Hồi tôi còn nhỏ ở Thanh Hóa, cứ chủ nhật là nhóm đồng hương Thừa Thiên Huế lại tập trung, thường là ở nhà tôi, có lẽ là vì nhà tôi ổn định nhất, dù là ở cái nhà tập thể tranh tre nứa lá, và cũng có thể là do ba tôi là người nhiều tuổi nhất trong số anh em người Thừa Thiên ở đấy. Lúc này, khi tôi đã nhớ được, thì nhà tôi không còn ở thành phố nữa, mà sơ tán về mấy vùng nông thôn mà nhà máy của mẹ tôi chuyển đến để tránh bom. Thế mà đều như vắt chanh, cứ chủ nhật là các chú các cô lại đèo đẽo xe đạp đến. Có khi đến ăn bữa cơm xong là lại lên xe đạp về. Thậm chí có người xe đạp hỏng, đến muộn, cơm đã hết, tôi lại đi cán bột mì rán bánh ăn thay cơm.
Thường thì bao nhiêu người không cần biết, nhưng sẽ có một con gà hoặc ngan được thịt, chỉ một con thôi, công thức chế biến là “cổ cánh băm viên, gan lòng nấu miến, bốn chân nấu chè”. Tức chân cổ cánh sẽ nấu canh khoai tây, khoai lang hoặc dọc mùng, lòng nấu miến hoặc xào mướp, thịt luộc hoặc kho tùy lượng khách, nếu ít thì luộc, nhiều thì kho. Và hôm ấy mẹ tôi tháo khoán, được ăn cơm không độn.
Nhưng ăn là phụ. Việc chính là… hồi tưởng. Ba tôi và các chú ngồi kể lại chuyện quê hương. Trong nhóm Thừa Thiên ấy thì có tới 5 người cùng làng Thế Chí Tây với ba tôi. Đủ thứ chuyện về quê, về đặc sản (sau tôi biết các cụ cũng có phóng đại ít nhiều), nhưng vui nhất là phân công nhau chứng nhận cho các chú là… chưa vợ để lấy vợ. Sau năm 75 thì mới té ra là, cũng có vài chứng nhận… nhầm, chính xác là cố tình nhầm. Nói 2 năm, mà cả chục năm rồi, cứ mịt mù thế, người chứ có phải gỗ đá đâu, nên anh em tặc lưỡi chứng nhận cho nhau, sau 75 mới có khối chuyện dở khóc dở cười. Nhưng rồi, tất cả là do chiến tranh, mọi việc cũng êm xuôi hết…
Sau hồi tưởng là đến… hát. Chú Cử hát rất hay, toàn dạy tôi và em tôi hát ru. “Ru con con thét cho muồi/ để mẹ đi chợ mua vôi ăn trầu/ mua vôi chợ Quán chợ Cầu/ mua cau Nam Phổ mua trầu chợ Dinh”. Ba tôi cắt ngang: Con gái Nam Phổ ở lỗ leo cau. Rồi giải thích phương ngữ cho anh em tôi: Thét là ngủ, muồi là say, ở lỗ là ở truồng. Trèo cau mặc quần vướng, mà nhà lại nghèo, lỡ quần rách, thôi thì… cởi quách. Và cả vườn cau như thế chỉ leo lên một lần và xuống một lần, còn di chuyển từ cây này sang cây kia là bằng đường… ngọn cau. Tôi thuộc rất nhiều ca dao, dân ca Huế từ những ngày ấy, nên khi về Huế, học đại học, có món đi sưu tầm văn nghệ dân gian, tôi toàn chép theo trí nhớ của… ngày xưa, như “Núi Ngự Bình trước tròn sau méo, sông An Cựu nắng đục mưa trong”, như “Mạ ơi đừng đánh con đau, để con bắt ốc hái rau mẹ thời”…
Rồi ngồi ca ngợi “Thuốc Phong Lai khoai Thế Chí” trong lúc bao thuốc Sầm Sơn trên bàn cứ liên tục được rút… Sau về mới biết, thuốc Phong Lai nặng khé cổ, nhưng ở vùng đấy toàn dân hút thuốc, từ đàn ông tới đàn bà. Lịch sự thì cuộn lại rồi xắt nhỏ quấn giấy bổi, không thì cứ cả lá thế, làm một cuốn to như ngón chân cái, bập bập cả ngày. Người không quen rít một hơi là ngã bổ chửng rồi ôm ngực ho cả buổi, nhưng nghe nói hồi còn lính Mỹ đóng ở đấy, họ nhìn thấy dân hút thuốc kiểu cuộn ấy thì nể lắm, bảo nông dân ở đây toàn chơi… xì gà…
Kiến thức về quê nội của tôi được “trang bị” như thế. Cũng y như bây giờ, hễ có dịp là tôi lại… ký ức với các con tôi, đến nỗi có lần con gái lớn chả nói chả rằng, mua luôn mấy cặp vé: Cả nhà mình về quê cho ba khỏi… ký ức…
Một lần vào Sài Gòn, đang nghĩ làm sao cho hết ngày thì một cuộc điện thoại lạ gọi tới, giọng Huế: A lô, nghe nói anh đang ở Sài Gòn, mời anh cà phê được không? Lại là một nhóm Huế, cứ rỗi là lại tụ tập, chỉ để nghe nhau nói, để nói trạng với nhau, mà dạ mà thưa ngút ngàn như nỗi nhớ. Cuộc ấy sau khi ngồi cà phê với nhau thì tôi đã lênh đênh đến mấy nhà Huế nữa. Cái phong cách Huế trong từng ngôi nhà vẫn không thể lẫn, ấy là bàn thờ luôn trầm mặc khói hương, là phong thái đi lại nhẹ nhàng, là cái cách dạ thưa trong từng câu nói. Tôi để ý đến đôi dép xẹp đi trong nhà cũng… rất Huế. Nó nhẹ và mỏng và êm, không phát ra tiếng động khi đi. Ngăn nắp, nền nếp và mỏng, mỏng đến không nỡ nói to trong ngôi nhà ở giữa thành phố ồn ào nhất nước.
Tôi có một cô em ở Đăk Nông, cô này có một số phận cũng lạ.
Con cô ruột tôi, đến tuổi thì cũng lấy chồng. Chồng là một anh lính Việt Nam cộng hòa đến đóng trong làng. Đẻ 2 đứa con một trai một gái kháu khỉnh thì một đêm, anh này bị bắn chết. Góa chồng, một mình oằn lưng làm ăn kiếm tiền nuôi 2 đứa con trứng gà trứng vịt. Em tôi và 2 đứa con suốt ngày mặc cái quần cộc may bằng bao cát, thức ăn chủ yếu là khoai vùng cát bở ứ cổ với canh hến nấu rau lang mà nhà ai cũng phải cử người đi bắt. Giờ hến là đặc sản, rau lang cũng thế, thời ấy nhìn thấy hai món ấy là rùng mình. Cái nhà của ba mẹ con cũng… vĩ đại như chủ. Nó là bốn cây tre chôn xuống đất, rồi xung quanh cột tranh, trên nóc lợp tranh, nền toàn cát là cát. Chỉ duy nhất một cái giường cho ba mẹ con, phía trên gác một cây sào giăng đầy quần áo bằng bao cát…
Ba tôi có một ông bạn cùng quê, tên là Hoài, cùng tập kết ra Bắc, ít hơn ba tôi dăm tuổi, kêu ba tôi bằng anh và tôi kêu ông này bằng chú xưng cháu. Ông Hoài ngay sau năm 75 về quê thì nhà chả còn ai, có mỗi ông anh họ xa, còn lại thì đã mất sạch trong chiến tranh. Ông có tham gia làm việc cho xã, có lương hưu. Thế rồi chả biết từ lúc nào, ông chuyển sang gọi ba tôi là… cậu, và tất nhiên tôi lên hàng anh của ông. Tức là ông rổ rá cạp lại với cô em tôi.
Hai vợ chồng 1 suất lương hưu với 2 đứa con, khổ quá, ngày mai xa vời quá, tương lai mờ mịt quá, thế là Gia Nghĩa, Đăk Nông tiến.
Nhớ cái lần tôi đến Gia Nghĩa, đang dự chiêu đãi thì con của cô em ấy lái ô tô đến tận nhà hàng đợi đón bác. Ngoài hai đứa với người chồng trước, em tôi có thêm… 5 đứa với ông Hoài, tất cả đều đã lớn, nhà cửa đàng hoàng, phần lớn chúng cũng là chủ các cửa hàng, garage lớn… Cả 7 đứa cháu này, giờ mỗi đứa mỗi phận, mỗi gia đình riêng, có đứa đã có cháu nội, cô em tôi đã lên hàng bà cố, nhưng cuối mỗi ngày chúng vẫn thường tụ tập về nhà một đứa nào đó, rước mẹ đến, trước là mẹ vui, sau là các con các cháu vui. Thêm một chi tiết này để thấy chúng đã vươn lên từ khốn khó như thế nào. Cái đứa mà cả nhà chọn tụ tập lại đón tôi ấy, 12 tuổi đã phải đi buôn bán. Người nhỏ mà cái xe đạp chất hàng cồng kềnh, lút cả người, ngày nào cũng oằn mông đẩy xe như thế. Gặp chồng nó đi bán kem, tự làm kem đi bán dạo. 1000 đồng một cây nhưng nếu ai mua… 500 cũng bán. Nó lấy dao cắt đôi que kem, lấy báo gói đưa cho người mua, phần còn que bỏ lại vào thùng. Gặp nhau, lấy nhau, giờ nhà là cái garare to nhất thị xã Gia Nghĩa, ngoài garare còn kinh doanh ô tô và bỏ hàng thực phẩm…
Và, ở Gia Nghĩa ấy, tôi còn hàng chục đứa em như thế. Còn người Huế thì đông vô cùng, đến mức, khi ngồi ở cái nhà hàng mang tên Cao Nguyên, một nhà hàng to nhất nhì thị xã Gia Nghĩa, tôi tưởng mình đang ngồi ở… Huế…
Ở Pleiku, có môt hội đồng hương Thừa Thiên Huế hoạt động rất đều, có lệ phí, có các cuộc tổ chức gặp mặt hàng năm. Dưới hội, có các “làng” mà làng Vàng Kế Môn là một tiêu biểu. Cách sinh hoạt thì y như… ở làng. Cũng có cúng làng, có trai làng, có nghĩa vụ, có thưởng phạt, có thức đêm trực bàn thờ ngày cúng tổ, và đặc biệt là hiếu hỉ thì không thể không có sự tham gia rất tích cực theo phong cách làng của “làng”.
Nhớ có lần tôi chụp ảnh anh Hai Dũng, nguyên thường vụ tỉnh ủy, trưởng ban tổ chức tỉnh ủy Kon Tum khi anh đang ngồi ôm ghi ta hát bài “Ngày trở về” của Phạm Duy đăng trên phây búc với lời nhận xét: Đây là người từng rất quyền uy, nhưng cái cách ôm đàn và hát như thế này, tôi tin anh không thể làm điều gì ác, không thể làm gì xấu. Hai ngày sau thì có một cú điện thoại từ Sài Gòn của một cán bộ giảng dạy đại học Ngân hàng, tất nhiên là người Huế, bảo có người bạn anh ở Mỹ, đọc phây búc của tôi muốn xin điện thoại của anh Dũng vì thấy anh Dũng… dễ thương quá. Mà thú vị nhé, trưởng ban tổ chức tỉnh ủy hai tỉnh Tây Nguyên là Kon Tum và Đăk Lăk lại đều là người Huế.
Lại vẫn nhớ có lần ngồi với nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, ông bảo: Người Huế có gì đấy gần giống với người… Palestin, đi đâu thì đâu, làm gì thì làm, đều mang theo cốt cách Huế vào đời sống, và đều đau đáu trở về mỗi khi có dịp. Vì thế, tết là lúc hàng đoàn xe chở người Huế đi làm ăn xa, có khi đến mấy đời rồi, trở về…
(Báo Thừa Thiên Huế tết)
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét