Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Ba, 28 tháng 2, 2017

Nguyễn Đình Chính - Đi đâu sau Ngày Hoàng Đạo?



Bến Văn 
Ngược! Theo “Zê” (hay “Mi”), một nhà văn kiêm họa sỹ, một nghệ sỹ, trí thức con nhà nòi, một kẻ lãng du, không lúc nào chịu ở yên một chỗ. Từ chốn phồn hoa đô hội, gã bỏ lên mạn ngược. Đại ngàn man dại hoang sơ. Đi chán lại quay về. Lại chuẩn bị hành trang cho chuyến đi tiếp nữa. Những chuyến đi văng mạng, luôn sa vào những cuộc tình, những cuộc làm tình quái dị hệt như cái tính cách quậy phá đến lạ lùng của gã!
Online...Balô. Cuốn sách thứ 15 của Nguyễn Đình Chính, ra đời sau khi đã gây một cú sốc trong dư luận bằng cuốn tiểu thuyết ngót ngàn trang: Ngày Hoàng Đạo.Theo tác giả thì đây là một cách ông tự đánh bóng tên tuổi của mình nhưng bạn đọc không nghĩ thế, nhiều người cho đó là một sáng tạo mới, một thành công mới của nhà văn. Một nhà phê bình Mỹ còn xếp Online... Balô vào hàng tiểu thuyết Hậu hiện đại.
Khá nhiều câu hỏi được đặt ra xung quanh cuốn sách này. Sex? Marquez? “Zê” hay “Mi”? Ma ra tông hay “văng mạng”?
Còn tôi, tôi chỉ hỏi: Đi đâu?
- A lô Chính đây! Huệ nào nhỉ? Đức Huệ Website? À...Hí hí...cậu!
- Người đang ở đâu?
- Ở nhà thôi!
- Mai tôi đến nhá? Có chút việc...
- Định viết về ông Thi à?
- Không. Ông Thi là cái tủ kính rồi. Chúng mình chỉ thờ thôi. Tôi định...
Máy vụt tắt. Nửa giờ sau gọi lại cười hề hề, bảo hết pin. Hết pin kiểu Murakami hả? Hay đang phượt trên đường với gã “Zê” hay “Mi” nào đó?
Cười.
Mùa hè 2004. Trại sáng tác do Chi hội nhà văn Công an mở tại Hạ Long - Bãi Cháy, có khá nhiều nhà văn ngoại đạo tham gia. Một chàng trông rất ga lăng. Đầu húi cua. Cao lớn. Áo bò mốc phanh ra khoe bộ ngực nở nang trong chiếc sơ mi kẻ sọc. Trại trưởng Tôn Ái Nhân giới thiệu đó là Nguyễn Đình Chính, con trai bác Nguyễn Đình Thi. Thoạt nhìn cái vẻ ngang tàng quậy phá, hơi ngờ ngợ. Lúc anh ta cười mới thấy. Nụ cười rất tươi và sang. Cởi mở thân tình song vẫn có gì đó hơi kẻ cả. Giống ông Thi quá!
Nhưng khác hẳn ông bố đa tài, thủ lĩnh một Hội thời hoàng kim nhưng lúc nào cũng sống trong tâm trạng khắc khoải giằng co giữa sự ham hố quyền lực hưởng thụ và lòng khao khát tự do sáng tạo, Nguyễn Đình Chính dứt khoát hơn nhiều. Ngồi trò chuyện với anh trên chiếc tàu thăm vịnh, nghe anh tâm sự về gia cảnh, về cái được và cái chưa được của bố mình (chủ yếu trong sáng tác), tôi hiểu ra nhiều chuyện. Ông ấy sai ngay từ đầu - Chính nói - Không phải ông không biết. Ông biết hết. Nhưng cứ bị cuốn vào mọi thứ, không sao thoát được. Ông không đủ dũng cảm để thoát ra. Rồi lại tự dày vò mình. Mâu thuẫn!
Chính kể rằng vào năm 1982, nhà văn Nguyễn Đình Thi đã có ý định rũ bỏ tất cả để dồn sức vào viết bộ tiểu thuyết sử thi “Điện Biên Phủ” với một tầm nhìn mới. Ông đã viết được chương đầu tiên và kể cho anh nghe một cách rất hứng thú. Nhưng sau đó rất lâu không thấy ông nhắc đến nó nữa. Vì sao vậy? Rất đơn giản: Nửa năm sau, mùa xuân năm 1983, Đại hội nhà văn lần thứ III được tiến hành, ông lại trúng cử Tổng thư ký Hội. Thế là quẳng ráo “Điện Biên” vào ngăn kéo!
- Đó là món nợ ngàn thu của ông Thi. - Nguyễn Đình Chính nói - Đến chết ông vẫn không nguôi được.
- Thế hệ trước dở dang thì thế hệ sau tiếp tục, có sao đâu? - Tôi nói.
Nguyễn Đình Chính lắc đầu:
- Thế hệ sau có thể là ai đó. Nhưng tôi thì không. Cách đi của tôi khác hẳn.
- Nghĩa là Đuma con không thể giống Đuma cha?
- Mọi sự so sánh đều khập khiễng. Văn chương không như các loài cây trong một khu rừng mà có thể xếp bộ này với bộ kia, loài này hay loài khác. Văn chương phong phú hơn cả tự nhiên, phong phú hơn nhiều, ở chỗ nó liên tục sinh sôi nảy nở những loài, giống mới.
- Và không có một thứ khoa học nào có thể định vị, một thứ học thuyết nào có thể bao trùm, phải vậy không?
- Đúng vậy!
Câu chuyện tạm dừng ở đó. Tàu neo lại cho mọi người lên đảo thăm hang động. Tôi không đi vì đã đi quá nhiều rồi. Tôi đứng bên mũi tầu, nhìn theo Nguyễn Đình Chính cùng đám văn sĩ đi men theo sườn đá chênh vênh. Vóc dáng trẻ hơn nhiều so với tuổi. Bước đi rất tự tin. Nhưng... bên tai tôi chợt vang lên một giai điệu nhạc, không phải của Nguyễn Đình Thi mà là của Phạm Duy: “Kìa đoàn người đi miên man trên đường kia...”.
Đa số người viết cùng thời chúng tôi thường cho rằng sở dĩ cái tên Nguyễn Đình Chính nổi lên chẳng qua vì anh là con trai nhà văn Nguyễn Đình Thi, cũng như nhà thơ Trần Nhuận Minh là anh trai thần đồng Trần Đăng Khoa vậy. Một thói quen cố hữu, một thứ định kiến rất khó gột rửa trong nếp nghĩ của người Việt, hay nói rộng hơn là logic phương Đông. Nó như một thứ ám thị tập thể, có sức lan tỏa mạnh, khiến những người nằm trong “diện phủ sóng” này rất khó bứt ra để tự khẳng định mình, nếu như anh ta không tự mình tạo ra một “bước sóng” mới với tần suất mới.
Thực ra Chính khác ông Thi nhiều lắm. Y không phải là con người của những cuộc họp, của diễn đàn và tiếng vỗ tay. Càng không phải là người chuyên dụng bút theo người. Ngay từ thời trẻ trai, y đã có ý thức thoát ra khỏi mọi vòng cương tỏa. Ông Thi có thể khống chế ai chứ con trai mình thì chịu. Cần thiết y sẵn sàng ra khỏi cái nghiệp đoàn mà ông làm thủ lĩnh đâu cần núp bóng ai? Được cái Chính bông lông nhưng vô hại. Y chỉ muốn khẳng định mình bằng cách sống và cách viết hoàn toàn độc lập, không muốn tuân thủ theo hướng la bàn mà ông bố y đã định vị theo sự định vị của những người định vị trên ông. Tiểu thuyết Đêm Thánh nhân đánh dấu bước ngoặt này, nó gặp khá nhiều trắc trở trong lần xuất bản đầu tiên. Mặc dù lúc đó người ta đã hô hào “đổi mới tư duy” song đa số các nhà quản lý văn nghệ vẫn còn nhiều lấn cấn. Một dòng chảy có vẻ bất thường nếu không bị chặn đứng thì cũng phải uốn đi nắn lại nhiều phen mới cho tháo cống. Rút cục hai tập sách phải dồn làm một, nhân đó tác giả đổi tên luôn, Đêm thánh nhân thành Ngày hoàng đạo, nghe có vẻ sáng hơn nhưng không mấy gợi cảm. Tuy vậy khi ra đời, cuốn sách đã được công chúng đón nhận nồng nhiệt, được xếp vào tốp sách bán chạy nhất trong thời điểm đó. Việc thay áo chỉ làm khác đi chút ít bề ngoài, còn da thịt thì vẫn vậy. Chỉ cần nghe nói đó là câu chuyện về một bác sĩ giỏi bị kỉ luật Đảng, bị vợ bỏ phải rời thành phố đi lang thang kiếm sống mãi trên vùng núi cũng gây hấp dẫn bạn đọc rồi. Với người đọc khó tính hơn không bị lôi cuốn bởi cốt truyện ly kì thì tác giả chinh phục họ bằng những kiến giải thời cuộc với một cách nhìn khác lạ hoặc lách sâu ngòi bút vào góc khuất hồn người thông qua tâm trạng một trí thức trước những tình huống lạ lùng pha màu huyền ảo, hư hư thực thực
Có người cho rằng cuốn Ngày hoàng đạo hơi nặng nề, khó đọc. Có thể họ không quen với cách viết “khác đi” của tác giả chăng? Ấy là câu chữ đã được Biên tập viên gọt giũa nhiều rồi, để nguyên như bản thảo đầu tiên còn khó nữa. Về mặt này tôi lại rất đồng tình với Nguyễn Đình Chính: “Văn tiểu thuyết phải khác, nó không chỉ giải thích ý nghĩa, truyền tải thông tin mà phải truyền cho người đọc những cảm xúc trong câu chữ. Ban đầu tôi viết văn rất trong sáng, nên khi chuyển sang viết kiểu này, bố tôi (nhà thơ - nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi) rất phản đối vì lôi thôi quá. Nhưng sau này thì ông cũng bằng lòng, vì đó là cách của tôi. Khi đưa bản thảo Ngày hoàng đạo cho NXB, có biên tập viên đã đánh dấu phẩy cho tôi đến gần 200 trang, nhưng sau đó thì đầu hàng. Có thể ban đầu độc giả đọc tác phẩm của tôi có thể khó khăn, nhưng rồi cũng quen và sẽ thấy thích thôi.
Online...Balô có phần cuốn hút hơn. Theo tác giả thì nó như một hoài niệm của nhân vật tên Zê, nhớ về các mối tình trong hiện tại và quá khứ, đụng độ giữa lãng mạn và hiện thực, của tuổi già và tuổi trẻ, của non tơ và …“cáo già”. Cuộc sống cứ tiếp diễn, và những gì trong nội tâm nhân vật Zê được quán chiếu từ chính những người con gái đi qua đời Zê; từ người bạn thương binh của Zê với khao khát được sống, được yêu, được làm chồng, làm đàn ông; Giọng điệu tưng tửng, đôi khi nhấm nhẳng bất cẩn, lúc “trơ” lì nhưng khó giấu nổi sự yếu đuối và khao khát sống của một lớp người.
Riêng về yếu tố sex trong tác phẩm, dung lượng hơi nhiều nên có người cho rằng tác giả lạm dụng để câu khách. Giải thích về vấn đề này, Nguyễn Đình Chính nói: “Người phụ nữ Việt Nam thật đẹp thật buồn và cũng thật là bí ẩn. Họ có một happy endinh không? Tôi không tìm được câu trả lời. Còn nhớ năm 1987, trong chuyến đi Nga, trên đường phố Moskva, nữ sỹ Xuân Quỳnh nói với tôi: ‘Ông nên nhớ rằng phụ nữ chúng tôi là lửa, là nước và khói. Tốt nhất ông nên yêu họ chứ đừng gây sự đối đầu với họ”. Sống chung với lửa, nước và khói thì thật tuyệt vời nhưng cũng thật kinh khủng. Tôi mang mặc cảm đó vào sáng tác văn thơ của mình.”
Phá cách. Đơn tuyến. Đồng hiện. Nhanh mà không lướt. Chấm phá mà ấn tượng. Có phần dụng công tả Sex. Có phần trĩu nặng ưu tư. Nhưng sau hết, nó nắm bắt được cái thần của thời đại. Nó cô đặc. Một góc nhìn cơn bão. Không phải cơn bão mà là cơn lốc xoáy trong cơn bão. Ở đó tất cả những gì hiện diện trên mặt đất đều bị cuốn theo và đảo lộn theo vòng xoáy đa chiều của nó.
Có người cho rằng Online...Balô phần nào chịu ảnh hưởng G.G.Marquez trong thiên truyện Hồi ức về những cô gái điếm buồn của tôi. Có người chorằng cuốn sách viết một cách văng mạng. Tác giả nghĩ thế nào viết thế. Thấy gì viết nấy. Cần thiết bệ nguyên xi ngôn ngữ vỉa hè vào tác phẩm. Và người ta xếp nó vào cái gọi là Hậu hiện đại.
Còn tôi, tôi chỉ hỏi:- Đi đâu?
Nguyễn Đình Chính trả lời:
- Đi tìm cái đang tiếp diễn trong cuộc sống.
Tôi lại hỏi:
- Đi đâu?
Chính lại trả lời:
- Đi tìm sự đụng độ trong ý thức mỗi con người.
Lại hỏi:
- Đi Đâu?
Trả lời:
- Không đi đâu cả!
Hà Nội Canh Dần
B.V


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: