Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Ba, 16 tháng 5, 2017

THƯ NGỎ GỬI PGS TS NGÔ VĂN GIÁ.


PGS TS Ngô Văn Giá, người thày dạy viết văn nhiệt thành nhất mà tôi biết thân mến!
Với tư cách học viên dự lễ bóc vải đỏ tượng (đồng) thày Hoàng Ngọc Hiến, tôi có lời mừng thày trò ông nhân Khánh thành Khoa Viết văn Báo chí mới với sáng kiến dựng thêm 4 tượng đồng mới. Nhân đây xin có vài góp ý, mong được tham khảo…
- Về GS Đặng Thai Mai. Ông sinh năm 1902, mất năm 1984 vì vậy ông chỉ có một cua giảng ở Khóa 1 Trường viết văn Nguyễn Du. Khóa II chúng tôi không được học ông nữa. Tôi có đọc qua bài giảng của ông, không học được nhiều. Đóng góp lớn nhất của ông là hai tác phẩm viết và in năm 1944 là “Văn học khái luận” và “Lỗ Tấn”. Ông có viết cuốn nữa, “Chủ nghĩa nhân văn thời kỳ văn hóa Phục Hưng”. Ông viết cuốn này ở rừng (1949) rất hiếm tài liệu tham khảo; giá trị không cao so với “Sống” của GS Tạ Quang Bửu (1948) viết về gen di truyền trong cùng hoàn cảnh tại chiến khu Việt Bắc. “Sống” cãi lại lý luận Lưsenco – Mitsurin của hệ thống XHCN về cốt lõi của sinh học. Và cãi thắng! Còn Đặng Thai Mai thì tham khảo các nhà lý luận Marxis về mỹ học, không nhiều ý kiến riêng.
Nhưng cái đáng nói là GS Đặng Thai Mai với tư cách Chủ nhiệm Tạp chí Văn nghệ đã vận dụng lý luận văn nghệ Marxis, góp phần để ra bản án đanh thép chính thức đình bản tuần báo “Văn” của Hội Nhà văn Việt Nam 1957. (*)
- Về nhà thơ Xuân Diệu, tôi không thích thơ ông này, nhưng tự biết mình là thiểu số (cực tiểu) nên không dám bàn về sự nghiệp của ông. Nhưng hai cua giảng tại Trường Viết văn Nguyễn Du, khóa I và II thì tôi xin nói thẳng, đó là một sự thất bại dai dẳng. Nội dung bài giảng, dưới tên chung là cách học thơ Pháp của Xuân Diệu, là ông nói khoảng 20 trường hợp ông đã dịch thơ Pháp ra thơ mình. (Nếu buộc phải bảo vệ luận điểm này, tôi sẽ tìm lại vở ghi) Học xong Xuân Diệu, tôi chốt hạ trong vở ghi: Ăn chênh lệch ngoại ngữ!
Tôi có đi nghe dự thính hai buổi của Xuân Diệu tại khóa I. Hôm trước, do học viên tẩy chay, không vỗ tay, ông đã dành tới 30’ cuối giờ để tổng sỉ vả học viên. “Vỗ tay là văn minh. Diệu đã thu hoạch tiếng vỗ tay mấy chục năm nay suốt từ Mục Nam Quan đến Mũi Cà Mau, Diệu không đến đây để vét tiếng vỗ tay. Nhưng vỗ tay là văn minh.” Hôm sau, thấy thái độ học viên căng thẳng, ông đã nói bằng một giọng rất dì ghẻ: “Các người cứ coi thường Diệu đi. Nhưng hãy nhớ, cứ dăm năm tụi này lại tung lên tận mây xanh một lứa các nhà thơ tài năng. Thế rồi, rút lại, chỉ còn lại lứa các nhà thơ chúng tôi!”
Thưa PGS Văn Giá, là một nhà văn trưởng thành sau tốt nghiệp Trường Viết văn Nguyễn Du, tôi nhận thấy:
Các GS Hồ Ngọc Đại có ảnh hưởng lớn đến lối tư duy nghệ thuật của Hữu Thỉnh, Chu Lai, Dương Thu Hương…Như quan sát của tôi, GS Trần Quốc Vượng và Bài giảng Phương thức sản xuất châu Á của GS Phan Huy Lê cũng có ảnh hưởng tới các nhà văn khóa I, nhưng họ ảnh hưởng đậm hơn đối với học viên khóa II. Ngoài ra, các GS Nguyễn Đăng Mạnh, Nguyễn Khắc Phi, Nguyễn Đình Chú, Nguyễn Huệ Chi… về văn học cổ cận và hiện đại Việt Nam, văn học cổ cận Trung Quốc là niềm tự hào của Trường Viết văn Nguyễn Du. (Sở dĩ tôi nói vậy, có lẽ, đối với sinh viên chay, các thày cũng giảng nội dung tương tự, nhưng với lớp chuyên tu chúng tôi, họ vừa khái lược vừa chuyên sâu hơn, thăng hoa hơn.)
Tôi đề nghị thay hai bức tượng GS Đặng Thai Mai, nhà thơ Xuân Diệu bằng các giáo sư trên. Ai cũng xứng đáng hơn họ.
Xin cảm ơn
____________________
(*)Tạp chí Văn nghệ, chủ nhiệm là Đặng Thai Mai, thư ký tòa soạn là Nguyễn Đình Thi. Chính trên tạp chí này đã có những bài phê phán những sáng tác được coi là có những lệch lạc về tư tưởng, ví dụ “Thao thức” của Đoàn Giỏi (bài phê bình của Nguyễn Văn Bổng, TCVN s. 5, th. 10/1957), “Một ngày chủ nhật” của Nguyễn Huy Tưởng (bài phê bình của Vũ Đức Phúc, TCVN s. 7, tháng 12.1957). Xem thêm Lại Nguyên Ân: “Tuần báo Văn (1957 -1958) – Đứa con đầu lòng của Hội Nhà văn Việt Nam”

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: