Những ai học luật đều phải biết: khi xây dựng pháp luật đều phải tính đến : yếu tố lịch sử, hiện tại và tương lai; phong tục tập quán, đạo đức xã hội, tính cá biệt và yếu tố hội nhập với nền văn minh của nhân loại;... Pháp luật phải thật sự thể hiện ý chí của toàn dân, lấy quyền con người để làm thước đo sự văn minh tiến bộ của hệ thống pháp luật mỗi Quốc gia. Nhà nước quản lý theo pháp luật, chứ không phải dùng pháp luật để cai trị theo thuyết pháp trị của Lão Tử.
Vậy thì, "Nhà nước ta , dân chủ gấp triệu lần dân chủ tư sản", " Nhà nước của dân, do dân và vì dân", cớ sao lại trở về thời kỳ cổ đại trong nhận thức để xây dựng pháp luật ?
Bộ Luật tố tụng hình sự của nhà nước ta cũng đã có những quy định chế ngự hoạt động của luật sư, cụ thể là:
- Trong giai đoạn khởi tố, điều tra thì luật sư chỉ được đọc các văn bản tố tụng của vụ án; chưa được đọc và sao chép hồ sơ vụ án. Được gặp bị can đang bị tạm giam nhưng phải có mặt của điều tra viên; muốn hỏi phải nêu câu hỏi trước và phải được sự đồng ý của điều tra viên. Như vậy, luật sư làm sao biết được nội dung gì Cơ quan điều tra đã biết hoặc chưa biết để tố cáo thân chủ của mình?
- Đối với nhóm tội xâm phạm an ninh Quốc gia, cũng đã quy định: luật sư tham gia bào chữa cho bị can trong giai đoạn điều tra phải được sự đồng ý của Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp đang tiến hành kiểm sát điều tra vụ án. Trong thực tiễn nhiều năm qua, thì hầu hết các vụ án về nhóm tội này, luật sư đều bị từ chối bào chữa cho bị can trong giai đoạn điều tra.
- Không hiểu vô tình hay cố ý, mà những luật sư tham gia bào chữa cho bị cáo bị truy tố về nhóm tội xâm phạm an ninh Quốc Gia, thì dư luận coi họ là luật sư phản động, thậm chí bị chỉ trích và đối sách. Vì vậy, đa số các luật sư e ngại bào chữa; nay lại quy định thêm về việc phải tố giác,...thì có luật sư nào dám nhận bào chữa không? Như vậy thì Điều 31 - Hiến pháp 2013 " Người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa" sẽ bị vô hiệu trên thực tế; các tổ chức quốc tế đánh giá thế nào về vấn đề này?
Công ước Quốc tế về quyền con người, Việt Nam đã tham gia ký kết, Công ước có nội dung: các nước thành viên phải có trách nhiệm và tạo mọi điều kiện để luật sư giữ bí mật cho thân chủ. Luật Luật sư và Quy tắc đạo đức nghề nghiệp luật sư cũng quy định: luật sư phải giữ bí mật cho thân chủ, chỉ được công bố hoặc cung cấp tài liệu, nội dung vụ việc,...cho tổ chức hoặc cá nhân khác chỉ khi được thân chủ đồng ý bằng văn bản.
Như vậy, nếu chấp thuận như dự thảo BLHS và TTHS thì sẽ có sự xung đột pháp lý với Hiến pháp, Công ước quốc tế và Luật Luật sư,...
Một vấn đề lịch sử cũng cần lưu tâm là: Vụ án ở Hồng Koong vai trò của vị luật sư người Anh đối với Bác Hồ, nhiều vị lãnh đạo Đảng và nhà nước bị bắt trong hai cuộc kháng chiến có bào chữa của nhiều vị luật sư;...Việc ta đạt rồi thì ta rút ván chăng?
Đấu tranh phòng chống tội phạm, bảo vệ an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân - trong đó các cơ quan bảo về pháp luật giữ và trò chủ lực, phải chủ động, không ỉ lại nhờ vào người khác. Mặt khác, có đại biểu QH đã từng phát biểu: Công an VN giỏi nhất thế giới, thì cớ chi phải dựa vào nguồn tin luật sư tố cáo thân chủ?
Luật Tố cáo còn có quy định: người tố cáo được yêu cầu giữ bí mật danh tính. Còn luật sư với thân chủ, bản chất là người làm thuê, sao lại phản chủ? Ai dám thuê luật sư nữa không?
Nếu không khéo khi luật sư không có cảm tình với Cơ quan tiến hành tố tụng, dễ bị cài bẩy, mua chuộc khống chế bị can bị cáo hoặc người khác, tạo lập tài liệu,...để xử lý luật sư. Tôi tin rằng nếu QH bảo lưu như dự thảo thì tình trạng này sẽ và rất nhiều vụ việc xảy ra.
Tóm lại, nếu QH thông qua như dự thảo, thì những luật sư chuyên tham gia các vụ án hình sự sẽ bỏ hoặc chuyển nghề; hoặc nếu tham gia thì lúc nào cũng phải đối mặt với vòng lao lý bên mình; hoặc nhà nước phải chi tiền ngân sách để Trung tâm trợ giúp pháp lý - Sở Tư pháp hoặc Đoàn luật sư chỉ định luật sư bào chữa cho đủ thành phần tham gia tố tụng.
Đây là vấn đề lớn - rất lớn kể từ ngày thành lập nước đến nay bắt đầu nảy sinh ( Sắc lệnh Bác Hồ ký thành lập tổ chức luật sư cũng không đề cập đến vấn đề này). Qua theo dỏi, tôi đánh giá rất cao Anh Nghĩa, anh Thịnh, anh Chiến,...đã thẳng thắn nêu quan điểm; một số báo chí, anh chị em luật sư, cộng đồng mạng,...đã đồng thanh lên tiếng bảo vệ tính đúng đắn khi xây dựng pháp luật.
Tôi cho rằng nếu điều khoản trên được QH đồng ý thông qua, thì đây là một trong những điểm thể hiện sự thoái trào nền văn minh pháp lý của nhà nước ta.
TS, LS. Trần Đình Triển
Trần Đình Triển
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét