Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Sáu, 19 tháng 5, 2017

Dionysus Trần Dần


1.
Tôi vẫn cho rằng tác phẩm sẽ phân loại nghệ sỹ chứ không phải ngược lại. Tỷ như tác phẩm siêu thực sẽ biến nghệ sỹ thành siêu thực chứ không thể nào ngược lại.
Nhưng đôi khi đời lại khác.
Khác với ngày nay và ở những nơi khác, khi mà dòng nghệ thuật mainstream do số đông người thưởng thức quyết định, thì ở ta, ngày xưa, mainstream là do số ít quyết định. Và cá biệt, có thi sĩ tự biến mình thành nghệ sỹ lớn thuộc dòng mainstream và qua đó tác phẩm của ông ta đương nhiên là thuộc mainstream và được số đông quần chúng ưa thích.
Lúc đó, không nên dịch mainstream thành chủ lưu, mà chỉ nên dịch là dòng chính thống.
Những ai cưỡng lại dòng mainstream cuồn cuộn chảy đó, sẽ bị nhấn xuống đáy.
Một người nghệ sỹ bị ép buộc sống underground, không có nghĩa là tác phẩm của ông ta sẽ là underground. Mà ngược lại, sự thực là, ông ấy đã dấn thân rất xa, đến những chân trời có người bay mà ông là người Việt nam duy nhất.
Khi bị ép phải sống một cuộc sống bên lề xã hội, bị cắt đứt khỏi bầu sữa chính quyền, bị quần chúng đám đông ghẻ lạnh, người ta bỗng dưng trở thành một người cô – độc – và – hoàn – toàn – tự – do. Bởi đám đông kia chỉ là những con số, còn riêng ông là một người bay.
Một nghệ sỹ vĩ đại là một người nghệ sỹ tạo ra những giá trị vượt hẳn lên trên mọi loại hình xã hội, học thuyết, tôn giáo, chủng tộc… và càng phải vượt lên trên ý chí, chân lý, quyền lực … của một nhóm người hay thậm chí của cả một đế chế.
Để được như thế, người nghệ sỹ, ngoài tài năng thiên bẩm, cần phải hoàn toàn tự do, dứt bỏ mình ra khỏi xã hội tầm thường và cắt đứt hoàn toàn mọi sự tài trợ và đặc ân của một nhóm người hay của cả một đế chế. Sự dứt bỏ, dù là chủ động hay bị động, đều ẩn sau đó một dòng chảy của hùng ca.
Tất cả những kẻ còn lại, đều có thể được gọi, giống như Nietzsche đã từng gọi, là bọn trọc phú văn nghệ.
TÔI THÍCH VIẾT CÁI CHƯA BIẾT
MẶC CÁC ÔNG VIẾT CÁI ĐÃ BIẾT
(Trần Dần)

2.
Tôi vẫn cho rằng ngôn ngữ bị tác động ngược của chính tả. Việc sử dụng ký tự latin và cách bỏ dấu chắc chắn đã mang đến cho tiếng Việt các tác động tượng thanh và tượng hình hoàn toàn khác với các chữ viết (nếu có) trước đó.
Việc sử dụng chính tả, và đôi khi cả ngữ pháp, trong văn học viết theo những cách khác nhau chắc chắn sẽ làm vang lên trong đầu người đọc những âm và hình khác nhau của những từ thuần Việt hết sức bình thường.
Việc Trần Dần kiên trì sáng tạo tiếng Việt trong thơ của mình bằng chính tả và ngữ pháp dị thường đã đẩy tác phẩm của ông, có lẽ có gốc sâu xa là trường phái tượng trưng, đến tận cùng của (không biết nên gọi là gì) của nghệ thuật. Những bài thơ trong Chiều Vô Lễ (1960-1964) hiện đại hơn mọi bài thơ hiện đại nhất hiện nay. Còn Jờ Joạcx (1963) thì có lẽ vượt xa hơn thơ avant-garde của các nhà thơ đương đại hiện nay tầm một năm ánh sáng.
Tôi đứng thẫn thờ
Đại lộ ngu si
(Trần Dần)

3.
Tôi tin rằng việc Trần Dần lúc ở tuổi đôi mươi đã say mê thơ tượng trưng đã làm ảnh hưởng rất nhiều đến thơ và văn xuôi của ông sau nay. Tất tần tật các hình ảnh từ vi mô đến vĩ mô, từ cát sỏi đến mặt trời, từ cặp đùi đến những vì tinh tú trong thơ Trần Dần đều được ông thở ra dưới những hình ảnh cực kỳ ấn tượng và tuyệt đẹp. Đó là nhờ ảnh hưởng của thơ tượng trưng.
Nhưng chính việc sử dụng hình ảnh quá progressive như vậy trong Nhất Định Thắng và Đi! Đây Việt Bắc đã làm người ta áp đặt những tư tưởng phi nghệ thuật lên tác phẩm của ông.
Ngày xưa (khi bị đập) cũng vậy. Mà ngày nay (bọn ca ngợi thơ ông) nhiều khi cũng vậy.
Trọc phú văn nghệ, hóa ra đời nào cũng có.
Tôi không cho Nhất Định Thắng (1956) và Đi! Đây Việt Bắc (1957)là 2 tác phẩm lớn của Trần Dần. Đấy chỉ là những tác phẩm hay và tân kỳ (ở thời điểm đấy) của Trần Dần chứ không phải là những tác phẩm mà ông đã đi đến tận cùng về mặt nghệ thuật.
Tuy trong Nhất Định Thắng có âm thầm và cuồn cuộn chảy một giọng thơ nam tính và hùng tráng, tuy hình thức thơ xuống dòng hiện đại, tuy nhiều hình ảnh trong bài thơ ấy rất đẹp, nhưng tôi vẫn cho rằng so với các tác giả cùng thời kỳ, đặc biệt là so với Nguyễn Đình Thi, thì Nhất Định Thắng không có gì nổi trội.
Đừng
để
chân trời
gọi mãi!
Đừng để
khói sương
mời mọc
đến hai lần!
(Trần Dần)

4.
Tôi cho rằng Trần Dần đã sáng tạo ra một dòng thơ thuộc loại conceptual art (nghệ thuật khái niệm) hoàn thiện nhất và độc đáo nhất ở Việt Nam tính đến nay. Giá trị của nó, như tôi đã nói ở trên, sẽ vượt lên tất cả. Và nhờ đó nó sẽ xếp tác giả của nó vào hạng thi sĩ lớn nhất của Việt Nam. Trong bảng xếp hạng ấy, Bùi Giáng và Phạm Công Thiện sẽ chỉ là những em bé.
Có thể tạm gọi concept art của Trần Dần là ‘nghệ thuật khái niệm duy thức” trong đó có hai thời kỳ Tâm (citta) và Thức (vijñāna) nằm ở hai thời kỳ sáng tác khác nhau của Trần Dần.
4.1
Tôi cho rằng ở Cổng Tỉnh (1960) thì Trần Dần đã có những biến chuyển rất hiện đại về thi pháp, tuy chưa triệt để như sau này, nhưng đã cực kỳ ấn tượng. Đoạn thơ ngắn trong phần “Gái trai thành quách bàn cờ” là một ví dụ điển hình.
Đến Mùa Sạch (1964) thì Trần Dần đã thực sự hoàn thiện hóa thi pháp của mình. Tạm gọi là dòng “nghệ thuật khái niệm duy thức” giai đoạn Tâm (citta).
Những nghệ sỹ concept art thường sử dụng âm thanh và hình ảnh trong không gian biểu diễn để gợi lên cho khán giả một khái niệm có tính chất bắt đầu (của nghệ thuật). Còn Trần Dần dùng ngay con CHỮ và CÁCH VIẾT CON CHỮ để làm điều ấy.
Các con chữ, câu thơ, bố cục, sự lặp lại có chủ ý của Trần Dần trong mùa sạch đã làm gợi lên trong Tâm (phần hồn thúc đẩy bản ngã vật chất của người đọc) những hình ảnh và cảm xúc rất mơ hồ, sơ khởi nhưng vô cùng ấn tượng và đẹp đẽ. Thiên nhiên đẹp dẽ trong Mùa Sạch có cái gì đó còn hơn cả nghệ thuật. Đơn sơ hơn và mạnh mẽ hơn, như là một concept.
4.2
Giống như trong kịch cổ điển, phần bè phụ luôn nói với khán giả về một cái gì đó khác với những gì đang diễn ra trên sân khấu chính. Bè phụ cho khán giả biết một âm mưu đang rình rập xung quanh các nhân vật chính. Hay chỉ là một thông tin về thời tiết bên ngoài.
Trần Dần đã đưa bè phụ của kịch cổ điển vào thơ và thơ-văn-xuôi của ông. Để biểu hiện bè phụ và rhythm của nó, ông đã dùng chính tả và ngữ pháp. Các chữ in nghiêng, viết hoa, từ viết ’sai’ chính tả, các dấu chấm phảy bất thường đã mở vào đầu người đọc tới hai hoặc nhiều hơn các lối đi.
Tập Jờ Joạcx (1963) là đỉnh cao tuyệt đối của thi pháp này (tính đến nay). Có thể gọi đây là dòng “nghệ thuật khái niệm duy thức” giai đoạn Thức (vijñāna).
Những CON CHỮ chạy trên mặt giấy, dưới thủ pháp sắp đặt theo chủ ý có tính thị giác của Trần
Dần, biến thành dòng NGÔN TỪ chạy theo các cửa khác nhau vào nhận thức của người đọc. Nó làm gợi lên trong người đọc những gì sơ khởi nhất của nhận thức (Thức như là mặt bên kia của Tâm, và tách biệt với bản ngã vật chất của con người). Tuy rất mơ hồ và khó hiểu, nhưng quả thực cái tôi và các phản tôi trong Jờ Joạcx cũng vẫn gây ấn tượng rất mạnh lên nhận thức của người đọc. Mơ hồ nhưng mạnh mẽ, như là một concept vậy.
5.
Tôi cho rằng Trần Dần sử dụng thơ như một chất liệu để xây lên đó một ngôn ngữ Việt có tính nghệ thuật cực kỳ hiện đại chứa ẩn nhiều tầng tâm thức. Cho đến nay, ngôn ngữ chạy trên thơ và thơ-văn-xuôi của Trần Dần hoàn toàn khác với tất cả những nhà thơ khác, kể cả những nhà thơ là bạn của ông.
Ngôn ngữ nghệ thuật của Trần Dần giống như một IP Core Network.
Chạy trên nó là những bài thơ có tác dụng như access platform, để người đọc qua đó truy cập được vào các tầng ngôn ngữ.
MƯA RƠI KHÔNG CẦN PHIÊN DỊCH
(Trần Dần)
bl 5 xu

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: