Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Chủ Nhật, 26 tháng 2, 2017

"GS" Vũ Khiêu: CẢM ƠN VI THÙY LINH - CON CHIM YẾN CỦA TÔI!!!


Giáo sư Vũ Khiêu:
Vi Thùy Linh - Một con chim yến
 
Chủ Nhật, 04/11/2012 12:49
(TT&VH) - LTS: Nhà thơ Vi Thùy Linh vừa ghi một dấu ấn trong 17 năm cầm bút của mình: Phát hành cùng lúc 2 tập sách ViLi & Paris (thơ), ViLi tùy bút (văn xuôi) vào đầu tháng 11 này. Ngày 16/11, chị sẽ họp báo ra mắt 2 tác phẩm này cùng đêm diễn Bay cùng ViLi (tối 1/12/2012 tại Nhà hát Lớn Hà Nội). 

Nhân dịp này TT&VH trân trọng giới thiệu bài viết của Giáo sư, Anh hùng Lao động Vũ Khiêu về cuốn văn xuôi đầu tiên của Vi Thùy Linh.

Nhà thơ Vi Thùy Linh bên giáo sư Vũ Khiêu

Tôi gọi Linh là một con chim yến. Như con chim yến trên bầu trời, vụt bay đến rồi lại vụt bay đi. Linh đến nhà tôi cũng thế, bỗng đến rồi bỗng đi, đi rồi lại đến... Qua đôi lần trò chuyện, Linh như hiểu tôi thêm và tôi cũng hiểu thêm về Linh. Linh quý tôi như ông và tôi cũng coi Linh là đứa cháu yêu thương, tin cậy. Bởi sự liên tài không lệ thuộc tuổi tác.

Giữa tôi và Linh có điểm giống nhau, song lại có nhiều điểm rất khác nhau thậm chí trái ngược nhau.

Khác nhau ở những điểm nào?

Tôi ra đời từ đầu thế kỷ 20, di sản của quá khứ từ xa xưa cho đến thế kỷ 19 còn đè nặng trong tôi. Ngược lại, Thùy Linh sinh vào cuối thế kỷ 20 và trưởng thành khi bước vào thế kỷ 21, trước một hiện tại đang biến đổi và một tương lai vô định đang chờ đón loài người.

Sự khác nhau giữa tôi và Thùy Linh thể hiện ở cung cách nhận thức và phản ánh hiện thực xã hội. Thùy Linh thì lúc nào cũng sôi nổi, bận rộn, vội vã, viết văn như suối chảy, sục sôi qua những thác ghềnh; còn tôi là một dòng sông trầm lặng đang đi về biển cả.

Thùy Linh lăn lộn xông xáo trong mọi hoàn cảnh sinh động của cuộc sống hàng ngày; còn tôi lại nhìn mọi sự vật đều là ảo ảnh, đều mong manh như giọt nước, như ánh chớp, nên sống thanh thản không có gì để mất, cũng không có gì đáng mong đợi từ cõi nhân thế này.

Còn giống nhau ở những điểm nào?

Trước hết, cả hai ông cháu đều dốc tâm huyết và dành thời gian để nghiên cứu và sáng tác phục vụ xã hội và con người.

Tôi chẳng khác một con tằm già đã suốt đời ăn lá dâu, mong trả lại cho đời những sợi tơ vàng. Nhiều khi chẳng còn tơ vàng nữa mà chỉ còn những sợi tơ đỏ đầy sắc huyết.

Còn Linh vẫn là một con yến. Con chim yến không chỉ bay lượn mà còn cật lực lao động bằng đem dãi huyết của chính mình về làm tổ yến, một món ăn, một dược liệu quý cho con người.

Một điều giống nhau nữa là tôi và Thùy Linh cùng quý trọng nền văn minh lâu đời của nước Pháp. Tôn vinh giá trị, phẩm chất và tài năng con người đã nổi bật lên trên đất Pháp từ thời Phục hưng. Cuộc cách mạng Tư sản dân quyền của Pháp năm 1789 đã đập tan chế độ phong kiến và tàn dư thời Trung cổ. Lá cờ bình đẳng, tự do, bác ái của cuộc cách mạng này đã tung bay khắp châu Âu và thức tỉnh nhân dân các nước vùng dậy.

Vi Thùy Linh qua ba lần đi Pháp, đã đem về những tình cảm tốt đẹp và trong sáng đối với xứ sở này. Còn tôi, lớn lên trong nhà trường của Pháp, học tiếng Pháp từ nhỏ, lại trải qua nhiều lần sang Pháp, làm quen và kết bạn với nhiều trí thức Pháp... Tuy nhiên, lòng tôi không hoàn toàn giống Thùy Linh. Thùy Linh thực lòng mến phục nền văn minh Pháp. Còn ở tôi, có hai nước Pháp: một nước Pháp với truyền thống văn minh mà tôi quý trọng và một nước Pháp của bọn thực dân tàn bạo mà tôi căm thù và quyết tâm chiến đấu để quét sạch bọn chúng.

Linh đã làm việc vất vả như con chim yến

Sự khác nhau và giống nhau nói trên không thể cản trở sự hiểu biết lẫn nhau giữa tôi và cháu Vi Thùy Linh. Nhất là từ hôm cháu đưa đến cho tôi bản thảo. ViLi tùy bút, cuốn văn xuôi đầu tiên của Linh. Con chim yến này ra sách vào mùa Thu mà không ra sách vào mùa Xuân, mùa Linh sinh ra, mùa của chim yến. Phải chăng đối với Linh và chim yến  thì cả bốn mùa đều là mùa Xuân cả. Mùa Xuân của lao động, sáng tạo và cống hiến. Chim yến (én), nhạn là chim báo hiệu mùa Xuân. Chim yến xuất hiện trên bầu trời, là sứ giả của mùa đầu, mùa mới, mùa sinh sôi, mùa yêu, mùa tương lai, cho con người ta hướng tới cái đẹp và khát vọng.

Cũng như Linh, yến hót, yến làm tổ, đều cật lực bằng tinh huyết của mình. Yến chỉ nhỉnh hơn chim sẻ, mà bay rất khỏe. Làm tổ bằng dãi có huyết, tổ yến (yến sào) có sợi hồng bám vào vách đá ngoài đảo. Yến bay 80 - 100km vào đất liền, tối mới quay về tổ. ViLi đã làm việc vất vả như con chim yến vậy. Nhiều lúc nhìn cháu gầy rộc, xanh xao sau mỗi lần xong một tác phẩm, tôi thật xót thương và trân trọng.

Và ViLi tùy bút 

Nhận được bản thảo cuốn ViLi tùy bút dày 270 trang, tôi đã thức trắng mấy đêm để đọc. Càng đọc càng rõ sự gợi cảm, cuốn hút và xúc động. Qua không gian rộng biên độ của 44 tác phẩm, tôi thấy tác giả đã dành nhiều công phu từ sưu tầm tài liệu đến lao động bản thảo, cách dàn dựng và cấu trúc tác phẩm.

Thơ hay văn xuôi của Vi Thùy Linh đều bộc lộ một tiềm lực tươi trẻ. Với trí tưởng tượng phong phú lại lãng mạn, nhiệt tình và yêu sự sống, Linh đã gom vốn sống, trải nghiệm, chiết xuất những trang văn đẹp, thực sự cuốn hút và cảm động. 

Văn thế nào, người thế ấy. Văn Vi Thùy Linh tình cảm tràn đầy. ViLi là bút danh của Vi Thùy Linh. ViLi đưa ra một thi pháp mới cho thể loại tùy bút. 

Văn liệu, sử liệu cùng lối quan sát nhạy cảm, tinh tế, hóm hỉnh dường như đã được Vi Thùy Linh chuẩn bị từ những năm làm thơ. 

Vi Thùy Linh đã khiêm tốn khi cho mình theo chủ nghĩa duy mỹ. Cây bút trí tuệ của Linh đã viết ra nhiều ý hay và lời đẹp. Thơ và văn xuôi của Linh đều bộc lộ một tiềm lực dồi dào mỹ cảm. Tuy nhiên, không thể coi văn Linh là chủ nghĩa duy mỹ. “Mỹ” của Linh là “mỹ” trong một khối toàn diện, bao gồm cả chân thiện mỹ. Mỹ ở Linh gắn liền với khối óc sáng suốt (chân) với một trái tim bao la và nồng nhiệt (thiện). 

ViLi tùy bút đã khiến tôi thực sự xúc động. Nói về những con người mà ViLi quý trọng, về những địa danh mà ViLi đã đi qua, lời văn thật gợi cảm và nhận thức khá tinh vi. Đầu tháng 11 này, Linh tặng tôi tập văn xuôi ViLi tùy bút được in sang trọng và rất đẹp. Tôi xem lại những trang viết nay đã thành những trang sách tím mà mừng cho tác giả.  

Người đọc sẽ cùng đồng cảm trước những ý tưởng phong phú, lãng mạn, những tâm huyết, khát vọng của tác giả qua lời văn hồn nhiên, chân thành, bút pháp khá chín muồi, kỳ công trau chuốt tiếng Việt. Đây chính là đặc trưng của phong cách Vi Thùy Linh trong cả thơ và văn. 

Khi ViLi viết về bà nội mình và ông nội mình, tôi đã khó giữ được nước mắt. Vì tôi nhớ đến chính bà nội và ông nội tôi, những người đã để lại trong lòng tôi những ấn tượng không bao giờ phai lạt và những nỗi xót thương vô hạn. 

Tôi cảm ơn ViLi và tin rằng sẽ có nhiều và rất nhiều độc giả cùng có những cảm xúc như tôi. 


GS VŨ KHIÊU

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: