Khi nghe lời bàn tán về một người mình không thích, chúng ta thường nghĩ "tôi đã biết tỏng lão ta là đồ dở hơi"; thế nhưng nếu chúng ta nghe cùng một lời đồn đại về bạn thân của mình, chúng ta sẽ tự nhủ "chỉ là tin đồn mà thôi". Nếu không tin tưởng chính phủ, bạn sẽ cho rằng việc thay đổi chính sách bộc lộ điểm yếu của họ, còn nếu tin tưởng một chính phủ, bạn sẽ cho rằng việc thay đổi chính sách cho thấy họ rất cầu thị. Điều này gọi là định kiến, và bạn có thể nhìn thấy nó ở khắp nơi.
Bạn cần nhận thức rõ về định kiến nếu muốn đưa ra những quyết định chính xác. Định kiến là có thể chấp nhận nếu chúng ta luôn luôn đúng.
Thế nhưng trên thực tế chúng ta lại thường phạm sai lầm và chỉ để ý tới những bằng chứng mang tính quyết định khi mọi việc đã quá trễ.
Muốn tránh đưa ra quyết định dựa trên định kiến, ta cần dựa trên nguyên nhân gây ra định kiến đó.
Có hai giả thuyết và một thử nghiệm từ các nhà nghiên cứu tại Đại học Princeton đã đặt hai giả thuyết này bên cạnh nhau để từ đó làm rõ cách để vượt qua định kiến.
Giả thuyết đầu tiên về định kiến là giả thuyết phổ biến nhất. Đó là loại định kiến mà bạn có thể phát hiện ra trong những biểu cảm như 'tôi muốn tin gì thì tin' hoặc 'biết ngay là anh ta sẽ nói như vậy', hoặc khi một ai đó bị phán xét chỉ vì cá tính, nghề nghiệp hoặc bè bạn của mình. Có thể tạm gọi đây là 'giả thuyết về động lực'.
Định kiến này có một thuốc chữa khá rõ ràng: hãy thay đổi động lực của người khác, và họ sẽ từ bỏ định kiến của mình.
Một giả thuyết khác về định kiến, đó là định kiến không chỉ hiện hữu bởi vì chúng ta chỉ tin những gì muốn tin, mà bởi vì chúng ta không có khả năng chất vấn những thông tin mới hoặc niềm tin của chính bản thân. Giả thuyết này không hoàn toàn dễ giải thích, bởi vì có hàng trăm lý do vì sao chúng ta lập luận sai - từ trí nhớ kém cho đến khả năng tư duy kém.
Một trong các khả năng là chúng ta thiếu khả năng tưởng tượng ra mọi thứ sẽ như thế nào nếu nó không giống với suy nghĩ ban đầu của mình.
Theo giả thuyết này thì một trong những cách để giải quyết định kiến là cho người ta một chiến lược để điều chỉnh suy nghĩ của mình.
Hầu hết trong chúng ta đều có động lực để tìm ra sự thật, chúng ta chỉ cần một công cụ tốt hơn. Có thể tạm gọi đây là 'giả thuyết về sự nhận biết'.
30 năm trước, Charles Lord và các đồng nghiệp đã đăng tải một thử nghiệm trong đó đặt hai giả thuyết này cạnh nhau. Nghiên cứu của họ đã sử dụng phương pháp thuyết phục, vốn đã giúp hiển thị một loại định kiến mà họ gọi là 'định kiến trong cách tiếp thu'.
Trong thử nghiệm này, những người tham gia chia ra làm hai loại: Một nhóm có cái nhìn ủng hộ và một nhóm phản đối bản án tử hình. Cả hai nhóm đều được cho xem các bằng chứng ủng hộ việc bãi bỏ bản án này. Tuỳ theo niềm tin trước đó của mỗi người, những bằng chứng này được thừa nhận hoặc phủ nhận.
Kết quả nghiên cứu cho thấy các bằng chứng không quan trọng bằng những gì người ta đã tin trước đó. Các bằng chứng chứng minh làm củng cố thêm góc nhìn của mỗi người, thế nhưng các bằng chứng phủ nhận cũng vậy. Những người chống bản án tử hình tiếp tục chống bản án này mạnh mẽ hơn ngay cả sau khi được xem những bằng chứng ủng hộ cho bản án tử hình.
Trong nghiên cứu tiếp theo, Lord và các đồng nghiệp đã làm lại thử nghiệm về định kiến trong cách tiếp thu thông tin, nhưng lần này họ sử dụng hai loại hướng dẫn đối với bằng chứng về tính hiệu quả của bản án tử hình trong việc phòng ngừa án mạng.
Một loại hướng dẫn yêu cầu người tham gia 'khách quan nhất có thể' và tự xem họ là 'thẩm phán hoặc thành viên bồi thẩm đoàn đang xem xét tất cả các bằng chứng một cách công bằng". Một hướng dẫn khác yêu cầu người tham gia "hãy tự hỏi mình rằng liệu bạn có đưa ra cùng một nhận xét nếu như nghiên cứu này mang lại cùng kết quả đối nghịch với nhận xét của bạn".
Ví dụ như khi được cho xem một nghiên cứu chỉ ra rằng bản án tử hình giúp làm giảm tỷ lệ gây án mạng, những người tham gia được yêu cầu phân tích phương pháp nghiên cứu và tưởng tượng khi kết quả hoàn toàn ngược lại.
Họ xem đây là chiến lược 'xem xét hướng ngược lại', và kết quả thật đáng kinh ngạc.
Khi được yêu cầu công bằng và khách quan, những người tham gia biểu hiện cùng một định kiến như trong thử nghiệm ban đầu.
Những người ủng hộ bản án tử hình cho rằng các bằng chứng ủng hộ bản án tử hình, trong khi những người chống bản án tử hình cho rằng bằng chứng chống lại án tử hình. Điều này cho thấy con người ta không thể nhận xét khách quan chỉ vì được yêu cầu làm vậy.
Thế nhưng phương án 'xem xét hướng ngược lại' đã giúp những người tham gia vượt qua định kiến trong tiếp thu thông tin - họ không muốn đánh giá nghiên cứu vốn đồng ý với quan điểm ban đầu của mình nhiều hơn nghiên cứu đi ngược lại quan điểm của mình, và không trở nên cực đoan hơn trong cái nhìn của mình bất kể được cho xem bằng chứng nào.
Kết quả này là tin tốt lành cho niềm tin vào nhân loại của chúng ta. Chúng ta không phải không muốn nhìn vào sự thật. Chúng ta chỉ cần một chiến lược để vượt qua tầm nhìn có hạn của bản thân.
Bài học trong việc đưa ra quyết định chính xác hơn khá rõ: chỉ cố gắng để công bằng và khách quan thôi không đủ. Cần có những phương pháp để cải thiện khả năng lý luận hạn chế trong mỗi chúng ta - và một trong những hạn chế lớn là chúng ta không phải ai cũng có khả năng tưởng tượng mọi thứ sẽ ra sao nếu không phải như mình nghĩ.
Nếu chúng ta may mắn, một ai khác sẽ chỉ ra cho mình hướng đi khác, thế nhưng bản thân chúng ta cũng có thể tận dụng chiến thuật 'xem xét hướng ngược lại'.
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét