Mỗi lần tôi trích dẫn những con số về công bố quốc tế trong vùng Đông Nam Á là mỗi lần tôi ngạc nhiên. Ngạc nhiên vì sự biến chuyển thay ngôi đổi chỗ rất nhanh xảy ra trong vùng. Trước đây, tôi chỉ ra rằng Singapore đứng đầu bảng trong vùng về công bố quốc tế, nhưng hôm nay, một bạn mới gửi cho tôi một biểu đồ cho thấy Mã Lai bây giờ đã vượt qua Singapore về số lượng bài báo khoa học, và trở thành nước có năng suất khoa học cao nhất trong vùng ĐNA. Đó là một sự tăng trưởng ngoạn mục, và sự tăng trưởng đáng làm cho chúng ta suy nghĩ.
Trước đây (chỉ khoảng 3 năm trước), tôi có trình bày thống kê cho thấy số bài báo khoa học ngành toán của Thái Lan và Mã Lai đã vượt qua Việt Nam khá xa. Lúc đó, rất ít người chịu nhìn nhận xu hướng này. Có người thậm chí quen thói tự cao rằng người Việt thông minh, vẫn xem thường rằng năng lực về nghiên cứu khoa học của Mã Lai và Thái Lan chẳng có gì đáng kể so với Việt Nam!
Nhưng trong thực tế, ngày nay, hai nước đó đã vượt qua Việt Nam cả về lượng và phẩm (tính theo citation và tập san) và tác động (tính theo chỉ số H).
Trong nhiều phân tích trước đây, tôi có chỉ ra rằng ở vùng Đông Nam Á, và dựa vào số bài báo khoa học, thì thứ tự từ cao đến thấp là: Singapore, Thái Lan, Mã Lai, và Việt Nam (không tính Nam Dương và Phi Luật Tân). Nhưng mấy năm sau, thứ tự này là: Singapore, Mã Lai, Thái Lan, và Việt Nam. Thái Lan họ uất ức lắm khi thấy Mã Lai vượt qua họ. Nhưng nay thì Mã Lai đã đứng đầu bảng.
Biểu đồ dưới đây cho thấy mãi đến 2009, Mã Lai vẫn còn thấp hơn Singapore về công bố quốc tế. Nhưng chỉ 2 năm sau, từ 2011 trở đi, thì Mã Lai đã vượt khá xa Singapore. Số liệu của Scopus năm 2013 cho thấy Mã Lai công bố được 23190 bài báo khoa học, cao hơn Singapore gần 36% (số của Singapore năm 2013 là 17052 bài). Còn công bố quốc tế của VN thì không đáng kể khi so với Mã Lai hay Thái Lan.
Trong các đại học hàng đầu của Mã Lai như University of Malaya (UM) thì số công bố quốc tế cũng đã hơn cả nước VN cộng lại. Trường này cũng đã lọt vào hàng top 500 trên thế giới. Chưa đầy 20 năm mà UM đã có những bước nhảy vọt ngoạn mục. Tôi được biết trường này thu dụng rất nhiều chuyên gia và giáo sư từ nước ngoài, và tổ chức thành research groups như bên phương Tây, nên có thể đó là lí do tại sao họ có thành tựu nghiên cứu khoa học tiến bộ nhanh như thế.
Năm ngoái tôi có dịp ghé qua Mã Lai 4 ngày, và thấy rất ngạc nhiên về tiến bộ của họ. Xuống phi trường đã thấy quá khác so với Tân Sơn Nhất, khác về qui mô, sự tấp nập, mức độ hiện đại, sự phục vụ nhanh nhẹn, v.v. Từ phi trường về trung tâm thành phố càng làm tôi ngạc nhiên vì những xa lộ thẳng tấp và nhà cửa dân xa xa có vẻ trù phú. Vào đến trung tâm hội nghị tôi thấy nó chẳng khác gì những convention centers bên Mĩ cả. Cũng rộng mênh mông, cũng phong cách điều hành chuyên nghiệp, wifi khắp nơi, nhân viên phục vụ vui vẻ (có người nói tiếng Việt nữa). Tôi có cảm giác Mã Lai không còn là "developing country" nữa, mà đã là hay sắp thành một "developed country". Chỉ chưa đầy 30 năm mà Mã Lai đã thay đổi một cách quá tuyệt.
Điều này cho thấy một lần nữa, các nước dĩ nhiên không đứng yên một chỗ, họ đang tiến nhanh và tiến vững. Trong khi đó thì ở VN, vẫn còn những người đang ngủ và hoài niệm về quá khứ, vẫn còn những người loay hoay tranh cãi về những vấn đề không đáng tranh cãi trong hoạt động khoa học (chẳng hạn như "có nên công bố quốc tế hay không" hay "tập san ISI có ý nghĩa gì"). Có người thì bác bỏ đó chỉ là lượng, chứ về chất thì VN vẫn hơn. Nhưng trong thực tế cả lượng và chất, VN đều kém hơn (có ngành còn kém xa so với) Thái Lan và Mã Lai. Dùng tiêu chí gì, VN vẫn kém hơn 2 nước đó. Tiêu hao năng lượng cho những câu hỏi ngớ ngẩn như thế làm cho chúng ta càng ngày càng tụt hậu so với các nước trong vùng. Nên tránh cái tư duy tự xem mình là thông minh và tài giỏi nhất vùng hay nhất thế giới. Chỉ có cách mỗi người tự thay đổi mới chính mình và làm tích cực hơn thì mới có cơ may đưa VN tiến xa hơn.
Biểu đồ: Số lượng bài báo khoa học của 4 nước Việt Nam, Thái Lan, Mã Lai, và Singapore được công bố trên các tập san khoa học trong danh mục Scopus trong thời gian từ 1996 đến 2013. Trục tung là số bài báo. Trục hoành là năm.
Phần nhận xét hiển thị trên trang