Mạnh Tùng
VNExp - Bí thư Thành ủy TP HCM cho rằng, đại học đặc thù ngành nghệ thuật cần có quy chế riêng, không nhất thiết lãnh đạo phải có học vị tiến sĩ.
Sáng 28/2, làm việc với Đại học Sân khấu - Điện ảnh TP HCM (thuộc Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch), ông Đinh La Thăng đề nghị Đảng ủy trường làm việc với Bộ để kiện toàn bộ máy, tháo gỡ khó khăn nhân sự hiện nay.
Đề nghị này được đưa ra sau khi lãnh đạo trường cho biết nhiều đơn vị cấp phòng, khoa, trung tâm không có cấp phó hoặc cấp trưởng vì nhân sự còn thiếu. Theo quy định, trưởng khoa phải có trình độ tiến sĩ phù hợp với chuyên ngành. Đội ngũ giảng viên cơ hữu của trường là 55 người nhưng chỉ có 3 Phó giáo sư, 5 Tiến sĩ.
Theo Bí thư Thành ủy TP HCM, ngành nghệ thuật cũng cần tiến sĩ như các ngành khoa học. Nhưng đây là ngành đặc thù thì phải xin thí điểm những cơ chế riêng, không nhất thiết mỗi khoa phải có một nhân sự là tiến sĩ.
"Hát cải lương có nhất thiết phải là tiến sĩ không? Tôi chỉ thấy người ta giới thiệu Nghệ sĩ ưu tú, Nghệ sĩ nhân dân chứ có ai giới thiệu Tiến sĩ lên sân khấu hát Dạ cổ hoài lang đâu?", ông đặt vấn đề.
Xác định vai trò quan trọng của Đại học Sân khấu - Điện ảnh TP HCM trong việc cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành văn hóa, nghệ thuật của thành phố và cả nước, ông Thăng yêu cầu trường phải có chiến lược tạo ra những sản phẩm tiêu biểu khác biệt.
"Văn hóa nghệ thuật của thành phố phải mang đặc trưng của vùng đất phương Nam, hào sảng, nghĩa khí. Nếu chúng ta chỉ tập trung phát triển kinh tế mà quên văn hóa thì không còn lưu giữ giá trị của Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định nữa", ông Thăng nói.
Người đứng đầu Thành ủy TP HCM cũng khẳng định, trường đóng trên địa bàn tức là một thành viên của thành phố, cán bộ giảng viên của trường cũng là công dân của thành phố. Do đó, lãnh đạo trường phải phối hợp với thành phố, tạo điều kiện tốt nhất để tận dụng mọi nguồn lực tại đây.
Ông Thăng giao Đài Truyền hình TP HCM hỗ trợ xây dựng phim trường để trường này cùng sử dụng, khắc phục tình trạng dạy chay, học chay như hiện nay. Bù lại, trường cung cấp các sản phẩm sân khấu điện ảnh có chất lượng của sinh viên để phát trên sóng của đài.
Với một số môn nghệ thuật đặc thù như cải lương, hát bội... Bí thư TP HCM đề nghị thành phố có chính sách cấp học bổng, hỗ trợ sinh viên theo học.
"Thử hình dung khoảng 30 năm nữa mà không còn ai hát cải lương thì sẽ như thế nào?", ông nói, giọng trăn trở.
Trước đó, PGS.TS Vũ Ngọc Thanh (Hiệu trưởng trường) cho biết, Đại học Sân khấu - Điện ảnh TP HCM đang gặp nhiều khó khăn và thiếu thốn, nhất là trang thiết bị đào tạo nghệ thuật, phim trường, các phòng học chuyên dụng, phòng chiếu phim. Trường được nâng cấp từ cao đẳng lên đại học từ cuối năm 2009 và hiện có 109 viên chức, người lao động.
Đạo diễn Ca Lê Hồng thì nêu một thực trạng trường sân khấu ngày càng teo tóp, sinh viên đa phần học chay, chỉ đến năm cuối mới được leo lên sân khấu.
"Đặc trưng phía Nam là cải lương nhưng hiện khoa Cải lương đang gặp khó. Chúng tôi mong có một dự án đào tạo hoàn chỉnh, cải lương cho ra cải lương", bà Hồng đề nghị.
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét