Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Hai, 1 tháng 5, 2017

ASEAN họp về Biển Đông ‘bất lợi’ cho Việt Nam


ASEAN ảnhREUTERS
ASEAN có thể sẽ không muốn đề cập vấn đề Hoàng Sa của Việt Nam trong bản Quy tắc Ứng xử COC
Hội nghị thượng đỉnh khối ASEAN kết thúc với những diễn biến có lợi cho Trung Quốc, nhưng bất lợi cho Việt Nam, theo phân tích của một số báo quốc tế.
Thông cáo được đưa ra sau hội nghị hôm 30/4 tỏ ra "dễ dãi với Trung Quốc" sau khi không đề cập đến việc Bắc Kinh xây các đảo nhân tạo quân sự, theo Reuters.
Bản thông cáo chính thức đã bỏ đi dòng chữ "xâm chiếm đất đai và quân sự hóa" vốn được đề cập trong bản thông cáo năm ngoái và vốn có ghi trong bản dự thảo mà Reuters có được trước đó.

Trong bản thông cáo đề cập đến "phát triển sự hợp tác giữa ASEAN và Trung Quốc," nhưng không nhắc đến "căng thẳng" và "hành động leo thang" như trong bản thông cáo ra sau hội nghị năm ngoái.

'Không ai dám gây áp lực với Trung Quốc'

Sau khi Tòa Trọng tài Thường trực tại The Hague (PCA) hồi tháng Bảy năm ngoái phủ nhận yêu sách chủ quyền của Trung Quốc và ra phán quyết có lợi cho Philippines, Bắc Kinh đã tiến hành vận động hành lang với Manila.
Có vẻ như hành động của Trung Quốc đã đem lại kết quả.
Hôm 27/4, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, hiện đang là chủ tịch khối ASEAN, nói sẽ không có ích gì trong việc thảo luận về các hoạt động trên biển của Trung Quốc, "bởi vì dù sao cũng không ai dám gây áp lực với Bắc Kinh", Reuters tường thuật.
TQ 'hài lòng về dự thảo đầu Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông'
Trung Quốc đã cho phép tàu đánh cá của Philippines trở lại bãi cạn Scarborough sau bốn năm cản trở.
Mười nước trong khối vẫn chưa đạt được thỏa thuận chung trong việc đàm phán với Trung Quốc về vùng biển đang tranh chấp, nhất là khi gặp sự phản đối của Campuchia và Lào, vốn coi Trung Quốc là đối tác thương mại và kinh tế quan trọng.

'Việt Nam sẽ là bên thua thiệt nhất'?

Cuộc thương thảo giữa Trung Quốc và các nước trong khối ASEAN được các nhà phân tích cho là sẽ tạo tiền đề cho Quy tắc Ứng xử COC, dự kiến sẽ được ký trong năm nay hoặc 2018.
Người biểu tình phản đối
Người biểu tình phản đối Trung Quốc trước đại sứ quán Mỹ tại thủ đô Manila, Philippines  ảnhAFP
Trong bài viết đăng trên Forbes ngày 27/4, tác giả Ralph Jennings bình luận rằng nếu Việt Nam không đề cập đến Hoàng Sa trong Quy tắc COC thì điều này sẽ tạo điều kiện cho Trung Quốc bành trướng các đảo nhỏ này, nơi nước này đang xây dựng một thành phố và các dự án quân sự.
Nhưng nếu như Quy tắc COC này được ký kết, Việt Nam sẽ vẫn là kẻ thua cuộc lớn nhất, tác giả viết.
Phía Trung Quốc hẳn sẽ không muốn nhắc tới Hoàng Sa trong bộ quy tắc này, "bởi vì tôi nghĩ đối với Trung Quốc, Hoàng Sa là vấn đề song phương giữa nước này và Việt Nam," theo đánh giá của ông Collin Koh, nghiên cứu sinh an ninh hàng hải tại Đại học Công nghệ Nanyang tại Singapore.
"Một số nước trong ASEAN cũng sẽ không muốn Hoàng Sa ở trong bộ Quy tắc này, vì nó sẽ là một nhân tố phức tạp," ông Koh nói thêm.
Trung Quốc sẽ không để Việt Nam hay bất kì ai đưa tàu vào khu vực quần đảo Hoàng Sa và sẽ phản đối lại bất cứ quy tắc ứng xử nào đưa ra từ trong khu vực.
tổng thống Philippines
Bản thông cáo hội nghị được tổng thống Philippines đưa ra 12 tiếng sau khi hội nghị kết thúc.  ảnhEPA
Theo giáo sư Carl Thayer, chuyên gia quốc phòng Úc, thì "Điều tốt nhất Việt Nam có thể làm là gửi hồ sơ ra trọng tài quốc tế," như tòa án quốc tế tại The Hague, ông Thayer được Forbes dẫn lời.
Trung Quốc rồi cũng sẽ phải đối phó với áp lực từ Hoa Kỳ về việc nước này xâm chiếm vùng biển lãnh thổ trong khu vực Biển Đông trong một thập kỷ qua.
Nhưng hiện tại, Bắc Kinh vẫn dùng kế sách hỗ trợ kinh tế và đầu tư để "lấy lòng" như Brunei, Malaysia và Philippines.
BBC

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: