Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Tư, 3 tháng 5, 2017

Nguyễn Đình Thi


Cách đây mới chưa lâu, tôi còn chưa hề tưởng tượng rồi có ngày tôi sẽ nói đến Nguyễn Đình Thi; dường như mới chỉ có một lần duy nhất, tôi bỗng kinh ngạc nhận ra Nguyễn Đình Thi đã được đặt tên phố ở Hà Nội, và tôi tự nhủ: cái ông này, đúng là số phận mát từ đầu đến cuối. Cũng có thể tôi đã đi nhanh hơn so với tôi nghĩ.

Cụ thể hơn, tôi muốn xem Nguyễn Đình Thi đã làm gì trong khoảng 1944-1946. Cụ thể hơn nữa là trả lời câu hỏi, ở giai đoạn đầu tiên, Nguyễn Đình Thi đã làm gì ngoài mấy quyển sách dưới đây:


(bức ảnh vừa xong: courtesy of VHT)

Năm 1945, Nguyễn Đình Thi viết một cuốn sách khá nổi tiếng, ký tên chung với Nguyễn Hữu Đang, in trong tủ sách của "Hội Văn hóa Cứu quốc":



(Trên bìa sách ghi "In lần thứ hai", nhưng giữa lần thứ nhất và lần thứ hai thật ra thời gian rất ngắn). Về sau, Nguyễn Hữu Đang sẽ như thế nào, và Nguyễn Đình Thi sẽ như thế nào, ai cũng đã biết.

Nhưng, năm 1944, còn có điều này:

Nhìn rất giống Dân Việt Nam mà ta đã nói đến, nhưng tất nhiên chẳng có gì liên quan.

Đây là quyển sách in chung vào ba bài diễn thuyết của sinh viên, Đặng Ngọc Tốt (sinh viên khoa Y), Dương Đức Hiền và Nguyễn Đình Thi thì đều là sinh viên khoa Luật. Đây là một hoạt động của "Tổng hội Sinh viên". Dương Đức Hiền rồi ngay sau đó sẽ có vai trò không nhỏ, nhất là trong năm 1945, và nhất là xung quanh ngày 19 tháng Tám; dường như Dương Đức Hiền là nhân vật có rất nhiều quan hệ với nhiều giới ở khoảng thời gian ấy, và những mối quan hệ này đã được tận dụng một cách tối đa: nói một cách sơ lược, Dương Đức Hiền hay làm công việc của một "thuyết khách".

Trên quyển sách, ta cũng thấy tên "Lửa hồng" như là tên nhà xuất bản, hoặc đúng hơn là một tủ sách, và Báo Pháp Việt, ở bên trong ghi rõ hơn, Pháp-Việt tân văn:


Bài của Đặng Ngọc Tốt:

Bài của Dương Đức Hiền:

Bài của Nguyễn Đình Thi:


Đại ý, trong bài Nguyễn Đình Thi kêu gọi "quay về với tinh thần Việt Nam, tìm kiếm tinh thần Việt Nam, và nói tiếng Việt Nam cho thuần túy", và sau đó khẳng định: "Nền văn hóa nước ta xưa là công trình của lớp người nông tang. Vì vậy, muốn hiểu tinh thần Việt Nam không thể đem riêng cái văn chương thượng lưu của một số ít người chịu khuôn khổ của Khổng giáo, Phật giáo, Lão giáo mà xét được." (vì như vậy thì "không thể xứng đáng làm đại biểu cho tinh thần Việt Nam chân chính").

Muốn nhìn kỹ Nguyễn Đình Thi của đoạn này hơn, ta hãy lùi lại mười hai năm, đến với cuốn sách dưới đây, Mấy vấn đề văn học, niên đại 1956:



Ta có thể thấy ngay, "Sức sống của dân Việt-nam trong ca dao và cổ tích", bài diễn thuyết năm 1944, được đưa vào sách, và ở vị trí số một luôn.

Tôi rất, rất muốn xem ở phiên bản 1956 này, Nguyễn Đình Thi có sửa chữa gì so với phiên bản đầu tiên 1944 không. Muốn làm vậy, thật ra rất dễ: chỉ cần mở sách ra xem. Nhưng có một vấn đề nho nhỏ, là tôi không làm vậy được :p

Lý do là bởi, ta mở trang này ra:

Quyển sách mà tôi có chính là quyển từng nằm trong tay Huy Cận. "Tủ sách HX" ghi ở kia, ta có thể dễ dàng đoán ra, nghĩa là "tủ sách Huy Xuân" (Huy Cận và Xuân Diệu).

Và suốt từ năm 1956 (vì chắc Huy Cận có nó ngay sau khi sách in), quyển sách chưa hề được rọc:

Tôi nghĩ, tình trạng chưa rọc của quyển sách Nguyễn Đình Thi đáng giá hơn rất nhiều so với mọi thứ khác. Nó nói lên không ít điều về "tình đồng chí". Nguyễn Đình Thi-Nguyễn Hữu Đang là một khía cạnh của tình đồng chí, mà Nguyễn Đình Thi-Huy Cận lại là một khía cạnh khác, cũng của cái tình ấy.

Thành thử, tôi chỉ he hé mở ra để ngó sơ sài, xem chừng Nguyễn Đình Thi có sửa chữa nhiều, nhưng chi tiết hơn thì tôi còn chưa nói được.


Chưa hết: vì tự thấy là cần bắt đầu quan tâm đến Nguyễn Đình Thi, nên tôi cũng đi tìm kiếm thêm một chút (thực sự, tôi rất ghét cái trò lấy tên riêng các nhân vật đặt tên phố, khi mà ta muốn tìm hiểu về ai đó trên Internet, thì luôn luôn rơi vào tình trạng là phải lội qua cả trăm nghìn thông tin về bán nhà, quán xá etc, rất rách việc và mất thời gian). Tôi nhìn thấy một bài viết cách đây chưa lâu, của nhà phê bình Nguyễn Hoài Nam, viết chung về cả Nguyễn Đình Thi và Nguyễn Tuân, trong một chủ đề rất oách: "viết cách mạng".

Nhưng trời ơi, ông Nguyễn Hoài Nam thản nhiên nói đến chuyện Khái Hưng phê bình Chùa Đàn của Nguyễn Tuân vào năm 1946.

Ông Nguyễn Hoài Nam không phải lo tôi đi tố cáo ông ăn cắp của tôi mà không ghi nguồn: tôi không phải dạng hét lên tố cáo đạo văn, ăn cắp, tôi không thuộc số "đông đảo bọn bị gậy, lũ nhặt rác và đám sản xuất đồ mỹ ký nắm giữ với nhau các giá trị văn chương" (điều này, tức là bắt đầu từ "đông đảo bọn bị gậy" trở đi không phải tôi nói, mà là Saint-John Perse).

Thế nhưng, ông tưởng ông khôn, té ra ông lại rất dại. Từng có người khác cũng nói đến vụ xung quanh Chùa Đàn năm 1946 này rồi, và có nói rõ là lấy thông tin từ tôi. Như thế mới thực sự là khôn. Bây giờ tôi hỏi ông Nguyễn Hoài Nam nhé, tôi chưa bao giờ trưng bày tài liệu ấy (tức là bài viết của Khái Hưng), thế nhỡ đâu tôi bịa ra thì sao? Hoặc, nếu tôi không bịa, thì bài báo ấy, vốn dĩ không ký tên, lại không phải của Khái Hưng (tức là tôi xác định sai), thì sao? Thì thành ra ông, vì không ghi nguồn, cứ như thể là do ông tìm ra, trở thành kẻ bốc phét à? Ông thấy không, nguy cơ cao lắm. Thà rằng cứ đổ riệt hết cho tôi, lỡ sai thì tôi chịu cho cả thế giới, thế có phải là khôn không?

Thật ra, đây là quy luật: khôn (gọi thẳng là khôn lỏi đi cho đúng) chính là nguồn gốc chắc chắn nhất dẫn đến dại (tôi định dùng từ khác, nhưng thôi) (nhưng trớ trêu ở chỗ, dại lại không hề chắc chắn dẫn đến khôn).

Nhưng đấy vẫn chỉ là chuyện nhỏ, rất nhỏ. Điều khác mà tôi thấy, ở bài viết của nhà phê bình Nguyễn Hoài Nam nằm ở chỗ: xếp Nguyễn Tuân cạnh Nguyễn Đình Thi ở thời điểm ấy tức là hiểu sai hết mọi chuyện.

Tôi đã ngờ từ lâu rồi mà, chính giới nghiên cứu, giảng dạy và phê bình chuyên nghiệp trong ngành văn học đã tạo ra thứ sản phẩm là một văn học sử Việt Nam lệch lạc (từ nhẹ nhất) như ta thấy hiện nay.

Về nhà phê bình Nguyễn Hoài Nam, xem thêm ở kia.

Nhị Linh

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: