


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: