Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Ba, 28 tháng 2, 2017

THƯƠNG NHỚ… VỈA HÈ



Mấy bữa nay trong nước đang xôn xao vụ… cái vỉa hè. Thực ra là phải làm thôi, làm để thay đổi dần. Dù có đánh trống bỏ dùi đi chăng nữa thì nó cũng tạo một đà nhất định, nhúc nhích được một chút nhất định. Cũng như cái đợt rầm rộ ra quân “lập lại trật tự an toàn giao thông”, dù sau này cũng xẹp, nhưng ra đường cũng đã thấy dân tình dừng đúng vạch hơn, biết phân biệt làn tuyến hơn chút ít. Hình ảnh để so sánh giữa một quốc gia tiên tiến và một quốc gia thuộc thế giới thứ ba hình như rõ nhất là cái vỉa hè. Nhìn vỉa hè là thoáng nhận ra Mỹ, Âu, Sing hay Việt, Campuchia… Nhưng hình như cũng chính vì lẽ đó, nó càng… khó cải tạo hơn. Bởi hình ảnh ấy, nếp sống ấy đã ăn sâu qua nhiều thế hệ. Chẳng phải vô cớ mà vỉa hè đã thành thành ngữ: Chuyện vỉa hè, thông tấn xã vỉa hè, dân vỉa hè… Vỉa hè không chỉ thuộc về dân nghèo mạt rệp mà còn thuộc cả giới tri thức đầy mình. Thậm chí vỉa hè còn là nơi… nổi loạn, cứ đọc ca dao vỉa hè, nghe chuyện tiếu lâm vỉa hè mà coi. Mình cũng là thằng… vua vỉa hè, đến độ bạn bè quen mặt, khi chiều chiều luôn… góp phần vi phạm trật tự an toàn giao thông bằng cách ngồi vỉa hè. Nhiều khi từ nhà chạy xe cả chục cây số, chỉ để lên ngồi vỉa hè 15 phút với bạn bè, thế là coi như… đi làm một ngày. Nơi cái vỉa hè mình ngồi ấy có quán cà phê thân yêu của hai vợ chồng một anh chị từ miền Trung nhập cư Sài Gòn. Anh chồng chạy xe thồ, dựng chống đứng cái xe trong bóng râm chờ khách. Chị vợ bán thuốc lá, sau dấn thêm bán cà phê. Ngày ngày hai vợ chồng chở thằng con bé xíu chạy xe mấy chục cây số từ một quận ngoại thành heo hút, lên trung tâm “tác nghiệp”. Những chuyến xe bắt đầu từ khi trời còn tối thẳm, với thằng con gà gật trên ghế trước, cùng đủ thứ đồ nghề lỉnh kỉnh của cả gia đình cho một ngày mưu sinh, học hành. Bất kể nắng mưa, bão bùng, cứ vậy đều đặn từ sáng đến khuya. Thằng bé lớn dần lên trên hè phố. Chiều chiều chạy giỡn trên vỉa hè, với dòng xe lao ầm ầm không cần biết đó là lòng đường hay lối đi bộ. Có lần thằng nhỏ bị một gã phóng xe máy tông lăn lông lốc trên vỉa hè. Hai vợ chồng mặt mày xám ngoét lao tới đỡ thằng nhỏ dậy. Chị vợ nhẹ nhàng, không sao đâu, trẻ nhỏ luôn có “bà đỡ”, nó sẽ ổn thôi mà. Giờ nếu giải quyết dứt điểm chuyện vỉa hè, anh chị cùng thằng bé sẽ về đâu? Làm gì? Và trên khắp các hè phố VN có hàng triệu những con người như thế. Và mình, thuở sinh viên, cũng đã lăn lóc hè phố bao ngày tháng. Nhớ những lần đi làm công trình thuở sinh viên, buổi trưa nằm trên hè phố, kê đầu lên bậc thềm một căn nhà đóng cửa bên hè phố để ngủ. Gối là bậc xi măng, nệm là nền gạch phố. Nhớ những bữa cơm bình dân bên hè phố, với giá bèo nhất có thể, một cái tủ đựng mấy món trắng trắng, vàng vàng, có trời biết nguồn gốc an toàn thực phẩm. Đang bưng dĩa cơn, cơn mưa rào ập tới, tấm bạt che trên đầu không đủ ngăn dòng nước. Và một câu thơ mình làm thuở ấy, được một bạn đọc facebook còn nhớ, nhắc lại trên chính trang này: Những đĩa cơm hè phố chan mưa. Và những trận nhậu thâu đêm. Và những khuya dật dờ quăng bóng mình trên hè phố, chẳng biết về đâu… Có làm kẻ nghèo, có là một thân phận nhập cư mới thấy yêu thương hè phố vô cùng. Hôm nay trên đất Mỹ, chiều chiều nhìn những hè đường dành cho người đi bộ, đạp xe, bình yên đến rưng lòng… sao vẫn cứ thương những hè phố ngày xưa của tuổi trẻ, của khó nghèo, thậm chí là của tuyệt vọng… Đã bao chiều rồi ta có bình yên hôm nay, nhờ hè phố xa xưa… Thương đến rưng lòng…

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: