Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Năm, 4 tháng 5, 2017

San bằng con người


VƯƠNG TRÍ NHÀN (nhà văn)

Trên đường Sài Gòn, một lần, tôi được nghe một người lái xe ôm kể rằng ông ta vừa về hưu, so với tuổi là hơi sớm. Có hai điểm làm cho ông chán:

Giám đốc là người quá dốt, không hiểu công việc. Trong xưởng, người chăm với người lười cũng như nhau, cuối năm ai cũng tiên tiến hết.

Tôi đoán chính ra ông là một người thợ giỏi. 

Tiếp tục câu chuyện về nỗi đau của con người thời nay, tôi nghĩ rằng cái đau của ông thợ nói trên là ở chỗ phải sống trong một xưởng máy mà chăm lười như nhau, vàng thau lẫn lộn.

Nhiều cuốn sách tôi mua là tập hợp hỗ lốn những bài báo hay lẫn với những bài dở, mỗi bài một kiểu, đến mức có lần mua về tôi phải xé hết những bài nhảm nhí thì mới yên tâm đọc tiếp các bài giá trị trong tập sách.

Trong nghề văn chương, các tuyển tập thường sắp xếp một cách vô cảm, nghĩa là theo abc tên tác giả. Và nếu nhìn vào chất lượng thì người ta thấy nhiều bài chỉ được chọn là do vai vế tác giả của nó thế nọ, thế kia chứ không phải do chất lượng.

Từ hồi đi học, tôi đã cảm thấy, người học giỏi thì hay bị làm phiền.

Các lớp tiểu học bây giờ có lối đưa cả những học sinh cá biệt vào, cá biệt theo nghĩa học kém, vì thế làm hỏng tiến bộ chung của cả lớp.

Một khía cạnh khác của việc san bằng con người đang được kéo dài là thù ghét những phần tử ưu tú.
Xã hội chỉ có thể đi lên nếu những người ưu tú có vị trí xứng đáng làm mũi nhọn kéo cả cộng đồng đi theo. Nhưng ở Việt Nam nhiều khi có tình trạng ngược lại.

Cái tội của cải cách ruộng đất không phải chỉ là khuyến khích người ta tố điêu, làm bậy. Mà cái chính là khích động sự căm ghét những người giàu có, cho rằng những người giàu có là những người hư hỏng, gian ác, đáng bị tuyệt diệt. 

Thật ra thì trừ một số cá biệt, những người giàu có này, chính là những người biết tính toán công việc và giỏi sử dụng nhân công dưới quyền.

Còn chiến tranh thì lại làm công việc san bằng con người giống như một cái máy gạt khổng lồ. Sẵn lòng tự trọng, những người ưu tú thường xuất hiện ở hàng đầu và đã chết. Tới ngày chiến thắng, chỉ còn lại những người kế theo tiếp nhận chiến công của đám ưu tú vừa bị hy sinh, tận hưởng vinh quang và lợi lộc.

Thứ mất mát thường bị người ta lờ đi này, thật ra không gì bù đắp nổi. 

Sau những cuộc chiến tranh kéo dài quá sức chịu đựng của con người, các xã hội hậu chiến thường lụn bại một thời gian, một phần lý do là vậy. Nơi ngắn nơi dài tùy mức độ của cuộc chiến.

Vương Trí Nhàn

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: