Phạm Tôn
Lời dẫn của Phạm Tôn: “Quý II/2012, Nhà xuất bản Công An Nhân Dân cho ra tập 2 sách Phạm Quỳnh – một góc nhìn của tiến sĩ Nguyễn Văn Khoan tuyển chọn và biên tập. Các trang 272 đến 284 có đăng bài trên đây của Phạm Tôn đã lên Blog PhamTon từ tuần 1 tháng 9 năm 2012.
—o0o—
Những người biết rõ về Thượng Chi – Phạm Quỳnh thì rất nhiều. Vì Ông là một nhân vật nổi bật hồi nửa đầu thế kỷ XX trong cả nước ta với những hoạt động đa dạng, phong phú trên nhiều lĩnh vực, có ảnh hưởng lớn đến nhiều thế hệ người Việt Nam. Nhưng, những ai dám lên tiếng nói rõ sự thật về Ông khi Ông đang bị chôn vùi cả thể xác lẫn danh dự hơn nửa thế kỷ qua thì chẳng được mấy người… Vì lẽ đó, con, cháu, chắt trong đại gia đình Phạm Quỳnh thật vô cùng biết ơn những Con Người nhân hậu mà dũng cảm đó. Và những người có lương tri cả nước đều vui mừng đón nhận mỗi bằng chứng quí giá, cũng như những đánh giá công bằng, xác đáng màcác vị dám đưa ra công luận và hoàn toàn chịu trách nhiệm về việc công bố đó trước nhân dân, lịch sử.
Chúng tôi vô cùng biết ơn giáo sư Văn Tạo, nguyên viện trưởng Viện Sử học Việt Nam, giáo sư nhà giáo nhân dân Đinh Xuân Lâm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Tiến sĩ Sử học Nguyễn Văn Khoan, các nhà nghiên cứu Thanh Lãng, Phạm Thế Ngũ, Phạm Thị Nhung, Vương Hồng Sển, Nguyễn Đình Đầu, Phong Lê, Nguyễn Huệ Chi, Vương Trí Nhàn, giáo sư nhà giáo nhân dân Nguyễn Đình Chú, Nguyễn Đắc Xuân, Trịnh Bá Đĩnh, Đỗ Lai Thuý, Nguyễn Hữu Sơn, Trần Văn Chánh, Khúc Hà Linh các nhà văn, nhà thơ, dịch giả Nguyên Ngọc, Nguyễn Xuân Khánh, Phạm Toàn, Phạm Xuân Nguyên, Ngô Quốc Chiến, Trần Đăng Khoa, Khúc Hà Linh, Hà Khánh Linh, Xuân Ba, Lê Minh Khuê, Hồng Thanh Quang, Trần Chiến, các nhà giáo Nguyễn Thúc Chuyên, Nguyễn Phúc Vĩnh Ba, Nguyễn Đức Thuận, Vũ Thế Khôi, nhà báo Thép Mới, Thanh Tùng, Lại Văn Sâm…
Chúng tôi biết ơn nhà văn hoá Hoàng Đạo Thuý (1900-1994). Ông là người bạn thân thiết, lại là người bà con với Phạm Quỳnh. Phạm Quỳnh thuộc họ bên ngoại nhà ông. Ngày 19/4/1991, ở tuổi đại thọ ông đã mời nhạc sĩ Phạm Tuyên đến nhà và vừa nói về thân phụ nhạc sĩ vừa cho xem các văn bản cổ và đọc cho nghe các bản do chính ông dịch ra quốc ngữ: Trích gia phả họ Hoàng Đạo, phụ bên ngoại (do Hoàng Đạo Thành biên soạn, viết), Phả ký học trò viết (do Tô Ngọc Huê soạn, Ngô Văn Dạng viết) ghi lại thành một cuộn băng ghi âm đầy. Sau đó, ông còn cẩn thận viết ngày 16/7/1991 và gửi cho nhạc sĩ một bản Các việc tiếp theo. Nhờ đó mà gia đình biết rõ về hoàn cảnh gia đình và cuộc sống của Phạm Quỳnh từ nhỏ tới lớn. Ông còn cẩn thận vẽ cả sơ đồ căn nhà Phạm Quỳnh ở từ khi chào đời cho dến năm 1918.Là người bạn tâm giao, ông biết rõ và từng can dự vào các bước ngoặt trong cuộc đời Phạm Quỳnh, kể cả việc quyết định vào Huế tham chính và từ bỏ nghề báo. Chính Hoàng Đạo Thuý đã viết bản tham luận bảy trang sẽ đọc tại cuộc hội thảo do Viện Văn học dự định tổ chức năm 1992 tại Hà Nội.
Chúng tôi cũng biết ơn nhà văn Nguyễn Công Hoan.
Đúng lúc đứng ở đỉnh cao danh vọng và uy tín lớn với hàng trăm tác phẩm nổi tiếng được nhân dân cả nước yêu mến, năm 1972 nhà văn lão thành cho ra mắt giữa thủ đô Hà Nội cuốn Đời viết văn của tôi (Nhà xuất bản Văn Học, in 3.200 cuốn) trong đó, ông dành hai trang 160-161 thành thật viết rõ là mình sáng tác nên truyện ngắn nổi tiếng Kép Tư Bền chỉ vì thương… Phạm Quỳnh! Phần đó như sau:
“Tôi nhìn thấy cảnh bề ngoài cười nụ bề trong khóc thầm này thì sực nghĩ đến Phạm Quỳnh. Tôi cho rằng Phạm Quỳnh và Nguyễn Văn Vĩnh là những người có chính kiến. Thấy ở nước ta, ba kỳ có ba chế độ chính trị khác nhau, Nguyễn Văn Vĩnh mới chủ trương thuyết trực trị. Người Pháp trực tiếp cai trị người Nam, như ở Nam Kỳ, không phải qua vua quan người Nam, thì dân được hưởng nhiều chế độ rộng rãi hơn. Phạm Quỳnh, trái lại, chủ trương thuyết lập hiến. Người Pháp nên thi hành đúng Hiệp ước 1884, chỉ đóng vai trò bảo hộ, còn công việc trong nước thì vua quan người Nam tự đảm nhiệm lấy. Bây giờ Phạm Quỳnh vào Huế làm quan, tôi cho không phải vì danh. Quốc dân biết Phạm Quỳnh hơn biết mấy Thượng thư Nam triều. Cũng không phải vì lợi. Làm báo Nam Phong Phạm Quỳnh cũng được phụ cấp 600 đồng một tháng, món này to hơn lương Thượng thư. Phạm Quỳnh ra làm quan, chỉ là để rồi lấy danh nghĩa Chính phủ Nam triều, đòi Pháp phải trở lại Hiệp ước 1884. Vậy một người yêu nước như Phạm Quỳnh, sở dĩ phải có mặt trên sân khấu chính trị chẳng qua chỉ là làm một việc miễn cưỡng, trái với ý muốn, để khuyến khích bạn đồng nghiệp làm việc cho tốt hơn, chứ thực lòng, là một người dân mất nước, ai không đau đớn, ai không khóc thầm. Thế là tôi nghĩ được ra truyện Kép Tư Bền,tả một anh kép hát nổi tiếng về bông lơn, đã phải vì giữ tín nhiệm với khán giả mà ra sân khấu nhà hát làm trò cười, ngay cái tối cha anh đương hấp hối.”Sau khi phát hành ít lâu, cuốn sách ấy bỗng “biến mất” trên các giá sách cả ở các hiệu sách lẫn các thư viện, tủ sách phục vụ công chúng. Mãi đến năm 1996, mười năm sau đổi mới, mới lại thấy sách ấy được Nhà xuất bản Văn Nghệ thành phố Hồ Chí Minh tái bản, nhưng với số lượng thật khiêm tốn: vẻn vẹn có 500 cuốn! Nhưng, hai trang 181-182 vẫn còn nguyên phần nói về việc nhà văn đã viết Kép Tư Bền chỉ vì thương… Phạm Quỳnh! Người “chịu trách nhiệm xuất bản” là Đinh Quang Nhã. Hồi Nhà xuất bản Văn Học in năm 1972 tại Hà Nội, chưa có “chức danh” này.
Con, cháu, chắt Phạm Quỳnh còn biết ơn Thiếu tướng Phan Hàm.
Chúng tôi may mắn có trong tay bản sao chụp tư liệu 10 trang viết tay của Thiếu tướng viết ngày 8/11/1993, Tuyên huấn Thừa Thiên Huế nhận chiều 14/11/1993, xin trích đăng phần Thiếu tướng kể về việc đi bắt Phạm Quỳnh để bạn đọc có điều kiện biết được sự thật đã xảy ra như thế nào. Thiếu tướng Phan Hàm viết như sau:
“Tôi chỉ xin kể lại việc đi bắt Phạm Quỳnh. Còn các nơi khác không rõ chi tiết, chỉ biết chung chung:
“Tôi nhận lệnh, nghiên cứu thì được biết thêm là trong nhà Phạm Quỳnh cũng như nhà Ngô Đình Khôi đều có rất nhiều súng ống. Vì vậy buổi sáng hôm ấy, anh Hồ và tôi phải cải trang đi trinh sát địa hình trước. Kết quả chỉ biết được đích xác nhà (biệt thự Hoa Đường), sân, còn trong nhà không rõ. Đến trưa, ông Phan Tử Lăng trực tiếp chỉ thị cho tôi: đến trại Bảo An binh, ông ta sẽ phối thuộc cho hai tiểu đội lính Bảo An (một tiểu đội do tôi chỉ huy, một tiểu đội cho anh Việt chỉ huy) để giúp vào việc đi bắt hai tên Việt Gian đầu sỏ này. Ông ta còn nói thêm: “Bắt được rồi đem về lao Thừa Phủ, rồi báo xuống sân vận động Huế người ta biết, mở màn cuộc mít tinh.”
“Mệnh lệnh rất ngắn mà chúng tôi mang theo chỉ thấy nói “Ủy ban Khởi nghĩa Thuận Hóa mời Phạm Quỳnh ra làm việc”. Tôi được trang bị một khẩu súng lục St.Etienne 6.35. Khi xe của tôi vòng vào sân, thấy Nguyễn Tiến Lãng trong nhà chạy ra. Lúc bấy giờ trên áo tôi đã có cái băng cờ đỏ sao vàng nên Lãng biết, toan chạy. Tôi đưa súng lên bắn thì kẹt đạn, nên bắt lên xe luôn. Anh Hồ lên lầu bước vào phòng Quỳnh đang chuẩn bị nghỉ trưa. Đưa giấy “mời” ra ông ta thản nhiên đứng dậy mặc áo ra đi.
“Tôi lục soát khắp nhà (Chúng tôi nhấn mạnh-PT) chẳng thấy súng đạn đâu cả ngoài khẩu súng săn cỡ 12 ly của con trai ông ta và ít đạn săn. Con trai của ông ta là Phạm Khuê cũng đi dự mít tinh, ở nhà chỉ còn hai cô con gái là học sinh trường Khải Định trước đây” (…) “Đây là ý kiến tôi muốn đóng góp với những bản tổng kết quân sự, Đảng, chính quyền của tỉnh nhà.
Nhớ đâu viết đấy. Miễn là nói lên sự thật (Chúng tôi nhấn mạnh-PT)”
Người thứ tư chúng tôi biết ơn là bà Phạm Thị Minh, tức Lê Thị Kinh, cháu ngoại Phan Châu Trinh, nguyên đại sứ nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà tại Ý và một số nước châu Âu như Luxembourg v.v…. Nhân sang Pháp tìm tư liệu về ông ngoại mình, bà đã tìm thấy và “tặng” lại cho tiến sĩ Phạm Thị Ngoạn sống ở Pháp tờ sao chụp Bản phúc trình (tối mật) đề ngày 8/1/1945 của Khâm sứ Trung Kỳ Haelewyn gửi Toàn quyền Jean Decoux và Tư lệnh Đại tướng Mordant là tư liệu chứng tỏ Phạm Quỳnh đã chống Pháp và yêu nước như thế nào.
Giáo sư Nguyễn Phước Bửu Tập đã công bố bản dịch tiếng Việt trong Ngày Phạm Quỳnh tổ chức ở California, nước Mỹ tháng 5-1999. Bản dịch như sau:
“Thêm một lần nữa, Thượng thư Nội vụ (Phạm Quỳnh) lại cực lực phiền trách chúng ta về việc trưng dụng lúa gạo để cung cấp cho Nhật.
“Phạm Quỳnh lặp lại điệp khúc yêu cầu chúng ta hoàn trả Bắc Kỳ về cho Hoàng Triều như Pháp quốc đã hứa. Tôi đã lưu ý Hoàng đế Bảo Đại về thái độ bướng bỉnh vượt quá thẩm quyền ông ta đòi nới rộng quyền hạn của Viện Cơ Mật. Hiện tôi đang chờ đợi một phản ứng khác bùng nổ từ ông ta nếu như chúng ta không chịu nhận sự bổ nhiệm một Khâm sai Hoàng Triều trên cõi Bắc Kỳ. Chủ quyền bảo hộ của chúng ta lại một lần nữa bị xúc phạm. Phạm Quỳnh đòi hỏi chúng ta trong một thời hạn ngắn nhất, cụ thể nhất, phải hợp thức hoá việc phục hồi chủ quyền của Vương triều trên lãnh thổ Bắc Kỳ và Nam Kỳ. Phạm Quỳnh còn hăm he sẽ thúc đẩy các phong trào chống đối, nổi dậy nếu như chúng ta không đặt vấn đề thương thảo với Hoàng đế Bảo Đại trong những tháng trước mắt về một quy chế mới nhằm cải biến chế độ bảo hộ sang quốc gia liên hiệp như thể chế Commonwealth, mà trong đó những địa vị quan trọng phải nằm trong tay người bản xứ.
“Những yêu sách của Phạm Quỳnh cứ là thiết lập một nền tự trị toàn diện cho Bắc Kỳ và Trung Kỳ, đồng thời chấm dứt chế độ thuộc địa Nam Kỳ, tiến tới việc hình thành một quốc gia Việt Nam.
“Tôi xin lưu ý quý ngài về sự kiện này, bề ngoài Phạm Quỳnh tuy nhã nhặn, hoà hoãn, nhưng ông ta là một phần tử bất khả phân trong chủ trương giành độc lập cho Việt Nam và chúng ta đừng mong làm gì với lòng ái quốc chí thành, bất di bất dịch nơi ông ta, dù qua việc chúng ta đã dành cho ông một chức vị tối danh dự đã có.
“Cho đến hiện thời, ông ta là một đối thủ thận trọng, chừng mực nhưng kiên quyết trước vấn đề bảo hộ của Pháp quốc, do đó Phạm Quỳnh sẽ có thể trở thành kẻ đối địch bất khả quy của chúng ta, nếu như một khi ông ta bị lôi cuốn bởi lời hứa hẹn của Nhật Bản cho một chủ thuyết Đại Đông Á.
“Tôi xin chờ chỉ thị của quý ngài…
Gặp hai con gái Phạm Quỳnh ở Pháp là Phạm Thị Ngoạn và Phạm Thị Hoàn, bà đã kể lại chuyện gặp nhà văn Sơn Tùng, được nghe ông nói về tình thân giữa Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh và Thượng Chi – Phạm Quỳnh và còn cẩn thận viết tay một bản xác nhận chuyện đó, không e ngại gì. Toàn văn bản viết tay như sau:
GHI LẠI TẶNG CHỊ PHẠM NGOẠN VÀ PHẠM HOÀN
Tôi là Lê Thị Kinh tức là Phan Thị Minh, trước khi đi qua Paris tôi có gặp ông Sơn Tùng là một nhà văn, nhà nghiên cứu lịch sử đồng thời là thương binh loại nặng (co rút cả hai tay) đã vui lòng kể cho tôi một số chuyện ông được nghe qua cụ Đào Nhật Vinh (tức Bùi Di, tức Bùi Lâm) ngày xưa đã gần gũi cụ Hồ thời kỳ cụ Hồ còn tên là Tất Thành đi làm trên tàu thủy (cùng đi với nhau từ Argentine đến Terre de feu, được Tất Thành dạy học chữ quốc ngữ). Sau ông này về làm adjudant ở bệnh viện Val de Grâce, hay đến 6 Villa des Gobelins gặp Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường (hai ông nghè ta và tây) và Nguyễn Ái Quốc…Ông Đào Nhật Vinh kể lại: lúc đó ông Chu Đình Xương và ông Lê Giản (bấy giờ là Tổng giám đốc Nha Công an Trung ương – PT ghi chú) đưa bản án đề nghị “xử tử Ngô Đình Diệm và Phạm Quỳnh” thì cụ Hồ đã bác(Chúng tôi nhấn mạnh – PT). Ông Vinh ỷ thế là chỗ thân tình đã chạy vào phản đối: “Anh nhân đạo kiểu gì vậy? Sao anh lại tha những tên có nợ máu với nhân dân và những tên đã chống phá cách mạng?”Cụ Hồ đã trả lời nghiêm nghị: “Đây là văn phòng Chủ tịch nước chớ không phải là sàn tàu đâu mà chú xồn xồn lên như vậy. Không thể đem chuyện cũ ra mà làm án mới, tôi quyết định như vậy là đúng…” (Chúng tôi nhấn mạnh – PT)
Sau khi ông Tôn Quang Phiệt từ Huế ra, vào gặp cụ Hồ và báo “Phạm Quỳnh đã bị xử mất rồi” thì cụ Hồ ngồi lặng người một lúc lâu rồi nói: “Giết một học giả như vậy thì nhân dân được gì? Cách mạng được lợi ích gì?…Tôi đã từng gặp cụ Phạm ở Pháp… đó không phải là người xấu!” (Chúng tôi nhấn mạnh – PT)
Tôi đi nghiên cứu ở Archives d’Outre Mer ở Aix-en-Provence có thấy được một số báo cáo của agents của mật thám Pháp báo là đầu tháng 5-1922 có một cuộc gặp của cụ Phan Châu Trinh với cụ Phạm Quỳnh và ông Nguyễn Văn Vĩnh mà nó không ghi được nội dung, chỉ nghe được ông Vĩnh kể lại nhưng chúng không tin và có tin hai người này (Phạm Quỳnh và Nguyễn Văn Vĩnh – PT ghi chú) có gặp ông Phan Văn Trường và Nguyễn Ái Quốc (Chúng tôi nhấn mạnh – PT) tại Paris hoặc ở Tours nhưng nó không ghi được nội dung. (Đó là năm 1922 khi hai người qua dự đấu xảo thuộc địa tại Marseille). Sau đó ông Nguyễn Văn Vĩnh ở lại mấy tháng, được ông Phan Văn Trường đưa đi Mayence, Berlin, Vienne rồi mới trở về Pháp và về Việt Nam.
Paris 20-1-1994
Phan Thị Minh
Người cuối cùng, chúng tôi biết ơn là Nhà văn Anh hùng Lao động Sơn Tùng. Biết nhà văn qua tư liệu của bà Phan Thị Minh và còn biết cả chuyện ông định công bố tư liệu động trời về việc Hồ Chủ tịch phản đối việc sát hại Phạm Quỳnh tại hội thảo về Phạm Quỳnh năm 1992 do Viện Văn Học dự định tổ chức tại Hà Nội, nhạc sĩ Phạm Tuyên và một người anh vợ, nguyên biên tập viên Nhà xuất bản Sự Thật, đã đến gặp. Nhưng không may, phải lúc nhà văn bệnh nặng, không tiếp được. Mãi sau này, đến năm 2008, nhà văn Sơn Tùng mới có sức khoẻ và có thời giờ viết hẳn 20 trang chép tay về “bậc danh nhân văn hoá” Thượng Chi – Phạm Quỳnh để “ký thác” cho nhạc sĩ Phạm Tuyên và đồng ý cho công bố trên Blog PhamTon.
Sau đó, chúng tôi đã chia làm bốn phần và tự đặt đầu đề để bạn đọc dễ theo dõi với lời dẫn và lời bình của chúng tôi. Bao gồm Phần I: “Bất tất nhiên”, Phần II: “Giết một học giả như vậy thì nhân dân ta được gì? Cách mạng được lợi ích gì? (…) đó không phải là người xấu!”, Phần III: “Lúc này còn cụ Phạm Quỳnh thì…”, Phần IV: Nguyễn Ái Quốc đích thân tổ chức “bữa cơm Bắc, thết khách Bắc”.
MẤY LỜI KÝ THÁC
Thân gửi: Nhạc sĩ Phạm Tuyên và gia đình kính quí.
Thưa Anh,
Đời cầm bút của tôi: viết báo, viết văn, chí thành với đề tài lịch sử và danh nhân Bác Hồ.
Sống trước viết.
Từ sau Cách mạng tháng 8-1945 đến năm 1970, tôi dấn thân trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cứu nước; xông pha khắp ba miền Bắc-Trung-Nam tìm tòi, tích lũy vốn sử liệu về các nhân vật lịch sử ,sự kiện, khảo sát, khảo chứng,… Năm 1971, tôi bị thương nặng trong trận giặc Mỹ đánh phá quyết liệt vùng hậu cứ miền Đông Nam Bộ. Sau gần một năm cáng thương qua Trường Sơn, tôi được về lại Thủ đô Hà Nội.
Chiến tranh có kết thúc. Vết thương chiến tranh trên cơ thể chỉ khép lại khi người mang vết thương ấy tắt nghỉ! Gần 40 năm qua, vừa vật lộn với vết thương mỗi khi tái phát hành hạ, vừa moi cái vốn tích lũy được mà viết, viết cho vơi bớt nỗi đau! Cho đến ngày hôm nay, tôi mới viết được trên 20 đầu sách, đã xuất bản. Bản thảo còn đang viết tiếp, vốn có rồi mà chưa viết được bao nhiêu; một số bậc danh nhân trong đó có danh nhân văn hóa Thượng Chi – Phạm Quỳnh đã chuẩn định mà chưa thực hiện được. Giờ đây, tôi đã ngoài tám mươi, liệu còn làm xong được những chuẩn định? Vì vậy tôi thành tâm chép lại những điều tôi sưu tầm được về mối thân tình giữa Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh với Thượng Chi – Phạm Quỳnh, xin trân trọng ký thác tới gia đình bậc danh nhân văn hóa Phạm Quỳnh.Ngày 27/3/2011, biết tin nhà văn không được khoẻ, bệnh mới trở nặng, nhạc sĩ Phạm Tuyên đã đến thăm. Bên giường bệnh, bà Mai vợ nhà văn cho biết ông vừa qua cơn bạo bệnh, nay đã tỉnh táo, nghe được mà chưa nói được, nhưng “tin là ông sẽ dần bình phục như đã từng vượt qua bao lần thập tử nhất sinh trong đời”.
Chúng tôi tin rằng vẫn còn nhiều Con Người nhân hậu, biết rõ về cuộc sống và cả cái chết “bí ẩn” của Thượng Chi – Phạm Quỳnh… Và mong rằng các vị có tấm lòng nhân hậu ấy có thêm chí dũng cảm như những vị trên đây, mạnh dạn nói ra điều mình biết rất rõ mà bao năm nay vẫn phải canh cánh giữ trong lòng, rấm rứt trong dạ, khi biết mà chưa nói ra để người hiền hàm oan hơn nửa thế kỷ. Nếu được như vậy thời sẽ làm sáng tỏ được mọi “uẩn khúc trong cuộc đời ông chủ báo Nam Phong” (Tên một bài viết của nhà văn Xuân Ba trên báo Tiền Phong năm 2005) trả lại cho ông đúng vị trí của mình trong lịch sử, đặc biệt là lịch sử văn học nước nhà, tránh cho thế hệ trẻ, tương lai của đất nước khỏi lầm lẫn và có thêm một tấm gương trung với nước, hiếu với dân ngời sáng để noi theo.
Con, cháu, chắt Thượng Chi – Phạm Quỳnh và tất cả những người dân Việt lương thiện, yêu nước thương nòi cũng sẽ biết ơn các vị đã có lòng nhân hậu, lại thêm cái chí dũng cảm dám nhìn thẳng vào sự thật, tôn trọng sự thật, dám bảo vệ sự thật lịch sử về Thượng Chi – Phạm Quỳnh. Đó cũng là một cách góp phần vào sự nghiệp xây dựng xã hội ta thành một xã hội dân chủ, công bằng và văn minh thật sự.
Thành phố Hồ Chí Minh, tháng 6/2011
(Bổ sung 26/2/2017)
P.T.
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét