Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Tư, 24 tháng 5, 2017

Hacker có 'sức mạnh' còn kinh khủng hơn vũ khí hạt nhân


Thiên Hà (theo Newsweek) 

MTG - Một cuộc chiến tranh hạt nhân sẽ là điều kinh khủng, nhưng cuộc chiến trên thế giới mạng còn nguy hiểm hơn gấp nhiều lần.

Triều Tiên là một nước sở hữu vũ khí hạt nhân, nhưng nguy cơ về một cuộc chiến hạt nhân giữa Bình Nhưỡng và Washington là một điều khó xảy ra, kể cả trong những kịch bản tồi tệ nhất.

Theo Newsweek, thay vì sợ hãi về một cuộc chiến hạt nhân, người dân toàn cầu nên lo sợ về sức mạnh hacker của Triều Tiên, nhất là sau khi những loại mã độc tống tiền ransomware hoành hành cả thế giới trong tháng 5 này.

Gần 100 năm trước, Chiến tranh thế giới thứ nhất kết thúc với hậu quả lớn nhất mà con người từng chứng kiến trong lịch sử. Nhưng cuộc chiến này chỉ giết chết 17 triệu người trong khi đại dịch cúm Tây Ban Nha phát triển sau đó lại giết chết khoảng 100 triệu người trên khắp hành tinh. Không ai trên thế giới thời điểm đó an toàn trước đại dịch cúm Tây Ban Nha và cũng không ai dự đoán được đại dịch sẽ xảy ra vào thời điểm kết thúc Chiến tranh thế giới thứ nhất.

Ngày nay, nếu một cuộc chiến hạt nhân giữa Triều Tiên và Mỹ xảy ra thì tác động của nó đối với nhân loại sẽ tương đương với Chiến tranh thế giới thứ nhất. Nhưng nếu một cuộc chiến tranh mạng toàn cầu xảy ra và phá hoại hoàn toàn mọi thành tựu khoa học kỹ thuật thì thế giới sẽ có thể rơi vào vòng hỗn loạn và sụp đổ xã hội.

Chúng ta không thể hình dung một viễn cảnh kinh khủng như vậy vì chúng ta chưa từng thấy một đòn tấn công mạng có khả năng như thế, nhưng với đợt tấn công vừa rồi của WannaCry và hàng loạt ransomware khác thì không thể nói trước được điều gì.

Cựu Giám đốc CIA Michael Hayden từng so sánh về nguy cơ của một cuộc chiến tranh mạng với việc Mỹ bỏ bom hạt nhân xuống lãnh thổ Nhật Bản, khi người Mỹ không thể lường trước được những hậu quả mà mình gây ra trước khi thực hiện chúng.

Vậy, làm thế nào mà một cuộc chiến tranh mạng lại nguy hiểm hơn một cuộc chiến tranh hạt nhân. Đầu tiên chúng ta đang quá lo sợ trước những mối nguy từ đời sống thật và bắt đầu di chuyển một phần tài sản của mình lên không gian mạng nhưng lại không hề có cách bảo vệ những tài sản đó. Điều này giống như việc một gia đình di chuyển tài sản của mình vào một ngôi nhà có cánh cửa không khóa, trong một khu vực có mật độ tội phạm cao và không hề có cảnh sát.

Chúng ta hiện đang dùng máy tính và phần mềm để điều khiển các hệ thống lưới điện, sân bay, ngân hàng, nhà máy, bệnh viện và quân đội. Hiện tại có hàng tỉ thiết bị kết nối Internet như nhà cửa, xe ô tô, đèn đường... Các thiết bị này là những điểm yếu để hacker có thể tấn công vào những tài khoản PayPal và Spotify của bạn.

Chúng ta hiện cũng đang quá phụ thuộc vào các phần mềm và ứng dụng. Một người Mỹ thực thụ sẽ bàn việc với đồng nghiệp trên Slack, mua sắm trên Amazon, tìm kiếm người tình qua Tinder. Người Mỹ cũng đang hướng đến việc sử dụng những chiếc ô tô tự lái, vận chuyển pizza bằng robot. Nhưng tất cả những thiết bị, ứng dụng này đều được kết nối với nhau và hệ thống này vô cùng dễ xâm nhập.

Trong khi các cuộc tấn công mạng ngày càng nguy hiểm và tăng trưởng về số lượng thì các chuyên gia bảo mật lại không có những bước đi tương xứng trước hacker. Mới đây nhất, cuộc tấn công WannaCry đã khiến 99 nước bị ảnh hưởng. Nó làm tê liệt hệ thống bệnh viện ở Anh, tê liệt Bộ Nội vụ Nga và ngân hàng lớn nhất nước này Sberbank...

Theo các chuyên gia bảo mật, có thể Triều Tiên chính là thủ phạm đứng sau cuộc tấn công mạng khổng lồ chưa từng có lần này. Triều Tiên được cho là điều hành một "binh đoàn hacker" với nhiều chuyên gia mật mã hàng đầu, thực hiện nhiều cuộc tấn công mạng lớn trong các năm vừa qua.

"Trước đây, chúng tôi lo lắng Nga và Trung Quốc có thể tấn công cơ sở hạ tầng của chúng tôi trong một cuộc phỏng vấn cho Trung tâm Nghiên cứu Pew. Nhưng bây giờ chúng tôi còn phải lo lắng về Iran, Syria và Triều Tiên", Stewart Baker, cựu cố vấn của Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ nói.


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: