Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Sáu, 5 tháng 5, 2017

Truyền thông Triều Tiên công khai cáo buộc Trung Quốc phản bội


Daikynguyen
Cơ quan thông tấn nhà nước của Triều Tiên ngày 3/5 đã đổ thêm dầu vào lửa khi cáo buộc các chính trị gia và nhà báo Trung Quốc đang gây phiền hà và “phản bội”.
Kênh CNBC dẫn lời một bình luận của hãng thông tấn nhà nước Triều Tiên KCNA nói rằng: “Trung Quốc không cần phải tiếp tục cố gắng kiểm tra mức độ kiên nhẫn của chúng tôi nữa”.
“Chúng tôi đã rất nhiệt tình giúp đỡ cách mạng Trung Quốc và chịu tổn thất to lớn,” KCNA bình luận, nói thêm rằng Trung Quốc đã thường xuyên “vi phạm các lợi ích chiến lược” khi trở nên gần gũi hơn với Mỹ và do đó đã “phản bội” tiến trình này.
Đây là lời chỉ trích hiếm hoi từ cơ quan ngôn luận chính thức của Triều Tiên theo sau mối quan hệ đang ấm lên của Tổng thống Mỹ Donald Trump với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Chính quyền Trump đang hy vọng Trung Quốc có thể thuyết phục Triều Tiên từ bỏ chương trình phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo.
Tuy nhiên, KCNA ngày 3/5 đã nhắc lại rằng họ không có ý định chấm dứt chương trình hạt nhân.
“Với chúng tôi, hạt nhân là một biểu tượng tuyệt đối về địa vị và sức mạnh, và là mối quan tâm lớn nhất. Nếu từ bỏ vũ khí hạt nhân, chúng tôi sẽ không chỉ bị tăng cường các biện pháp trừng phạt kinh tế, mà còn bị can thiệp quân sự”.
KCNA còn cảnh báo: “Triều Tiên sẽ không đánh đổi chương trình hạt nhân quý như mạng sống để cầu xin Trung Quốc duy trì tình hữu nghị dù tình hữu nghị đó quý giá đến đâu”.
Trước đó trong ngày 3/5, chính quyền Bắc Kinh đã ám chỉ rằng Bình Nhưỡng đang theo đuổi một tham vọng nguy hiểm và nên cân nhắc lại.
Hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc Tân Hoa xã trong một bài bình luận nói rằng: “Triều Tiên theo đuổi chương trình an ninh riêng của mình là hợp lý, nhưng tham vọng hạt nhân và tên lửa lại đặt chính nước này và toàn bộ khu vực vào vòng nguy hiểm. Triều Tiên không được theo đuổi con đường sai trái là thực hiện các cuộc thử nghiệm hạt nhân và phóng tên lửa nhiều lần, sẽ dẫn đến nhiều đợt trừng phạt”.
Hạo Nhân

Triều Tiên không sợ Trung Quốc trừng phạt vì có Nga bên cạnh?

triều tiên
Một bức ảnh do hãng tin KCNA của Triều Tiên công bố ngày 19 tháng 4 năm 2015 cho thấy lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trên núi Paekdu.
Một số nhà nghiên cứu về Triều Tiên cho rằng ông Kim Jong Un có thể đang trông đợi Nga làm phương án bù đắp nếu Trung Quốc tăng cường các biện pháp trừng phạt Bình Nhưỡng nhằm ngăn chặn chương trình hạt nhân và tên lửa.
Ông Leonid Petrov, một chuyên gia về Triều Tiên tại Đại học Quốc gia Úc, nói: “Triều Tiên không quan tâm đến áp lực hay trừng phạt của Trung Quốc vì có Nga bên cạnh.”
“Bình Nhưỡng đã khiến Bắc Kinh và Moscow cạnh tranh nhau trong nửa thế kỷ, để họ tranh giành quyền viện trợ và gây ảnh hưởng tới Triều Tiên.”
Ông Samuel Ramani, một chuyên gia về Nga tại Đại học Oxford (Anh), nói rằng việc hỗ trợ cho Bình Nhưỡng có thể mang lại những lợi ích kinh tế cho Moscow. Nó cho thấy Nga là “đối tác trung thành với các chính quyền chống phương Tây phải đối mặt với sự cô lập và trừng phạt quốc tế”.
Ông cho biết: “Nga có mối liên hệ kinh tế chặt chẽ với các nước khác có mâu thuẫn với phương Tây như Iran, Venezuela và Syria, nên khía cạnh biểu tượng này trong mối quan hệ Nga-Triều có ý nghĩa chiến lược.”
Reuters cho biết hiện không có dấu hiệu nào cho thấy sự gia tăng thương mại bền vững giữa Nga và Triều Tiên, tuy nhiên mối liên hệ kinh doanh và vận tải giữa hai nước đang ngày càng trở nên bận rộn.
Một dịch vụ vận tải bằng phà giữa Triều Tiên và cảng Vladivostok của Nga sẽ bắt đầu triển khai vào tuần tới. Tờ Yomiuri Shimbun của Nhật mô tả dịch vụ này là “một động thái làm chao đảo các nỗ lực quốc tế để tăng cường bao vây Triều Tiên nhằm ngăn chặn hoạt động phát triển tên lửa và hạt nhân của nước này”.
Đầu năm nay, các quan chức chính phủ Nga đã tới thăm Bình Nhưỡng để thảo luận về việc hợp tác trong ngành vận tải đường sắt. Một tuyến đường sắt do Nga xây dựng giữa thị trấn Khasan thuộc vùng biên giới phía đông Nga và cảng Rajin của Triều Tiên đang được dùng để vận chuyển than đá, kim loại và các sản phẩm dầu khác.
Nga, đặc biệt là thành phố Vladivostok, là nơi có một trong những nơi có cộng đồng người Triều Tiên ở nước ngoài lớn nhất thế giới. Đây cũng là nguồn ngoại hối quan trọng của Triều Tiên.
Một người đàn ông Triều Tiên làm thợ thủ công tại Vladivostok nói với Reuters rằng ông phải nộp 500 USD (khoảng 11 triệu đồng) mỗi tháng cho chính quyền Triều Tiên. Ông cho biết ông đã làm việc tại Nga 11 năm, để lại vợ và con gái ở quê nhà và chỉ được gặp họ trong những chuyến thăm hiếm hoi.
“Cuộc sống ở đây tốt hơn ở Triều Tiên. Ở đó cuộc sống khó khăn lắm. Ở đây còn kiếm được tiền”.
Giống như tất cả người dân Triều Tiên, ông đeo một huy hiệu trên ve áo của mình mang chân dung của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Il-Sung, theo Reuters.
Mặc dù Nga có các mối liên hệ hiện tại với Triều Tiên và những khác biệt về quan điểm với Mỹ, các chuyên gia cho biết khả năng Nga sẽ không gia tăng thương mại với Bình Nhưỡng vì tình trạng bất ổn và dự trữ ngoại hối thấp của Bình Nhưỡng.
Ông Andrei Lankov, chuyên gia về Bắc Triều Tiên tại Đại học Kookmin (Hàn Quốc), nói: “Tôi không nghĩ chính phủ Nga sẽ chi tiêu nguồn dự trữ ngoại tệ đang suy giảm của họ để ủng hộ chế độ [Triều Tiên] mà họ coi thường và nhìn nhận là một kẻ vô ơn dai dẳng mà lại đầy rủi ro”.
Mai Lan


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: