Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Hai, 29 tháng 5, 2017

Và bài hát, có đôi khi chỉ là cái cớ…




Bình Nguyên
- Trong quán nhỏ trên đường Cao Bá Quát buổi trưa mùa thu Hà Nội tuyệt đẹp, Toàn Nguyễn ôm cây đàn guitar say sưa hát với bạn bè. Tóc dài búi cao, dáng người thấp đậm, xù xì như một loài cây trong khu rừng nguyên sinh nào đó, đối lập với giọng nói nhỏ nhẹ, ân cần lúc trò chuyện với bạn bè. Và khi Toàn Nguyễn hát, thì đời sống này bỗng nhiên như đang tồn tại trong một nghĩa khác. Và cuộc nhậu với nghiêng ngả ly chén cũng như biến mất. Người nghe tưởng mình đang phiêu du trong một khung trời nào đó, ở một miền xa thẳm. Ở nơi mà ta bắt đầu bản thể của mình…

Chắc chắn sẽ có nhiều người hỏi, Toàn Nguyễn là ai vậy, đặc biệt là những người trẻ, những người ưa thưởng thức âm nhạc bằng mắt. Toàn Nguyễn chưa khi nào nổi tiếng như một ngôi sao. Anh là  một kẻ đi rong trong cuộc đời và trong nghệ thuật. Không hướng đến một danh hiệu, một tụng ca nào, không học hành bài bản, không kỹ thuật, Toàn Nguyễn chỉ có một tài sản lớn nhất là giọng hát. Một chất giọng không giống ai. Một chất giọng riêng biệt đến nỗi nếu bạn nghe Toàn Nguyễn hát một lần, dù thích hay không thích, bạn cũng sẽ không thể quên được.

Tôi cũng không hề biết Toàn Nguyễn là ai, cho tới một ngày, một người bạn của tôi nói về Toàn Nguyễn. Và tôi nghe những đĩa nhạc của Toàn Nguyễn. Một sự ngạc nhiên, hay nói đúng hơn, một sự kinh ngạc xâm chiếm tôi. Chỉ với cây guitar gỗ và giọng hát mộc, không một rườm rà kỹ thuật kỹ xảo, không một khúc thức bài bản, đôi lúc còn cả những chênh phô, mà tôi như tìm thấy mình trong đó. Toàn Nguyễn hát nhạc Trịnh Công Sơn, Phú Quang, Ngô Thụy Miên, theo cách cảm của riêng anh, bỏ qua sự thông minh của trí óc, hoàn toàn bằng trái tim và một sự trải nghiệm, chiêm nghiệm trời ban, không hẳn là bằng năm tháng anh từng sống trên đời đã là đủ. Một sự chiêm nghiệm có sẵn trong vũ trụ được dẫn nhập vào giọng hát. Một sự gợi nhớ nào đó đến Khánh Ly, nhưng là phiên bản khác biệt, nam tính.

Rồi một nhạc sĩ nói với tôi về Toàn Nguyễn, rằng Toàn Nguyễn đã được khán giả Sài Gòn biết đến từ những năm 90 của thế kỷ trước. Anh chỉ hát trong phòng trà, và là một câu chuyện nhỏ của đời sống âm nhạc, nhưng là câu chuyện rất đặc biệt…

Toàn Nguyễn người gốc Nam Định, nhưng anh sinh ra và lớn lên ở Hải Phòng. Anh kể, tuổi thơ của anh toàn mùi chiến tranh bom đạn. Anh là một đứa trẻ lấm lem, đi học và chỉ mong ngày nào đó chiến tranh kết thúc, được làm một người công nhân bình thường. Nhưng âm nhạc đã tràn vào anh theo một cách nào đó, hoặc là nó đã ở sẵn trong anh từ rất lâu rồi. Một buổi cậu học trò Toàn Nguyễn đi học về đến sân, sững người nghe tiếng guitar lãng mạn của người anh trai. Ngay lập tức Toàn Nguyễn bị mê dụ bởi tiếng đàn, một ham muốn nào đó trong anh bừng thức. Và anh năn nỉ người anh trai dạy đàn cho mình. Rồi khi thạo ngón đàn bằng cách tự học, Toàn Nguyễn phát hiện ra chính mình qua giọng hát. Khi Toàn Nguyễn vào Sài Gòn, có vài lần đi hát ở tụ điểm âm nhạc, gặp ca sĩ Ngọc Tân – một người đồng hương Hải Phòng. Ngọc Tân nhận xét: Giọng hát của Toàn Nguyễn tuy không có kỹ thuật thanh nhạc, nhưng không ai có thể lột tả cái hồn của bài hát được như Toàn Nguyễn.

Giống như nhiều cư dân vùng biển khác, Toàn Nguyễn đặc biệt yêu biển. Anh học ngành hàng hải và làm việc ở một công ty vận tải biển. Lênh đênh trên sóng nước, thỏa mãn khát vọng chinh phục biển, nhưng trong lòng chàng trai tuổi 20 lúc ấy vẫn cháy bừng ngọn lửa của tình yêu âm nhạc. Được chơi đàn và hát. Rồi một ngày, ngọn lửa ấy thôi thúc đến mức Toàn Nguyễn đi đến một quyết định mạo hiểm. Anh bỏ nghề, lên bờ, Nam tiến, mở quán cà phê để hằng đêm được đắm chìm với âm nhạc. Kể cũng là hơi điên rồ, khi lúc đó tương lai hoàn toàn mờ mịt với Toàn Nguyễn. Anh đã đi hát ở một số tụ điểm, nhưng để có một chỗ đứng dù thật nhỏ, thật khiêm tốn giữa đất Sài Thành trăm hoa đua nở không dễ dàng gì. Quán cà phê 11 Phạm Ngọc Thạch có tên Black Cat, nơi mà hàng đêm Toàn Nguyễn hát ngẫu hứng, miễn phí hoàn toàn với thực khách. Những ca khúc của Trịnh Công Sơn, Phú Quang, Ngô Thụy Miên vốn đã được khán giả yêu mến từ lâu, qua giọng hát không màng kỹ thuật của Toàn Nguyễn, như cơn mưa nhỏ nhưng đủ dày và nặng hạt, thấm đẫm tâm hồn người nghe. Một nhóm nào đó của công chúng sành âm nhạc Sài Gòn đã tìm thấy sự gắn kết giữa họ và giọng hát Toàn Nguyễn. Lượng khách dần đủ để làm chật không gian Black Cat hàng đêm. Khán giả nghe Toàn Nguyễn phần lớn là những người đứng tuổi, đã trải nghiệm cuộc đời, no và chán những phù phiếm hình thức, kỹ xảo màu mè, muốn một thứ âm nhạc của tâm hồn, của trái tim. Một người hát như kể chuyện, mộc và riêng, khước từ và tước bỏ những gì thuộc về vẻ bề ngoài, đi một con đường thẳng đến trái tim họ. Giọng hát Toàn Nguyễn thực sự có được hạt nhân quan trọng đó, “hạt nhân” của tình cảm, của nội lực, của run rẩy tâm hồn. Nhờ vậy, khán giả đã nghe thì yêu, thì sẵn sàng dành cho anh một chỗ trong ân tình của mình…

Năm 1996, Toàn Nguyễn chính thức trình làng album đầu tay. Khán giả thay vì nghe Toàn Nguyễn hát ở quán cà phê có thể nghe anh hát tại nhà. Những bài hát của Phú Quang, về một tình yêu Hà Nội, trong một góc nhỏ của Sài Gòn nhiệt đới, cho người nghe bao nhiêu là hoài niệm, bao nhiêu là chạnh nhớ. Nhạc sĩ Phú Quang kể, hồi ở Sài Gòn, ông cũng hay ghé Black Cat uống cà phê, nghe Toàn Nguyễn hát nhạc của mình. Ông ngạc nhiên vì quán nhỏ đơn sơ mà lúc nào cũng đông khách. Và chủ quán thì hát Phú Quang theo một cách riêng không trộn lẫn, rất bản năng và đầy rung cảm, không nệ một chút kỹ thuật nào. Khách đến nghe Toàn Nguyễn rất nhiều người Bắc – những người đã rời Hà Nội để lập nghiệp phương Nam, và cả những người Hà Nội đi xa Hà Nội ít ngày.

Năm 2011, Toàn Nguyễn gặp một biến cố lớn trong đời riêng. Đau buồn đổ ập lên trái tim người nghệ sĩ có vẻ ngoài xù xì nhưng tâm hồn lại rất nhạy cảm, mong manh. Anh bỏ Sài Gòn, bỏ quán nhỏ Black Cat của mình, ôm cây đàn về thành phố biển Vũng Tàu ẩn mình. Bạn bè và khán giả không còn được nghe Toàn Nguyễn hát hằâng đêm. Như con thú ôm vết thương, nhưng rồi một ngày vết thương lại nhắc Toàn Nguyễn về khoái lạc nó cần để chữa lành mọi đau đớn, đó là âm nhạc. Toàn Nguyễn như bừng tỉnh, anh mượn tiền bạn bè mở một quán cà phê nhỏ tại thành phố Vũng Tàu, vừa kiếm sống vừa hát cho chính mình. Anh nói “hát cho chính mình” là bởi thời điểm đó anh không màng tới khán giả, chỉ muốn được hát hằâng đêm cho nhẹ những nỗi niềm đầy ứ trong lòng. Quán cà phê “Hà Nội và tôi” mở giữa lòng thành phố biển lộng gió. Khi biết Toàn Nguyễn ở Vũng Tàu, không ít khán giả vì trót yêu giọng hát mê dụ của anh mà hằâng đêm vẫn vượt đường sá xa xôi về nghe anh hát. Không cần phải sân khấu lớn, tụ điểm lớn, chỉ là một quán nhỏ với lượng chỗ ngồi khiêm tốn, được hát với toàn bộ nỗi lòng, tình yêu và chiêm nghiệm của mình, đã đủ để Toàn Nguyễn thấy hạnh phúc, xóa tan đi những mặc cảm trong lòng. Và tuyệt vời hơn, khi chính nơi đây, anh lại tìm thấy tình yêu của đời mình. Một ca sĩ trẻ nghe giọng hát Toàn Nguyễn trên mạng Internet, vì quá hâm mộ mà đi tìm anh. Rồi tình yêu như tiếng sét bất ngờ khiến cho hai số phận gắn bó với nhau. Nàng quá trẻ, sinh năm 1986, thua chàng tới hơn hai chục tuổi. Nhưng họ đã tìm thấy ở nhau sự đồng điệu trong tâm hồn, và đặc biệt là chung niềm đam mê dành cho âm nhạc. Không còn cô đơn lạc lõng, Toàn Nguyễn thực sự thấy đời ấm áp hơn khi tổ ấm của mình có thêm tiếng cười con trẻ, và bóng dáng người phụ nữ mà anh yêu thương. Công việc kinh doanh cũng ngày một phát đạt hơn…

Tháng 10 này, Toàn Nguyễn sẽ phát hành 2 album gồm những bài hát về Hà Nội. Như là cách để anh tri ân những khán giả của mình. Như vậy là với 5 đĩa nhạc đã phát hành, giọng ca “không chuyên” Toàn Nguyễn có thể gặp gỡ người nghe theo nhiều cách khác nhau, không chỉ ở quán cà phê anh biểu diễn. Trên các trang nhạc điện tử, chỉ cần gõ tên Toàn Nguyễn, người nghe có thể thưởng thức trọn vẹn những sản phẩm âm nhạc của anh. Sau một thời gian xa khán giả Sài Gòn, Toàn Nguyễn quyết định quay về gặp lại khán giả của anh, “chuộc lỗi” cho những tháng ngày hờn dỗi quay đi vì những chuyện buồn trong tình riêng. Phòng trà 6B Tú Xương hy vọng sẽ là nơi Toàn Nguyễn hạnh ngộ khán giả của mình, trong một tâm thế hoàn toàn mới.

Ngồi với Toàn Nguyễn trong một khoảng thời gian thật ngắn ngủi, trong chuyến ra Hà Nội cũng rất vội vàng để anh quay lại Sài Gòn kịp chuyến đi biểu diễn ở Nga theo lời mời của Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Liên bang Nga, nghe anh kể chuyện đời mình thật xúc động. Giọng hát, sự hồn hậu nhiệt tình, tâm thế thoải mái tự do hoàn toàn với công việc của anh khiến tôi suy ngẫm nhiều hơn về hai từ nghệ sĩ. Nghệ sĩ, xét cho cùng, là phẩm chất tồn tại trong một con người, chứ không phải danh xưng. Một người làm nghệ thuật bằng cả trái tim không toan tính, cống hiến cho khán giả vì chính niềm đam mê cháy bỏng của mình, người đó chính là một nghệ sĩ thực thụ. Giữa thời buổi thiên hạ no nê, thừa mứa các loại hình giải trí, thị trường âm nhạc đầy rẫy scandal, chiêu trò, mánh lới để biến một cá nhân nào đó thành một “nghệ sĩ”, thì Toàn Nguyễn làm nghệ thuật chỉ đơn giản bằng giọng hát của chính mình. Không có ý chăm chút cho vẻ bề ngoài của mình, không quan trọng  một sân khấu lớn, không mơ những giấc mơ tầm vóc trên bản đồ âm nhạc, Toàn Nguyễn xem mình như một loại cây trong khu vườn, hát reo qua mưa nắng, tự nhiên như vốn có. Anh làm bạn với cây guitar, rong ruổi qua đời sống và nhận ân tình của khán giả. “Tôi tự biết giọng hát của mình phù hợp với không gian nhỏ, phiêu linh, khán giả là người trưởng thành, hiểu những giá trị của trải nghiệm. Tôi chỉ có một đam mê cuồng điên dành cho âm nhạc. Còn chất liệu chính là toàn bộ những năm tháng mình sống trong đời, đầy đủ vui buồn, sướng khổ mất mát. Và bài hát có đôi khi chỉ là cái cớ, để tôi hát về chính những trải qua của tôi”.

Lớn hay không lớn, kỹ thuật hay không kỹ thuật, đẳng cấp hay thị trường… là câu chuyện mà Toàn Nguyễn hoàn toàn đứng ngoài. Anh đơn giản là một người hát, có khán giả của riêng mình. Hàng đêm, trong quán nhỏ của mình, anh có thể hát đến khi nào khán giả thôi yêu cầu. 10 bài, 20 bài hay nhiều hơn nữa, hát có thể đến khản giọng, chỉ để cháy cho cạn giây phút thăng hoa, không nghĩ ngày mai. Nghe Toàn Nguyễn thấy được sống chậm lại, trong một đời sống ầm ào tốc độ. Những phù phiếm cũng bay biến mất, và nhẩn nha ta nhìn thấy mình trong hình hài của buổi sơ sinh.

Một hôm nào đó, nếu bạn muốn buông, muốn tìm lại mình, hãy thử nghe Toàn Nguyễn…



Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: