Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Sáu, 26 tháng 5, 2017

"Gia đình trị"


Nguyễn Công Khế - Khi tôi còn rất bé con, chiếc radio bên nhà hàng xóm vang lên: đả đảo độc tài gia đình trị Ngô Đình Diệm. Bắt đầu từ 1-11-1963, trí óc non nớt của tôi chợt biết đến chữ "gia đình trị" họ Ngô vang lên từ nhóm tướng lãnh đạo đảo chánh do tướng Dương Văn Minh cầm đầu. Từ đó trở đi, Sài gòn liên tục diễn ra bất ổn: biểu tình và đảo chánh như cơm bữa.

Gia đình trị là gì, tức là, khi có quyền lực, anh bắt đầu tìm cách đưa người nhà vào các vị trí quyền lực bất kể năng lực, đạo đức bất kể cả dư luận, bây giờ, như những trường hợp mà ta chứng kiến mới đây, người ta vận động bằng mọi cách, mọi con đường, từ tiền bạc đến hứa hẹn đổi chác quyền lực cho người khác, để đưa con cái gia đình mình vào những chỗ có quyền lực béo bở để tiếp tục trục lợi, mà theo kinh nghiệm của họ, không có "nguồn thu" nào lớn hơn "nguồn thu" từ quyền lực như hiện nay.

Ở các nước khác, cũng có những gia đình quyền lực, nhưng họ ít bị soi hơn, bởi họ có hệ thống bầu cử hoàn toàn khác ta và hệ thống kiểm soát quyền lực tốt hơn ta rất nhiều.

Nhân đây, tôi kể một chuyện có liên quan đến tôi trong nghề báo. Năm 2005, Đại hội Hội LHTN Việt Nam lần thứ 5, tôi đang dự Đại hội, và tôi được tái cử làm Phó chủ tịch. Báo Thanh niên, ngày bế mạc đăng lễ nghi đại hội theo thông lệ rất đàng hoàng, đăng ảnh bế mạc có TBT Nông Đức Mạnh, ông Hoàng Bình Quân, Nông Quốc Tuấn, tôi và Trần Quốc Huy cùng là Phó chủ tịch Hội.

Dưới cái "ô" trang trọng đó, Tổng thư ký tòa soạn Huỳnh Kim Sánh lại cho đăng bài Chào buổi sáng có tiêu đề "Cha và con". Nội dung nói về bổn phận làm cha chăm sóc con cũng không kém gì vai trò người mẹ chứ không liên quan ám chỉ gì việc Nông Quốc Tuấn làm Chủ tịch Hội cả. Mà hôm đó, tôi có trực bài đâu. Vả lại tôi cũng chưa bao giờ hèn đến mức đánh sau lưng người ta.

Thế mà sau đó hàng loạt dư luận rộ lên, và chính ông TBT Nông Đức Mạnh cũng nói với một người hiện nay vẫn còn ở trong cấp cao của bộ máy rằng báo Thanh niên cố ý chơi chuyện đó, anh Quốc Phong là người trực tiếp nghe chuyện này, và từng kể lại cho tôi.

Câu chuyện này thật sự là báo Thanh niên không có ý gì, nhưng bị hiểu oan và nó cũng là nguồn cơn tai hại cho tờ báo về sau này với hàng loạt những xử lý bất công mà tờ báo phải hứng chịu. Tất nhiên, như tôi đã nói ở status trước, người đứng đầu Nhà trắng lúc đó, là quyết liệt nhất trong chuyện trừng phạt báo chí trong giai đoạn đó.

Nhân nói chuyện con ông cháu cha và “gia đình trị” trong bộ máy tôi mới nhắc lại tai nạn này của báo chí.

Nguyễn Công Khế
(FB Nguyễn Công Khế)


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: