Công cuộc thực dân ba quận Giao Chỉ, Cửu Chân và Nhật Nam chỉ bắt đầu từ sau khi sách Diêm Thiết Luận ra đời, khoảng từ 81 BC đến 61 BC là năm Cửu Chân hiến con lân. Cửu Chân lại là quận có thái thú đầu tiên chứ không phải Giao Chỉ hay Nhật Nam là một chi tiết rất thú vị. Nó đòi hỏi sử gia phải tìm hiểu các dòng chảy cũng như hướng gió tạo nên tập quán hàng hải trong vịnh Bắc Bộ mới có thể giải mã sự kiện.
Tham khảo luận văn Thạc sỹ “Một số kết quả tính toán dòng chảy trong vịnh Bắc Bộ bằng mô hình ba chiều phi tuyến”, tác giả Trần Văn Chung và Bùi Hồng Long, Viện Hải dương học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, năm 2010; kết hợp chuyên ngành hải hành của bản thân cũng như các tư liệu từ Hán sử, chúng tôi đúc kết như sau: Ở vịnh Bắc Bộ dòng chảy của biển trong năm hầu như cố định, chiều hải lưu ngược chiều kim đồng hồ men theo bờ tây đảo Hải Nam, vòng qua bờ biển Hợp Phố rồi đi xuống dọc quận Giao Chỉ đến Cửu Chân. Chế độ gió cơ bản theo mùa, từ tháng 4 đến tháng 10 theo hướng tây nam – đông bắc của vịnh, từ tháng 11 đến tháng 3 thổi ngược lại. Đầu công nguyên non nửa châu thổ sông Hồng vẫn còn bị biển lấn sâu, tạo thành những vùng nước nông rất dễ mắc cạn. Bên trong vịnh Hạ Long các đảo đá chập chùng, đá ngầm khắp nơi. Với trình độ hàng hải kém cỏi của người Trung Nguyên, dù đã tận dụng truyền thống sông nước từ Mân Việt và Giang Nam, ở thời điểm thế kỷ thứ nhất trước công nguyên chỉ có hai cách hải hành thụ động như sau.
a. Từ vịnh Lôi Châu thuộc quận lỵ Từ Văn của Hợp Phố vừa nương theo hải lưu, vừa dùng buồm lấy sức gió đông bắc, tốc độ thuyền buồn sẽ lớn nhất, vào vịnh Bắc Bộ bằng eo Quỳnh Châu, vượt qua khoảng 664km đến thẳng Cửu Chân chỉ dưới 10 ngày. Lúc về phải ép buồm hoặc bánh lái băng qua cửa vịnh Bắc Bộ, tận dụng hải lưu và gió tây nam đưa trở lại chỗ xuất phát, cũng mất hơn mười ngày nếu trong mùa gió tây nam, quãng đường khoảng 722km. Nếu hải hành ở những thời điểm không thuận lợi, gió và nước ngược nhau sẽ khiến thời gian dài ra. Phương án chỉ dùng gió có thể áp dụng, quãng đường về sẽ ngắn hơn nhưng thời điểm khởi hành và trở về phải cách nhau nửa năm, tốc độ một trong hai chiều đi hoặc về rất thấp.
b. Xuất phát từ cửa sông Trường giang với thủy thủ đoàn Giang nam hoặc cửa sông Tây giang với thủy thủ đoàn người Mân Việt sẽ phải đi vòng phía đông đảo Hải Nam, trực chỉ Nhật Nam. Quãng đường Hậu Hán Thư đã tính là 9.000 dặm[1], tốc độ 30 dặm một ngày, mất cả năm mới tới nơi. Nếu đi qua eo Quỳnh Châu, cách hải hành phía trên (a) sẽ nối tiếp.
Các khoảng cách hàng hải thực tế ngày nay vào khoảng như sau: Theo eo Quỳnh Châu, Phiên Ngu – Cửu Chân : 1000km; Phiên Ngu – quận Giao Chỉ : 850km. Đi bên mạn đông đảo Hải Nam: Phiên Ngu – Nhật Nam: 950km; Phiên Ngu – Cửu Chân : 1.500km. Từ cửa sông Trường giang đến Phiên Ngu: 1.500km.
Hoppho_Cuuchanroad
Ảnh: Hải hành từ Hợp Phố đến Cửu Chân thuận tiện hơn vào quận Giao Chỉ
Không chỉ riêng Sử Ký và Hán Thư, các mô hình trên đây hoàn toàn phủ nhận khả năng Triệu Đà đã đến châu thổ sông Hồng. Đợt Mã Viện đánh quận Giao Chỉ, Hậu Hán Thư cũng ghi rõ quân sĩ men theo sát biển, vừa đi thuyền vừa đi bộ bạt núi khai ngòi, qua cả ngàn dặm mới đến Lãng Bạc. Vì nếu nếu dong buồm phía ngoài vịnh Hạ Long, bị hải lưu đẩy, chiến thuyền Mã Viện sẽ đến thẳng Cửu Chân. Thời ấy biển mênh mông, chưa có ngọn hải đăng Hòn Dấu chỉ đường cho tàu thuyền vào các cửa sông dẫn đến Hà Nội. Thiếu kiến thức hàng hải, thật khó hình dung cổ sử và hiểu nó sai lạc là điều dễ hiểu và đã diễn ra.
Căn cứ vào Hậu Hán Thư, Mã Viện đã xuất phát từ Linh Lăng vì 300 thủ lĩnh khởi nghĩa của Hai Ba Trưng bị bắt giải đến bến cuối cùng là chỗ này. Trường Sa, Quế Dương và Linh Lăng cũng chính là vùng chiến sự ác liệt thời Tần, nơi Đồ Tuy đã bỏ mạng. Đi trong các nhánh sông nhỏ, qua Linh Cừ đã được đào bởi quân Tần cách đó hơn 250 năm là lý do công tác chuẩn bị xe và thuyền, tu sửa cầu đường, thông khe lạch cản trở, tích trữ lương thảo mất gần hai năm. Đến Thương Ngô tức Ngô Châu thị ngày nay là Mã Viện đã đi vào Tây giang. Đoàn giang thuyền này phải ra biển tại Phiên Ngu và tập trung tại Từ Văn, Hợp Phố, tức vịnh Lôi Châu ngày nay. Không rõ Đoàn Chí là tướng Giao Chỉ bộ đóng quân ở đâu, nhưng nếu chỉ huy lâu thuyền thì chỉ có thể neo trên sông lớn Tây giang, nghĩa là tại thành phố Ngô Châu hoặc Phiên Ngu. Ngô Châu là trị sở Giao Chỉ bộ, cho nên khả năng Đoàn Chí ở đó nhiều hơn. Dù sao đi nữa đến Từ Văn thì Đoàn Chí bệnh chết.
Tháng tư mùa hạ tức tháng năm dương lịch năm 43[1] Mã Viện đến Lãng Bạc và đánh bại Hai Bà Trưng. Từ vịnh Lôi Châu vào vịnh Bắc Bộ qua eo Quỳnh Châu cuối xuân đầu hạ thường không có gió mùa mạnh. Đội hình chiến thuyền vượt biển có nhiều giang thuyền nhỏ là lý do Mã Viện phải đi cặp sát vào bờ, vừa ép buồm đón từng cơn gió, vừa vận dụng dòng hải lưu ngược chiều kim đồng hồ trong vịnh Bắc Bộ để đến cửa sông dẫn vào Hà Nội. 542km hải hành mất khoảng 10 ngày.
Mayuanroad
Ảnh: Đường hải hành nhiều khả năng Mã Viện đã sử dụng đầu năm 43.
Các trang sử Việt đã mắc một sai lầm rất lớn là hiểu Giao Chỉ bộ là quận Giao Chỉ. Nói chung họ cứ thấy Giao Chỉ thì trực hiểu ngay là Giao Chỉ quận. Do đó khi Hán Vũ đế bổ nhiệm thứ sử trông coi Giao Chỉ bộ Việt sử suy luận rằng Giao Chỉ quận là trung tâm, đầu não và nơi đóng cơ quan quản lý cả bộ Giao Chỉ.
———————————————————

[1] Ngày tháng ở Nam Man Tây Nam Di Liệt Truyện và Mã Việt Liệt Truyện, tuy cùng trong Hậu Hán Thư nhưng không khớp với nhau. Ở tài liệu thứ hai chép mùa xuân năm 42 Mã Viện đến Lãng Bạc, tháng giêng năm 43 mới chém được đầu Hai Bà Trưng.
[1] Xem phần 2, bản dịch Hậu Hán Thư.
Trích: Trương Thái Du – KHẢO CHỨNG TIỀN SỬ VIỆT NAM bằng CỔ THƯ và THIÊN VĂN HỌC – Research prehistory of Vietnam under Chinese classical Astronomy and Text.