Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Tư, 3 tháng 5, 2017

Tai để làm gì?



Hà Ánh Charlie Dương
(Tác giả gửi Blog Hahien)
– Để nghe chứ còn để làm đếch gì nữa! Thế mà cũng phải hỏi! Rác cả tai!
-Ơ này! Đừng nóng! Ngộ lỡ nó điếc đặc không nghe được nữa thì vứt cả đi à? Dỏng tai mà nghe cho thủng câu hỏi đã! Chưa gì đã ngậu xị lên! Điếc cả…đít!
-Thôi được! Huề!
Cùng nhau bình tĩnh lại mà nghĩ ngợi thì Tai đúng là để nghe, chẳng ai cãi được: nghe tiếng động, nghe nói, nghe khóc, nghe cười, nghe chửi, nghe khen, nghe chê, nghe nịnh, nghe đàn hát, nghe phê bình nghiêm khắc (sau khi tự phê bình sâu sắc)… Theo mình trên đường phố nước ta thời nay, âm thanh loạn tai nhất là tiếng còi xe máy các loại. Bù lại, may sao còn có Tiếng nói Việt Nam gần gũi thân thương của em gái phát ra từ…loa Phường.
Vậy, chuyện “tai để nghe” không bàn nữa chỉ nói thêm một tí rằng đó là tai thật, còn với tai máy (máy trợ thính cho các cụ điếc) thì không hẳn thế. Mình biết có một cụ Cao tuổi Phường hàng ngày lắp tai máy vào tai thật để chúng cùng nghe ngóng sự đời nhưng mỗi khi loa Phường mở thì cụ lại gỡ tai máy ra, miệng làu bàu “Máy móc biết gì về đường lối chủ trương chính sách của đảng và nhà nước mà nghe! Cho mày nghỉ!”.
Ngoài công dụng chính nêu trên, kể cả điếc hẳn, nghễnh ngãng hay thính như…bẹc giê thì tai người ta còn được sử dụng vào nhiều việc khác nữa:
-Trước tiên, tai chúng mình hồi nhỏ được mặc định là chỗ để thực hiện hình phạt (bạo hành trẻ em) rất nhanh gọn và hiệu quả của thầy giáo, cô giáo, bố, mẹ hay các anh chị. Đó là tai bị véo, bị xoắn hay bị xách lên. Mà chỉ bị xách một bên thôi. Lệch. Thế mới thấm! Thực ra thì dù trưởng thành rồi, đôi khi tai cũng vẫn bị (được) cấu cắn. Ái! Nhưng đó là do vợ mình nó sướng quá! Nó nhai.
-Ngày Tết xưa, đôi tai bọn mình còn được dùng để thanh toán được thua sau mỗi ván bài Tam cúc. Món này gọi là món “tái bung”. Dù chơi bài giỏi hay dốt, tướng có bị đi ỉa hay không, quân bị chui nhiều hay ít, khi tan cuộc tai đứa nào đứa nấy đều đỏ thắm như quân Sĩ Điều cả. Bây giờ có dở hơi mới ngồi chơi Tam cúc búng tai. Còn phải nhanh chân chen nhau đi cướp phết, cướp lộc, cướp ấn nữa chứ chúng mày ơi!
-Đến tuổi thích làm dáng thì đương nhiên phải chọc thủng dái tai ra để mà lấy cái chỗ đeo khuyên. Tưởng chỉ có con gái mới được (phải) bấm lỗ tai. Ngày nay lắm thằng con giai cũng bấm lỗ đeo khuyên. Lỗ ở vành tai bọn này còn nhiều và to hơn của bọn con gái. Kinh!
-Nếu khu vực vành tai như trên đã nêu là nơi công khai minh bạch thực thi việc thưởng phạt (công tác thi đua) thì thành vách sâu trong lỗ tai lại là chỗ để tận hưởng những khoái cảm hết sức tinh tế và bí hiểm. Chú em mình hồi nhỏ thỉnh thoảng lại quấn tăm bông, ngồi tự ngoáy tai rất say sưa. Hỏi. Chú ấy lạnh lùng bảo “ngoáy tai giải trí”. Gần đây, kiểm chứng điều này qua một số bác giai cao tuổi ở Phường mới biết không phải chú em mình đã nói đùa. Các bác ấy nghiện đi lấy ráy tai ở các tiệm “Thanh Nữ”. Dăm ba ngày một lần, đôi tai của các bác lại được những bàn tay ngọc chăm sóc tinh tươm và thơm tho. Có thể nói chúng được bảo trì, bảo dưỡng đúng quy trình một cách hoàn hảo, ngoại trừ thính lực nói riêng và cường lực nói chung… không đáng kể!
-Trên gương mặt người ta có Mắt, Mũi, Miệng và Tai nhưng chỉ có Tai Tử Tế sống theo khẩu hiệu “Mình vì mọi người” mà thôi. Đôi tai luôn sẵn sàng vểnh ra cho các loại kính râm, kính cận, kính lão, kính thời trang đeo gọng vào và cho các thứ khẩu trang dùng một lần hay nhiều lần ngoắc quai lên. Mình tưởng tượng hơi quá đà một chút rằng một ngày đẹp giời nào đó, ngài Tạo Hóa bất ngờ đùa một tí, đồng loạt cho vành tai của tất cả mọi người trên đời co rụt lại thì trong nhà, ngoài đường, trên xe không biết cơ man nào là mắt kính và khẩu trang rơi tuột xuống. Ờ! Thử xem! Lúc ấy Mắt, Mũi, Mồm Miệng có trơ hết ra không? Mặt nhân dân toàn thế giới khi đó nom như ếch ộp cả. Ngố đại đồng!
-Tai Tử Tế với hàng xóm xung quanh là vậy nhưng trong phê bình nội bộ,Tai đôi khi lại là công cụ thực hiện hành động rất thiếu tính xây dựng: Tai nọ ĐM tai kia!
An ủi cho Tai trong các tiệc rượu khi “Quyền cơ bản” của Tai thường được trân trọng thực hiện mặc dù nhiều tửu khách có thể chưa biết điều ấy. Một anh bạn châu Âu cho mình hay “Khi nâng cốc, Mắt được nhìn màu rượu, Mũi được ngửi mùi rượu và Miệng sẽ được thấm vị rượu! Người ta chạm cốc (cụng ly) cho kêu “coong” là dành riêng nốt nhạc rượu đó cho Tai đấy!”.
Ở ta “coong”, chuyện nhỏ. Nào! Một, hai, ba… Dô! Chăm phần chăm! Thế mới máu! Tai với chả họa! Quên đi!
H.A.C.D

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: