地轉我越種居北方,歐洲境內無蒙騎樅橫千萬里;
Địa chuyển ngã Việt chủng cư Bắc phương, Âu châu cảnh nội vô Mông kỵ tung hoành thiên vạn lý;
(Đất Việt mà dời sang phương Bắc, cõi Âu châu đã không có kỵ binh Mông Cổ tung hoành vạn dặm)
天生此良材於宋室,中國史前免元朝都護一百年。
Thiên sinh thử lương tài ư Tống thất, Trung quốc sử tiền miễn Nguyên triều đô hộ nhất bách niên.
(Trời sinh tài lành này vào nhà Tống, lịch sử Trung Hoa trước đây đã khỏi phải quân Nguyên đô hộ cả trăm năm).
Địa chuyển ngã Việt chủng cư Bắc phương, Âu châu cảnh nội vô Mông kỵ tung hoành thiên vạn lý;
(Đất Việt mà dời sang phương Bắc, cõi Âu châu đã không có kỵ binh Mông Cổ tung hoành vạn dặm)
天生此良材於宋室,中國史前免元朝都護一百年。
Thiên sinh thử lương tài ư Tống thất, Trung quốc sử tiền miễn Nguyên triều đô hộ nhất bách niên.
(Trời sinh tài lành này vào nhà Tống, lịch sử Trung Hoa trước đây đã khỏi phải quân Nguyên đô hộ cả trăm năm).
Câu đối không nêu tên nhân vật, nhưng nghe qua ai cũng đoán được, chính là vịnh Trần Quốc Tuấn, tức Hưng Đạo đại vương. Theo đó mà suy thì dân tộc ta thật may mắn mới sản sinh được bậc thần tướng lỗi lạc dường ấy, nhưng ấy cũng là vận rủi cho đại vương vì phải thác sinh vào đất nước này; giá sinh ra ở Tây Tàu, hẳn công nghiệp ngài còn rạng rỡ không biết ngần nào. Thế kỷ XXI, Việt Nam chuẩn bị xuất khẩu… danh tướng rồi chăng?
Những lời ca ngợi Thánh Trần thật đã tràn lan xích đạo. Nếu ví Hưng Đạo vương như con rồng thần, thì mây vờn ngũ sắc huyền ảo che phủ mình rồng còn dày hơn cả vảy thực của rồng. 700 năm qua là hơn 30 thế hệ, hết lớp này đến lớp khác liên tục thay nhau vun đắp bát hương cho hình tượng Thánh Trần, mấy ai ngậm ngùi cùng bi kịch lớn của đời ông.
Xuôi theo dòng “lịch sử” Đại Việt, người ta thường lấy làm dễ chịu, vì được thỏa mãn tự ti: dân tộc ta tuy nhược tiểu nhưng được cái là cha ông vĩ đại mã thượng anh hùng. Tán dương ông bà tổ tiên là nguồn chủ đạo cho cảm hứng hoài niệm oai phong rần rật trong huyết quản cộng đồng, mà hình tượng Trần Quốc Tuấn là một minh chứng. Trong bài viết này, tôi thử lật ngược lại để đặt ra vài nghi vấn, xem thử “lịch sử” đã ngụy tạo cho nhân vật Trần Hưng Đạo đến mức nào. Và không viết thì thôi, đã viết là viết cho cạn ý mình nghĩ và suốt mắt mình nhìn, tôi sẽ không quanh co vị nể, hi hi!
Tài liệu tôi lấy làm căn cứ phân tích là Đại Việt sử ký toàn thư, vì nó là văn bản gốc, các “sách sử” khác đều là dựa theo Toàn thư mà tát nước theo mưa, thêu dệt thêm hoa lá cành[1] mà thôi.
I. Thân thế:
Đây là căn nguyên chính của bi kịch. Quốc Tuấn (1228-1300) là con Trần Liễu, Liễu là anh ruột của Trần Cảnh (tức Trần Thái tôn). Trần Thủ Độ lập mưu cho Trần Cảnh lấy Lý Chiêu Hoàng làm vợ để soán ngôi nhà Lý, năm ấy (1225), Cảnh chỉ mới 8 tuổi. 12 năm sau (1237), Trần Cảnh đã 20 vẫn không con, Thủ Độ lại cho Trần Cảnh lấy vợ của Trần Liễu là Thuận Thiên[2] lúc ấy đã có mang 3 tháng, “để làm chỗ dựa về sau” (Toàn thư).
Bị cướp vợ, Trần Liễu nổi giận dấy binh làm loạn, khiến nhà vua phải lo sợ kéo theo cung phi lên Yên Tử. Cuộc tạo phản thất bại, những người hùa theo đều bị giết, riêng Trần Liễu được vua đích thân đứng ra che chở.
Sử ghi: Trần Liễu ôm mối hờn mất vợ không nguôi,“cho nên tìm người tài giỏi khắp bốn phương để dạy cho Quốc Tuấn”, đây là một câu vu khoát viết khơi khơi, những “người tài giỏi” có thể đào tạo nên bậc đại anh hùng dường kia há phải vô danh, tại sao không liệt kê ra đặng? Huống chi, sau cuộc nổi loạn của cha, Quốc Tuấn khoảng 10 tuổi đã phải về ở với người cô là Thụy Bà công chúa. Trần Liễu khi ấy lo thân mình chưa xong, có thể lo đến việc dạy dỗ con sao? Và ai cả gan phò Liễu để dạy Tuấn nữa, khi trước đó đã có tấm gương bọn theo Liễu đều bị tru lục?
Có lẽ do ỷ mình là con bậc thân vương, có mẹ nuôi là công chúa; lại thêm tấm gương tiền nhân trước kia từng hiếp dâm được ngầm khích lệ[3], nên Quốc Tuấn buông tuồng tự tác, tư thông với công chúa Thiên Thành, ngang nhiên cướp vợ người.
Đó là việc xảy ra khi Quốc Tuấn đã ngoài 20. Nguyên vua có cô em ruột là Thiên Thành, cho ở trong dinh của Nhân Đạo vương. Rằm tháng Giêng Tân Hợi [Thiên Ứng Chính Bình] năm thứ 20 (1251), vua mở hội lớn bảy ngày đêm, định làm lễ cưới cho Thiên Thành với Trung Thành vương (con của Nhân Đạo vương – Toàn thư không ghi rõ họ tên hai cha con vị vương này). Quốc Tuấn bèn lẻn vào dinh chú rể, chui vô buồng cô dâu để động phòng. Đã đành đây là việc trai gái thuận tình, nhưng nếu thật lòng yêu, sao trước đó Quốc Tuấn không hỏi xin nàng, mà phải đợi trước ngày cưới mới bày trò trên bộc trong dâu, đến nỗi phải tốn của nhà vua 2.000 khoảnh ruộng ở phủ Ứng Thiên để bồi thường cho họ đàng trai?
Và Thiên Thành kia là ai? – Ông nội Quốc Tuấn là Trần Thừa có mấy người con là Thụy Bà (người nuôi Quốc Tuấn), Trần Liễu (thân sinh Quốc Tuấn), Trần Cảnh (Thái tôn), Trần Nhật Hiệu, Trần Bà Liệt, và Thiên Thành. Công chúa Thiên Thành đó chính là cô ruột của Hưng Đạo vương vậy. Về cuộc hôn nhân nội huyết này, sau này nhiều kẻ bao biện, bảo đó là lệ nhà Trần, nên Quốc Tuấn bị ép vào cuộc hôn nhân lạ lùng. Một vị nhân thần sự nghiệp lẫy lừng mà lại chịu “bị ép”, và ép phải lẻn vào nhà chú rể, leo lên giường cô ruột?
Mối hiềm khích giữa chi thứ của Quốc Tuấn với chi đích của vua Trần, dù ông đã được Thái tôn nhân nhượng cưới vợ cho, vẫn khó thể nguôi ngoai, và sẽ trở lại ám vào suốt cuộc đời Hưng Đạo vương.
II. Vai trò:
Năm 1257, một cánh quân lẻ của Mông Cổ do Ngột Lương Hợp Thai (Uriyangqadai) chỉ huy xâm nhập nước ta để tìm đường đánh thọc lên Quảng Tây của nhà Tống. Sự kiện này được sử Việt gọi là “Kháng Nguyên lần thứ I”[4].
Trong cuộc chiến đầu tiên với Mông Cổ này, không hề thấy Quốc Tuấn ló dạng, nhưng với ý định gò ép cho trọn vẹn chiến công để tuyên dương, người đời sau thường khiên cưỡng nói lấy được, gọi ông là “anh hùng của ba cuộc kháng chiến”[5]. Trong khiToàn thư chỉ ghi: “Đinh Tỵ, [Nguyên Phong] năm thứ 7 [1257] (…) Tháng 9, xuống chiếu, lệnh tả hữu tướng quân đem quân thủy bộ ra ngăn giữ biên giới, theo sự tiết chế của Quốc Tuấn”, xong là mất hút, không thấy ông xuất hiện nữa.
Rõ ràng trong đợt này, Quốc Tuấn chẳng hề đóng vai trò gì, Lê Tần mới là nhân vật chính với công hộ giá. Vậy mà Trần Trọng Kim vẫn cãi cố, ráng tưởng tượng thêm rằng khi đó Quốc Tuấn từng ra cản giặc và rút về cố thủ ở Sơn Tây[6]!
Thái tôn Trần Cảnh lúc bấy giờ không thể không nghi ngại ông cháu gọi mình bằng chú này, rất có thể y sẽ thừa cơ có giặc mà trở mặt làm phản. Nguyên do khiến vua nghi ngại là mới năm ngoái đây, em của Tuấn là Trần Doãn đã mưu đào thoát sang Tàu, Toàn thư ghi: “Bính Thìn, [Nguyên Phong] năm thứ 6 [1256] (…) Mùa thu, tháng 7, Vũ Thành vương Doãn đem cả nhà trốn sang nước Tống. Thổ quan Tư Minh là Hoàng Bính bắt lại đưa trả cho ta (Doãn là con Yên Sinh vương do Hiển Từ sinh. Yên Sinh có hiềm khích với vua, đến khi Hiển Từ mất, [Doãn] bị thất thế, nên trốn sang nước Tống). Vua thưởng vàng lụa cho Bính. Do đấy việc giữ phòng quan ải càng thêm nghiêm ngặt”[7]. Ông em vừa bị bắt về tội… vượt biên, thì ông anh bị cách ly điều tra là điều dễ hiểu.
Sau trận đụng độ làm tan tác cả kinh thành, Trần đã biết đá biết vàng, quay đầu thần phục nhà Nguyên, chịu xưng thần, dâng cống phẩm, và để Nguyên đặt một viên chức Toàn quyền xem việc cai trị trên đất nước “nhỏ bằng bàn tay” của mình (lời Trần Anh tôn sau này – Toàn thư, Bản kỷ). Suốt hơn phần tư thế kỷ, Trần chật vật tù túng dưới ách Nguyên triều, cuối cùng đã buộc lòng quyết để kháng.
Suốt thời gian này, trải mấy đời vua, Quốc Tuấn dần được “cất nhắc”, có lần Thánh tôn định phong cho ông chức Tư đồ, nhưng ông từ chối. Toàn thư:
“Trước kia, Thánh tông thân đi đánh giặc, Quang Khải theo hầu, ghế tể tướng bỏ không, vừa lúc có sứ phương Bắc đến. Thái tông gọi Hưng Đạo vương Quốc Tuấn tới bảo: Thượng tướng đi theo hầu vắng, trẫm định lấy khanh làm Tư đồ để tiếp sứ phương Bắc. Quốc Tuấn trả lời: Việc tiếp sứ giả, thần không dám từ chối, còn như phong thần làm Tư đồ thì thần không dám vâng chiếu. Huống chi Quan gia đi đánh giặc xa, Quang Khải theo hầu mà bệ hạ lại tự ý phong chức, thì tình nghĩa trên dưới, e có chỗ chưa ổn, sẽ không làm vui lòng Quan gia và Quang Khải. Đợi khi xa giá trở về, sẽ xin vâng mệnh cũng chưa muộn (Bản kỷ – Anh tôn).
Tư đồ thuở đó là chức quan trông coi việc giáo dục cho hoàng tử cùng con cái của các thân vương, cũng kiêm luôn việc ngoại giao tiếp sứ, và chức này thường được trao cho người làu thông kinh sử, Quốc Tuấn mà dám nhận mới là chuyện lạ lùng. Chẳng qua đó là khi anh em dòng vua đi vắng, họ e ở nhà có loạn từ trong nên mới ướm thử Tuấn mà thôi!
Hãy xem Quốc Tuấn “ngoại giao” thế nào: “Tân Tỵ, [Thiệu Bảo] năm thứ 3 [1281] (…) [Nhân tôn] Sai chú họ là Trần Di Ái (tức Trần Ải) và Lê Mục, Lê Tuân sang Nguyên. Nhà Nguyên lập Di Ái làm Lão hầu, cho Mục làm Hàn lâm học sĩ, Tuân làm Thượng thư, lại sai Sài Xuân [có sách gọi Sài Thung] đem 1.000 quân hộ tống về nước. Xuân ngạo mạn vô lễ, cưỡi ngựa đi thẳng vào cửa Dương Minh. Quân sĩ Thiên Trường ngăn lại, Xuân dùng roi ngựa quất họ bị thương ở đầu. Đến điện Tập Hiền, thấy chăng bày màn trướng, hắn mới chịu xuống ngựa. Vua sai Quang Khải đến sứ quán khoản tiếp. Xuân nằm khểnh không ra, Quang Khải vào hẳn trong phòng, hắn cũng không dậy tiếp. Hưng Đạo vương Quốc Tuấn nghe thấy thế, tâu xin đến sứ quán xem Xuân làm gì. Lúc ấy Quốc Tuấn đã gọt tóc, mặc áo vải. Đến sứ quán, ông đi thẳng vào trong phòng. Xuân đứng dậy vái chào mời ngồi. Mọi người đều kinh ngạc, có biết đâu gọt tóc, mặc áo vải là hình dạng nhà sư phương Bắc. Ông ngồi xuống pha trà, cùng uống với hắn. Người hầu của Xuân cầm cái tên đứng sau Quốc Tuấn, chọc vào đầu đến chảy máu, nhưng sắc mặt Quốc Tuấn vẫn không hề thay đổi. Khi trở về, Xuân ra cửa tiễn ông” (Toàn thư, Bản kỷ – Trần Nhân tôn). Thì ra chỉ là giả làm nhà sư để được sứ giặc tiếp kiến, chừng sứ Sài Xuân/ Thung phát giác sư giả thì Tuấn phải ôm đầu máu. Sài Thung vốn là Lễ bộ thượng thư của Nguyên triều, trong mắt y thì Quốc Tuấn lúc bấy giờ chẳng là gì, tuy nhiên việc cho người dùng vật nhọn chọc vào đầu Tuấn là có thể có, mà cũng có thể… không, chứ còn việc Quốc Tuấn ngồi yên chịu đòn mà vẫn trơ trơ rõ là chuyện bịa, mang hơi hướm tiểu thuyết Tàu. Và tuy Toàn thưkhông chép cụ thể, qua đó cũng có thể đoán ra cuộc tiếp sứ chẳng đạt được thành quả gì.
Ấy vậy mà cuối năm 1284, khi Thái tử Thoát Hoan dẫn quân sang đánh thì Nhân tôn lại phong cho Quốc Tuấn làm Quốc công Tiết chế thống lĩnh quân đội, chứ không giao chức ấy cho anh em ruột thân tín của mình, ấy là lẽ gì? Câu trả lời chính là: để ông phải giơ đầu chịu báng. Không phải ngẫu nhiên mà Nguyên sử không ghi thẳng tên Quốc Tuấn, mà chỉ ghi là “Hưng Đạo vương”, họ chép mấy đời vua Trần đều gọi bằng tên cộc lốc: Thái tôn là Quang Bính 光昺, Thánh tôn là Nhật Huyên 日烜, Nhân tôn là Nhật Tốn 日燇, Anh tôn là Nhật Sủy 日㷃, v.v…, mà lại kiêng tên kỵ húy ông tướng kia sao? Đây chính là nhà Trần muốn trút trách nhiệm chống cự thiên triều lên đầu ông, nên mới có sự ngược ngạo lạ đời đó.
Chức danh Tiết chế chỉ là hư danh, quyền chỉ huy tối cao vẫn trong tay Nhân tôn, Thượng hoàng và Quan gia cũng chỉ bàn việc binh với các anh em chú bác ruột Quang Khải, Nhật Duật… Cho nên mới có chuyện ông Tiết chế xin phép ông Thượng tướng thái sư (Quang Khải) chặn đánh cánh quân của Toa Đô ở Nghệ An. Vậy mà Thượng hoàng Thánh tôn vẫn còn nghi kỵ, vờ hỏi “Thế giặc [mạnh] như vậy, ta phải hàng thôi?” để dò tâm ý Quốc Tuấn.
Mối hiềm cũ giữa hai dòng anh em không chỉ gói gọn trong hoàng tộc, mà còn lan truyền ra ngoài. Khi hai vua chạy bán xới bỏ lại kinh thành cả ấn tín lẫn công chúa (An Tư), phải lênh đênh ra đến Quảng Ninh, Quốc công Tiết chế đến hộ giá: “Lúc ấy, xa giá nhà vua phiêu giạt, mà Quốc Tuấn vốn có kỳ tài, lại còn mối hiềm cũ của Yên Sinh vương, nên có nhiều người nghi ngại. Quốc Tuấn theo vua, tay cầm chiếc gậy có bịt sắt nhọn. Mọi người đều gườm mắt nhìn. Quốc Tuấn liền rút đầu sắt nhọn vứt đi, chỉ chống gậy không mà đi, còn nhiều việc đại loại như thế” (Toàn thư, Bản kỷ – Trần Nhân tôn).
Trách nhiệm của Quốc Tuấn chỉ là giơ đầu chịu báng gánh lấy trọng tội chống lại thiên triều. Nỗi ám ảnh ấy còn đeo đẳng ông mãi đến khi sắp mất: “Khi sắp mất, ông dặn con rằng: Ta chết thì phải hỏa táng, lấy vật tròn đựng xương, bí mật chôn trong vườn An Lạc, rồi san đất và trồng cây như cũ, để người đời không biết chỗ nào, lại phải [làm sao cho mau phục. Quốc Tuấn giữ Lạng Giang, người Nguyên hai lần vào cướp, ông liên tiếp đánh bại chúng, sợ sau này có thể xảy ra tai họa đào mả chăng. Ông lo nghĩ tới việc sau khi mất lại như thế đấy” (Toàn thư, Bản kỷ – Trần Anh tôn).
Lúc Quốc Tuấn mới cầm quân, có dân hai hương Ba Điểm và Bàng Hà hưởng ứng vâng lời tụ nghĩa theo về hăng hái lập công, sau vì túng thế họ phải ra hàng giặc. Chừng luận công định tội, cả hai hương đều bị xử lưu đày, trai trẻ thì làm lính hầu, gái bị bán làm nô tỳ. Ông tướng thống lĩnh quân đội nhân dân lại không bảo vệ được cho những người lính đầu tiên về dưới cờ mình; xem ra, những ai dính dáng đến cha con ông này đều xúi quẩy, khó bảo toàn tính mạng. Vậy nên chừng ông mang việc cướp ngôi và trả thù cha ra hỏi, bọn Yết Kiêu, Dã Tượng đều chối đây đẩy bàn ra[8].
Một đời Quốc Tuấn quả là bi kịch, luôn thấp thỏm lo lắng vì bị nghi kỵ, là kẻ “phản tặc tiềm năng” của Trần triều, nên chỉ có tước phong mà không được nhận chức quan nào. Giặc đến thì ra đứng mũi chịu sào chịu tiếng cầm đầu, lúc giặc tan ngoe nguẩy đít không, trở về ấp phong Vạn Kiếp. Sắp xuống lỗ thì lo bị đào mả phơi xương, chừng hiển thánh thì lại bị tên dâm thần Phạm Nhan dây máu ăn phần, khiến bậc Đại vương lại ra chuyên trị sản huyết cho đàn bà[9], thương ôi oan nghiệt!
III. Tác phẩm:
Theo các nhà sử học, tác phẩm của Trần Quốc Tuấn có:
– Dụ chư tỳ tướng hịch văn.
– Binh gia diệu lý yếu lược.
– Vạn Kiếp tông bí truyền thư.
– Dụ chư tỳ tướng hịch văn.
– Binh gia diệu lý yếu lược.
– Vạn Kiếp tông bí truyền thư.
Dụ chư tỳ tướng hịch văn:
Bài hịch này nguyên văn chữ Hán, có đưa vào sách giáo khoa môn ngữ văn, với tên thường gọi là Hịch tướng sĩ. Bản dịch đầu tiên là của Trần Trọng Kim[10]. Đây là lời Trần Quốc tuấn quở mắng bọn tỳ tướng trong đội thân binh của riêng mình. Và khi đổi tên nó ra “Hịch tướng sĩ”, người ta đã cố tình khoác cho nó tầm vóc rộng lớn hơn phạm vi ý nghĩa nó vốn có. Hưng Đạo vương chỉ có thực quyền trên cánh thân binh của mình; ngoài ra, với các cánh quân của các vương hầu khác, ông đều vâng lệnh Bí thư Quân ủy Trung ương Trần Nhân tôn điều động, nên không thể có việc ông ban “huấn thị” cho tướng sĩ cả nước.
Đọc thì thấy ông kể lể ơn đức với những kẻ làm công ăn lương cho mình: Các ngươi ở lâu dưới trướng, nắm giữ binh quyền, không có mặc thì ta cho áo; không có ăn thì ta cho cơm. Quan thấp thì ta thăng tước; lộc ít thì ta cấp lương. Đi thủy thì ta cho thuyền; đi bộ thì ta cho ngựa… (bản dịch Ngô Tất Tố).
Bài văn này lổn nhổn những điển tích, và dẫn chứng toàn lấy trong sử Tàu, nghi vấn đây là của một tay thầy Tàu nào đó thì phải lẽ hơn (thuở đó có không ít vong thần nhà Tống chạy sang An Nam đô hộ phủ); thật khó tin ông hoàng lêu lỗng Quốc Tuấn có thể viết nên nó. Nhất là không ai cổ vũ tỳ tướng đánh quân Nguyên mà lại lấy… tướng Mông làm gương cả (Cốt Đãi Ngột Lang là người thế nào? Xích Tu Tư tỳ tướng của ông lại là người thế nào? Vậy mà xông vào chốn lam chướng xa xôi muôn dặm đánh quỵ quân Nam Chiếu trong khoảng vài tuần, khiến cho quân trưởng người Thát đến nay còn lưu tiếng tốt – Ngô Tất Tố dịch), đọc câu này, người ta có thể ngờ rằng ngay chính Quốc Tuấn còn chẳng hề ghé mắt xem qua để thẩm tra bài hịch là đàng khác!
Binh thư yếu lược:
Đây là một quyển binh pháp, trong Dụ chư tỳ tướng hịch văn có nhắc: Nay ta chọn binh pháp các nhà, soạn thành một quyển, gọi là Binh thư yếu lược, tức đây là sách sưu tầm tổng hợp từ binh pháp của Tàu, nhưng sử gia Việt Nam với truyền thống nói vống lấy oai, thường bảo đây là sách “trứ tác”, tức do Quốc Tuấn tự nghĩ mà viết ra.
Sách này được cho là đã bị quân Minh cướp lấy mang về Tàu, và “thất truyền”. Sách dạy đánh giặc của vị thần tướng ba lần đại phá quân Nguyên, mà Tàu họ không thèm gìn giữ nghiên cứu, lại đốt bỏ hay sao mà bị thất truyền?
Khoảng năm 1969, có viên tướng phòng không của Tưởng Giới Thạch, là Mã Nguyên Lương chạy sang Việt Nam Cộng Hòa, để giúp Hộ pháp đạo Cao Đài Phạm Công Tắc ở Tây Ninh dịch kinh sách. Ông tướng Tàu này mang theo một quyển sách trời ơi đất hỡi mà ông ta bảo là “Binh thư yếu lược” của Trần Hưng Đạo. Bản dịch sách đó (có đính kèm cả“Hổ trướng khu cơ” của Đào Duy Từ) được nhà xuất bản Khai Trí (Sài Gòn) ấn hành.
Xin đặt thẳng câu hỏi luôn vầy: Đại Việt vào thế kỷ XIII có thể đủ trình để viết binh pháp hay không? Quân hồi vô phèng, mỗi vương hầu cầm một cánh quân gồm những trai tráng nông dân trong thái ấp của mình ra trận, và chiến thuật chủ yếu là bỏ chạy khi giặc đến, đánh vét đuôi khi giặc rút, đúng kiểu du kích, trên một địa hình sông nước bùn lầy, thì việc hội quân đã là khó, mong gì thao luyện mà nói chuyện binh pháp trăng sao?
Điểm lại từ xưa, ngoài Binh thư yếu lược (chỉ có cái tên), thì “binh pháp” Đại Việt vỏn vẹn hai quyển: Hổ trướng khu cơ do Đào Duy Từ (1572-1634) soạn;Kỷ sự tân biên của Thận Trai tiên sinh Lương Huy Bích, người đời Lê Mạt soạn vào năm 1869. Và cả hai đều là sưu tầm tuyển chọn rồi chép lại từ những binh pháp của Tàu, như: binh thư Tôn tử của Tôn Vũ, Ngô tử của Ngô Khởi, Lục thao, Tam lược, Tư Mã pháp, Uất Liệu tử, Vệ công binh pháp của Lý Tĩnh, Hồ kiềm kinh của Hứa Động, Kinh thể bát loại toàn biên của Trần Nhân Tích, Kỷ hiệu tân thư của Thích Kế Quang v.v… và phần dị đoan quỷ thần chiếm phần nội dung lớn các sách này.
Nói tóm lại, tới giữa thế kỷ XIX, mà “binh thư” Đại Việt vẫn toàn là chép lại từ sách Tàu, với đủ thứ cầu đảo lâm ly, vậy mà người ta lại cho rằng ở thế kỷ XIII, người mình đã có bộ binh thư trác tuyệt ư? Thiệt là huyễn tưởng mà, he he!
Vạn Kiếp tông bí truyền thư:
Theo Toàn thư thì Quốc Tuấn sưu tập binh pháp các nhà, làm thành Bát quái cửu cung đồ, đặt tên là Vạn Kiếp tông bí truyền thư. Cuốn này cũng chỉ còn lưu lại có “bài Tựa” của Trần Khánh Dư đề, xin chép ra đây:
Người giỏi cầm quân thì không cần bày trận, người giỏi bày trận thì không cần phải đánh, người giỏi đánh thì không thua, người khéo thua thì không chết (Hi hi, mấy ông tướng Trần thiệt là hài hước, khéo nói giỡn chơi!).
Ngày xưa Cao Dao làm sĩ sư mà không ai dám trái mệnh, đến Vũ vương, Thành vương nhà Chu làm tướng cho Văn vương, Vũ vương, ngầm lo sửa đức, để lật đổ nhà Thương mà dấy nên vương nghiệp, thế là người giỏi cầm quân thì không cần phải bày trận vậy. Vua Thuấn múa mộc và múa lông trĩ mà họ Hữu Miêu đến chầu, Tôn Vũ nước Ngô đem người đẹp trong cung thử tập trận mà phía tây phá nước Sở mạnh, phía bắc uy hiếp nước Tấn, nước Tần, nổi tiếng chư hầu, thế là người khéo bày trận không cần phải đánh vậy. Đến Mã Ngập nước Tấn theo bát trận đồ, đánh vận động hàng ngàn dặm, phá được Thụ Cơ Năng để thu phục Lương Châu, thế gọi là người đánh giỏi không bao giờ thua vậy.
Cho nên trận nghĩa là “trần”, là bày ra, là khéo léo. Ngày xưa, Hoàng Đế lập phép tỉnh điền để đặt binh chế. Gia Cát [Lượng] xếp đá sông làm bát trận đồ, Vệ công sửa lại làm thành Lục hoa trận. Hoàn Ôn lập ra Xà thế trận có vẽ các thế trận hay, trình bày thứ tự, rõ ràng, trở thành khuôn phép. Nhưng người đương thời ít ai hiểu được, thấy muôn đầu ngàn mối, cho là rối rắm, chưa từng biến đổi. Như Lý Thuyên có soạn những điều suy diễn của mình, những người đời sau cũng không hiểu ý nghĩa. Cho nên Quốc công ta mới hiệu đính, biên tập đồ pháp của các nhà, soạn thành một sách, tuy ghi cả những việc nhỏ nhặt, nhưng người dùng thì nên bỏ bớt chỗ rườm rà, tóm lược lấy chất thực (Sách viết rườm rà chi, rồi dặn người đọc tự ý lược bớt?)
[Sách] gồm đủ ngũ hành tương ứng, cửu cung suy nhau, phối hợp cương nhu, tuần hoàn chẵn lẻ. Không lẫn lộn âm với dương, thần với sát, phương với lợi, sao lành, hung thần ác tướng, tam cát ngũ hung đều rất rõ ràng, ngang với Tam Đại, trăm đánh trăm thắng. Cho nên, đương thời có thể phía bắc trấn ngự Hung Nô, phía nam uy hiếp Lâm Ấp. Rồi dùng sách này dạy bảo [con cháu] làm gia truyền, không tiết lộ ra ngoài. Lại có lời dặn rằng: Sau này, con cháu và bồi thần của ta, ai học được bí thuật này phải sáng suốt mà thi hành, bày xếp [thế trận]; không được ngu dốt mà trao chữ truyền lời. Nếu không thế thì mình chịu tai ương mà vạ lây đến con cháu. Thế gọi là tiết lộ thiên cơ đó (Toàn thư, Bản kỷ – Trần Anh tôn).
Vậy là đủ hiểu, ba mớ binh thư bí truyền này nếu thực có, thì hổ lốn linh tinh tý tèo đến độ nào, thiện tai thiện tai!
_______
_______
Chú thích:
[1] Đơn cử Nam hải dị nhơn của Phan Kế Bính chép về Trần Hưng Đạo:
Khi trước An sinh vương phu nhân, nằm mơ thấy một ông thần tinh vàng tướng ngọc tự xưng là Thanh Tiên đồng tử phụng mệnh Ngọc hoàng xuống xin đầu thai, nhân thế có mang. Đến lúc sinh ra vương, có hào quang sáng rực cả nhà và có mùi hương thơm ngào ngạt.
Vương khôi ngô kỳ vĩ, thông minh sớm lắm, lên 5, 6 tuổi đã biết làm thơ ngũ ngôn, và hay bày chơi đồ bát trận. Khi gần lớn, học rộng các sách, thông hết lục thao tam lược, có tài kiêm cả văn võ.
Đây là lối viết sử bắt chước tiểu thuyết diễn nghĩa của Tàu, nghĩa là rất tào lao và vô bổ, nếu không nói là có tác hại.
[2] Cuộc hôn nhân dây cà ra dây muống này lắm lằng nhằng, trở thành gương mẫu cho các cuộc hôn nhân nội huyết về sau của tôn thất nhà Trần. Nói “lằng nhằng” là bởi không chỉ rắc rối bên đàng trai, mà còn cù cưa cả bên đàng gái.
Nguyên Lý Huệ tôn, ông vua tuyệt tự của triều Lý, có hai cô con gái: chị là Thuận Thiên (1216), và em là Chiêu Hoàng (1218). Lý Chiêu Hoàng mới 6 tuổi thì được vua cha truyền ngôi cho. Điện tiền Chỉ huy sứ Trần Thủ Độ nhân đó mưu soán ngôi nhà Lý, bèn ép Chiêu Hoàng phải lấy Trần Cảnh; và vẫn chưa yên tâm, vì còn cô chị Thuận Thiên, Thủ Độ mới gả luôn cho Trần Liễu. Hai anh em họ Trần cưới hai chị em họ Lý, vậy là dứt hậu hoạn, không còn ai chen vô. Đến chừng Trần Cảnh rước bà bầu Thuận Thiên về, thì đó vừa là chị dâu vừa là chị vợ, chừng sinh con ra, trong nhà xưng hô lung tung kêu cha gọi chú lùng tùng xèng, thấy vui!
[3] Bính Thân, [Thiên Ứng Chính Bình] năm thứ 5[1236]… Bấy giờ Hiển Hoàng [Trần] Liễu làm tri Thánh Từ cung, nhân nước to, đi thuyền vào chầu, thấy người phi cũ của triều Lý liền cưỡng dâm ở cung Lệ Thiên. Đình thân hặc tấu, vì thế mới đổi tên cung Thưởng Xuân, giáng Hiển làm Hoài vương.
Vào chầu nhân tiện cưỡng dâm, mà vẫn được tước vương, hai chữ “Thưởng Xuân” cải tên rõ ràng là có ý lấy việc cưỡng dâm kia làm thích thú. Việc này xảy ra một năm trước khi Trần Liễu bị đoạt vợ, nên ai đó bảo hành vi kia của Trần Liễu là để trả thù việc bị cướp vợ là không đúng. Trần Liễu hiếp dâm là làm theo bản năng, không phải hành vi có chuẩn bị với ý đồ trả miếng.
[4] Lúc đó Mông Cổ chưa diệt Nam Tống để thành lập nhà Nguyên, nên phải gọi trận này là “Kháng Mông” mới đúng.
[5] Trang Wikipedia tiếng Việt nhận định về Trần Quốc Tuấn: Ông là một trong những người chỉ huy chính trong việc đẩy lùi ba lần cuộc xâm lược của quân Mông Cổ và về sau là quân Nguyên-Mông ở thế kỷ 13.
[6] Việt Nam sử lược – Trần Trọng Kim, quyển I, phần III, chương 6, tiết 11.
[7] Đại Việt sử ký Toàn thư, Bản kỷ – Trần Thái tôn.
[8] Toàn thư bênh vực bào chữa bằng cách nói trớ:Lúc sắp mất, Yên Sinh cầm tay Quốc Tuấn giối giăng rằng: “Con không vì cha lấy được thiên hạ, thì cha chết dưới suối vàng cũng không nhắm mắt được!” Quốc Tuấn ghi điều đó trong lòng, nhưng không cho là phải. “Không cho là phải”, mà lại để bụng đến nửa thế kỷ sau còn mang ra để hỏi dọ ý tùy tùng?
[9] Phụ lục Việt điện u linh tập, Lý Tế Xuyên – Lê Hữu Mục dịch: “Vương trị bệnh tà Phạm Nhan rất linh nghiệm”.
[10] Việt Nam sử lược – Trần Trọng Kim, 1917.
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét