Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Năm, 25 tháng 5, 2017

Nghị gật


Bạch Hoàn - Ngân sách đã chi ra 3.600 tỉ đồng cho cuộc bầu cử tiến hành hồi giữa năm ngoái. Từng đồng từng cắc đều là tiền thuế của dân. Số tiền ấy tương đương với 200.000 tấn heo hơi những ngày qua. Nghĩa là, nhân dân phải mất tới 2.500.000 con lợn mới bầu ra được hội đồng nhân dân các cấp và đặc biệt là gần 500 đại biểu Quốc hội đang họp hiện giờ.

Mỗi ngày họp, có đại biểu từng nói tốn hết cả tỉ đồng. Quốc hội chưa từng công bố chi phí thực sự nhưng chỉ riêng tiền phụ cấp, tiền xe đưa đón, tiền ăn ở khách sạn… đã ăn không biết bao nhiêu bát cơm của người dân. Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất, là đại diện tiếng nói của nhân dân. Vậy mà, thử nhìn lại xem những ngày qua, họ đã làm gì, họ đã nói gì?

Có một dự án luật mà bao nhiêu năm làm mãi không xong. Bộ Luật hình sự thông qua rồi mới phát hiện biết bao nhiêu lỗi. Và giờ, một đại biểu với vai trò mang tiếng nói của nhân dân vào cơ quan quyền lực cao nhất đất nước, lại đi đề nghị bổ sung thêm tội danh bội nhọ lãnh đạo. Trong khi đó, giả sử dự án luật có đưa vào tội danh này, thì lẽ ra người đại biểu phải cương quyết bác bỏ. Ấy mới là một đại biểu Quốc hội. Bởi đơn giản, không một điều luật nào được phép đứng trên Hiến pháp. Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, không thể nào có một quy định dành riêng cho lãnh đạo.

Mang tiếng là người đại biểu nhân dân, nhưng có những tiếng nói trong nghị trường mấy hôm nay, tôi không thấy họ đứng về phía dân mà trái lại họ đang đối lập với nhân dân. Không biết, khi nói ra những điều đó, kì họp kết thúc, trở về địa phương tiếp xúc cử tri, họ sẽ ngẩng mặt hay cúi đầu? Họ sẽ nói với cử tri điều gì đây?

Đã chọn là một đại biểu quốc hội thì sứ mệnh tối thượng của họ phải là phụng sự nhân dân.

Nếu không chất vấn xem chúng ta tham gia những thứ như sáng kiến Một vành đai, một con đường của Trung Quốc thì được gì, mất gì?

Nếu không chất vấn về việc phát triển ồ ạt các nhà máy nhiệt điện đốt than, về nguy cơ trở thành bãi rác công nghệ, về việc kiểm soát để hạn chế ô nhiễm môi trường?

Nếu không chất vấn việc giải quyết hàng loạt dự án thua lỗ, chậm tiến độ liên quan đến nhà thầu Trung Quốc?

Nếu không chất vấn ai phải chịu trách nhiệm và biện pháp kiểm soát quyền lực để chấm dứt tình trạng cả họ làm quan, tình trạng con ông này cháu bà kia thăng tiến thần tốc?

Nếu không chất vấn về việc một mặt tuyên bố chú trọng chất lượng tăng trưởng kinh tế nhưng giải pháp để đảm bảo chỉ tiêu tăng trưởng lại là tăng cường hút dầu thô lên bán thì thực chất những quyết tâm bằng lời nói kia có ý nghĩa gì?

Nếu không chất vấn giải pháp cân đối ngân sách, cắt giảm chi tiêu thay vì tăng thuế môi trường và cứ thế nhấn nút thông qua thì sẽ khoan thủng sức dân?

Còn rất nhiều cái nếu. Nếu như thế thì họ ngồi ở đó để làm gì?

Và nếu cứ như thế, liệu người dân có tiếc những đàn lợn của mình không?

Bạch Hoàn
(FB Bạch Hoàn)


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: